Xây dựng các hình ảnh biểu tượng

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 66)

Không phải vô cớ Exenhin được mệnh danh là nhà thơ của nỗi sầu đồng ruộng Nga. M. Gorki nhận xét: “Nghe những câu thơ này, bất giác ta nghĩ rằng Êxênhin là một con người - đúng hơn là một chiếc đại phong cầm - tạo hoá sinh ra hoàn toàn dành cho thơ ca, sinh ra để diễn đạt nỗi buồn vô tận của đồng ruộng”. Đúng là như thế, khảo sát khoảng 50 bài thơ phong cảnh của Exenhin hầu như bài nào cũng xuất hiện những hình ảnh đồng quê. Trong đó, hình ảnhcánh đồng xuất hiện rất nhiều. Đó là trong thơ Exenhin nói chung, riêng trong thơ tình của Exenhin hình tượng cánh đồng là biểu tượng cho nơi chốn an lành, hạnh phúc và là nơi lý tưởng để các đôi tình nhân xây dựng mái ấm. Hình tượng cánh đồng cứ lặp đi lặp lại ở nhiều thời điểm và mang nhiều dáng vẻ, màu sắc khác nhau như hình tượng cánh đồng vàng ngân vang réo rắt:

“Nước Nga vàng, hãy vang ngân réo rắt Ngọn gió cuồn hãy lay động xốn xang Hạnh phúc kẻ đem niềm vui dào dạt Hát nỗi sầu đồng ruộng nước Nga vàng Nước Nga vàng, hãy ngân vang réo rắt!”

[2; tr 73]

Không hiểu sao trong thơ của Exenhin luôn phản phất nỗi buồn, một nỗi buồn vô tận không thể hiện ra câu chữ một cách quá lộ liễu, sỗ sàng, cũng không quá trừu tượng, khó hiểu. Nhưng cái hay của Exenhin là ở chỗ, ông biết khơi gợi và biểu hiện nỗi buồn một cách ý nhị, vừa phải. Điều này khiến cho “nỗi sầu đồng ruộng” trong thơ phản phất, man mác nhưng không tạo nên sự trùng lặp làm cho độc giả cảm thấy chán

ngán, mà lại có sức thu hút kỳ lạ. Sự thu hút ấy toát lên từ hình ảnh rất lãng mạn nước Nga vàng ngân vang réo rắt cùng ngọn gió cuồn lay động xốn xang. Và điểm nhấn ở khung cảnh lãng mạn ấy là kẻ đem niềm vui dào dạt nhưng lại hát nỗi sầu đồng ruộng nước Nga vàng. Quả là một sự đối lập độc đáo tạo nên điểm nhấn cho đoạn thơ trên.

Không chỉ có cánh đồng màu vàng mà hình ảnh cánh đồng màu đỏ và màu xanh cũng xuất hiện hết sức sinh động trong thơ Exenhin:

“Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ Và màu xanh ngã xuống giữa lòng sông Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ

Nỗi sầu thương hồ nước trải mênh mông” [2; tr 71]

Ở đây ta thấy tác giả quan sát cánh đồng rất tỉ mỉ ở nhiều thời điểm và nhiều góc độ khác nhau. Có lẽ tác giả nhìn cánh đồng lúc bình mình ánh mặt trời mới nhô lên, ánh đỏ của mặt trời vào buổi sáng soi rọi xuống cánh đồng và hình ảnh cánh đồng màu thắm đỏ đã in đậm vào thơ ông. Khi ánh mặt trời lên cao đã soi rõ mọi vật thì cánh đồng với màu xanh đầy sức sống hiện ra và in bóng xuống lòng sống. Hình ảnh cánh đồng giản dị, nhưng tươi đẹp ấy đã gắn liền với tác giả thời ấu thơ nên ông yêu đến “sướng vui và đau khổ” cùng “nỗi sầu thương hồ nước trải mênh mông”.

Trong thơ Exenhin hình ảnh cánh đồng không phải lúc nào cũng hiện lên với vẻ đẹp làm say lòng người mà đôi khi trong thơ ông hình tượng cánh đồng cũng hiện lên với vẻ hoang tàn, rừng cây xác xơ, lúa đồng đã gặt chỉ còn trơ lại gốc rạ và nước bốc hơi ẩm pha sương mờ:

“Lúa đồng đã gặt, rừng cây xác xơ Nước bốc hơi ẩm pha sương mờ Mặt trời lặng lẽ như một bánh xe Lăn xuống sau núi xanh mù che.”

