Trải nghiệm của Ma Văn Kháng qua thực tiễn sáng tác

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 77)

8. Dự kiến cấu trúc luận văn

2.2.2.2.Trải nghiệm của Ma Văn Kháng qua thực tiễn sáng tác

Tiểu thuyết là thể loại mà nhà văn Ma Văn Kháng dồn rất nhiều tâm huyết và cả công sức lao động nghệ thuật của mình. Đây cũng là thể loại gây được nhiều tiếng vang khẳng định tên tuổi của Ma Văn Kháng trên văn đàn văn học Việt Nam hiện nay. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các giải thưởng mà các tiểu thuyết của ông đã đạt được. Trong 16 cuốn tiểu thuyết của ông, có ba cuốn nằm trong cụm tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. đó là: Mưa mùa hạ, Côicút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Cuốn Mùa lá rụng trong vườn được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1986. Cùng với cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe và tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ, cuốn này nằm trong cụm 3 tác phẩm được giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I năm 2001. Tiểu thuyết đã đưa Ma Văn Kháng đến bục vinh quang. Đồng thời, nó cũng chứng tỏ sự chuyên tâm, sự cống hiến của ông với thể loại tiểu thuyết nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung.

Bằng sự am hiểu của mình về thể loại tiểu thuyết, Ma Văn Kháng đã vận dụng sáng tạo vào trong hoạt động viết văn của mình. Với mong muốn đem đến cho độc giả những tác phẩm nghệ thuật đích thực, ông luôn có ý thức tích lũy vốn sống, tìm tòi hình thức thể hiện nội dung hấp dẫn sao cho cuộc đời hiện lên thật đầy đủ, đa dạng, nhiều chiều trên những trang tiểu thuyết - nơi lưu giữ bóng hình cuộc đời. Nhà văn luôn đau đáu, dồn tâm sức, thử thách mình, vượt lên mình bằng những trang tiểu thuyết liên hoàn hoặc gắn bó nhau về số phận nhân vật, là người có bản lĩnh mạnh mẽ ông muốn qua tiểu thuyết người đọc nhận rõ hơn sở trường lẫn sở đoản, các vỉa tầng trong nội lực ngòi bút của ông.

Trong sáng tác của mình, Ma Văn Kháng luôn bộc lộ một tư duy nghệ thuật mới trong cách kể, cách dựng truyện và cách xây dựng nhân vật. Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng ánh lên những sắc thái thẩm mỹ khác nhau; cái lý tưởng cao cả đi bên cạnh cái đê tiện, thấp hèn; cái bi tráng, trữ tình, thăng hoa, ngẫu hứng đan xen với cái hài hước, thô kệch, dung dị, sắp đặt lộ liễu. Giọng điệu và mạch văn cũng được biến hóa linh hoạt, khi gấp gáp, sôi nổi, cuồn cuộn, tung phá, lúc lại thong thả, mềm mại, đằm thắm, hiền hòa.

Để làm được điều đó là cả một quá trình khó khăn, đòi hỏi nhà văn không ngừng tìm tòi, học tập và tích lũy kinh nghiệm và hiểu biết. Ma Văn Kháng nhận ra bản chất của tiểu thuyết: “Tiểu thuyết, cỗ đại bác chủ lực của trận đánh, sở dĩ không có nó thì không có nền tảng của một nền văn học, không phải chỉ vì nó chuyên chở một dung lượng chất liệu nghệ thuật lớn, nó phản ánh một hiện thực lớn, nó miêu thuật những xung động lớn, những bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và thời đại, mà còn là, hơn chủ yếu còn là vì nó đặt ra những vấn đề thiết cốt của nhân sinh, nhân quần, nó miêu tả số phận con người và cuộc sống; và do vậy nó gây hứng thú lâu dài; nó làm giàu có nhân tâm, làm phong phú đời sống tinh thần và gây rung động tâm hồn tư tưởng con người; nó đạt tới cõi bí ẩn của văn xuôi là tạo được một âm hưởng sâu xa” [44; 254].

