Khát vọng hạnh phúc trong tình yêu

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 55)

Trong thơ Exenhin, hai chủ đề xuyên suốt là tình yêu quê hương đồng ruộng, nước Nga và tình yêu đôi lứa. Riêng về đề tài tình yêu (đôi lứa) ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ tuyệt diệu có sức khám phá thế giới sâu thẳm trong tâm hồn con người, đồng thời bộc lộ những quan niệm đúng đắn và sâu sắc trong tình yêu. Bên cạnh những quan niệm về sự thủy chung, chân thành, say đắm, thiết tha…ta còn thấy Exenhin quan niệm rằng phải luôn có khát vọng hạnh phúc trong tình yêu. Khi khảo sát mảng thơ tình của ông chúng tôi thấy rằng trong thơ ông luôn chứa chan một khát vọng hạnh phúc trong tình yêu lúc thì âm ỉ, thầm lặng nhưng có khi cũng rất mạnh mẽ, dữ dội.

Xuân Diệu đã từng nói “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu”. Có lẽ vì thế mà khi yêu ai cũng mong muốn, khát khao có được một tình yêu hạnh phúc trọn vẹn. Exenhin cũng không ngoại lệ, cái khát vọng hạnh phúc ấy nó như nguồn sống dâng đầy, như hơi thở đầm sâu trong ngực:

“Trên đời này mọi người lần lượt Hát về tình yêu lặp lại nhau thôi Tôi đã hát ở nơi xa nào đó Và bây giờ lại hát ở đây

Lời ca như nguồn sống dâng đầy Như hơi thở đằm sâu trong ngực”

[14; tr 144]

Ai lớn lên cũng một lần yêu và khi biết yêu mơ mộng thật nhiều. Mỗi người có một cách thể hiện tình yêu khác nhau, nhưng cảm giác hạnh phúc trong tình yêu của mỗi người là hoàn toàn giống nhau. Điều này thể hiện ở ngay hai câu thơ đầu tiên “Trên đời này mọi người lần lượt; Hát về tình yêu lặp lại nhau thôi”. Khi hạnh phúc người ta vô tư cất cao giọng hát về tình yêu của mình và Exenhin cũng không ngoại lệ:

“Tôi đã hát ở nơi xa nào đó; Và bây giờ lại hát ở đây”. Nếu niềm hạnh phúc toát lên từ toàn bộ khúc hát thì khát vọng hạnh phúc có lẽ được tập trung thể hiện ở lời của bài hát “Lời bài ca như nguồn sống dâng đầy; Như hơi thở đằm sâu trong ngực”. Khát vọng hạnh phúc trong tình yêu ồn ào mà lặng lẻ, dữ dội lại dịu êm. Bởi có lúc nó trào dâng mạnh mẽ như nguồn sống dâng đầy, nhưng có khi lại thầm lặng như hơi thở đằm sâu trong ngực.

Trong thơ Exenhin khát vọng hạnh phúc còn thể hiện qua nỗi đau khi tình anh đã đến mùa chín nẫu mà tình em chẳng biết dậy sắc hương:

“Tình yêu là chuyện thú vị hoặc tào lao? Em hôn mà đôi môi em như sắt

Tình yêu anh đã đến mùa chín nẫu Mà tình em chẳng biết dậy sắc hương”

[14; tr 91]

Tagore đã từng quan niệm rằng tình yêu là một nhân tính thiêng liêng. Con người sinh ra trên cõi đời này ai cũng phải yêu, vì đó là hạnh phúc, vì đó là nhu cầu của cuộc sống như ngọn lửa và ánh mặt trời cần cho con người vậy. Exenhin là người sống không thể thiếu tình yêu. Trái tim ông luôn khát khao, luôn muốn yêu và được yêu thì không thể chấp nhận có sự nhạt nhẽo và nhàm chán trong tình yêu: “Em hôn mà đôi môi em như sắt”. Vì thế nên nhà thơ đau đơn biết bao khi “Tình anh đã đến mùa chín nẫu; Mà tình em chẳng biết dậy sắc hương”. Rồi thi nhân bàng hoàng thốt lên câu hỏi “Tình yêu là chuyện thú vị hoặc tào lao?”

