Nhà phê bình một loại người đọc đặc biệt

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 95)

8. Dự kiến cấu trúc luận văn

3.2.1.Nhà phê bình một loại người đọc đặc biệt

Nhà phê bình là một loại người đọc đặc biệt, đó là loại độc giả có trình độ chuyên môn cao, họ thực sự có ý thức can dự vào sự phát triển của đời sống văn học. Văn học nghệ thuật có một công chúng bạn đọc vô cùng rộng rãi bao

gồm tất cả các thành phần xã hội. Nhưng phê bình văn học là một lĩnh vực chuyên môn, một loại hoạt động nhà nghề. Nhà phê bình văn học không đối lập với văn hóa đọc của quảng đại quần chúng nhưng sự cảm thụ nghệ thuật và định giá thẩm mỹ của nhà phê bình và người đọc bình thường có nhiều điểm khác biệt. Lí luận văn học hiện đại đã chỉ ra những điểm khác biệt đó:

Thứ nhất, tiếp nhận văn học mang tính đại chúng và nhà phê bình chuyên nghiệp là hai loại hình cảm thụ nghệ thuật, hai kiểu định giá thẩm mỹ. Hoạt động cảm thụ nghệ thuật của một người đọc bình thường là hoạt động thuần túy mang tính cá nhân, xuất phát từ những nhu cầu thiết thực đối với đời sống hằng ngày của họ. Trong khi đó, sự cảm thụ nghệ thuật của nhà phê bình không đơn giản như thế.Phê bình vừa là sự “tự nhận thức của văn học”, vừa là sự nhận thức thời đại qua hình tượng nghệ thuật. Vì thế, hoạt động cảm thụ nghệ thuật của nhà phê bình luôn luôn xuất phát từ nhu cầu của đời sống xã hội và của bản thân văn học.

Thứ hai, là sự khác nhau về của hai cấp độ cảm thụ nghệ thuật, định giá thẩm mỹ. Sự tinh tế, sành sỏi khiến nhà phê bình đặc biệt nhạy cảm với những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Cùng đọc một tác phẩm văn học, tùy thuộc vào sự tinh tế và sành sỏi, nhà phê bình chuyên nghiệp có thể phát hiện ra cái hay, vẻ đẹp ở những câu chữ, những chi tiết nghệ thuật mà độc giả bình thường chẳng mấy bận tâm.

Bàn về loại người đọc đặc biệt này, nhà văn Ma Văn Kháng mang niềm kính trọng đến các nhà lý luận phê bình. Ông cho rằng, các nhà phê bình trước hết là những người có học, “sáng tác dựa vào năng khiếu bẩm sinh và vốn sống riêng…chứ lí luận phê bình thì không có trường hợp nào như thế, họ phải được đào tạo bài bản chính quy đoàng hoàng” [44; 149]. Một nhà lí luận phê bình phải có hiểu biết sâu rộng, phải học nhiều, đọc nhiều, phải lặn lội trong cánh rừng sách vở từ Aristot, Hegel cổ điển đến Pospelov, Bakhtin, Jean Paul Sartre, Rolland Barthes…

Trên cơ sở đó, nhà văn quan niệm: “Để trở thành một nhà lí luận phê bình thực khó vô cùng. Thậm chí còn khó hơn cả sáng tác… nghề này vừa đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh, vừa cần sự uyên bác” [44; 150]. Trước đây, ở nước ta thường quan niệm phê bình là công việc “ăn theo” sáng tác. Nhà phê bình đồng thời cũng là người thuật lại ý kiến của nhà văn về sáng tác. Từ đó phê bình chỉ là “bình tán” các vấn đề xung quanh tác phẩm như hoàn cảnh sáng tác, hiện tượng phản ánh, nguyên mẫu nhân vật, lên án tư tưởng gì, ca ngợi người như thế nào, chi tiết nào nhà văn tâm đắc… nhưng với Ma Văn Kháng và những nhà văn, nhà nghiên cứu cùng quan điểm với ông thì nhà phê bình không phải là “thư đồng” của các nhà văn, mà là một người bạn tri âm, một người đọc đặc biệt, một đồng nghiệp với hàm lượng tri thức cao.

Trong sự nghiệp văn chương của mình, Ma Văn Kháng luôn có ý thức tiếp thu, trân trọng, lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà phê bình, ông đọc gần như không thiếu một bài viết quan trọng nào của các cây bút lí luận nước ta. Ông cho rằng mình là người may mắn khi có những người bạn tâm giao là những nhà phê bình chuyên nghiệp như Phong Lê, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Hà Minh Đức, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Ngọc Thiện, La Khắc Hòa, Phạm Xuân Nguyên…. họ là những nhà tư vấn, những người bạn đồng hành cùng ông trên con đường sáng tạo văn chương. Nhà văn tâm sự: “Nguyễn Ngọc Thiện đọc rất đều sáng tác của tôi và thường xuyên giúp tôi chỉnh sửa các sai sót ở tầm vĩ mô và vi mô…Tiến sĩ La Khắc Hòa sâu sắc và tinh tế đã xác định được các đặc điểm mỹ học trong các sáng tác của tôi… Trần Đăng Suyền là nhà lí luận chuyên nghiệp đầu tiên viết phê bình những cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi. Chính nhờ Phạm Xuân Nguyên mà tôi đến được với hai lý thuyết đặc biệt quan trọng của thể loại tiểu thuyết” [44; 158].

Nhà văn Ma Văn Kháng cũng cho tự nhận rằng nhiều tác phẩm của các nhà lí luận phê bình có ảnh hưởng sâu sắc đến ông, đặc biệt là các công trình nghiên cứu về các tư trào văn chương, các lý thuyết sáng tác hiện đại, các tác

giả thế giới và trong nước, từ Dostoievski đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương … từ Tản Đà, Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Tuân, Nam Cao...

Tuy nhiên, nhà văn cũng chỉ ra rằng, giữa nhà văn và nhà phê bình không chỉ có mối quan hệ có dáng dấp Bá Nha - Tử Kỳ mà đôi khi đó còn là sự đối kháng, tranh luận và cãi cọ nữa. Điều này xuất phát từ độ chênh về cảm thụ và nhận thức giữa nhà văn và nhà phê bình. Suy ngẫm về độ chênh này, Ma Văn Kháng đúc rút được những hệ luận sau:

-Thứ nhất, trong khi nhà văn say sưa về cái tầm xa của chức năng văn học thì nhà phê bình nọ yêu cầu văn học phải phục vụ sát sạt chủ trương và thực tế xã hội từng thời đoạn. Đó là mâu thuẫn có tính truyền thống và không bao giờ giải tỏa được, nếu mỗi bên không tiến lên một bước.

-Thứ hai, về phía nhà sáng tác bước tiến lên một bước để giải tỏa mâu thuẫn là hãy viết cho hay. Và muốn viết cho hay, thì cùng với vấn đề viết cái gì, phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề viết như thế nào. Viết cho hay! Nghĩa là phải có nghệ thuật cao cường.

Như vậy, dưới góc nhìn của một nhà văn lão thành, Ma Văn Kháng đã cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa nhà văn và nhà phê bình, đó là mối quan hệ tâm giao, tri âm tri kỉ. Những quan điểm của nhà văn Ma Văn Kháng về nhà phê bình cho thấy những tình cảm chân thành, cũng như cách nhìn nhận thấu đáo của nhà văn về loại người đọc đặc biệt này.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 95)