8. Dự kiến cấu trúc luận văn
1.2.1. Sự hình thành nhà văn
Sáng tác văn học là quá trình tiếp nối giữa nhà văn, tác phẩm và người đọc. Với tư cách là chủ thể thẩm mỹ, nhà văn có vai trò vô cùng quan trọng,
là yếu tố trung tâm của quá trình sáng tạo. Lý luận văn học hiện đại nhìn nhận nhà văn không chỉ là một yếu tố của quá trình sáng tạo trong tương quan với tác phẩm văn học và người đọc mà còn nhìn nhà văn trong tương quan với đời sống xã hội, với trách nhiệm của con người xã hội với tất cả những phẩm chất, sứ mệnh và trách nhiệm đối với cuộc đời.
Từ xa xưa, ông cha ta đã luôn đề vị trí của nhà văn trong quá trình sáng tạo. Cao Bá Quát cho rằng: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao” (Trích bài viết trang cuối bài thơ “Rừng chuối” - Cao Chu Thần thi tập). Cái quyết định chất và văn bao giờ cũng thuộc về chủ thể sáng tạo. Nói cách khác văn tức là người, văn thâm hậu thì con người của nó trầm và tĩnh, văn ôn nhu thì con người của nó đạm và giản, văn hùng hồn thì con người của nó cương và nhanh, văn uyên sâu thì con người của nó thuần túy mà đúng đắn.
Nhà văn còn có sự ảnh hưởng đến tiến trình văn học. Sự chuyển biến trong ý thức của người cầm bút là góp phần vào sự chuyển biến của văn học. Rõ ràng từ xưa đến nay không ai phủ nhận vai trò của nhà văn, nhưng nhà văn, anh là ai và từ đâu đến vẫn là câu hỏi còn nhiều băn khoăn, bí ẩn.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Nhà thơ/văn là người chuyên sáng tác thơ/văn, có tài năng có tác phẩm có giá trị được thừa nhận. Trong các tiểu luận của mình, Ma Văn Kháng cho rằng nhà văn là người sáng tạo ra cái mới, cái chưa có trước đó, có thể sánh với Hóa Công, Tạo hóa, Ông Trời. Ông Trời - nhà văn ấy, trước hết phải có cái tài của một bậc thầy xuất chúng về nghề nghiệp, một đại sư trên lãnh địa ngôn ngữ nghệ thuật của thể loại mà mình sở trường, “nhà văn, kẻ sáng tạo cái chưa hề có trong hiện thực”, “anh ta là một đấng tự hữu, đấng hữu hằng” [38].
Ma Văn Kháng đến với làng văn như một ngẫu hứng bất ngờ cùng những yếu tố từ tiền định. Cuộc gặp gỡ lớn của ông với “mảnh đất vàng” Lao
Cai là sự run rủi của số phận đã gắn kết ông với nghiệp cầm bút. Đó cũng là cách mà nhiều nhà văn, nhà thơ đến với văn chương, Phạm Tiến Duật từng tâm sự: rất có thể là từ một cơn ngẫu hứng tài tình của non sông đất nước mà trên thế gian này đã có mặt bọn nhà văn, nhà thơ chúng ta đấy. Làm nhà văn, nhà thơ là một công việc tự thân, không ai phân công hoặc bó buộc mà anh tự định đoạt lấy con đường đi và số phận của mình.
Phác thảo sự hình thành những kiểu nhà văn thuộc thế hệ 3X, 4X, nhà văn Ma Văn Kháng đã khái quát nên quá trình hình thành nhà văn mà ông gọi là “vài ba cái bí quyết” cung cách đào tạo bồi dưỡng để có được một nhà văn. -Thứ nhất, theo ông, chúng ta phải tạo điều kiện để họ trọng thị triệt để sự sống thực tiễn. Sống rồi mới viết! sống, trải nghiệm là tiền đề của sự viết. Không có đời sống thật thì không có văn chương.
-Thứ hai, các nhà văn phải được hưởng thụ một nền học vấn cao, một nền học vấn ở bậc đại học, trong đó, nhất thiết phải là hoàn chỉnh toàn bộ hiểu biết của bộ môn Văn khoa với thiết chế đầy đủ nhất ở các trường đại học, theo một quy cách trường ốc thật sự nghiêm ngặt -Thứ ba, nhà văn cho rằng, viết tác phẩm không chỉ bằng chất liệu,
bằng cảm hứng mà còn bằng các hiểu biết về nghề nữa, nhà văn phải biết tiếp nhận bài học từ thực tiễn sáng tác của lớp nhà văn đi trước trong và ngoài nước.
Bằng những hiểu biết về nghề và bằng thực tiễn đời văn của mình, Ma Văn Kháng đã cho thấy quá trình hình thành một nhà văn. Tuy nhiên, ông cũng chỉ coi đây là “lộ trình phù trợ”, là một bước lần mò để tìm ra quy luật chung nhất. bởi còn những chi phối của ngẫu nhiên, cá biệt, bởi năng khiếu thiên bẩm và nhiều yếu tố khác góp phần phù trợ… Cho nên toàn bộ bí quyết để có được một nhà văn, một nghệ sĩ đích thực, đó là một ẩn số không thể giải trình bằng tư duy luận lý tam đoạn luận và nó phải là công việc tận hiến của chính mỗi nhà văn, mỗi nghệ sĩ. Nhà văn là nghề tự đào tạo.