8. Dự kiến cấu trúc luận văn
2.2.1.1. Quan niệm của Ma Văn Kháng về nghệ thuật viết
Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống, đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp nhận liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ” [19;303]. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với những tác phẩm tự sự khác. Hình hài truyện ngắn hiện đại hiện nay như chúng ta thấy là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại.
Nếu tiểu thuyết là một dòng sông vĩ đại thì truyện ngắn là một lát cắt. Nguyễn Minh Châu cho rằng: Truyện ngắn như mặt cắt giữa một than cây cổ thụ: chỉ cần liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc. Khác với tiểu thuyết chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Truyên ngắn cũng ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Và nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là mảnh nhỏ của thế giới ấy. Truyện ngắn thường không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng thái tồn tại của con người. Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế. Kết cấu được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp tường thuật thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.
Đa số các nhà văn khi mới bắt đầu với nghề văn thường thử sức với truyện ngắn, đây cũng là thể loại mang lại thành công cho nhiều nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Tô Hoài, Bùi Hiển…
Trong văn nghiệp của Ma Văn Kháng, truyện ngắn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Truyện ngắn đã đem lại vinh quang cho nhà văn ngay từ buổi đầu khởi nghiệp. Truyện ngắn Xa Phủ đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi viết truyện ngắn năm 1967 - 1968 của tuần báo Văn nghệ, tập truyện
Trăng soi sân nhỏ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1995 và giải thưởng Đông Nam Á 1998, truyện San Cha Chải được giải Cây bút vàng của Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam 1996 - 1998.
Không chỉ thành công ở đề tài miền núi, Ma Văn Kháng còn thành công ở đề tài thành thị. Các tập truyện ngắn Ngày đẹp trời (1986), Trái chín mùa thu (1988), Heo may gió lộng (1990), Trăng soi sân nhỏ (1995)…đã thể hiện những giá trị nhân sinh sâu sắc và những trăn trở đầy trách nhiệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Thành công ở thể loại truyện ngắn là kết quả của những tìm tòi, kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc về thể loại của nhà văn Ma Văn Kháng.
Thể loại là một vấn đề mà Ma Văn Kháng rất quan tâm. Không chỉ có cách phân định rất nghệ sĩ về thể loại: nếu tiểu thuyết là một cô gái đẹp lộng lẫy thuần thục thì thể tài này (truyện ngắn) là cô thiếu nữ có cái duyên thầm, cái duyên bẩm sinh. Nhà văn còn đưa ra những suy nghĩ đáng quý về truyện ngắn, đặc biệt là suy nghĩ về chính quá trình sáng tác và về tác phẩm của mình.
Bàn về truyện ngắn, Ma Văn Kháng coi truyện ngắn là nơi trường văn trận bút để thử tài, là thứ nhập môn, là cửa lớn để đi vào làng văn. Truyện ngắn theo ông là một thể loại khó, khó vì ngắn mà lại phải có cái duyên thầm lặn vào trong chữ nghĩa, cách kể, giọng kể. Cái duyên là cái thầm lặng tinh tế ẩn đằng sau chữ nghĩa. Ông quan niệm: “Truyện ngắn không phải là truyện
vừa, không phải là tiểu thuyết, trước hết là do độ ngắn của trang chữ” [44; 205], Qua những tiểu luận và bút ký, Ma Văn Kháng thể hiện sự am hiểu của ông ở các yếu tố mang tính đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Ông đúc rút: “Với truyện ngắn cái giọng kể là yếu tố hàng đầu”, “trong một truyện ngắn có ba điểm mạnh nhà văn cần lưu tâm. Đó là nhan đề truyện, những đoạn luận giải và cái kết thúc” [44; 60].