[2; tr 46]

Như trên đã nói cánh đồng trong thơ Exenhin là một hình tượng đặc biệt được ông “yêu đến sướng vui và đau khổ” dày công miêu tả và là một trong những hình tượng làm nên nét đặc trưng cho phong cách của Exenhin. Chính vì hình tượng này đặc biệt đến thế nên trong thơ ông nó không còn dừng ở mức hình tượng thông thường nữa, mà nó đã nâng lên thành biểu tượng. Biểu tượng cho nông thôn Nga, làng quê Nga và vẻ đẹp một nước Nga “bằng gỗ”cổ xưa chỉ còn tồn tại trong những ai hoài của một nhà thơ yêu thiên nhiên say đắm. Đó là trong thơ của Exenhin nói chung, còn riêng trong mảng thơ tình của Exenhin chúng tôi nhận thấy rằng hình tượng cánh đồng không chỉ biểu tượng cho làng quê Nga, nông thôn Nga, mà hình tượng cánh đồng còn là biểu tượng cho một nơi chốn thanh bình, hạnh phúc:

“Tà áo dài màu xanh đang bay lượn Trên cánh đồng đêm gió lạnh mênh mông Niềm hạnh phúc dại khờ thương mến Mát tinh khôi đôi má ửng hồng”

[14; tr 46 ]

Màu xanh là màu tượng trưng cho niềm tin, hy vọng cho sức sống tràn đầy. Tác giả đã cảm nhận màu xanh của cánh đồng như chiếc áo dài màu xanh đang bay lượn bởi những cơn gió lướt qua. Màu xanh tươi nguyên đầy sức sống của cánh đồng hài

hòa với đôi má ửng hồng của “cô gái dịu dàng” cùng làng gió lượn tạo nên một cảm giác mát thật đặc biệt, mát tinh khôi. Hai từ “tinh khôi” vừa gợi nên sự tinh khiết của cô gái, vừa tạo cảm giác trong lành, mát mẻ của không khí. Để rồi cánh đồng hiện lên với vẻ đẹp mênh mông của màu sắc, của cảm giác mát tinh khôi. Qua đó khơi gợi một tình yêu trong sáng, hồn nhiên và trinh bạch. Các câu thơ trên truyền sang cho độc giả “niềm hạnh phúc dại khờ thương mến” đang dâng lên trong lòng thi nhân. Ở đây hình tượng cánh đồng đã thoát khỏi hình ảnh cánh đồng ngoài thực tại, và hình tượng này đã trở thành biểu tượng cho một nơi chốn hạnh phúc, yên lành để tình yêu nảy nở.

Khi người ta yêu thương thì cũng là lúc người ta biết bắt đầu mơ mộng, và trong “giấc mộng dịu dàng vẫn lặng lẽ cháy lên” một thế giới tươi đẹp đã hiện ra với “cánh đồng ngả rạ” cùng “ngôi nhà gỗ trong hồn”

“Nhưng giấc mộng dịu dàng vẫn lặng lẽ cháy lên Tất cả đều tàn phai trong xanh mờ khói tỏa Một thế giới cho em là cánh đồng ngả rạ Một thế giới cho em ngôi nhà gỗ trong hồn”

[14; tr 115]

Trong đoạn thơ này ta lại một lần nữa thấy hình ảnh cánh đồng hiện lên. Cho dù tất cả đều tàn phai trong xanh mờ khói tỏa nhưng với tình yêu mãnh liệt, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ thì tình yêu “vẫn lặng lẽ cháy lên”, bởi ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phải(Tôi yêu em – Puskin) trong lòng tác giả. Thế nên trong giấc mộng dịu dàng ấy vẫn có một thế giới bình yên cho em là “ngôi nhà gỗ” bên “cánh đồng ngả rạ”. Có lẽ suốt khoảng thời thơ ấu của mình, Exenhin đã sống bình yên nơi thôn quê gắn với hình ảnh cánh đồng, nên khi yêu ông cũng mơ về một nơi bình yên có “cánh đồng và ngôi nhà gỗ”. Trong tâm tưởng của tác giả hình tượng cánh đồng đã trở thành biểu tượng cho nơi chốn thanh bình, ở nơi đó có hai trái tim vàng trong ngôi nhà gỗ bên cánh đồng ngả rạ. Quả là một không gian lãng mạn dành cho những đôi uyên ương.

