Không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ tình của

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 70)

3.3.1 Không gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật là hình tượng không gian được các nhà văn, nhà thơ sáng tạo trong tác phẩm văn chương, sự tồn tại của không gian nghệ thuật gắn liền với những cảm thụ riêng về không gian của chính tác giả sáng tạo ra nó.

Không gian nghệ thuật chính là phương tiện để tác giả xây dựng thế giới nghệ thuật của mình. Nó cũng là “cánh cửa” để qua đó người đọc hiểu hình tượng và tư

tưởng được tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm. Với Exenhin cũng không ngoại lệ, không gian nghệ thuật cũng là một trong những cở sở để giúp người đọc khám phá thế giới nghệ thuật trong thơ ông cũng như hiểu thêm về tâm tư, tình cảm mà nhà thơ thể hiện trong tác phẩm của mình.

Đi vào tìm hiểu mảng thơ tình của Exenhin chúng tôi nhận thấy rằng trong thơ tình của Exenhin không gian làng quê xuất hiện rất nhiều. Không gian ấy gắn liền với những kỷ niệm vui buồn, những mối tình tuyệt đẹp nhưng cũng lắm đau buồn của tác giả.

Không gian làng quê trong thơ tình của Exenhin thường gắn liền với những cánh đồng, cây bạch dương hay hàng tân lê trĩu quả, gợi ra trước mắt người đọc một không gian rộng lớn, thanh bình và mang lại cảm giác bình yên, thanh thản cho tâm hồn. Không gian ấy cũng là nơi lý tưởng cho biết bao mối tình tươi đẹp nảy nở:

“Bên hồ nước màu trời xanh Dưới hàng tân lê trĩu quả

Chúng mình nguyện thề hai đứa Sẽ không bao giờ chia tay”

[14; tr 44]

Qua bốn câu thơ trên người đọc cảm nhận được sự yên bình, lãng mạn của không gian đồng quê. Trong một khung cảnh phía trên là bầu trời cao xanh tươi đẹp, bên cạnh là hồ nước trong lành và mát mẻ, có hai người yêu nhau, hẹn thề bên nhau trọn kiếp dưới hàng tân lê trĩu quả. Chỉ qua bốn câu thơ nhưng tác giả đã vẻ xong một bức tranh hài hòa giữa cảnh và tình đồng thời làm nổi bật không khí trong lành, lãng mạn nơi làng quê.

Và không gian yên bình ấy không chỉ có hình ảnh của hai người bên nhau nguyện thề với hàng tân lê trĩu quả. Mà ở đâu đó sau khu vườn e ấp, nơi tú cầu đang trang trọng nở hoa một cô gái dịu dàng đang hát nên những giai điệu rất thiết tha, lòng tác giả dâng lên một tình yêu trong trắng, tinh khôi:

“Và đâu đó sau khu vườn e ấp Nơi tú cầu đang trang trọng nở hoa Có cô gái dịu dàng trong màu trắng Hát bài gì giai điệu rất thiết tha”

[14; tr 46]

Tuy nhiên không gian đồng quê trong thơ tình của Exenhin không phải lúc nào cũng luôn tươi vui, tràn đầy sức sống mà không gian ấy có khi cũng đau buồn, khóc thương cho mối tình tan vỡ của nhà thơ:

“Những hạt mưa không nhìn thấy thoảng bay Tất cả ấm dần, ấm dần lên mọi thứ

Trong mưa bụi, anh nhớ em, anh nhớ Anh, Xergây Exenhin.”

[14; tr 43]

Trong một không gian u buồn, tĩnh lặng những hạt mưa bụi thoảng bay làm lòng tác giả dậy lên một nỗi nhớ thương da diết. Chúng tôi thiết nghĩ trong một không gian như thế đáng lẽ nhà thơ cảm thấy cô liêu và lạnh lẽo lắm. Nhưng hoàn toàn ngược lại, nhà thơ chẳng những không cảm thấy lạnh lẽo mà còn cảm nhận“tất cả ấm dần lên, ấm dần lên mọi thứ”. Có lẽ không gian cô đơn ấy ấm dần lên là do nỗi nhớ thương người

yêu trong lòng của nhà thơ, nỗi nhớ ấy cứ âm ỉ như ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai làm mọi thứ ấm lên. Ta thấy chính cái không gian u buồn, cô đơn nhưng cũng không kém phần lãng mạn ấy làm nền để tác giả thể hiện nỗi nhớ của mình một cách tinh tế và sâu sắc hơn.

