Trường phái Hình tượng coi trọng sự dùng từ chính xác, súc tích, gần với ngôn ngữ nói, và mỗi bài thơ là một cảnh tượng thị giác cụ thể. Là một trong những chủ soái của nhóm thơ Hình tượng đương nhiên ngôn từ của thơ Exenhin nói chung và thơ tình yêu nói riêng cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Khi khảo sát mảng thơ tình của ông, chúng tôi nhận thấy là ngôn từ trong thơ tình của Exenhin rất giàu hình tượng. Người đọc có cảm giác như đang chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc, hương thơm và nhạc điệu của tình yêu. Chính điều này đã tạo nên sức hút cho thơ ông
“Em hãy hát cho anh. Ôi niềm an ủi Không bao giờ anh yêu một mình đâu Cả cánh cửa hàng rào khu vườn thu giấu lửa Lá thanh hương trà rụng xuống buổi chiều sâu”
[14; tr 128]
Qua các câu thơ trên ta cảm nhận một khung cảnh thiên nhiên yên bình hiện lên chan chứa yêu thương, và ở đây dường như có sự hòa hợp, đồng điệu giữa cảnh và tình. Có lẽ tình yêu dành cho quê hương quá lớn đến mức in đậm vào tâm tưởng. Để khi nhà thơ tâm sự với em yêu về nỗi nhớ quê hương, về ký ức êm đềm nơi làng quê vượt lên tất cả là hình ảnh cánh cửa, hàng rào thân quen cùng khu vườn với lá thanh hương trà rụng xuống trong một buổi chiều sâu.
Một khung cảnh hiện lên với cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong một khung cảnh tĩnh lặng khu vườn như rộng lớn không có điểm dừng, bởi đây là một khu vườn trong tâm tưởng của tác giả, nó không có diện tích, không có giới hạn và đặc biệt đây không phải là một khu vườn thu bình thường mà là một khu vườn thu “giấu lửa”. Ngọn lửa của thiên nhiên được ẩn giấu trong màu vàng của lá mùa thu, hay ngọn lửa của tình yêu luôn âm ỉ giấu trong tim của tác giả? Bởi Exenhin là một ngườilàm sao sống được mà không yêu; Không nhớ không thương một kẻ nào(Xuân Diệu) và nhà thơ đã khẳng định “Không bao giờ anh yêu một mình đâu”. Ta thấy trong trái tìm tràn đầy yêu thương của tác giả luôn có sự hài hòa giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương. Nếu thông qua hai chữ “giấu lửa” người đọc như có thể cảm nhận được màu đỏ của lá bằng thị giác của mình, thì bằng trái tim người đọc có thể cảm nhận được tình cảm mà nhà thơ gửi gắm trong đó. Điều này thể hiện tài năng điêu luyện trong cách dùng từ của Exenhin.
Ngoài ra điểm nhấn của bức tranh thiên nhiên này còn thể hiện ở từ “sâu” tại sao không phải là buổi chiều xa mà là buổi chiều sâu ? Nếu tác giả dùng buổi chiều xa thì chỉ gợi cho người đọc cái cảm giác của một buổi chiều đã quá xa xôi trong quá khứ, hay nói đúng hơn là chỉ diễn tả được khoảng cách về thời gian. Nhưng tác giả đã khéo léo dùng “chiều sâu”, từ “sâu” ở đây vừa thể hiện được khoảng cách về thời gian(quá khứ) mà còn gợi lên chiều sâu của tâm trạng, chiều sâu của nỗi nhớ. Từ đó làm nổi bật được tình cảm sâu đậm của tác giả đối với mối tình ngây thơ thời tuổi trẻ nơi quê hương yêu dấu thanh bình.
Với việc sử dụng ngôn ngữ giàu hình tượng Exenhin đã khắc họa trong thơ mình nhưng bức tranh thực sự độc đáo, bức tranh ấy không trừ tượng, chung chung mà rất cụ thể. Người đọc hoàn toàn có thể tưởng tượng ra trước mắt mình cánh cửa, hàng rào của khu vườn thu giấu lửa, và trong khu vườn ấy có lá thanh hương trà rụng xuống trong một buổi chiều xa. Đồng thời thông qua đó người đọc cảm nhận được tình yêu sâm đậm mà tác giả gửi gắm trong thơ mình. Trong bức tranh tác giả đã sử dụng gam màu nóng “giấu lửa” nhưng vẫn không làm bớt đi cái vẻ đìu hiu, vắng lặng của khu vườn. Chính điều đó đã làm nên nỗi buồn dịu dàng trong thơ Exenhin.