Những truyện ngắn của Ma Văn Kháng phản ánh những vấn đề mới của thời đại nhưng lối viết thì dường như nhà văn vẫn trung thành với lối viết cổ điển. Tự nhận xét về mình, ông viết: “Tạng tôi là tạng truyện thế sự nhưng đậm đà chất trữ tình. Chỉ những nội dung nào có cơ hội để tôi bộc lộ xúc động, tốt nhất là thấp thoáng chút tâm linh sâu kín, có điều kiện để đi vào ngóc ngách tâm tình con người thì tôi mới có cảm hứng sáng tác” [44; 207]. Trong bài viết “Tôi viết truyện ngắn”, in trên tạp chí Hồng Lĩnh số 39, ông bộc bạch: “Tôi tựu trung vẫn là một người thích và viết truyện ngắn theo lối cổ điển, vẫn thủy chung một cách khó hiểu với những câu chuyện được viết theo lối truyền thống xưa cũ”. “Lối truyền thống xưa cũ” quả thực được áp dụng trong đa phần truyện ngắn ông đã viết. Lối truyền thống xưa cũ có lẽ được biểu đạt trước hết ở đặc điểm hình thức như cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, giọng điệu, tình tiết…
Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học, thuộc các loại tự sự và kịch” [19; 85]. Cốt truyện có hai chức năng cơ bản: một mặt nó là phương diện bộc lộ tính cách, mặt khác nó có chức năng bộc lộ các mâu thuẫn đời sống, tức là xung đột.
Ma Văn Kháng cho rằng: “Cốt truyện luôn được coi trọng, tối thiểu nó cũng phải là cái cớ, là yếu tố hấp dẫn và khai triển ý đồ. Những cốt truyện
không phải nghe được ở đâu đó và hình thành ngay lập tức” [44; 208]. Ma Văn Kháng khẳng định: “Với tôi, theo thói quen đã trở thành thông lệ, trước hết hiển nhiên là phải có được một cốt truyện. một cốt truyện phải được hình thành như sau: đã có một cái gì đó xảy ra trong cuộc sống của tôi (hoặc được chứng kiến, hoặc nghe kể lại) cái đó được trí tưởng tượng dắt dìu, biến hóa trở thành hoàn thiện tức trỏ thành một cái gì đó có thể kể lại được”[49]. Vì lẽ đó truyện ngắn Ma Văn Kháng, dù kể cả những truyện viết về miền rừng núi biên ải mịt mờ bạo liệt hay truyện viết về cái bình thường ta vẫn gặp ở đâu đó hằng ngày xung quanh ta nơi phố phường, đô thị chật hẹp, đông đúc …vẫn rất gần gũi với người đọc. Và nữa, nó không quá khó hiểu.
Nói như thế không có nghĩa cốt truyện của Ma Văn Kháng không có sức hấp dẫn. Nếu không có sức hấp dẫn khó có thể tồn tại một Ma Văn Kháng với vị trí hôm nay trong làng văn học đương đại. Đối với truyện ngắn thì một trong những vấn đề cốt tử, quyết định sự thành bại truyện ngắn đó chính là cốt truyện hấp dẫn, Ma Văn Kháng luôn ý thức được điều đó, nên ông không bao giờ để truyện ngắn của mình dàn trải, thiếu điểm nhấn. Không có điểm nhấn ở bất kì chi tiết, sự kiện nào sẽ không có khả năng đọng lại trong trí nhớ người đọc. Vì vậy trong ý thức sáng tạo của mình, Ma Văn Kháng đặc biệt chú trọng đến cái “trọng điểm” của truyện, việc xác định sẽ đặt “trọng điểm” đó tại vị trí, thời điểm nào sẽ gây nên những ấn tượng, xúc động đồng nhất trong nhận thức của độc giả đó là điều không dễ dàng. Ma Văn Kháng cho rằng để có: “Một cốt truyện hay vừa có sức hấp dẫn của tích truyện, vừa có sự thâm thúy về ý nghĩa thì đó phải là một cốt truyện miêu tả một khoảnh khắc nhưng nói cái thế sự đang hiện diện lẫn cái bất biến lâu dài của đời người. Nó vừa là nó, vừa có ý nghĩa như một ẩn dụ nghệ thuật, giàu tính biểu trưng, gợi mở” [44; 212-213].
truyện ngắn của mình là cốt truyện và nó cũng giúp ta căn cứ xác định một trong những đặc điểm khi đánh giá hình thức văn xuôi Ma Văn Kháng. Nhà văn cũng cho rằng: “Truyện ngắn phải có cái gì hơi bay bay một tý, không nên mơ màng quá, mà trần trụi quá cũng không ổn. Tôi thích những truyện có cốt truyện thực sự lại phải có một cái bóng đằng sau giúp người đọc liên tưởng sang nhiều truyện khác” [49]. Vì lẽ đó truyện ngắn Ma Văn Kháng khiến người đọc khó mà quên được.