Không những thế trong thơ tình của Exenhin hình tượng cánh đồng còn là biểu tượng cho quê hương của tác giả, nơi tác giả đã sinh ra và ông đã tự hào nói với người yêu của mình về nơi đó:

“Saganê của anh, Saganê!

Có phải vì anh từ phương bắc tới Nên muốn kể em nghe về đồng nội

Và kiều mạch đen gợn sóng dưới trăng đêm Saganê ơi em, Saganê”

[2; tr 100]

Hình tượng cánh đồng luôn xuất hiện rất nhiều trong thơ Exenhin, với tình yêu quê hương tha thiết hình tượng ấy có sức ám ảnh mãnh liệt với tác giả. Cho dù ở đâu, dù đi đến nơi nào lòng tác giả vẫn nhớ về quê hương với những cánh đồng “kiều mạch đen gợn sóng dưới trăng đêm”, hay là cánh đồng ngả rạ, cánh đồng xanh non, mượt mà. Ngay cả khi đến với xứ sở Ba Tư và kề cận bên người yêu xinh đẹp, Exenhin vẫn không quên quê hương. Thay cho những lời nói yêu thương là những câu truyện về cánh đồng mà tác giả muốn kể cho người yêu của mình nghe - có lẽ “vì anh đến từ phương bắc” nên “muốn kể em nghe về đồng nội”. Ta thấy trong lòng tác giả luôn có sự hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương. Nói đến cánh đồng là nói đến những gì gắn bó, thân thiết, cánh đồng đã đi vào thơ ca và hình tượng này đã trở thành biểu tượng cho quê hương, xứ sở của nhà thơ.

Tóm lại hình ảnh cánh đồng là một hình ảnh giàu giá trị biểu trưng. Cánh đồng được miêu tả qua nhiều chiều kích không gian, thời gian khác nhau, hiện lên qua nhiều màu sắc biến đổi và xuất hiện trong thơ viết về thiên nhiên một cách dày đặc, gắn liền với niềm sướng vui và đau khổ của Exenhin. Hình tượng cánh đồng trong thơ tình cũng được nhà thơ tập trung khắc họa và hình tượng đó đã trở thành biểu tượng cho quê hương mà tác giả tự hào ca ngợi cùng người yêu. Bên cạnh đó thì hình tượng cánh đồng còn là chốn thanh bình để tình yêu nảy nở, là nơi lý tưởng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Hình tượng cánh đồng là nguồn cảm hứng dồi dào cho biết bao cây bút, nhưng dưới ngòi bút tài năng của Exenhin cùng với sức ép của cảm xúc chân thành hình tượng cánh đồng vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả.

Ngoài hình tượng cánh đồng thì trong thơ Exenhin hình tượng bạch dương cũng rất nổi bật. Xét riêng trong mảng thơ tình của ông chúng tôi thấy rằng hình tượng bạch dương cũng xuất hiện rất nhiều lần và đã trở thành biểu tượng cho thiên nhiên Nga, cho vẻ đẹp Nga:

“Tôi thi sĩ cuối cùng của đồng quê

Chiếc cầu gỗ khiêm nhường trong bài hát Tôi chống việc đến dự ngày lễ thánh Hồn phải lòng những chiếc lá bạch dương”

[2; tr 80]

Viết về thiên nhiên Nga, hai hình tượng xuyên suốt trong thơ ông đó là hình tượng cánh đồng và hình tượng cây bạch dương. Với đoạn thơ này ta thấy hình ảnh bạch dương hiện lên rất tự nhiên và tình cảm mà tác giả gửi gắm vào đó cũng rất trong sáng. Ở đây hình ảnh của những chiếc lá bạch dương là hình ảnh ẩn dụ. Tác giả muốn thông qua hình ảnh này để bài tỏ tình cảm của mình với một cô gái nào đó. Một cách tỏ tình kín đáo nhưng không kém phần thi vị và lãng mạn. Ta thấy hình tượng cây bạch dương trong thơ của Exenhin không còn đơn thuần chỉ là hình ảnh của cây bạch dương ngoài thực tế nữa, mà đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Nga, của vẻ đẹp con người Nga.