Ngoài ra thì trong thơ tình của Exenhin ta còn thấy rằng không gian làng quê hiện lên như là nơi yên lành, hạnh phúc. Để khi trái tim cảm thấy mệt mỏi thì quay về nương náu và tìm chút bình yên với những kỹ niệm tươi đẹp thuở nào:

“Anh muốn về thăm lại cố hương sao Nắm dưới hàng tân lê nghe rì rào tiếng lá

Lặng chìm trong vô danh không bon chen hối hả Lại ước say triến miên cùng bạn cũ thuở nào”

[14; tr 91]

Nhà thơ bộc bạch với người yêu về khát khao muốn được về thăm lại cố hương, để thi nhân được áp sát vào lòng đất mẹ và thả hồn trôi theo tiếng lá rì rào. Ở nơi ấy tác giả thật sự cảm nhận được bình yên không bon chen hối hả, vô tư cùng bạn cũ thuở nào nâng ly rượu nhắc kỉ niệm thuở ấu thơ. Ở đây tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương có sự hòa quyện vào nhau. Những câu thơ này của Exenhin làm ta nhớ đến các câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân:

Quê hương mỗi người chỉ một Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nổi thành người

Bên cạnh không gian làng quê thì trong thơ tình của Exenhin ta còn bắt gặp không gian thành thị. Không gian thành thị trong thơ tình của Exenhin không được tập trung miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết như không gian làng quê, và không gian ấy thường gắn liền với những mối tình tan vỡ, thể hiện một nỗi buồn sâu kín:

“Thi sĩ khi đến với tình nhân

Thấy tình nhân trên giường cùng kẻ khác Không cần đến dao găm làm giải pháp Chỉ cần sao cuộc đời được đẹp hơn”

[14; tr 141]

Dù nhà thơ bị phản bội, dù tình yêu tan vỡ nhưng trong tận cùng đớn đau nhà thơ vẫn thể hiện được sự bình tĩnh, và nổi bật lên tất cả là một trái tim cao thượng biết yêu thương và biết thứ tha. Có lẽ xuất phát từ sự mong muốn “sao cho cuộc đời được đẹp hơn” cùng với tấm lòng cao thượng của mình, Exenhin vẫn mỉm cười chúc buổi chiều tốt đẹp khi tình cờ gặp lại người yêu trong ngõ:

“Và khi cùng tình nhân đi trong ngõ Em say sưa tán gẫu chuyện tình yêu Và có thể tôi dạo chơi ở đó

Và chúng mình lại có dịp gặp nhau Em lại nép sát vào người ấy

Hơi cúi đầu nhìn xuống mấp máy môi “Xin chào anh, chúc buổi chiều tốt đẹp Chúc buổi chiều tốt đẹp, miss” – tôi cười”

Qua hai khổ thơ này ta thấy không gian thành thị không được tác giả tập trung miêu tả, nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được đây là không gian nơi thành thị với nếp sinh hoạt thường nhật. Khi hoàng hôn buông xuống các đôi tình nhân thường dạo chơi, trò chuyện. Và cũng trong khung cảnh ấy người tình cũ “nép sát vào người ấy” mấp máy môi chào tác giả. Không gian đó, khung cảnh ấy thể hiện trọn vẹn những cảm xúc tinh tế trong thế giới nội tâm của tác giả.

Exenhin đã trải qua nhiều đau thương nên nỗi đau, sự chán nản, ngán ngẩm cuộc đời như thường trực trong nhà thơ. Tình yêu góp phần xoa dịu nỗi đau của một trái tim cằn cỗi. Nhưng ẩn sau đó vẫn là dấu vết của một quá khứ buồn chán, bi quan được nhà thơ thể hiện thông qua không gian nơi thị thành:

“Tất cả tôi ở đây như vườn bỏ hoang lâu Tôi sống với đàn bà và màu xanh tôi khoái Không còn thích rượu bia, sàn nhảy tôi cũng ngại Tôi vô tư để đánh mất đời mình”

[14; tr 92]

Và cũng thật mai mắn bởi dù hiếm hoi nhưng ta vẫn có thể tìm thấy một bài thơ thể hiện sự hồn nhiên, yêu đời, đầy hạnh phúc của hai người đang yêu nhau. Họ bên nhau trong căn phòng nhỏ chốn đô thành giữa mùa đông lạnh giá. Cũng chính không gian ấy làm nổi bật niềm hạnh phúc, sự ấm áp của đôi tình nhân:

“Em yêu hỏi: “Bão tuyết như đang nổi Có đốt lò và trải đệm không anh?”… Tôi trả lời em yêu: “Quanh phòng mình Như có ai đang rắc đầy hoa trắng” Em hãy đốt lò, trải đệm ra thật phẳng Thiếu em yêu, tim anh bão tuyết gào”

[14; tr 155]

Tóm lại khi khảo sát thơ tình của Exenhin, chúng tôi nhận thấy rằng trong thơ ông không gian nghệ thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng cũng như tình yêu mà tác giả đã gửi gắm vào trong tác phẩm của mình. Những cảm xúc như xót xa, đau đớn, buồn thương, hạnh phúc trong tình yêu đều gắn với từng không gian cụ thể. Đồng thời thông qua không gian nghệ thuật người đọc có thể hiểu hơn về khung cảnh thiên nhiên cũng như những vẻ đẹp đặc trưng của sứ sở bạch dương thương mến.

