Chính sách chăm sóc khách hàng chưa thực sự hấp dẫn: hoạt động chăm sóc khách hàng được thực hiện tại mỗi chi nhánh theo một cách khác nhau, manh mún, tính chuyên nghiệp không cao. Hoạt động huy động tiền gửi từ KHCN ngày càng trở nên khó khăn, nhu cầu gửi của khách hàng đa dạng, đòi hỏi nhiều dịch vụ tiện ích, chính sách khuyến mại và chăm sóc khách hàng phù hợp, trong khi đó nhiều chi nhánh Agribank trên địa bàn chưa tìm hiểu nhu cầu khách hàng, chưa tìm hiểu các thói quen tiết kiệm và cất trữ tiền của người dân,... để phân loại khách hàng, tư vấn sản phẩm, thực hiện bán chéo sản phẩm, có các chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp đối với khách hàng truyền thống và khách hàng VIP.
Cơ cấu nguồn vốn theo kỳ hạn còn chứa đựng nhiều rủi ro: chủ yếu là nguồn huy động ngắn hạn, độ biến động lớn, nguồn vốn trung và dài hạn còn chiếm tỷ trọng thấp. Mặt khác, việc các chi nhánh chưa định lượng được số khách hàng gửi tiền bậc thang và rút tiền gửi tiết kiệm linh hoạt sẽ mang lại nhiều thách thức để duy trì nguồn vốn ổn định.
Chưa gắn kết được HĐV với cho vay: Các chi nhánh ở địa bàn nông thôn chưa thực hiện được sự kết hợp giữa việc HĐV và cho vay, chưa có các chính sách ưu đãi đối với người gửi tiền tại nông thôn. Mặc dù, đã hình thành các tổ vay vốn tiết kiệm song trên thực tế mới chỉ phát huy việc cho vay qua tổ nhóm mà chưa khai thác được thế mạnh của tổ trong công tác huy động tiền gửi nhàn rỗi từ dân cư.
Hạn chế trong xác định chi phí: Tính toán được lãi suất đầu ra, đầu vào song trên thực tế các chi nhánh Agribank trên địa bàn chưa đưa ra được số chính xác về chi phí HĐV nói chung và chi phí huy động vốn từ đối tượng KHCN nói riêng. Do đó, không kích thích được lợi ích của người gửi, hoặc cũng có thể gây thiệt hại cho chi nhánh khi rủi ro lãi suất (điển hình là việc huy động tiền gửi bậc thang mức kỳ hạn 24 tháng trong năm 2008 – thời điểm xảy ra cuộc chạy đua lãi suất rất gay gắt, mức lãi suất huy động trên địa bàn lên đến 18-21%/năm đã gây tổn hại kéo dài cho các chi nhánh).
Hạn chế trong công tác kiểm tra kiểm soát: về phong cách, thái độ giao dịch, quy trình giao dịch còn nhiều kẽ hở, lãi suất, phí tại các chi nhánh Agribank, do đó, còn tồn tại nhiều vụ việc xảy ra gây thất thoát vốn, tổn hại uy tín thương hiệu.
Còn tâm lý ngại khó, ngại tiếp cận cái mới: Các chi nhánh chưa tích cực trong việc triển khai các sản phẩm mới như tiết kiệm linh hoạt, tiền gửi linh hoạt,… Cán bộ thực hiện bán sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thực hiện bán chéo sản phẩm còn yếu, thực hiện đơn lẻ từng sản phẩm theo chức năng của phòng chuyên môn nghiệp vụ.
Kênh phân phối phát triển mở rộng song chưa khai thác hiệu quả: còn thiếu một số tiện ích cho khách hàng như thông báo lãi suất tiền gửi tiết kiệm, bảo hiểm…còn hạn chế về tính năng, các tiện ích qua kênh Internet Banking, chỉ mới triển khai các dịch vụ vấn tin, in sao kê tài khoản, thanh toán tiền điện, nước.
Hoạt động quảng bá sản phẩm mang tính chuyên nghiệp chưa cao: bước đầu đã có sự thống nhất song nội dung và hình thức quảng cáo chưa đa dạng, không có sức lan tỏa, cộng hưởng để đẩy mạnh thương hiệu, hình ảnh Agribank trên địa bàn.