Do đặc trưng của thơ trữ tình là hạn chế về mặt câu chữ nên các nhà thơ thường sử dụng triệt để các biện pháp nghệ thuật nhằm làm cho thơ của mình hình ảnh và sinh động hơn. Nếu như trong thơ tình của mình, Puskin chú ý sử dụng các biện pháp như trật tự từ, nhịp điệu hay là tiết tấu câu thơ, thì ngược lại thơ tình của Exenhin sử dụng các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa hay là so sánh. Đặc biệt biện pháp so sánh được nhà thơ sử dụng rất nhiều trong thơ tình của mình.
“Mùa xuân không giống niềm vui Cát không vàng tự mặt trời Da em dãi dầu nắng gió Như là kiều mạch non tơ”
[14; tr 44]
Người yêu của tác giả hiện lên với vẻ đẹp khỏe khắn và mượt mà. Độc giả cảm nhận được điều đó thông qua biện pháp so sánh, tác giả đã so sánh da của người yêu mình mềm và mơn mỡn như là kiều mạch non tơ dù có dãi dầu nắng gió. Ngoài ra nhà thơ còn so sánh mùa xuân không giống niềm vui. Ta thấy thiên nhiên và con người có sự hài hòa với nhau.
Và đây là một vẻ đẹp khác cũng không kém phần hấp dẫn: “Tôi chỉ nhìn em đẹp em xinh
Mắt em màu vàng nâu như vực sâu hút xoáy Quá khứ tôi không yêu, và em, em cũng vậy Chẳng bỏ đi cùng gã khác được đâu”
[14; tr 92]
Tác giả đã so sánh vẻ đẹp của đôi mắt người yêu mình “màu vàng nâu như là vực sâu hút xoáy”, nhờ sử dụng biện pháp so sánh mà đôi mắt của nhân vật em hiện lên cụ thể, hình ảnh và có hồn hơn. Người đọc có thể tưởng tượng ra màu vàng của đôi mắt khi tác giả so sánh nó như là “vực sâu”. Đồng thời đôi mắt ấy cũng long lanh, huyền bí và có sức hút kỳ lạ. Qua đó người yêu của tác giả hiện lên với một tâm hồn và đời sống nội tâm vô cùng phong phú, bởi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn.
Nếu như ở đoạn thơ trên tác giả so sánh vẻ đẹp của đôi mắt người yêu “mắt em màu vàng nâu như vực sâu hút xoáy” thì ở đây tác giả lại so sánh vẻ đẹp của cô gái như bạch dương trong trắng:
“Bởi trái tim không bao giờ khe khắt Sau bài ca, sau những cốc rượu đầy Em hiển hiện như bạch dương trong trắng Đứng lặng thầm bên cửa sổ thân yêu”
[14; tr 128]
Hình ảnh của cây bạch dương trong thơ Exenhin đã được nâng lên thành biểu tượng, biểu tượng cho đất nước Nga, vẻ đẹp con người Nga. Tác giả đã dành quá nhiều sư ưu ái cho cây bạch dương và dường như nhà thơ thường dùng những gì tươi đẹp nhất để nói về bạch dương. Đồng thời bạch dương cũng là hình tượng gắn liền với tác giả cả lúc sướng vui lẫn đau khổ. Ở đoạn thơ này tác giả đã so sánh sự hiển hiện của nhân vật em như là bạch dương trong trắng đủ thể hiện tình yêu của nhà thơ dành cho nhân vật em sâu đậm đến mức nào. Qua so sánh ta thấy được tình cảm của tác giả dành cho nhân vật em. Đồng thời biện pháp nghệ thuật này đã cụ thể hóa việc “hiển hiện” của nhân vật em như là bạch dương, dù lặng thầm nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong lòng nhà thơ.
Tóm lại biện pháp nghệ thuật so sánh cũng góp phần làm cho tình cảm trong thơ tình của Exenhin trở nên cụ thể, và hình ảnh hơn. Thông qua biện pháp so sánh ngoại hình và nội tâm của người yêu tác giả hiện lên một cách rất gần gũi và sinh động, qua đó thi nhân thể hiện tình yêu sâu đậm của mình dành cho người yêu. Ngoài ra nhờ biện pháp nghệ thuật này mà thơ tình Exenhin dung dị và lãng mạn hơn, đúng với phong cách của một nhà thơ mệnh danh là thi sĩ của đồng quê Nga.