Cảnh huống chia tay và tâm trạng luyến tiếc,

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 33)

Thơ Exenhin là một tiếng nói trữ tình mang một phong cách đặc sắc. Đó là những lời thơ không quá bóng bẩy nhưng tinh tế, giọng thơ dịu nhẹ và đằm thắm thiết tha, ẩn chứa một nỗi buồn sâu lắng[7; tr 14]. Nỗi buồn mang một nét riêng - nỗi buồn Exenhin ,và ta cảm nhận sâu sắc nỗi buồn ấy thông qua những vần thơ viết về nỗi nhớ thương người yêu khi hai người đã chia tay:

“Những hạt mưa không nhìn thấy thoảng bay Tất cả ấm dần, ấm dần lên mọi thứ

Trong mưa bụi anh nhớ em, anh nhớ Anh, Xergây Exênhin”

[14; tr 43]

Bắt đầu bằng việc miêu tả hạt mưa, nhưng đây là những hạt mưa không nhìn thấy thoảng bay, mưa của thiên nhiên hay mưa trong lòng tác giả?. Dù mưa nhưng thật kỳ lạ mọi thứ không lạnh lẽo mà ấm dần lên “Tất cả ấm dần, ấm dần lên mọi thứ”. Có lẽ tác giả cảm nhận mọi thứ ấm dần lên là do trong trái tim tác giả đang rực cháy một ngọn lửa tình yêu. Để rồi nhà thơ thốt lên “Trong mưa bụi anh nhớ em, anh nhớ”. Câu thơ ấy thể hiện tình yêu sâu đậm của tác giả dành cho nhân vật em. Giọng thơ nghe như đằm thắm, thiết tha, đặc biệt là cụm từ “anh nhớ em, anh nhớ” được nhắc lại hai lần nhằm nhấn mạnh, khắc sâu thể hiện một nỗi nhớ mãnh liệt, da diết.

Chắc hẳn khi viết nên những vần thơ diễn tả nỗi nhớ sâu đậm đó, tâm trạng của tác giả cũng đang rất buồn bã vì chia tay, xa cách người yêu. Những gì còn lại là nỗi nhớ. Nỗi nhớ được tác giả thể hiện với nhiều dạng thức khác nhau, lúc thì thể hiện trực tiếp “Trong mưa bụi anh nhớ em, anh nhớ”, nhưng cũng có lúc lại thể hiện thông qua những bóng hình dĩ vãng dậy trong tim:

“Thi sĩ viết bài ca buồn sâu lắng

Những bóng hình dĩ vãng dậy trong tim Những âm thanh trong tâm hồn vang vọng Sớm mai anh mang đổi hết thành tiền”

[14; tr 3]

Cuộc chia tay nào cũng thường đem đến nỗi buồn và có lúc tác giả đã tự khuyên trái tim thôi đừng buồn, đừng thổn thức mà hãy bình tĩnh lặng im:

“Đừng đi lại dưới cửa sổ nhà em

Đám cỏ xanh trong vườn đừng giẫm nát Em với anh chia tay từ dạo trước

Nhưng đừng buồn hãy bình tĩnh lặng im” [14; tr 19]

Thơ tình của Exenhin dường như bao giờ cũng thể hiện một tình yêu sâu đậm và thiết tha. Nên dù chia tay nhưng thi nhân vẫn còn mang trong lòng nỗi nhớ thương da diết, và nhà thơ đã nhiều lần thẫn thờ “đi lại dưới cửa sổ nhà em”. Rồi trong những giây phút đắm chìm trong nỗi nhớ, cùng với một tâm trạng buồn thương tác giả đã đau đớn, bàng hoàng nhận ra rằng “Anh với em chia tay từ dạo trước” và tự khuyên lòng mình thôi “đừng buồn hãy bình tĩnh lặng im”.