Đằng sau tâm hồn bất hạnh đó là một trái tim khát khao yêu đương, khát khao có được hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu. Bởi một điều tất yếu là khi người ta thiếu thốn thứ gì đó mà đặc biệt là tình cảm thì càng khát khao mong muốn có được nó. Và đây sự khao khát ấy đã được nhà thơ diễn tả một cách hình ảnh “tựa bão tuyết nhớ phấn hoa tháng năm; Cất lên tiếng gọi tình yêu cuồng nhiệt”:

“Và nhận lỗi một cách thành tâm Tôi nhìn thấy chỉ mỗi mình duy nhất Tựa bão tuyết nhớ phấn hoa tháng năm Cất lên tiếng gọi tình yêu cuồng nhiệt”

[14; tr 137]

Qua hai câu thơ cuối người đọc cảm nhận được sự nhiệt thành của một trái tim khát khao tình yêu. Khi nói đến bão người ta thường liên tưởng ngay đến những gì mạnh mẽ và dữ dội. Ở đây nhà thơ đã so sánh sự khát khao đang bùng cháy trong tim mình “tựa bão tuyết nhớ phấn hoa tháng năm”, và đỉnh điểm của sự khát khao mạnh mẽ ấy được bộc lộ ra bên ngoài qua “tiếng gọi tình yêu cuồng nhiệt”.

Trong thơ Exenhin có sự chan hòa, gắn bó giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu quê hương, đồng ruộng. Do đó trong thơ Exenhin khát vọng hạnh phúc trong tình yêu còn thể hiện qua niềm mơ ước về cuộc sống thanh bình, đầm ấm nơi thôn quê, bên cánh đồng và ngôi nhà gỗ, dù “tất cả sẽ tàn phai trong xanh mờ khói tỏa” nhưng cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp đó “như giấc mộng dịu dàng vẫn lặng lẽ cháy lên”:

Tất cả đều tàn phai trong xanh mờ khói tỏa Một thế giới cho em là cánh đồng ngả rạ Một thế giới cho em ngôi nhà gỗ trong hồn”

[14; tr 115]

Ở hai câu thơ cuối tác giả đã vẽ lên một bức tranh về cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Một thế giới dành riêng cho em không phải xa hoa, diễm lệ như lâu đài tình ái mà thật bình dị, đơn sơ nhưng không kém phần lung linh và lãng mạn với cánh đồng ngả rạ, và ngôi nhà gỗ trong hồn.

Đôi khi cuộc sống bình dị, niềm hạnh phúc giản đơn đó với nhiều người có thể dễ dàng đạt được, nhưng với Exenhin - một nhà thơ “Cuộc đời sớm vương phải đau thương” cuộc sống ấy dường như khó đạt được. Bởi ông như một sinh thể của thiên nhiên, của đồng quê Nga bị vứt ra khỏi đồng ruộng, và cho dù ở nơi đâu ông vẫn thương nhớ về quê hương. Nhà thơ đã bộc bạch với người yêu về nỗi khát khao muốn được trở về thăm lại cố hương để tận hưởng cái hạnh phúc bình yêu mà dung dị khi “Lặng chìm trong vô danh không bon chen hối hả”:

“Anh muốn về thăm lại cố hương sao Nằm đưới hàng tân lê nghe rì rào tiếng lá

Lặng chìm trong vô danh không bon chen hối hả Lại ước say triền miên cùng bạn cũ thuở nào”

[14; tr 91]

Nhưng thật đáng buồn là dù có khao khát lắm, thương nhớ lắm nhưng anh “chẳng có dịp nào về thăm mẹ, thăm em”. Để nỗi khao khát ấy vẫn mãi như là một nỗi ám ảnh trong lòng nhà thơ:

“Thương nhớ lắm nhưng anh không về được Chẳng dịp nào về thăm mẹ, thăm em

Như tình yêu, nỗi buồn, niềm tâm sự Chiếc khăn quàng Riadan của em”

[14; tr 126]

Với thơ Exenhin khát vọng hạnh phúc trong tình yêu còn thể hiện qua mong ước có được một người yêu thương mình bằng cả trái tim chân thành. Chính niềm hạnh phúc trong tình yêu sẽ xoa dịu nỗi đau, sẽ ru hồn và ru trái tim nhà thơ, để thi sĩ mãi được tận hưởng niềm hạnh phúc trong giấc ngủ bình yên:

