Quy trình thủ tục, chứng từ giao dịch được quy định thống nhất theo từng sản phẩm huy động. Quy trình thủ tục nhanh gọn, chứng từ giao dịch đơn giản sẽ tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian cho khách hàng giao dịch, giảm thiểu chi phí cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ lưu tiết kiệm chưa thống nhất, có chi nhánh sử dụng thẻ lưu, có chi nhánh không sử dụng thẻ lưu. Mẫu biểu đăng ký Thông tin khách hàng, mẫu biểu Đề nghị mở tài khoản, đóng tài khoản, được quy định không thống nhất do có sự chồng chéo giữa các văn bản điều hành của các Ban/Trung tâm trụ sở chính, quy định về tài khoản đồng sở hữu còn khá phức tạp.
2.3.4 Kênh phân phối
Kênh huy động truyền thống- Chi nhánh, Phòng giao dịch: đến 31/12/2012, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Agribank có 2 chi nhánh cấp 1 (chi nhánh Đồng Nai và chi nhánh Biên Hòa), 10 chi nhánh cấp 2 và 02 chi nhánh cấp 3 với 28 phòng giao dịch. Với mạng lưới phân bố trải rộng trên toàn tỉnh Đồng Nai đã tạo ra lợi thế lớn cho Agribank trong hoạt động huy động tiền gửi từ KHCN nhưng đồng thời, nó cũng chính là một trong những khó khăn trong công tác triển khai các SPDV mới, khó khăn về đường truyền mạng và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Ví dụ như sản phẩm Tiết kiệm học đường, trong toàn tỉnh mới chỉ có 03 điểm giao dịch triển khai sản phẩm,...Các chi nhánh có tâm lý ngại khó khăn khi triển khai các SPDV mới.
Kênh phân phối hiện đại: Kênh phân phối này càng hiện đại, an toàn, bảo mật, tiết kiệm thời gian, chi phí, sử dụng đơn giản, tiện lợi thì khách hàng càng an tâm mở và gửi nhiều tiền tại tài khoản tiền gửi thanh toán, từ đó ngân hàng huy động thêm nhiều nguồn vốn lãi suất thấp, thu phí và phát triển dịch vụ. Đến
31/12/2012, trên địa bàn tỉnh, Agribank có 106 máy ATM, chiếm 22,46% thị phần ATM toàn tỉnh và 104 máy POS/EDC chiếm 10,1% thị trường tỉnh. Qua hệ thống ATM, khách hàng có thể thể rút tiền, chuyển khoản trong hệ thống và thực hiện một số giao dịch khác như: vấn tin số dư tài khoản, sao kê giao dịch và các dịch vụ tiện ích khác. So sánh với các NHTM khác, thẻ Sucsess Agribank còn thiếu nhiều tính năng: thanh toán tiền vé máy bay, phí bảo hiểm, trả nợ vay, thanh toán mua hàng trực tuyến… Các chương trình ưu đãi cho thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng chưa thực sự phong phú và hấp dẫn, các tiện ích và tính năng của thẻ ATM còn hạn chế, số dư tiền gửi bình quân trên tài khoản thẻ ghi nợ còn thấp (năm 2012 chỉ đạt 1,93 triệu đồng/thẻ).
Mobile Banking: Đây là kênh phân phối hấp dẫn khách hàng sử dụng điện thoại di động và có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Khách hàng có thể giao dịch được với ngân hàng mọi lúc mọi nơi bằng cách sử dụng máy điện thọai di động để: vấn tin số dư tài khoản, sao kê giao dịch, chuyển khoản trong hệ thống. Số lượng dịch vụ hiện tại Agribank cung cấp qua kênh mobile là 13 dịch vụ, đến 31/12/2012, trên địa bàn tỉnh hiện có 69.408 khách hàng sử dụng dịch vụ. So sánh các NHTM khác, dịch vụ của Agribank còn thiếu một số dịch vụ tiện ích như: thông tin về lãi suất, bảo hiểm,...
Internet Banking: Qua kênh Internet Banking của Agribank, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ: vấn tin số dư, sao kê tài khoản, thanh toán hóa đơn. Tính đến 31/12/2012, trên địa bàn tỉnh có 3.192 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet banking. So sánh các ngân hàng khác, dịch vụ của Agribank còn thiếu một số dịch vụ tiện ích như: các dịch vụ chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, thanh toán tiền vay trực tuyến, các dịch vụ quản lý tài sản, các dịch vụ về thẻ,…
Phone Banking: đây là hệ thống tự động trả lời hoạt động 24/24h, khách hàng nhấn vào các phím trên bàn phím điện thoại theo mã do ngân hàng quy định để yêu cầu hệ thống trả lời các thông tin cần thiết về tài khoản và dịch vụ ngân hàng thì các chi nhánh Agribank trên địa bàn vẫn chưa triển khai kênh phân phối này.
2.3.5 Các công cụ thúc đẩy dịch vụ tiền gửi từ KHCN