Đến với một bài thơ khác ta thấy cũng cảnh huống chia tay, cũng khung cửa sổ nhà em nhưng với một hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt:

“Xin em đừng gượng cười, tay hãy yên một chỗ Tôi yêu người khác rồi không thể vẫn yêu em Em phải biết chính em nên hiểu rõ

Tôi không nhìn thấy em tôi đâu phải đến tìm Trái tim tôi dù sao vẫn muốn nhìn cửa sổ Khi đi ngang qua nhà chỉ đơn giản vậy thôi”

[14; tr 118]

Dù thốt lên lời nói vô tình có thể làm cho nhân vật em buồn lòng, đau đớn: “Tôi yêu người khác rồi không thể vẫn yêu em”. Nhưng lòng tác giả đang đau đớn, và tâm trạng cũng không vui xướng gì khi “không thể” vẫn yêu em. Vì nghịch cảnh hay vì một lý do nào đó, chứ không phải lòng thi nhân muốn phụ bạc. Cách nói giản đơn nhưng đã lột tả hết nội tâm, nỗi đau thương, luyến tiếc trong lòng tác giả. Càng đau đớn hơn khi vẫn yêu người nhưng nhà thơ phải nói lời vô tình: “Em phải biết chính em nên hiểu rõ; Tôi không nhìn thấy em tôi đâu phải đến tìm”. Có lẽ lý trí và tình cảm, khối óc và trái tim của tác giả đang đấu tranh rất dữ dội. Bởi hai người đã chia tay và “Tôi đã yêu người khác rồi không thể vẫn yêu em” – câu thơ cho thấy sự dứt khoát, nhà thơ không còn tình cảm gì với em. Nhưng thật mâu thuẫn “Trái tim tôi dù sao vẫn muốn nhìn cửa sổ; Khi đi ngang nhà chỉ đơn giản vậy thôi”. Có lẽ trong hoàn cảnh này Exenhin và Lecmontop là hai người cùng chung cảnh ngộ:

“Không tôi nào nữa yêu em

Mộng xưa đau đớn, cuồng điên qua rồi Nhưng nơi sâu kín lòng tôi

Hình em vẫn sống, tuy vời vợi xa”

Và có lẽ Exenhin cũng xuất phát từ tâm trạng ấy, dù hai người không còn bên nhau và đã chia tay từ dạo trước, nhưng tình yêu của tác giả dành cho người ấy vẫn chưa phai nhạt, bởi “Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai” (Puskin). Nên tác giả đã dặn dò chú chó của mình: “Mày hãy thay tao hôn thật dịu dàng” bởi tác giả biết rằng “Không có tao người ấy sẽ buồn”

“Dim thân yêu giữa những người khách của mày Đủ hạng người và cả người chưa đến

Có người đàn bà nào dáng buồn lặng lẽ Bỗng hôm nào tình cờ ghé lại không? Người ấy đưa đến tay cho mầy bắt Mày hãy thay tao hôn thật dịu dàng

Không có tao người ấy sẽ buồn

Mày hãy thay tao giữ gìn chăm chút… Và Dim nhé đừng có gì đáng tiếc….”

[14; tr 134]

Không phải ai cũng dễ dàng có được một tình yêu thực sự để day dứt mãi về nó khi nó không còn quay lại nữa. Có cảm thông như vậy ta mới có thể thấm thía sâu sắc nỗi buồn của thi sĩ trong các câu thơ sau:

“Đêm phập phòng những hàng lông mày đen Những con ngựa của ai trong sân thế

Phải trong quán chiều qua tôi tiêu sài tuổi trẻ Có phải chiều qua tôi đã bỏ em chăng

………

Mặc tôi sẽ yêu người khác đừng ghen

Với người ấy, với người yêu và với người khác nữa Tôi sẽ kể rằng có một thời nào đó

Em thân yêu tôi từng gọi trong đời”

[14; tr 87]

Exenin là người biết nhận ra sự cô đơn ghê gớm khi chung quanh mình vắng bóng con người, hoặc nhà thơ cảm thấy trống vắng khủng khiếp khi chỉ có một mình trong những đêm thanh vắng. Với nỗi cô đơn đó, và với một tâm trạng bâng khuâng hoài nhớ về quá khứ cùng những chặn đường đau khổ, đổ vỡ, chia tay trong tình yêu mà bản thân đã từng trải qua, tác giả đã tự vấn lương tâm mình: “Có phải chiều qua tôi đã bỏ em chăng”. Tác giả như nói với em yêu nhưng thật sự là nói với chính mình. Dù hai người chia tay, dù tác giả đã yêu bao người khác nhưng “Với người ấy, với người yêu và với người khác nữa; Tôi sẽ kể rằng có một thời nào đó; Em thân yêu tôi từng gọi trong đời”.

