Tài năng và sự thăng hoa của người viết

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 39)

8. Dự kiến cấu trúc luận văn

1.2.2.1.Tài năng và sự thăng hoa của người viết

Tài năng là phẩm chất cần thiết tạo nên người nghệ sĩ. Đây là điều không chỉ là yêu cầu nghề nghiệp đặt ra mà bản thân những người đã xác định theo

nghề viết văn phải ý thức được điều đó, như Phạm Văn Đồng từng nói khi bàn về văn hóa văn nghệ: “tôi nghĩ chúng ta hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt này, lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà không có tài có khiếu, thì khó khăn lắm. làm các nghề khác, không có tài cũng có thể làm được việc… nếu không có tài năng gì đặc biệt, thì anh nên đi làm việc khác, chứ làm văn nghệ khổ lắm”. Tài năng là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên phẩm chất nhà văn

Trong bài viết “Nhà văn - tài năng, rủi ro và may mắn” đăng trên báo

Văn nghệ số 5 + 6 + 7 [2/2/2013], Ma Văn Kháng đã bình luận và có những kiến giải về hiện tượng thơ Trần Đăng Khoa. Qua đó, nhà văn thể hiện trực kiến nhân tố tạo nên hiện tượng thơ độc đáo một thời chính là tài năng.Tài năng thiên bẩm của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa được ông giải mã là do mối quan hệ hỗ tương với môi trường, với vùng địa lý nhân văn nơi tài năng sinh ra và lớn lên. Địa linh - nhân kiệt. Và tài năng văn chương được phát lộ do một éo le nghịch cảnh, ông giải thích: “Thơ là tinh chất của những rung động nâng cao và mê hoặc, muốn thơ hay trước hết tình cảm phải chân thành và chan chứa. Vậy thì trạng thái phẫn uất, bị dày vò tinh thần chính là cao trào của cảm xúc. Cũng như thế, bị dồn đến bước đường cùng về cuộc sống vật chất, tất dẫn đến đau đớn về tinh thần tình cảm, và đó là cơ sở để xúc cảm dâng trào” [40]. Tài năng không tránh được đi liền với rủi ro. Tác phẩm văn học có khi lại là con đẻ của những éo le nghịch cảnh.

Ông cho rằng, “tài năng là thiên phú, là bẩm sinh, là thứ trời cho, không thể dùng năng lực người giải thích được”, và tài năng là thứ của hiếm, không ai thay thế ai, không ai lấn át ai. Nó do khí chất, phong cách mỗi cá nhân làm nên.

Cách biện giải về tài năng của Ma Văn Kháng rất gần với lí luận văn học hiện đại. Tuy nhiên, nhà văn cũng cho rằng thơ văn không nên chỉ rặt những tiếng kêu ai oán buồn khổ, mà phải nhằm mục tiêu tối thượng là để vượt qua

nó, chiến thắng nó, để không bao giờ còn có oán sầu thống khổ phải bày tỏ nữa. Ông cũng quan niệm, tài năng là đáng quý, là điều cần thiết, quan trong trong sáng tác, nhưng “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhà văn khi sáng tác phải xuất phát từ chữ tâm, điểm khai phóng của tài năng chính là tình yêu và khát vọng lớn với con người và cuộc đời. Xuất thân là một nhà giáo nên Ma Văn Kháng hiểu rằng: “Cái gốc của tài năng trước hết là do có được một định hướng lớn trong đời. Sau nữa, một tài năng thật sự cũng là một bảo hiểm chống trả những cám dỗ tục lụy tầm thường. Còn nói riêng về nghề nghiệp thì quan trọng là anh phải có cách đối xử đúng đắn với văn chương.” [41].

Tuy nhiên, nếu chỉ có tài năng thì vẫn chưa đủ để cho ra đời một tác phẩm xuất sắc, mà còn cần sự thăng hoa trong cảm xúc khi sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, đó là những phút “lên đồng” của nhà văn. Ma Văn Kháng gọi đó là những “cơn thần hứng”, bằng kinh nghiệm sáng tác của mình, Ông giải mã phút giây thiêng ấy: “Đó là khi xuất hiện cơn thần hứng có khả năng tổng hợp tất cả những gì đã có và đang còn tản mát trong ta, tập hợp chúng lại thành một chỉnh thể, cùng với một hệ thống ngôn từ tương ứng bất thình lình hình thành một cách thật tự nhiên và đổ ào ào rồi xếp hàng ngay ngắn trên trang giấy của ta. Đó là tia lửa bừng sáng rọi vào khoảng không còn mu mờ mịt mùng. Đó là khoảnh khắc thăng hoa, xuất thần. Đó là cái duyên kì ngộ. Đó là cái may mắn trời cho vô cùng quý giá” [44; 40].

Đến đây Ma Văn Kháng đã bắt gặp sự tương đồng tư tưởng với nhà thơ Hoàng Cầm. Đối với Hoàng Cầm thì những khoảnh khắc thăng hoa là “do thần linh mách bảo”, bài thơ “Lá diêu bông” được ông sáng tác trong cơn thần hứng, là những phút thăng hoa của tinh thần, của cảm xúc đến với nhà thơ. Nhà thơ Hoàng Hưng cho đó là cơn say mê, cơn nhập đồng. Còn với nhà thơ Lê Đạt thì những khoảnh khắc thăng hoa vô cùng quan trọng, nó làm cho thơ có hồn.

Trong quá trình sáng tác, một nhà văn nhạy bén sẽ nhận ra, chớp lấy cơn thần hứng và sau đó là những ngày mê man trong cơn thác lũ của chữ nghĩa, khi đó, nhà văn bừng lên một cảnh giới thẩm mỹ và cảnh giới này lập tức chiếm trọn toàn bộ ý thức, nói cách khác nhà văn thực hiện một sự hội tụ tinh thần cực đoan, chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất. Sự thăng hoa là điều may mắn cho bất cứ nhà văn nào dù là nhà văn lão thành hay người mới vào nghề. Sự thăng hoa kết hợp với tài năng của người nghệ sĩ là mối lương duyên cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm để đời

Tài năng và sự thăng hoa là những yếu tố rất quan trọng đối với những người làm nghệ thuật nói chung và nhà văn, nhà thơ nói riêng. Tài năng là tố chất của chủ thể sáng tạo và sự thăng hoa thuộc về tâm lý sáng tạo. Ở những tác phẩm đỉnh cao của thế giới, người ta luôn thấy sự đồng hành của hai yếu tố này.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 39)