Với khả năng tuyệt vời trong việc sử dụng ngôn từ hình tượng, Exenhin đã khắc họa người yêu một cách rất tinh tế, người đọc như đã từng thấy cô ấy ngoài thực tại đời sống:
“……….. Trên gương mặt của em tôi mơ về người khác Người tình này ánh mắt cũng biết xanh Mặc người ấy cái nhìn không hiền dịu Và lạnh lùng trong dáng vẻ kiêu sa Nhưng dáng đi đoan trang, nghiêm nghị Tôi phải lòng khao khát cả trong mơ”
[14; tr 139]
Ấn tượng đầu tiên với người đọc là vẻ đẹp của cô gái này vừa cụ thể về ngoại hình lẫn phong phú về nội tâm bên trong. Cái hay của Exenhin là ông đã lựa chọn ngôn từ một cách khéo léo để có thể cùng một lúc miêu tả toàn diện một con người, cả về hình dáng lẫn tâm hồn chỉ qua vài dòng thơ ngắn ngủi. Người yêu của tác giả hiện lên rất cụ thể với ánh mắt biếc xanh, chính tính từ “biếc xanh” đã làm nổi bật vẻ đẹp của ánh mắt cô gái ấy. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn và ánh mắt biếc xanh như gợi lên chút gì đó lãng mạn, u buồn đồng thời cũng dự báo một nội tâm vô cùng phong phú với “cái nhìn không hiền diệu”.
Đến câu thơ tiếp theo ta thấy cô gái ấy hiện lên càng rõ ràng hơn trong dáng vẻ kiêu sa và dáng đi đoan trang, nghiêm nghị. Thường thì khi nói đến dáng đi, người ta thường nói là dáng đi khoan thai hay là dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển và từ “đoan trang” hay “nghiêm nghị” thường dùng để chỉ tính cách. Nhưng thật lý thú là ở đây tác giả lại dùng những từ chỉ tính cách để chỉ dáng di của người phụ nữ này tạo cho người đọc một ấn tượng đặc biệt về cô gái này. Phải chăng ẩn ý của tác giả trong cách dùng từ “đặc biệt” này nhằm để nhấn mạnh tính cách của cô gái ấy, bởi tính cách thường thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài. Nguyễn Du cũng đã từng miêu tả tính cách của Mã Giám Sinh thông qua dáng vẻ, cử chỉ“ghế trên ngồi tót sỗ sàng” chính cử chỉ đó đã tố cáo tính cách, bản chất của một kẻ thất học, chợ đen, buôn người.
Với khả năng miêu tả đặc biệt của mình cùng ngôn từ hình tượng, chỉ thông qua vài câu thơ Exenhin như đã khắc họa nên trước mắt người đọc hình ảnh người phụ nữ ông yêu một cách sinh động, cụ thể. Người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của dáng vẻ kiêu sa và ánh mắt biết xanh, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp đoan trang, nghiêm nghị của tính cách, Điều này tạo nên ấn tượng đặc biệt về vẻ đẹp của cô gái mà tác giả “khao khát cả trong mơ”.
Exenhin không chỉ có khả năng đặc biệt trong cách miêu tả thiên nhiên hay con người, mà với ngôn từ hình tượng ông còn thể hiện nội tâm của mình một cách hình ảnh, cụ thể cho dù nội tâm là cái trừu tượng không thể nhìn thấy và khó nắm bắt:
“Hồn lãng tử càng ngày càng leo lét Chỉ còn lay vài đốm lửa tình buồn Ôi tuổi xuân tàn phai rồi vẻ đẹp
Đâu ánh mắt phong trần, đâu thác lũ yêu đương” [14; tr 78]
Qua các câu thơ trên ta cảm nhận được một tâm hồn đã và đang mất dần sức sống, cho dù đó là tâm hồn của một lãng tử sống lang thang đây đó vui với gió trăng và thơ thẩn cùng mây, không lo buồn chuyện ngày mai. Con người được phân ra làm hai phương diện cơ bản một tri giác được (thể xác) và một không tri giác được (tâm hồn). Nhưng bằng ngôn từ hình tượng và qua cách miêu tả đặc biệt của Exenhin ta như nhìn thấy, tri giác được tâm hồn của tác giả khi tác giả đã cụ thể hóa bằng từ “leo lét”.
