Trải nghiệm từ thực tiễn sáng tác truyện ngắn

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 64)

8. Dự kiến cấu trúc luận văn

2.2.1.2.Trải nghiệm từ thực tiễn sáng tác truyện ngắn

Trên cơ sở những nhận thức và trải nghiệm về thể loại truyện ngắn, Ma Văn Kháng vận dụng vào trong các sáng tác của mình. Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của ông đó là truyện San Cha chải, truyện ngắn được viết ra từ sự phát động của một cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài an ninh, đoạt giải Cây bút vàng do Bộ Công an và Hội nhà văn chủ trì và phát động. Trong bài bút ký của mình, nhà văn đã có những chia sẻ thú vị xung quanh chuyên bếp núc văn chương khi sáng tác truyện ngắn này.

San Cha Chải ra đời là sự ngẫu nhiên, bởi thoạt đầu Ma Văn Kháng không có ý định viết truyện tham gia cuộc thi. “Ngẫu nhiên, ngẫu nhiên và ngẫu nhiên là cái quy luật lớn nhất chi phối đời một con người. Sáng tác văn học cũng vậy”. Những yếu tố ngẫu nhiên đôi khi là đã có trong tiền định, nhà văn cũng tự nhận rằng đây là một ngẫu nhiên may mắn đối với ông.

Sự ngẫu nhiên này đã đánh thức ký ức của nhà văn. Chủ đề được xác lập là chủ đề về an ninh. Lật giở trong kho tư liệu và vốn sống của bản thân để tìm tư liệu.Và cốt truyện được hình thành. Từ một câu chuyện mà nhà văn đã được nghe hồi công tác ở Lao Cai, Ma Văn Kháng đã tìm thấy động lực và nguồn cảm hứng để viết truyện ngắn San Cha Chải. Nội dung câu chuyện khá đơn giản “hồi kháng chiến chống pháp, có một anh du kích Mèo nhận nhiệm vụ áp tải một tên trùm phỉ xã bắt được ra huyện; dọc đường, tên trùm phỉ tỉ tê trò chuyện, khơi gợi tình cảm dân tộc, anh mủi lòng, nên lúc sau đang đi gặp con suối mát, anh đã cởi trói cho nó tắm rồi sau đó giao súng cho nó giữ hộ để mình xuống tắm. Kết quả là tên trùm phỉ cầm súng bắn anh du kích, may mà không trúng, rồi ù té chạy, trốn vào rừng” [44; 223].

Một cốt truyện đơn giản nhưng có sức chứa rộng, đáp ứng được nhiều yêu cầu cần có ở một truyện ngắn hay. Thứ nhât là có tình huống, một tình huống có kịch tính, thậm chí ly kì, một yêu cầu gắt gao của truyện ngắn. Thứ hai là nó có nhân vật; và nhân vật có điều kiện bộc lộ, phát triển tính cách. Thứ ba nó có khả năng ôm chứa, chuyển tải nhiều ý tưởng thú vị. Và thứ tư nữa là nó có một không gian thiên nhiên đẹp, có thể thỏa thích vẫy vùng ngòi bút.

Những yếu tố cần đã có nhưng chưa đủ. Từ chất liệu đến lúc có đủ cảm hứng và tự tin để bắt tay vào viết còn là một chặng đường gian nan tìm tòi. Cảm hứng chi phối rất lớn đến quá trình sáng tạo tác phẩm, nó chi phối toàn bộ tư tưởng của nhà văn và tham gia vào quá trình xây dựng các tình tiết, góp phần quy định giọng điệu. Và hình thức nghệ thuật quan trọng nhất đối với Ma Văn Kháng, quyết định sự thành bại của truyện chính là “cái hơi văn, cái giọng điệu, cái cách để câu chuyện tự kể; cái nhạc điệu cất lên ở những câu mở đầu và thấm nhuần trong toàn bộ bài văn” [44; 224].