Đặt ra được những vấn đề thiết cốt của nhân sinh, gây được những rung động tâm hồn và tạo hứng thú lâu dài cho độc giả là vấn đề căn cốt của một tác phẩm, nó quyết định một tiểu thuyết sẽ “sống” hay “chết”. Và những tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đã làm được điều này. Có thể kể đến một số tác phẩm như: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú…

Đồng bạc trắng hoa xòe tái hiện một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi nhưng rắc rối vào bậc nhất của cách mạng Việt Nam hiện đại và công cuộc vùng dậy tự

giải phóng mình khỏi ách thống trị đế quốc phong kiến của những người nông nô Mèo, Mán, Nùng, Tày. Đó là quá trình đi từ bóng tối tới ánh sáng.

Tiểu thuyết Vùng biên ải hấp dẫn người đọc bởi cuộc đấu tranh căng thẳng, ác liệt giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng ở vùng biên giới phía bắc. Tiểu thuyết còn gây tác động mạnh tới người đọc bởi những số phận nhân vật và con đường đấu tranh đến với cách mạng của đồng bào dân tộc Mèo, có đau đớn, gian lao, lắt léo, nhưng cuối cùng cũng đã tới đích.

Mưa mùa hạ được viết trong cảm hứng nhập thế, thâm gia vào công cuộc bảo vệ cái đẹp chân chính đang có cơ bị xô lấn trước cái tha hóa đang tràn lan ngoài xã hội thời hậu chiến. Tiểu thuyết thể hiện được cuộc đấu tranh giữa con người với thiên tai, thể hiện cuộc đụng độ giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cao cả và cái thấp hèn.

Mùa lá rụng trong vườn là một cuốn sách phản ánh gương mặt cuộc sống thời hậu chiến cùng những vấn đề nóng hổi mang tính thời đoạn của nó. Tác phẩm viết sự vận động của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện thời. Lối sống ích kỉ, buông thả theo những dục vọng thấp hèn, coi tiền bạc lợi lộc danh vọng là trên hết, bất chấp mọi nguyên tắc, luật lệ của đạo đức xã hội.

Về nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, có thể thấy rằng các nhân vật của ông luôn có sự đa dạng tâm lý, được thể hiện trong những chiều kích khác nhau và ở đó ranh giới giữa cái Thiện và cái Ác luôn được phân định rõ ràng. Ở tiểu thuyết Ngược dòng nước , để khắc họa tạo hình nhân vật và chiều sâu trong tư duy tình cảm và thái độ, thế giới nội tâm cũng là đời sống tâm linh của nhân vật, Ma Văn Kháng đã huy động sự hiểu biết sâu sắc về lời ăn tiếng nói của các hạng người, cá tính hóa họ trong ngôn ngữ giao tiếp, dòng ý thức. Ngôn ngữ trực tiếp và lời nói gián tiếp, lời của người kể chuyện thay đổi theo điểm nhìn và giọng điệu của nhân vật, cách kể không đơn thanh mà để lời các nhân vật chạm vào nhau, xoắn vào nhau, đuổi bắt

nhau; những trang thơ “nôm na”, những thành ngữ, ngạn ngữ, dân gian cũ và mới…tác phẩm đem đến co người đọc những âm hưởng, đồng vọng của những con người qua tầng tầng lớp lớp tiếng nói ghi dấu về tâm tình, nghề nghiệp và vị trí các quan hệ của họ.

Nhân vật trong tiểu thuyết Bóng đêm lại được tái hiện trong sự đa dạng của đời sống con người với những tư tưởng, ý chí, bản năng và đời sống sinh lý, tình dục, thế giới tâm lý, tính cách, những miền sâu kín thuộc tâm linh, ẩn ức, tiềm thức của con người. Tiểu thuyết Bóng đêm có thể nói là một cuộc khảo sát các loại hình tính cách của con người khởi nguồn từ nguồn ngốc gia đình, nhà trường tới môi trường xã hội - những sinh thể tư duy mà phần hồn và phần xác không ai giống ai. Ma Văn Kháng nhấn mạnh cái phần hồn là ý chí, lý tưởng, sức mạnh tinh thần, năng lượng tinh thần nhạy bén, tiềm ẩn trong tâm thức, tâm linh nơi những con người đích thực, trong sáng khi hoàn nguyên trở về bản thể của mình họ có khả năng nhập cảm, giao hòa với môi trường xung quanh, với đồng loại, qua đó phát huy nhân lên được sức mạnh từ những hỗ trợ thuận chiều. Nhà văn say mê khám phá, giả định về những bí ẩn không dễ dàng nhận ra trong nguồn nội lực vô biên, vô lượng từ những con người có nhân cách cao đẹp, cảm hóa mọi người và được mọi người mến mộ.