“Ôi ước gì có cô gái nhỏ xinh Bên cửa sổ cho mình nhìn thấy Đôi mắt xanh của cô gái ấy Chỉ nhìn tôi

Không nhìn ai khác

Với giọng nói và tình yêu mới Em ru hồn và ru trái tim tôi”

[14; tr 157]

Exenhin quan niệm là trong tình yêu phải luôn có khát vọng hạnh phúc. Hai mảng xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của Exenhin là thơ viết về quê hương, nước Nga và thơ viết về tình yêu đôi lứa. Có lẽ vì thế khát vọng hạnh phúc trong tình yêu của ông không tách rời tình yêu quê hương, đất nước. Điều đó thể hiện thông qua khát khao về một cuộc sống bình yên, đầm ấm nơi làng quê. Đồng thời khát vọng ấy trong thơ ông cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau, có lúc sâu lắng như hơi thở đằm sâu trong ngực, có lúc mãnh liệt như bão tuyết quay cuồng nhưng đôi khi lại da diết nhớ, thương, buồn. Thông qua đó, một tâm hồn đầy ấp yêu thương và nhiệt thành với cuộc sống dần hé mở - càng khắc sâu hơn dấu ấn của Exenhin trong lòng độc giả.

Tóm lại thơ tình của Exenhin đã thể hiện những quan niệm rất đúng đắn và tiến bộ. Tình yêu trong sáng, hồn nhiên đến tinh khiết với hình ảnh “Cô giái dịu dàng trong màu trắng”, hay cảm xúc “Anh bồi hồi nôn nao bao nhiêu” của những rung động đầu đời. Hình ảnh người phụ nữ trong thơ ông lúc nào cũng xinh đẹp, quyến rũ, có đời sống nội tâm vô cùng phong phú “Mặt nàng thơ ngây và đẹp tựa mai hồng”, hay “Mắt em màu vàng nâu như vực sâu hút xoáy”. Tình yêu chân thành, say đắm với lời mời gọi thiết tha “Hãy nồng nàn, hãy đắm say hơn”. Tình yêu chung thủy nhưng tự do khi “Ngồi bên ai, vẫn mơ màng nhớ em”. Tình yêu cao thượng được thể hiện một cách nhẹ nhàng và sâu sắc “Tôi không ghen với em nhiều lắm; Cũng chẳng nhiều lời nguyền rủa em đâu”. Khát vọng hạnh phúc được thể hiện thầm lặng “Như hơi thơ đằm sâu trong ngực” nhưng đôi khi cũng rất mãnh liệt “Tựa bão tuyết nhớ phấn hoa tháng năm”. Tất cả đều thể hiện một Exenhin sống hết mình và yêu hết mình. Đồng thời những quan niệm ấy còn mang đậm tính nhân văn và thể hiện một tâm hồn cao cả, một nhân cách lớn. Nếu như bây giờ mọi người đòi hỏi sự chung thủy và kêu gọi sự tự do, cao thượng trong tình yêu, thì những điều này đã được thể hiện trong thơ Exenhin và các nhà thơ khác hàng thế kỷ trước. Vì thế không chỉ là thế hệ trước, hiện tại và cả thế hệ mai sau nữa sẽ vẫn đọc thơ ông bởi ánh sáng của trí tuệ và tài năng trong thơ ông không bao giờ lù mờ.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TÌNH CỦA X.EXENHIN

Các nhà thơ Nga thế hệ sau cũng như đông đảo người đọc đều nhất trí rằng Serghei Esenhin là nhà thơ Nga nhất trong các nhà thơ Nga. Thơ ông có tiếng lá bạch dương xào xạc, có tiếng chuông lanh lảnh trên cổ đàn gia súc, có trăng bao la lặng lẽ toả trên xóm vắng, có bình minh dệt lưới đỏ giăng khắp mặt hồ, có màu xanh lam thẫm của hoa cúc đồng. Không chỉ riêng thơ viết về cảnh thiên nhiên mà ngay trong thơ tình yêu cũng vậy, bằng những từ ngữ mộc mạc, giản dị thơ tình của ông đã diễn tả đầy đủ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu và đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Cái gì đã làm nên sự thành công đó? Khi khảo sát thơ tình của Exenhin chúng tôi

cho rằng thành công ấy là do có sự đóng góp một phần rất quan trọng của nghệ thuật thơ.

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)