Người đọc cảm nhận được tâm hồn của lãng tử đang ngày càng mất dần sức sống, bởi ngọn lửa tình yêu ngày càng leo lét và giờ “chỉ còn lay vài đốm lửa tình buồn”. Exenhin đã từng khẳng định “Thiếu em yêu tim anh bão tuyết gào” [14; tr 155] và vì tình yêu mà “Anh lại muốn sống thêm và hy vọng” [14; tr 124] cho thấy tình yêu có một vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của nhà thơ. Nhưng bất hạnh thay khi tâm hồn “Giờ chỉ còn lai vài đốm lửa tình buồn”. Nếu tất cả sự đơn lẻ, ít ỏi của đốm lửa tình buồn đều được tập trung thể hiện thông qua từ “vài” thì sự yếu đuối, mong manh của đốm lửa lại thể hiện thông qua từ “lay”. Sự ít ỏi, đơn lẻ của từ “vài” cùng sự mong manh, nhẹ nhàng của từ “lay” ở câu thơ thứ hai này như cộng hưởng, bổ sung làm rõ hơn cho từ “leo lét” ở câu thơ thứ nhất, nhằm diễn tả một cách hình ảnh tình trạng của một tâm hồn đau khổ, hoang tàn khi tình yêu “Chỉ còn lai vài đốm lửa tình buồn”.
Đến câu thơ thứ tư ta bắt gặp tiếng kêu thảng thốt của tác giả: “Đâu ánh mắt phong trần, đâu thác lũ yêu đương” như một sự nối tiếc tuổi xuân đã qua đi và tình yêu đã tàn phai theo năm tháng. Ta thấy tác giả sử dụng ngôn từ rất gần gũi “ánh mắt phong trần” hay là “thác lũ yêu thương” , nhưng cũng rất giàu hình ảnh. Yêu thương là tình cảm mà ai cũng có và ai cũng cảm nhận được, nhưng không ai có thể thấy được nó và ở đây tác giả đã hình ảnh hóa nó bằng danh từ “thác lũ”, ta thấy nó cụ thể hơn, sinh động hơn và cũng lãng mạn hơn. Chỉ qua bốn câu thơ nhưng tác giả đã khắc họa thành công bức tranh tâm hồn của mình trong lúc tuổi xuân tàn phai một cách rất sinh động, cụ thể dù đối tượng được khắc họa rất trừu tượng. Có được thành công đó là do tác giả đã sử dụng nhiều ngôn từ hình tượng trong thơ của mình. Và mỗi bài thơ của Exenhin dường như là một khoảnh khắc được chớp lấy hay là được cắt ra từ cuộc sống thực tế.
Như trên đã nói, trong thơ của Exenhin nói chung và mảng thơ tình yêu nói riêng Exenhin sử dụng nhiều ngôn từ hình tượng, cùng với biện pháp miêu tả độc đáo ông đã viết nên những vần thơ “thi trung hữu họa” rất ấn tượng. Khi khảo sát thơ của Exenhin xét về mặt từ loại, chúng tôi thấy thơ Exenhin sử dụng rất nhiều danh từ chỉ sự vật và tính từ chỉ tính chất của sự vật nhằm làm cho hình ảnh trong thơ sinh động, cụ thể và gần gũi hơn điều đó thể hiện rõ trong đoạn thơ sau:
Con ngựa trắng. Dấu chân kiên nhẫn Trên đường ấy và trên ngựa ấy Một cô gái dễ thương đã đến với tôi Cô gái ấy cứ đi, đi mãi
Chỉ có điều đó không phải người yêu”
[14; tr 147]
Ta thấy từng câu thơ trên miêu tả rất là tỉ mỉ, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mọi vật điều miêu tả rất cụ thể thông qua hàng loạt danh từ và theo sau đó là những tính từ bổ nghĩa cho danh từ đó như “con đường đen”, “con ngựa trắng”, “dấu chân kiên nhẫn”, “cô gái dễ thương”. Chỉ trong sáu câu thơ thôi nhưng có đến bốn danh từ chỉ vật và kèm theo là bốn tính từ chỉ tính chất của sự vật đó, mật độ dày đặc càng làm cho hình ảnh trong các câu thơ trên rõ ràng và cụ thể hơn.
Đây là một bức tranh thể hiện những gì mà nhà thơ đã thấy trong mơ, bức tranh ấy nổi bật lên với hai màu tương phản nhau là màu đen và màu trắng, bức tranh này dường như rất sinh động có con đường đen, con ngựa trắng và cả cô gái dễ thương như giấc mơ nữa. Nhưng thật đặc biệt người đọc vẫn cảm nhận được sự trống vắng, cô đơn của tác giả khi một mình, một ngựa đi trên con đường dài với “dấu chân kiên nhẫn”. Một tia sáng lóe lên đó là sự xuất hiện của cô gái dễ thương như giấc mơ, cô gái như tượng trưng cho tình yêu, đem đến niềm vui và hạnh phúc xoa dịu nỗi đau trong cuộc đời của tác giả. Nhưng thật đáng buồn vì “đó không phải người yêu”. Có lẽ Exenhin vốn sinh ra đã buồn và cái buồn đó ám ảnh nhà thơ ngay cả trong mơ.