Tìm cái chất giọng cho tác phẩm là điều rất quan trọng, đôi khi, nội dung đã cuẩn bị xong nhưng chưa tìm được chất giọng thích hợp nhất để thể

hiện mội dung thì nhà văn khó mà bắt tay vào viết được. “Ai dính vào cái nghề bút mực rồi, hiển nhiên là hiểu cái ý nghĩa lớn lao quyết định cho sự sáng tác này… viết thế nào, bằng cái giọng nào, là một vấn đề nghề nghiệp” [44; 53]. Với trường hợp của truyện San Cha Chải, Ma Văn Kháng một lần nữa nói đến sự tình cờ, ngẫu nhiên may mắn của mình khi tìm giọng điệu cho truyện: “May mắn, lại một tình cờ ngẫu nhiên nữa đến với tôi. Vô tình, giở tờ

Văn nghệ dân tộc và miền núi, phụ san của tuần báo Văn nghệ thời gian ấy, tôi thấy bài của nhà văn lý Biên Cương với giới thiệu một bài thơ hay anh mới phát hiện khi tình cờ đọc thấy trên tờ báo tường của một đơn vị trên Điện Biên Phủ, lúc anh qua đây… bài thơ đã cho tôi một giọng kể, cái bí kíp của truyện ngắn, cái giọng kể hồn nhiên chất phác, giàu bản sắc dân gian” [44; 224]. Với lối xưng hô mình mình ta ta thân thiết suồng sã, hơi xưa cũ với giọng kể nhởn nha, đậm chất dân ca là cái giọng vàng của truyện ngắn này, nó hoàn toàn thích hợp cho nội dung câu chuyện. Giọng điệu này kéo dài từ đầu tác phẩm cho đến dòng cuối cùng.

Như vậy, có thể nói rằng, đối với truyện ngắn giọng điệu chiếm vị trí quan trọng chi phối lối kể và sự phát triển của truyện. Nhà văn tìm được cho mình một giọng điệu kể phù hợp sẽ góp phần làm cho truyện ngắn của mình có sức hấp dẫn riêng, lôi cuốn người đọc theo mạch kể của câu chuyện

Truyện ngắn là thể loại yêu cầu phải có độ đậm đặc cao và có tính tập trung triệt để của các chi tiết. Viết truyện ngắn rất tốn chi tiết nên khi viết truyện San Cha Chải, Ma Văn Kháng đã dồn hết tâm sức, huy động mọi vốn sống mình có và những trải nghiệm từ thực tiễn sáng tác để viết lên truyện ngắn này mà theo như nhà văn tâm sự: “Tôi đã phải vận dụng gần như tất cả hiểu biết, kỷ niệm, ấn tượng tôi đã có trong nhiều năm dài sống ở miền núi, nghĩa là toàn bộ vốn sống có từng nào thì huy động ra bằng hết, chứ không dè sẻn để viết truyện ngắn này” [44; 226].

Mỗi nhà văn là người đi tìm mặt cho những ý tưởng nghệ thuật của mình. Mọi chất liệu của đời sống đều được nhà văn cóp nhặt biến nó trở thành chất liệu sáng tác cho chính mình và trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ vận dụng nó để sáng tạo. Sự trải nghiệm của nhà văn không chỉ bắt nguồn từ những chuyến đi thực tế, sống đời sống của nhân dân mà nó còn là sự trải nghiệm từ trong tâm hồn của người nghệ sĩ, đó là sự hoàn thiện từng ngày những nếp cảm, nếp nghĩ và năng lực tư duy sáng tạo của bản thân người cầm bút. Điều này Ma Văn Kháng đã làm được rất trọn vẹn trong hành trình sáng tạo của mình.