Và đây hình tượng bạch dương hiện với vẻ đẹp của thiếu nữ đầy sức sống làm rung động trái tim nhà thơ:

“Mái tóc xanh

Vòng ngực tròn thiếu nữ

Ôi bạch dương, bạch dương mảnh dẻ Cớ chi người nhìn mãi xuống đầm”

[2; tr 76]

Với một trái tim yêu nước nồng nàn và một tâm hồn dành trọn cho thiên nhiên Nga, nhà thơ đã khẳng định rằng “suốt đời yêu dáng vẻ của bạch dương” cũng đủ thấy được giá trị biểu tượng của bạch dương Nga trong thơ tình của Exenhin:

“Anh suốt đời sau sa mù sương trắng Suốt đời yêu dáng vẻ của bạch dương Yêu cả những hạt sương vàng lóng lánh Cả áo choàng cây khoác thật thân thương”

[14; tr 128]

Qua đoạn thơ trên người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên Nga thông qua hình tượng của bạch dương. Trong cái nhìn thi vị của nhà thơ, cây bạch dương

đọng những giọt sương vàng lóng lánh khi đang khoác chiếc áo choàng bằng tuyết trắng tinh tạo nên một hình ảnh giàu sức sáng tạo và vô cùng độc đáo. Bởi trong suy nghĩ của Exenhin bạch dương đã thoát khỏi dáng vẻ của một loài thực vật trở thành một con người với chiếc áo choàng khoác thật thân thương, và nhà thơ đã khẳng định tình yêu thủy chung của mình“Suốt đời yêu dáng vẻ của bạch dương”.

Có lẽ trong lòng của Exenhin bạch dương lúc nào cũng tượng trưng cho những gì đẹp đẽ nhất, trong sáng nhất và hình tượng đó đã nâng lên thành biểu tượng, biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên Nga, con người Nga nên cũng dễ hiểu khi nhà thơ so sánh người yêu của mình với cây bạch dương trong trắng:

“Em hiển hiện như bạch dương trong trắng Đứng lặng thầm bên cửa sổ thân yêu”

[14; tr 128]

Dù người yêu của tác giả hiện lên với vẻ đẹp tinh khiết, trắng trong nhưng dường như lại mang một nỗi buồn khó tả, nỗi buồn ấy được gợi lên qua cụm từ “ Đứng lặng thầm” bên cửa sổ thân yêu. Câu thơ này của Exenhin làm cho chúng ta nhớ bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu: ít nhiều thiếu nữ buồn không nói; tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì, “Lặng thầm”- Chính từ này đã thổi hồn vào câu thơ làm cho nhân vật em ở đây đầy sức sống. Thật kỳ lạ tác giả đang dùng cái tĩnh để nói cái động, thoáng nghe ta có cảm giác như nhân vật em hoàn toàn bất động nhưng ẩn sâu trong tâm hồn lại là một thế giới nội tâm vô cùng phong phú, có lẽ cũng đang sao động dữ dội.

Tóm lại hình ảnh bạch dương và hình tượng cánh đồng là hai hình tượng nổi bật nhất trong thơ của Exenhin nói chung và trong thơ tình của ông nói riêng. Có thể nói hai hình tượng này luôn gắn bó với tâm hồn của Exenhin, luôn sướng vui và đau khổ cùng nhà thơ. Hình tượng bạch dương trong thơ tình Exenhin đã nâng lên thành biểu tượng, biểu tượng cho thiên nhiên Nga, sức sống và vẻ đẹp của con người Nga. Đồng thời thông qua hình tượng bạch dương tác giả đã thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu khi thì hồn nhiên trong sáng “Hồn phải lòng những chiếc lá bạch dương”, khi thì chung thủy, thiết tha “Suốt đời yêu dáng vẻ của bạch dương”, Lúc thì nhẹ nhàng, thầm lặng “Em hiển hiện như bạch dương trong trắng”… Bên cạnh đó hình tượng cánh đồng biểu tượng cho làng quê Nga, nơi tình yêu thăng hoa với “Niềm hạnh phúc dại khờ thương mến”. Ngoài ra cánh đồng còn biểu tượng cho chốn bình yên để đôi uyên ương xây đắp hạnh phúc gia đình “Một thế giới cho em là cánh đồng ngả rạ; Một thế giới cho em ngôi nhà gỗ trong hồn” ... Mỗi một hình tượng có vẻ đẹp riêng, vị trí riêng nhưng lại có chung một mục đích là cùng làm cho tên tuổi của Exenhin tỏa sáng trên bầu trời thi ca Nga.

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)