Cảm hứng trong sáng tạo văn chương

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 42)

8. Dự kiến cấu trúc luận văn

1.2.2.2Cảm hứng trong sáng tạo văn chương

Từ Cảm hứng được dịch từ inspiration của phương Tây, theo phiên âm Hán Việt là yên - sĩ - phi - lí - thuần. Lí luận Văn học hiện đại quan niệm: nhu cầu bộc lộ, giải thoát tình cảm cộng với năng lực tưởng tượng dẫn đến trạng thái sẵn sàng sáng tạo của nhà văn được gọi là cảm hứng. Trong quá trình sáng tác tác phẩm nghệ thuật văn nghệ sĩ cần luôn duy trì trạng thái cảm hứng. Một tác phẩm được sáng tạo mà không bắt nguồn từ cảm hứng thì chất nghệ thuật rất nghèo nàn. Cảm hứng là khâu quan trọng trong quá trình sáng tác, là yếu tố kích thích cho sự thăng hoa của nhà văn.

K. Paustovsky cho rằng: cảm hứng giống như mối tình đầu, khi tim ta rộn ràng cảm thấy trước những cuộc gặp gỡ li kì, đôi mắt đẹp tuyệt trần, những nụ cười và những câu nói dang dở. Lúc đó thế giới bên trong của chúng ta trở nên tinh tế và chuẩn xác như một cây đàn kì diệu, đáp lại mọi âm thanh của cuộc đời. Thi hào Nga - Puskin viết: cảm hứng đến là lúc tai ta

nhận được lời thần. Ma Văn Kháng định nghĩa cảm hứng “là một trạng thái thần khởi thoải mái, đến một cách bất thần và kích thúc một cách mạnh mẽ năng lực nhận thức hiện thực và sáng tạo bay bổng của con người” [44; 44].

Trong bài tiểu luận “Ngẫu hứng và tự do sáng tạo”, bàn về cảm hứng, Ma Văn Kháng thú nhận rằng, công việc sáng tác của ông nhiều khi là một cơn ngẫu hứng và tự phát - một cơn tức hứng: “bất chợt một cái gì đó lóe sáng, trở thành một hạt nhân, tỏ ra có năng lực giải tỏa và có khả năng phát triển, thế là nó tự tạo ra sức quy tụ, liên kết. Thế là rất tự nhiên, một cái gì đó ra đời”. Cảm hứng là tia chớp ban đầu, là sự khởi đầu thủy cho cả cơn say mê của nhà văn. Rất nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trọng Tân… được hình thành từ những tia chớp đầy ngẫu sự đó. Tiểu thuyết Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng được lấy cảm hứng từ một bài báo cáo khoa học về chống tổ mối trong thân đê, hay Mùa lá rụng trong vườn được gợi hứng sau khi nhà văn nghe vợ và hai chị dâu trò chuyện sau buổi đi chợ sắm tết về.

Ma Văn Kháng cũng cho rằng cảm hứng là một trạng thái lao động nghiêm túc, nhà văn cần duy trì nguồn cảm hứng đó, tập trung tinh thần cao độ và bắt đầu công việc lao động nhọc nhằn như một cuồng si ngôn từ. Bởi ông hiểu rằng con đường đi từ tia chớp ban đầu tới một hình tượng văn chương hoàn chỉnh là vô cùng lắt léo, phức tạp chứ không đơn giản. Đó là chuỗi biến thể qua những chặng đường của trí tưởng tượng và những kinh nghiệm cùng những nỗ lực vô bờ bến của cá nhân.“cảm hứng thần tiên là tia chớp hãn hữu chỉ hiên ra trong một bầu trời ứ đầy mây tích điện để mở đầu và sau đó tiếp nối bằng cả quá trình sáng tạo bền bỉ say mê, đó chính là cuộc gặp gỡ kỳ lạ và vô cùng lý thú của đời sống và văn chương” [44; 51].

Khác với thành phẩm của tất cả các nghành lao động khác, tác phẩm văn học nghệ thuật chứa đựng tình cảm chủ quan của chủ thể sáng tạo, cho nên cảm

hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ phải mãnh liệt. Với nhà văn Ma Văn Kháng viết văn là gan ruột, tâm huyết, chỉ bộc lộ những gì đã thật sự tràn đầy trong lòng, không thể cho ra những sản phẩm của một tâm hồn bình lặng, vô vị, miễn cưỡng. Sáng tác văn học nghệ thuật tất yếu không thể không có cảm hứng.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 42)