Để cho ra đời một cuốn tiểu thuyết, Ma Văn Kháng cho rằng cần phải quan tâm đến hai vấn đề thiết cốt của câu chuyện bếp núc văn chương đó là viết cái gì, và viết như thế nào. Đặt ra vấn đề nội dung phản ánh và cách thức phản ánh, điều này cho thấy sự nghiêm túc trong hoạt động viết văn của nhà văn. Với ông “vấn đề viết như thế nào, thể hiện bản lĩnh, phong cách và phẩm chất của nhà văn và tác phẩm, chẳng kém gì câu chuyện viết cái gì” [44; 275]. Ông đặc biệt chú trọng đến nghệ thuật ẩn dụ khi viết. “Ẩn dụ là nguồn sống của tất cả các loại hình nghệ thuật… tôi không thể viết được một cái gì nếu không thiết lập được mối quan hệ hữu cơ, giầu tính thẩm mỹ giữa viết cái

gì và viết như thế nào. Thậm chí, ẩn dụ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật có khi còn đến trước, trở thành tiền đề, gây xúc động bồi hồi và hào hứng trước cả khi xuất hiện chủ đề và cốt truyện” [44; 276]. Tiểu thuyết Một mình một ngựa là hình ảnh một chiến sĩ cách mạng hiên ngang, oai hùng, một hình tượng giàu tính thẩm mỹ. Trong bản thân hình tượng đó cũng hàm chứa mặc cảm cô đơn, một mình đương đầu với đối phương thời khởi đầu cách mạng, với khó khăn, cô đơn trong cuộc sống, trong cuộc bảo vệ chân lý và trong cả quan hệ với vợ của mình.

Ngoài ra Ma Văn Kháng còn đặc biệt lưu tâm đến các chi tiết, hình ảnh mang tính biểu trưng cao. Nhà văn quan niệm chi tiết là điều sống còn của văn xuôi và “chi tiết nhất hạng là các chi tiết mang tính ẩn dụ tưởng như chỉ là phần phụ gia, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, có ngờ đâu với tôi lại chính là cái phần bí ẩn của sáng tạo, là một cuộc tìm kiếm kỳ thú” [44; 277].

Những chi tiết mang tính ẩn dụ cao trở thành những thành tố vô cùng quan trọng trong các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, vì “chúng vừa là mình vừa là hình bóng mang tính biểu trưng có sức tải một ý tưởng nào đó của chủ đề”. Ông chia sẻ: “Một mình một ngựa là cái hình ảnh khởi nguồn và sau đó quán xuyến, kết tinh toàn bộ ấn tượng của cuốn sách. Những cơn mưa mùa hạ cũng vậy, chúng tạo nên âm hưởng trữ tình hùng tráng của cuốn sách Mưa mùa hạ của tôi. Một khu vườn lá rụng vào mùa khô cũng chính là cảm hứng, là cái phông nền, là cái giai điệu của cuốn Mùa lá rụng trong vườn.”[44;276]

Có thể nói việc sử dụng các chi tiết đan cài tạo ấn tượng và biểu thị ý nghĩa tác phẩm đã trở thành sở trường trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Và để tìm được những chi tiết ấn tượng là điều không đơn giản. “Tôi đã nhọc công và sung sướng vô cùng khi có được một khung cảnh thiên nhiên, một hơi gió, một giọt mưa, một làn nắng, một tiếng chim, một

con mèo…trong các trang văn của mình” [44; 277]. Ở tiểu thuyết Bóng đêm

một trong những khía cạnh làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết này chính là việc nhà văn đã biết lựa chọn các tình tiết, chi tiết thuộc về không gian, thời gian, đặc điểm sự vật, con người, màu sắc, âm thanh, mùi vị, ấn tượng, giấc mơ… theo nhãn quan nghiệp vụ của công an hình sự.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tiểu thuyết của Ma Văn Kháng mang nhiều yếu tố tự truyện như tác giả Hoàng Thi Huế chỉ ra rằng: “Các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng từ Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ cho đến tiểu thuyết Một mình một ngựa dù mang một số dấu hiệu của tự truyện nhưng vẫn chưa hẳn là tự truyện theo quy ước của thể loại, đó là những tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện… Trong Một mình một ngựa

người đọc dễ có những liên tưởng giữa tác giả với nhân vật trong tiểu thuyết từ những trải nghiệm chân thực về đời sống và bản thân, chuyển hóa vào hình tượng nhân vật trong tác phẩm làm cho cuốn tiểu thuyết đậm tính tự thuật. Người kể chuyện trong tự truyện có nhiều điểm thống nhất với nhân vật và chính tác giả” [44; 268].