Truyện ngắn Một chiều giông gió là một câu chuyện như thế. Đó là câu chuyện về Tua và những người thanh niên trẻ chưa vợ, không tình yêu, sống khắc khổ ở một cung đường miền Trung nắng gió. Vào một chiều giông gió, người phụ nữ xinh đẹp - Nguyệt - xuất hiện đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống của những người đàn ông nơi đây. Cô gái đó là ai, từ đâu đến và đi đâu trong chiều giông gió mịt mờ? Không ai biết, kể cả người kể chuyện. Cốt truyện đơn giản, bình thường mà không mòn cũ. Cũng không có gì đặc biệt. Nhưng cái điều đằng sau cơn vần vũ của vũ trụ đó là sự mất mát mà Tua cảm nhận được. Câu chuyện làm người ta băn khoăn về cái gọi là niềm vui sống, niềm hạnh phúc vì được chia sẻ, giúp đỡ của con người, về khát vọng được bao bọc, chở che con người, về nỗi khổ đau khi mất đi tình yêu và cái đẹp. Quả thực những truyện ngắn của Ma Văn Kháng thường có cốt truyện thú vị, vừa hấp dẫn, vừa có độ thâm thúy, giàu tính biểu tượng, gợi mở tạo nên biên độ rộng cho đọc cảm nghĩ và rung động.
Suy nghĩ về truyện ngắn, về cách viết truyện ngắn, Ma Văn Kháng còn đặc biệt chú trọng đến tình tiết, chi tiết truyện. Truyện ngắn là một lát cắt của đời sống. Tuy nhiên, để lựa chọn được khoảnh khắc có khả năng bao chứa được toàn bộ chi tiết, tình tiết và để có thể phân tích được truyện thì đòi hỏi nhà văn phải có năng lực tư duy tìm kiếm, nắm bắt các chi tiết nghệ thuật, tìm ra trong đó những chi tiết có sức gợi lớn, có ý nghĩa trong cả thiên truyện. Về
phương diện này, Ma Văn Kháng quan niệm: “Một cốt truyện còn bao gồm cả một hệ thống ăm ắp các tình tiết, các chi tiết quán triệt ý nghĩa chủ đề, và với tôi thì đây là điều hết sức quan trọng: Nếu không có các tình tiết, chi tiết này thì về căn bản không hình thành được truyện ngắn” [44; 212].
Là một nhà văn chuyên nghiệp, Ma Văn Kháng luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe trong quá trình sáng tác của mình, những suy nghĩ trăn trở và tự ý thức của nhà văn cho thấy sức lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông. Nhà văn cho rằng: “Những truyện ngắn hay không loại trừ khả năng mang yếu tố lạ trong cốt truyện và đặc biệt là trong chi tiết. Tôi rất chú trọng mặt này. Nếu nói lại những điều người ta nói rồi, kể rồi, tả rồi thì trước hết là lười biếng, cẩu thả sau nữa là vô lương” [66; 565].
Nhà văn cũng cho rằng truyện ngắn muốn tạo được ấn tượng, có được những cái mấu mắc vào lòng bạn đọc, ngoài chi tiết đặc sắc còn cần có những điểm nhấn. Ma Văn Kháng rất thích miêu tả những cảnh trí, không gian và quan tâm đến tính triết luận của truyện ngắn. Ông cho rằng: “Điều kiện sinh tử cho một truyện ngắn hay nói bí quyết của nó mà tôi luôn cố gắng thực hiện chính là ở chỗ: Phải có được những yếu tố nghệ thuật gây được ảnh hưởng lâu bền khi bạn đọc rời trang sách. Vâng, một truyện ngắn còn ngân nga, còn lưu giũ ảnh hình, còn dư vang, đồng thời cũng là một truyện ngắn duyên dáng mang cá tính riêng, thể hiện sức sáng tạo riêng, là dấu ấn để phân biệt anh với tác giả khác”. Chính vì vậy mà trong các truyện ngắn của ông, người đọc luôn bị ám ảnh một yếu tố nào đó.
