Nội dung quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 34)

1.6.1. Nội dung quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của trường tiểu học trường tiểu học

1.6.1.1. Xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc làm quan trọng, cần thiết trong công tác quản lý giáo dục của các nhà quản lý và Ban

giám hiệu các trường. Đây là một quá trình xác định những mục tiêu và các biện pháp tốt nhất, thời gian tiến hành, chỉ tiêu cần đạt để thực hiện được những mục tiêu đó.

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh giúp người quản lý tư duy một cách có hệ thống để tiên liệu các tình huống có thể xảy ra, phối hợp với các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để tổ chức việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh có hiệu quả hơn, tập trung vào các mục tiêu và chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành giáo dục trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nắm vững các nhiệm vụ cơ bản của nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để phối hợp với các cán bộ, giáo viên, nhân viên khác, sẵn sàng ứng phó và đối phó với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Để việc xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt được tốt, người quản lý phải dựa trên tình hình thực tế của học sinh, của đội ngũ giáo viên nhà trường trong năm học, của địa phương mà trường mình đóng để định ra nội dung, yêu cầu, biện pháp cho thích hợp. Việc nắm tình hình thực tế đội ngũ giáo viên và học sinh phải bao gồm tình hình mang tính thường xuyên, lâu dài và phổ biến và tình hình có tính chất thời sự, cá biệt, có thể ảnh hưởng ít nhiều đối với tập thể nhà trường.

1.6.1.2. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện mục tiêu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học

Cũng như tất cả các hoạt động giáo dục khác, để thực hiện đạt hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, người hiệu trưởng phải quản lý chỉ đạo việc thực hiện mục tiêu của giáo dục kỹ năng sống. Người hiệu trưởng phải đảm bảo việc chỉ đạo thực hiện theo một số nguyên tắc sau:

Giáo dục học sinh qua thực tiễn sinh động: Nhà trường phải gắn thực tiễn sinh động của xã hội, của cả nước, của địa phương; nhạy bén, cập nhật với tình hình chuyển biến của địa phương, của đất nước, đưa những thực tiễn đó vào những hoạt động của nhà trường, thông qua các giờ lên lớp.

Giáo dục theo nguyên tắc tập thể: thể hiện ở 3 nội dung: Hướng dẫn, dìu dắt học sinh trong hoạt động tập thể; Giáo dục các phẩm chất, các kỹ năng bằng sức mạnh tập thể; Giáo dục học sinh tinh thần vì tập thể. Vì qua tập thể, các

phẩm chất tốt đẹp như tinh thần tập thể, tính tổ chức kỷ luật, tinh thần hợp tác,

đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau, tính khiêm tốn, ham học hỏi mọi người v.v

được nảy nở, khuyến khích phát triển. Nó phát huy và có tác dụng điều chỉnh những động cơ kích thích bên trong góp phần rất lớn vào việc giáo dục kỹ năng sống cũng như hình thành và phát triển nhân cách học sinh.

Giáo dục kỹ năng sống phải phối hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh và đặc điểm hoàn cảnh cá nhân học sinh. Ngoài ra công tác giáo dục kỹ năng sống cần phải chú ý đến cá tính, giới tính của các em để có hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú, sinh động cũng như có phương pháp giáo dục kỹ năng sống thích hợp.

Quan tâm chỉ đạo giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua dạy các môn văn hóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bằng nhiều hình thức và các biện pháp, người hiệu trưởng cần làm cho tập thể sư phạm nhà trường nhận thức được rằng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc làm cấp thiết, cần tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, trong các hoạt động đều có thể thực hiện được.

Trong giờ dạy, không chỉ đơn thuần là việc truyền thụ kiến thức mà còn rèn cho học sinh có kỹ năng học tập, các kỹ năng sống, giáo dục cho học sinh những hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn. Người giáo viên với trách nhiệm của người thày qua mỗi giờ lên lớp ở các môn học đã mang lại cho các em kiến thức, kỹ năng và thái độ đạt được hiệu quả, có tính giáo dục cao. Tuy nhiên người hiệu trưởng cũng cần lưu ý giáo viên tránh lối giáo dục kỹ năng sống một cách đơn giản, lý thuyết, sáo rỗng, đơn điệu v.v bởi như vậy sẽ kém hiệu quả vì bản thân các kỹ năng sống là khả năng ứng xử theo cách nhất định trong một môi trường cụ thể phù hợp; giáo dục kỹ năng sống phải là hoạt động sinh động giúp học sinh được bổ sung, tăng cường thêm những năng lực cần thiết để các em có thể hoạt động độc lập, chủ động tránh và vượt qua những khó khăn thử thách trong thực tế cuộc sống.

Hoạt động ngoại khoá, hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, tham quan du lịch, giao lưu văn hoá; hoạt động bảo vệ môi trường; lao động và các hoạt động xã hội khác v.v là những hoạt động có điều kiện thuận lợi để giáo dục, rèn luyện

học sinh các kỹ năng sống trong thực tế và có tác dụng trực tiếp đến việc giáo dục nhận thức, tư tưởng, thái độ cho học sinh. Thông qua những hoạt động này, những thao tác, kỹ năng, thói quen, hành vi tốt được rèn luyện, củng cố; khơi dậy cho các em lòng yêu thích cái đẹp, hứng thú, tự giác trong việc thực hiện, rèn luyện các kỹ năng sống.