Ma Văn Kháng qua các bài bút ký về quá trình sáng tác tiểu thuyết, ông cũng thừa nhận yếu tố tự truyện, chân dung của chính nhà văn ở trong đó. Những tiểu thuyết của ông phần nào bộc lộ chính quãng đường mà nhà văn đã đi qua với những cảm xúc suy tư rất thực. Tiểu thuyết Một mình một ngựa là cuốn sách có từ một đoạn đời của Ma văn kháng. “Ấy là mấy năm trời tôi ở ngành Giáo dục thì được tổ chức điều động sang làm thư ký riêng cho Bí thư tỉnh ủy Lào Cai… cái nhân vật tên Toàn ấy mang dấu ấn của tôi chứ không phải phải hoàn toàn là tôi… Qua cuốn tiểu thuyết này, tôi muốn vẽ lại chân dung những con người mà mình đã từng được sống và làm việc qua con mắt nhìn của một ông giáo, một tiểu trí thức, trong tinh thần thực sự cầu thị…” [44; 272].

Một mình một ngựa đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc, và nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Nhà phê bình Hoài Nam đã

có lời đánh giá chân thành: “Đã hơn hai mươi năm kể từ khi nhà văn Ma Văn Kháng cho ra mắt những Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú. Sự quyết liệt về mặt luận đề ở các tác phẩm nói trên không lặp lại trong Một mình một ngựa. Cái ngậm ngùi của người đã kinh qua sóng gió của cuộc đời, cái ngậm ngùi của người biết qua rõ sự bất toàn của quá khứ và cũng là người hiểu thấu rằng đó chính là một phần không thể tách rời trong kí ức của mình. Một mình một ngựa - ánh hào quang của quá khứ hắt trên con người hiện đại”[44;261]. Cuốn tiểu thuyết không chỉ phản ánh những vấn đề của đời sống mà phần nào tái hiện được chân dung của chính con người nhà văn với tất cả những ngậm ngùi, trăn trở, với ánh mắt đau đáu nhìn về quá khứ bằng sự chiêm nghiệm, suy tư của con người hiện tại.

Suốt hơn 40 năm sống với nghề, nhà văn Ma Văn Kháng đúc rút được rằng: “Để trở thành một người viết tiểu thuyết, công việc mới nhọc nhằn làm sao! Có được một cuốn tiểu thuyết được dư luận chú ý, lúc này thật không dễ dàng gì! Đòi hỏi một của tiểu thuyết gia rất khác với đòi hỏi với một cây bút truyện ngắn! Kỳ khu, vất vả lắm! và nuôi dưỡng để trở thành một nhà tiểu thuyết chuyên nghiệp còn kỳ khu, vất vả hơn rất nhiều!”. Công việc văn chương luôn là một lao động quá sức người, nó đòi hỏi nhà văn dồn vào đây không chỉ tài năng, công sức mà còn cả tâm huyết, tâm hồn mình vào trang giấy.

Như vậy, có thể thấy rằng từ thực tiễn sáng tác tiểu thuyết và những chia sẻ của chính nhà văn về quá trình viết các tác phẩm của mình, chúng ta có thể thấy rằng bất cứ một hoạt động sáng tạo nào đều xuất phát từ trái tim của người nghệ sỹ với khát vọng muôn đời là hướng tới con người. Ma Văn Kháng bằng những trải nghiệm quý báu về nghề, về chính cuộc đời giàu giá trị phản ánh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và những quan niệm của mình về thể loại tiểu thuyết. Những ý kiến đánh giá của ông cho đến nay vẫn bộc lộ những giá trị nghề nghiệp trong tư duy về tiểu thuyết và nó trở thành định hướng sáng tác cho nhà văn trong hoạt động sáng tạo của mình.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 77)