Khi viết truyện ngắn Ngày chủ nhật mưa ngâu, tác giả chú ý miêu tả không gian mưa mang đầy sức gợi “mưa không chỉ là phông màn bối cảnh. Mưa còn là một yếu tố nghệ thuật tham gia trực tiếp vào sự giãi bày của chủ đề… mưa trở thành nhạc điệu, không khí, thành một ám ảnh tê tái với nỗi tang thương và tôi tin chắc hiệu quả nghệ thuật sẽ rất kém cỏi nếu đặt nó vào một ngày nắng ráo” [44;217].
Cũng vậy, trong Một chiều giông gió, theo tác giả, truyện sẽ rất tẻ nhạt nếu thiếu đi khung cảnh mịt mờ gió bụi như chính cuộc đời nhân vật, “sẽ hết sức cằn cỗi nếu thiếu đi cái khung cảnh tráng lệ và hoang dại của cơn dông chiều với tiếng sấm sét rung trời đất…rồi cuối cùng là một con bướm vàng từ một cõi hoàn vũ nào đó tới, đậu trên những bộ quần áo căng trên dây phơi của đám thợ thuyền trai trẻ lam lũ trong lao động khổ sai, đánh thức ở họ cái bản năng, phong cách của con người” [66; 567].
Các chi tiết ngoại cảnh và khung cảnh thiên nhiên góp phần rất lớn tạo nên sự hấp dẫn và chứa đựng đầy những dụng ý của nhà văn. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến những chia sẻ của nhà văn trong việc xây dựng nhân vật.
Mỗi nhà văn đều có một cách riêng để xây dựng lên hình tượng nhân vật có sức chói sáng trong tác phẩm của mình, Ma Văn Kháng xây dựng nhân vật theo nguyên tắc: “Số phận bất kỳ một nhân vật nào, dù có rắc rối đến đâu cũng được thu vào và chói sáng ở một giây phút nhất định, ở giây phút ấy nhân vật phát hiện ra mình là ai, và tôi cố gắng diễn tả thật kỹ lưỡng cái giây phút hệ trọng ấy của mỗi nhân vật trong truyện [66;568].
Chính quan niệm về nghệ thuật xây dựng nhân vật như trên mà ở Ma Văn Kháng, ông đặc biệt chú trọng đến những phút lóe sáng trong tâm thức, những phút giây ấy gợi mở cho nhà văn biết bao điều mà ông gọi đó bằng cái tên trìu mến phút giây huyền diệu. Có thể nói, từ phút giây ấy nhân vật của ông ra đời và hoàn thành sứ mệnh của nó.
Trong đời viết văn của mình, Ma Văn Kháng đã cho thấy vấn đề ông quan tâm nhất chính là sự phản ánh về số phận con người với những biến cố, thay đổi theo chiều hướng tích cực, những nhân vật của ông dù sống trong những trạng huống tình cảm nào cũng đều ánh lên khát vọng tìm về cái thiện.
Ma Văn Kháng ý thức rằng: “Ở một truyện ngắn bao giờ cũng có một điểm rơi của trọng lực người viết cần có ý thức về điểm rơi đó để viết cho
hay, để ngòi bút phải thăng hoa, xuất thần” [66; 568]. Với Ma Văn Kháng, điểm rơi trọng lực là một nốt nhấn đậm đặc nhất của tác phẩm, tập trung rõ nhất hình tượng nhân vật cũng như tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. “Điểm rơi” cũng biểu đạt giây phút thực sự thăng hoa của người nghệ sĩ sáng tạo ngôn từ, tạo nên ấn tượng sâu sắc với người đọc. Ông minh chứng: “Ở truyện
Nợ đời, tôi tập trung bút lực miêu tả người phụ nữ trong thao tác cởi xiêm áo hiến mình cho quyền lực để cứu chồng và nghệ thuật của anh”[44; 219].