Thi sĩ là lãng mạn, đa tình, nhưng đối với Exenhin ông còn là thi sĩ nặng tình nữa. Exenhin đã trải qua nhiều mối tình, nhưng trong mối tình nào ông cũng yêu say đắm và chân thành như mối tình đầu tiên. Tuy nhiên không ít mối tình tan vỡ đã để lại trong lòng nhà thơ nhiều vết thương. Chính nỗi đau từ những vết thương ấy đã khơi gợi cảm xúc cho tác giả viết nên các vần thơ xót xa, luyến tiếc khi chia tay người yêu. Dù vậy nhưng đôi lúc tác giả cũng rất dứt khoát, quyết liệt và ẩn sâu trong trái tim nhà thơ là sự vị tha, cao thượng cùng lòng thương yêu con người vô bờ bến:

“Vâng em cứ đi đường em cho rảnh Những ngày buồn tan thành bụi bay đi Đừng động đến những ai còn trong trắng Đừng quyến rũ người chưa biết khổ đau gì”

[14; tr 99]

Dù chia tay rất khổ đau và tác giả đã dứt khoát “Em cứ đi đường em cho rảnh”. Nhưng nhà thơ vẫn không quên dặn dò người yêu: “Đừng động đến những ai còn trong

trắng; Đừng quyến rũ người chưa biết khổ đau gì”. Bởi thi nhân không muốn người khác phải gánh chịu nỗi đau như mình. Các nhà thơ lớn bao giờ cũng mang trong mình một trái tim nhân hậu và một tâm hồn phóng khoáng. Khi tình yêu đến Exenhin hồn nhiên đón nhận và yêu một cách say đắm, nhưng khi tình yêu phai nhạt nhà thơ chấp nhận chia tay để mỗi người tìm cho mình hạnh phúc mới mà không hề oán trách nhau:

“Tôi không cuối hôn người

Số phận tôi với người không ràng buộc Tôi sửa soạn cho mình con đường khác Từ hoàn hôn đến bình minh

Những dự định bắt đầu bay nhanh Vào bóng đêm căm lặng

Giây phút này không có gì tạm biệt Cũng không có gì tôi gửi lại ai

[14; tr 41]

Cảnh huống chia tay trong thơ tình của Exenhin được thể hiện thông qua những cách nói rất rõ ràng, cụ thể: “Anh với em chia tay từ dạo trước” hay là “Có phải chiều qua tôi đã bỏ em chăng”. Và đồng thời cảnh huống chia tay còn gắn với những cảm xúc rất tinh tế: yêu thương, nhớ thương “Trong mưa bụi anh nhớ em, anh nhớ”, luyến tiếc, xót xa “Trái tim tôi dù sao vẫn muốn nhìn cửa sổ; Khi đi ngang qua nhà chỉ đơn giản vậy thôi”, dứt khoát, quyết liệt “Vân em cứ đi đường em cho rảnh; Những ngày buồn tan thành bụi bay đi”. Tất cả các cảm xúc ấy điều thể hiện một nội tâm phong phú và ẩn sâu trong đó là một trái tim nhân hậu, biết rung động, yêu thương và cũng biết đau đớn, xót xa. Thơ tình của Exenhin luôn mang một nỗi buồn dịu muốt – nỗi buồn Exenhin.

Tóm lại trong thơ tình của Exenhin có nhiều cảnh huống khác nhau, mỗi cảnh huống thể hiện nội tâm và cảm xúc khác nhau. Có thể nói tình yêu trong thơ ông là khu vườn đầy đủ hương sắc, là bản nhạc đủ mọi âm thanh và cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Từ tình yêu ngây thơ, e ấp, trong sáng, dễ thương, đến tình yêu đằm thắm, dịu dàng và tận cùng là tình yêu say đắm, si mê. Đồng thời thông qua những cảnh huống ấy cùng kinh nghiệm từng trải của bản thân, Exenhin đã thể hiện chất triết lý và gửi thông điệp đầy tính nhân văn đến độc giả là hãy có văn hóa trong tình yêu. Chính điều này làm cho thơ tình của ông luôn sống mãi với thời gian và có sức ám ảnh với độc giả.

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 33)