Đây được xem là biện pháp nghệ thuật mà Exenhin đã sử dụng một cách triệt để và mang lại hiểu quả cao trong các bài thơ tình của ông. Đồng thời biện pháp nghệ thuật này làm cho những bài thơ ấy sinh động và mới mẻ hơn. Khi nói đến biện pháp nhân hóa trong thơ Exenhin, chúng ta không thể nào không nhắc đến hình ảnh của bạch dượng:
“Mái tóc xanh
Vòng ngực tròn thiếu nữ
Ôi bạch dương. Bạch dương mảnh dẻ Cớ chi người nhìn mãi xuống đầm ?”
[2; tr 76]
Ở biện pháp nhân hóa này, hình ảnh bạch dương hiện lên như một con người với nét đẹp tươi trẻ của thiếu nữ “mái tóc xanh”, “vòng ngực tròn”.... Hơn thế nữa nhà thơ đã dùng từ “người” để chỉ bạch dương và trò chuyện với bạch dương như là một con người thật sự “cớ chi người nhìn mãi xuống đầm ?”. Qua các câu thơ trên hình ảnh của bạch dương sinh động hơn và mới mẻ hơn với độc giả. Tác giả đã thổi hồn vào cây cỏ mang đến cho nó một sức sống mới và sức sống ấy bất diệt trong lòng người đọc.
Tình yêu xưa nay được so sánh với những gì tươi đẹp nhất, tinh khiết nhất, loài hoa tượng trưng cho tình yêu cũng là “chúa tể” của các loài hoa bởi vẻ đẹp và sự quyến rũ của nó. Trong thơ tình của Exenhin không chỉ có hình ảnh của cây bạch dương mà còn có hình ảnh của hoa hồng. Với biện pháp nhân hóa hoa hồng cũng tạo nên điểm nhấn đặc biệt trong thơ ông:
“Và những cánh hoa hồng rơi xuống Chúng buồn rầu đau đớn nói với tôi “Saganê của anh đã ôm hôn người khác Saganê âu yếm kẻ khác rồi”
[14; tr 151]
Biện pháp nhân hóa làm cho hình ảnh hoa hồng ở đây thật giàu ý nghĩa. Hoa hồng là loài hoa tượng trưng cho tình yêu, nhưng “những cánh hoa hồng rơi xuống” là một dự báo không tốt lành cho tình yêu của tác giả. Thêm vào đó người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng tác giả đang rất đau buồn và cô đơn. Bởi con người cảm thấy cô đơn và buồn đau thường tìm về với thiên nhiên, trò chuyện với cỏ cây. Và ở đây biện pháp nhân hóa đã nâng hoa hồng lên khỏi cuộc đời của một loài thực vật mà hiện lên với tư cách của một con người “chúng buồn rầu đau đớn nói với tôi; Saganê của anh đã ôm hôn kẻ khác; Saganê âu yếm kẻ khác rồi”. Tác giả đau đớn, hụt hẫng vì tình yêu tan vỡ. Qua các câu thơ trên ta thấy hoa hồng được nhân hóa và là đối tượng nói cho tác giả biết người yêu đã phản bội mình. Đó cũng là nguyên nhân chính gây ra nỗi đau của tác giả. Từ đó ta thấy biện pháp nhân hóa tạo điều kiện để tác giả bộc bạch tâm sự, thể hiện nỗi đau của mình trong thơ. Đồng thời với biện pháp nhân hóa này hình ảnh hoa hồng làm cho thế giới nghệ thuật trong các câu thơ trở nên huyền ảo và lãng mạn hơn.
Và đây là một hình ảnh khác cũng không kém phần độc đáo: “Tôi thầm thì với cây lan tử la
Về tình yêu đã chết
Về em khóc âm thầm không thành tiếng Chẳng bao giờ còn được gọi tên tôi”
[14; tr 20]
Với biện pháp nhân hóa cây lan tử la đã thoát khỏi thân phận của một loài thực vật, trở thành đối tượng để tác giả bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình “Tôi thầm thì với cây lan tử la”. Tác giả thổ lộ với cây lan tử la “Về tình yêu đã chết; Về em khóc âm thầm không thành tiếng”. Sử dụng biện pháp nhân hóa làm cho nỗi đau về tình yêu tan vỡ của tác giả được bộc bạch một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn. Với biện pháp này đối tượng tác giả trò truyện là cây lan tử la, không phải là con người. Điều đó góp phần làm cho không gian tâm sự tĩnh lặng, cô tịch và nỗi đau “Về tình yêu đã chết” của tác giả như sâu lắng, chân thành và thiết tha hơn.
Tóm lại hình ảnh cây lan tử la, cây bạch dương hay là hoa hồng dù rất quen thuộc và đã xuất hiện nhiều trong thơ ca. Nhưng ở thơ Exenhin nó vẫn tươi mới và có một sức quyến rũ kỳ lạ. Biện pháp nhân hóa giúp cho tác giả bộc lộ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu một cách tự nhiên, sâu lắng và chân thành hơn. Đồng thời với biện pháp này, thiên nhiên trở thành đối tượng để tác giả giải bày tâm sự thầm kín của mình về tình yêu tan vỡ. Exenhin đã sử dụng một cách điêu luyện biện pháp nhân hóa, nhiều hình ảnh thiên nhiên trong thơ ông trở nên “người” hơn góp phần tạo nên sự độc đáo cho thơ tình của ông.