Và đây cũng là một trường hợp tương tự: “Mái tóc xanh
Vòng ngực tròn thiếu nữ
Ôi bạch dương, bạch dương mảnh dẻ Cớ chi người nhìn mãi xuống đầm?”
[2; tr 76]
Nếu như trong thơ tình của mình Puskin hay sử dụng hình dung từ để chỉ tâm trạng hay thể hiện trực tiếp những cảm xúc trong nội tâm của mình, nên ngôn từ thơ ông đôi khi hơi trừu tượng ví dụ như “âm thầm”, “rụt rè”, “hậm hực lòng ghen”…Thì ngược lại, trong thơ tình của mình, Exenhin không dùng nhiều từ chỉ tâm trạng mà chủ yếu sử dụng ngôn từ hình tượng miêu tả sự vật từ đó bộc lộ nội tâm của mình, đa số là danh từ và tính từ. Ta thấy trong các câu thơ trên có nhiều danh từ chỉ sự vật và tính từ đi kèm để chỉ tính chất của sự vật đó “mái tóc xanh”, “vòng ngực tròn”, “bạch dương mảnh dẻ”. Chính biện pháp nhân hóa đã làm cho bạch dương hiện lên với vẻ đẹp tràn trề sức sống của thiếu nữ, làm dậy lên trong lòng tác giả một tình yêu tinh khiết, đồng thời các câu thơ trên thể hiện một tâm hồn luôn yêu mến, luôn khát khao muốn lắng nghe, thấu hiểu và hòa nhập vào thiên nhiên.
Ngoài ra trong thơ tình của Exenhin, ông còn sử dụng nhiều động từ chỉ hoạt động của sự vật để mọi thứ đều được thể hiện một cách hình ảnh nhất:
“Trăng tỏa bóng mênh mông Một màu xanh huyền ảo Quì xuống đất chân trần Chàng ôm lấy thân tôi
Và nặng nề cất tiếng thở dài, Chàng khẽ nói trong rì rào cây lá: - Tạm biệt nhé con chim câu bé nhỏ Hẹn chờ nhau, mùa sếu sang năm”
[2; tr 77]
Qua tám câu thơ trên chúng ta bắt gặp rất nhiều động từ như “tỏa bóng”, “quì xuống”, “ôm lấy”, “cất tiếng”, “thở dài”, “khẽ nói”, “tạm biệt”, “hẹn chờ”. Nhờ có những động từ thể hiện hành động này mà diễn biến của câu chuyện diễn ra liên tục và mạch lạc, cụ thể và sinh động. Ngoài ra thông qua ngôn từ thiên nhiên hiện lên rất lãng mạn và huyền ảo với “vầng trăng tỏa bóng” hay ‘khẽ nói trong rì rào cây lá”. Đồng thời người đọc cảm nhận tình yêu được miêu tả trong các câu thơ trên thật tha thiết và cảm động khi “Quì xuống đất chân trần; Chàng ôm lấy thân tôi; Hẹn chờ nhau, mùa sếu sang năm”. Để khi khép sách lại những gì còn đọng trong lòng độc giả là cảm xúc tinh khôi như vừa mới được nghe xong một câu chuyện, đó là câu chuyện về tình yêu của chàng chăn cừu và nàng bạch dương.
Và trong đoạn thơ sau ta lại bắt gặp hàng loạt các động từ liên tiếp nhau: “Em hãy hát cho anh nghe bài hát
Ngày xưa mẹ hát cho mình nghe ấy
Những hi vọng không thành thôi đừng tiếc Anh vụng về không biết hát cùng em”
[14; tr 127]
Qua bốn câu thơ trên ta thấy các động từ được đặt kế tiếp nhau và có sự lặp lại “hát cho anh nghe”, “hát cho mình nghe”, “thôi đừng tiếc”, “không biết hát”. Những động từ này được lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh hành động nào đó, hành động này có tác dụng đặc biệt trong việc thể hiện nội dung của bài thơ cũng như nội tâm của tác giả. Đối với đoạn thơ này, nếu ta đặt nó trong nội dung của toàn bài thơ thì động từ “hát” được lặp lại nhiều lần là để thể hiện lời kêu gọi thiết tha nhân vật em (ở hiện tại) hát, đồng thời thông qua đó tác giả nhớ về giọng hát của mẹ (ở quá khứ), thể hiện sự hoài niệm của tác giả về một thời thân yêu đã qua.
Tóm lại khi khảo sát thơ tình của Exenhin về mặt ngôn từ chúng tôi thấy rằng ngôn từ trong thơ tình của ông giàu hình tượng, nên khi đọc thơ tình của ông ta thấy