Vì vậy người hiệu trưởng phải có kế hoạch cụ thể, quan tâm tổ chức các hoạt động này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài ra để tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, người hiệu trưởng cần lưu ý tạo những điều kiện, phương tiện cần thiết để các em thực hiện các yêu

cầu, những thao tác, các kỹ năng, những hành vi nhà trường đề ra cho các em.

1.6.1.3. Xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Đội ngũ giáo viên là nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục học sinh. Xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là đặc biệt quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đội ngũ giáo viên có năng lực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải là những thày cô giáo tâm huyết, thương yêu học sinh, có kinh nghiệm thực tế, có vốn kiến thức nhất định về kỹ năng sống, có khả năng hợp tác, cuốn hút học sinh, biết lắng nghe và chia sẻ với các em, hiểu tâm sinh lý lứa tuổi học sinh Tiểu học. Do vậy rất cần sự chỉ đạo của Hiệu trưởng để khuyến khích, động viên, chọn lựa đội ngũ giáo viên phù hợp, chất lượng để giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh đạt hiệu quả.

1.6.1.4. Kiểm tra, đánh giá giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học

Nhà trường trong đó Ban giám hiệu có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của giáo viên bằng các hình thức như quan sát, dự giờ, kiểm tra giờ tự quản của học sinh, tự kiểm tra đánh giá của đội sao đỏ, qua các hoạt động ngoại khóa, kiểm tra qua các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua theo các đợt, kiểm tra qua các tình huống cụ thể.

Qua kiểm tra, đánh giá việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đánh giá thi đua, khen thưởng theo nhiều mức độ khác nhau. Từ đó rút kinh nghiệm, tìm

ra phương pháp quản lý phù hợp. Điều chỉnh kế hoạch quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở các năm tiếp theo.

1.6.1.5. Quản lý sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để giáo dục học sinh

Người cán bộ quản lý cần nhận thức được tầm quan trọng của việc phối hợp giáo dục giữa gia đình – nhà trường – xã hội để có sự quản lý đúng đắn và linh hoạt bởi lẽ quá trình hình thành và phát triển nhân cách nói chung, các phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị nói riêng luôn bị chế ước bởi những điều kiện khách quan và chủ quan tác động. Để công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả cao cần có một môi trường giáo dục lành mạnh, môi trường văn hóa thuận lợi cho giáo dục, trong đó mọi người từ gia đình đến cộng đồng đều cùng nhà trường làm tốt việc định hướng giá trị của xã hội chúng ta.

Nhà trường cần phối hợp với các lực lượng giáo dục nhằm tạo mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục ; xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng chăm lo cho việc giáo dục trẻ nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng.

Bên cạnh đó, nhà trường phải làm sao cho xứng đáng là trung tâm giáo dục của địa phương; làm thế nào để địa phương luôn đồng tình, ủng hộ, phối kết hợp với nhà trường nhằm mục đích chung là giáo dục con em nên người, trang bị cho học sinh có kỹ năng sống để thành công trong cuộc sống.

Dù trong hoàn cảnh nào, người hiệu trưởng cũng cần quan tâm tổ chức, sắp xếp, tô điểm bộ mặt cơ sở vật chất, khung cảnh sư phạm nhà trường để toàn bộ khung cảnh nhà trường có ý nghĩa giáo dục. Ngoài ra, hiệu trưởng cần tạo ra một bầu không khí giáo dục trong nhà trường nền nếp, đúng mực, quan hệ thân thiện giữa các thành viên trong nhà trường như giữa thày với thày, thày và trò, giữa học sinh với nhau. Với một bầu không khí như vậy, chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực đến việc hình thành các kỹ năng sống cho học sinh, góp phần tạo nên phẩm chất tốt đẹp cho học sinh.

1.6.2. Các yêu cầu quản lý giáo dục kỹ năng sống

- Để quản lý giáo dục kỹ năng sống đạt hiệu quả, nhà trường mà cụ thể ở đây là Ban giám hiệu nhà trường cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giáo dục KNS cho học sinh tiểu học, vai trò quyết định của Ban giám hiệu nhà trường trong công tác quản lý giáo dục KNS. Từ đó quán triệt sâu rộng tới các lực lượng giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các lực lượng đó.

- Khi nhà quản lý nắm vững mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế nhà trường, đảm bảo hiệu quả giáo dục cao.

- Xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ, năng lực giáo dục KNS cho học sinh, có phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng sống, là những tấm gương sáng trong công tác giáo dục học sinh. Mà bản thân người hiệu trưởng là người đi tiên phong, gương mẫu về mọi mặt nhằm xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, có ảnh hưởng lớn đến đội ngũ giáo viên và học sinh, có như vậy hiệu quả giáo dục mới cao.

- Tổ chức, chỉ đạo sát sao việc thực hiện giáo dục KNS cho học sinh tiểu học thông qua giảng dạy các môn học, giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục NGLL và các hoạt động văn, thể, mỹ, đặc biệt là câu lạc bộ rèn kỹ năng sống.

- Tăng cường kiểm tra đôn đốc, đánh giá, động viên khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực, có chuyển biến tiến bộ trong công tác giáo dục KNS cho học sinh tiểu học.

- Quan tâm chăm lo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất trong điều kiện có thể để phát huy được hiệu quả cao hơn trong công tác giáo dục KNS cho học sinh tiểu học.

- Phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục, chính quyền, đoàn thể, cha mẹ học sinh v.v làm tốt công tác xã hội hóa, huy động được các nguồn lực tối đa nhất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục KNS.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 34)