3.3.2 Thời gian nghệ thuật:

Thời gian nghệ thuật là hình tượng thời gian trong tác phẩm văn chương, nó tồn tại gắn liền với quan niệm riêng về thế giới của chính tác giả sáng tạo ra nó. Thời gian đó không đơn giản là thể hiện quan điểm của tác giả mà nó còn được dùng làm phương tiện nghệ thuật để phản ánh đời sống. Nên thời gian nghệ thuật đóng một vai trò to lớn trong việc tái hiện cuộc sống trong tác phẩm văn học.

Trong thơ tình của Exenhin thì thời gian chủ yếu là thời gian hiện tại, và ta cảm nhận được thời gian trong thơ ông thông qua những chi tiết nhà thơ miêu tả không gian. Điều này cho thấy không gian và thời gian trong tác phẩm nghệ thuật có mối liên

hệ mật thiết với nhau. Trong thơ tình của Exenhin thời gian thường là thời gian vào ban đêm:

“Đêm về sáng. Xanh mơ. Ban sớm Giữa nền trời lấp lánh trận mưa sao Không thể giữ một điều dịu dàng nào Cũng không biết điều gì mình khao khát”

[14; tr 156]

Ai thức suốt đêm mới biết đêm dài và trong thời gian đơn lẻ kéo dài ấy tác giả đã một mình thao thức trong lúc “đêm về sáng”. Để rồi nhà thơ cảm nhận trọn vẹn sự cô đơn đang lên tiếng trong hồn mình bởi “Không thể giữ một điều dịu dàng nào; Cũng không biết điều gì mình khao khát”. Lòng thi nhân trỗi lên nỗi khát khao được yêu thương, được hạnh phúc. Sự khát khao ấy bật lên thành tiếng:

“ Ôi ước gì có cô gái nhỏ xinh Bên cửa sổ cho mình nhìn thấy ……… Với giọng nói và tình yêu mới Em ru hồn và ru trái tim tôi”

[14; tr 157]

Qua đó ta thấy rằng thời gian vào ban đêm với khung cảnh lãng mạn nhưng lại đơn côi đã hé mở thế giới nội tâm của nhà thơ một cách tinh tế, từ đó làm nổi bật lên sự khát khao hạnh phúc trong tình yêu của nhà thơ.

Bên cạnh đó ta thấy thời gian vào ban đêm trong thơ tình của Exenhin thường có sự xuất hiện của hình ảnh ánh trăng:

“Sao đêm nay trăng chiếu mờ buồn thế Trên giường và trên tường Khôrôxxan? Tôi đi trên bình nguyên đất mẹ

Dưới sương mù sao sát mênh mang [14; tr 151]

Có lẽngười buồn cảnh có vui đâu bao giờ(Nguyễn Du) nên với Exenhin lúc này trăng một vật thể thuộc về vũ trụ cũng tỏa sáng lu mờ vì buồn bã, bởi “Saganê của anh đã ôm hôn người khác; Saganê âu yếm kẻ khác rồi” [14; tr 151]

Tuy nhiên trong thơ Exenhin ánh trăng không phải lúc nào cũng buồn bã mà đôi khi cũng góp phần làm cho tâm hồn nhà thơ ấm áp, tươi vui hơn. Bởi lần đầu tiên con tim biết rung động, một tình yêu nhẹ nhàng nhưng nồng thắm được bộc lộ:

“Lần đầu tiên anh ấm bởi ánh trăng Lần đầu tiên anh vui vì giá lạnh Anh lại muốn sống thêm và hy vọng Vào tình yêu mà không có bao giờ”

[14; tr 124]

Thời gian vào ban đêm trong thơ của Exenhin nổi bật với hình ảnh ánh trăng và hình ảnh này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Người đọc dễ dàng liên tưởng đến Hàn Mặc Tử - một nhà thơ nổi tiếng, tên tuổi của ông luôn gắn liền với hình ảnh ánh trăng. Ta thấy ánh trăng trong thơ của Exenhin và Hàn Mặc Tử có điểm tương đồng ở chỗ hình ảnh ánh trăng xuất hiện trong thơ luôn đóng góp một phần rất quan trọng vào việc thể hiện nội tâm của tác giả. Nhưng đồng thời cũng có điểm dị biệt, chính điểm dị biệt này làm nên nét đặc trưng cho mỗi nhà thơ. Nếu ánh trăng trong thơ Exenhin được

miêu tả như là một yếu tố của thiên nhiên, góp phần thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả, thì trong thơ Hàn Mặc Tử ánh trăng như được nâng lên thành một sinh thể có hồn:

“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu Đợi gió đông về để lã lơi” (Bẽn lẽn) Hay là :

“Tiếng vàng rơi xuống giếng,

Trăng vàng ôm bờ ao…” (Ngủ với trăng)

Ngoại ra thời gian nghệ thuật trong thơ của Exenhin cũng có sự vận động, biến đổi làm cho cấu tứ của câu thơ không hề gò bó, khép kín. Tình cảm mà tác giả gửi gắm trong thơ cũng theo sự vận động của thời gian mà biến đổi

“Nó là đây niềm hạnh phúc dại khờ Cửa sổ trắng trông ra khu vườn vắng Quanh bờ ao hàng tân lê đỏ thẫm Hoàng hôn trôi lặng lẽ êm đềm. ………. Tà áo dài màu xanh đang bay lượn

Trên cánh đồng đêm gió lạnh mênh mông…. Niềm hạnh phúc dài khờ thương mến

Mát tinh khôi đôi má ửng hồng!” [14; tr 46]

Ta thấy thời gian trong bài thơ trên có sự vận động. Mở đầu bài thơ là thời gian buổi chiều, tác giả đang nhìn khu vườn vắng qua cửa sổ màu trắng, một khung cảnh có vẻ như vắng vẻ, cô tịch. Nhưng với nhà thơ “Nó là đây niềm hạnh phúc dại khờ”. Đến khổ thơ cuối thì thời gian là buổi tối với "cánh đồng đêm gió lạnh mênh mông”. Ở thời điểm ấy trong tâm hồn tác giả “Niềm hạnh phúc dại khờ thương mến” lại trỗi dậy. Niềm hạnh phúc đó xuất phát từ một tình yêu tinh khôi, trong trắng với “Tà áo dài màu xanh đang bay lượn và đôi má ửng hồng”.

Đến với một bài thơ khác ta thấy thời gian ở đây cũng có sự chuyển biến rất nhanh:

“Bên hồ nước màu trời xanh Dưới hàng tân lê trĩu quả Chúng mình hẹn thề hai đứa Sẽ không bao giờ chia tay Bóng tối chở che đêm gầy Cuộn trong lửa như chạm trổ ………. Giấc ngủ chòng chành lơ mơ Mắt em chập chờn đây đó Khi em đứng trên bậc cửa Vẫy mũ mỉm cười chào anh”

[14; tr 44]

Ba đoạn thơ là ba khoảng thời gian khác nhau, đoạn đầu là buổi trưa với màu trời xanh ngắt và cặp tình nhân đang thề nguyền, tràn đầy hạnh phúc. Đến đoạn hai thời gian đột ngột chuyển đổi sang buổi tối lúc đầu hôm, đôi tình nhân tiễn đưa nhau với tâm trạng lưu luyến. Đến đoạn ba là thời gian lúc khuya, chòng chành trong giấc mơ

của tác giả là hình ảnh người yêu gắn liền với nỗi nhớ. Mỗi khoảng thời gian gắn liền với từng tâm trạng, cảm xúc cụ thể. Chỉ qua ba đoạn thơ cùng thời gian khác nhau, tác giả đã miêu tả trọn vẹn cuộc hẹn hò của đôi tình nhân cũng như những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu, bên nhau hạnh phúc, chia tay lưu luyến và xa cách nhớ mong.

Bên cạnh đó thì ta thấy thời gian vào buổi sáng lúc “bình minh nghiên đổ nắng hồng” cũng xuất hiện trong thơ tình của Exenhin. Qua đó người yêu của tác giả hiện lên với một tâm hồn yếu đuối, đa cảm:

“Như tất cả em bình thường đơn giản Như trăm nghìn cô gái khác nước Nga Em biết vẻ cô đơn trời rạng sáng Tiết thu về lạnh lẽo xanh xa”

[14; tr 103]

Chúng ta phải thừa nhận là không gian và thời gian nghệ thuật có quan hệ khắn khít với nhau và góp một phần quan trọng vào sự thành công của các tác phẩm. Riêng về thời gian nghệ thuật, sau khi khảo sát chúng tôi thấy rằng thời gian nghệ thuật trong thơ tình của Exenhin giúp cho nhà thơ thể hiện tâm tư, tình cảm của mình một cách tự nhiên và phù hợp hơn. Mỗi thời gian gắn liền với từng cảm xúc, tâm trạng cụ thể trong tình yêu. Ngoài ra thì thời gian nghệ thuật cũng làm cho thế giới nghệ thuật trong thơ tình của Exenhin lung linh, huyền ảo hơn gợi cảm giác thẩm mỹ trong lòng độc giả

Một phần của tài liệu luận văn thơ tình của exenhin (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)