Có một cốt truyện hấp dẫn, một giọng điệu phù hợp nhưng để truyện ngắn có thể đứng được thì còn cần có chi tiết. Chi tiết, chi tiết và chi tiết! Ma Văn Kháng coi chi tiết là tối quan trọng với truyện ngắn, đó là những chi tiết nghệ thuật, những chi tiết được miêu tả có dụng ý chuyển tải những tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Trong truyện ngắn San Cha Chải, Ma Văn Kháng đã sử dụng những chi tiết mà ông từng nhìn thấy, từng đi qua, đó là những tư liệu đời sống mà nhà văn thu được trong nhiều năm. Ông chia sẻ: “Cái giếng nước ở trong truyện có đàn chim bay qua soi bóng, nơi con trai, con gái trong bản San Cha Chải tới soi gương là cái giếng nước bờ be bằng đá xanh xây kiểu cẩm quy tôi đã thấy ở xã Cao Sơn, huyện Mường Khương”, “cái miếu Quan Âm là cái miếu thờ tôi đã đi qua, đã đặt cây sậy để cầu may trên đường từ Bắc Hà đến Xin Ma Cai”, “cái tục người Mèo một khi bị dây trói là không nên người…, là hiểu biết tôi thu nhận được trong những năm tham gia tiểu phỉ ở Lao Cai”, “thầy giáo Tính, nguyên mẫu tên y trang, là người tôi ăn ở cùng trong thời gian tôi lên công tác ở xã vùng cao nọ”… [44; 226].

Như vậy, để viết được một truyện ngắn đòi hỏi ở nhà văn không chỉ những kiến thức về lí luận mà còn là những hiểu biết, những kinh nghiệm sống dồi dào, được tích lũy từ trước. Có thể nói, Ma Văn Kháng đã huy động

tất cả vốn sống của mình, không loại trừ chi tiết nào, nếu nó có thể hòa nhập và có lợi cho tổng thể hình tượng là lập tức sử dụng. Các chi tiết được huy động tối đa, từ những hình ảnh mang hồn cốt San Cha Chải, đến những tập tục, con người nơi đây đều được nhà văn đưa vào trong tác phẩm một cách tự nhiên, đem đến cho truyện ngắn một vẻ đẹp hiền hậu, thanh sạch của một vùng rừng núi. Cùng với giọng kể mang đậm chất dân ca, lối xưng hô ân tình mình - ta đã khiến cho truyện mang một không khí vừa cổ kính, gợi nhớ trong lòng người những tình cảm thủy chung son sắt. Truyện ngắn San Cha Chải vì thế gây xúc động người đọc và khơi gợi lòng người khát khao kiếm tìm và khát vọng hạnh phúc.

Nhà văn Ma Văn Kháng từng tự nhận mình “là người thích viết truyện ngắn theo lối cổ điển, vẫn thủy chung một cách rất khó hiểu với những câu chuyện được viết theo cách truyền thống xưa cũ, tất nhiên là đã có những yếu tố biến đổi ở bên trong nó rồi” [44; 220]. Hầu hết các tác phẩm của ông đều thể hiện điều này, truyện ngắn San Cha Chải cũng không phải là ngoại lệ. “San Cha Chải viết theo lối truyền thống, điều đó do nội dung câu chuyện và tạng viết của tôi quy định” [44; 227].

Truyện ngắn San Cha Chải đã không phụ lòng mong mỏi của độc giả, truyện đoạt giải “Cây bút vàng”, giải thưởng cao nhất cuộc thi và được bạn bè cùng giới đánh giá cao, Trần Đăng Khoa cho đây là một truyện rất hay, đáng xếp loại siêu đẳng. Điều đó không chỉ khẳng định tài năng của nhà văn, mà vô hình trung thừa nhận những biện giải và quan niệm sáng tác của ông về thể loại này đang đi đúng đường. Nhà văn có quyền tự hào về những cống hiến nghệ thuật mang ý nghĩa đích thực, tự tin trên phương diện tư duy và phân tích lý thuyết thể loại đúng hướng để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Từ những quan niệm về thể loại truyện ngắn soi chiếu vào thực tiễn sáng tác của nhà văn thì có thể thấy rằng, những điều nhà văn nghĩ, nhà văn

quan niệm đã được thể hiện đầy đủ và trọn vẹn qua những sáng tác cụ thể. Bút ký về thể loại truyện ngắn và những chia sẻ của Ma Văn Kháng về nghề văn qua những sáng tác cụ thể phần nào minh chứng cho hoạt động lao động viết văn đầy gian khổ và thử thách nhưng cũng không ít vinh quang. Người cầm bút trong ý thức về nghề và khát vọng sáng tạo bản thân đã không ngừng hoàn thiện mình, trau dồi vốn sống để có thể nhận chân những giá trị đời sống đích thực.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 64)