Quan niệm của Nguyễn Ngọc Thuần về truyện viết cho thiếu nhi

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 34)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.3.Quan niệm của Nguyễn Ngọc Thuần về truyện viết cho thiếu nhi

Viết truyện cho thiếu nhi, mỗi nhà văn đều có quan niệm riêng. Nhà văn Võ Quảng quan niệm: “Tác phẩm viết cho các em là một công trình sư phạm. Người viết nên cân nhắc mình nên nói cái gì, nói như thế nào để có lợi cho tâm hồn các em mà không ảnh hưởng đến sự thể hiện nghệ thuật… Một quyển sách tốt có lúc mở cho các em thấy một ước mơ tươi đẹp, ước mơ đó các em theo đuổi mãi cho đến khi khôn lớn” [31, 33]. Và ông cũng tâm sự rằng: “hãy dành cho con trẻ những gì đẹp đẽ và tinh khiết nhất ngay từ khi trẻ bước vào đời” [31, 23]. Võ Quảng đã nêu tấm gương đó trong những trang văn của mình như là sự kết tinh của toàn bộ tài năng và tâm huyết của cuộc đời.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần cho rằng: “Tôi quan niệm văn chương thì phải đẹp và nhân văn. Yếu tố con người là quan trọng… Tôi là dân mỹ thuật, nếu viết không đẹp thì thà rằng không viết” [53]. Cái đẹp và tính nhân văn trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần được thể hiện ở mối giao cảm giữa người với người trong cuộc sống. Đó là tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của mọi người trong gia đình và ngoài xã hội với nhau. Các nhân vật trong truyện của anh dù khó khăn về vật chất, dù thân thể có khiếm khuyết, có những bất hạnh trong cuộc đời thì họ vẫn nỗ lực vươn lên sống một cuộc sống vui vẻ, lạc quan và có ý nghĩa. Vì vậy nhân vật của anh luôn giàu có về mặt tinh thần. Anh nói: “Những nhân vật của tôi luôn giàu. Tinh thần thì ai cũng giàu cả, tôi tin vậy. Khi một đứa trẻ ra đời, nó đã là một kẻ giàu có về mặt tinh thần rồi” [34]. Đặc biệt, khi viết cho thiếu nhi Nguyễn Ngọc Thuần luôn tâm niệm một điều rằng: “Khi viết cho trẻ con, tôi thấy rằng một đứa trẻ cần được đối xử trân trọng, như một tòa

lâu đài, một con người biết tự trọng, một con người trưởng thành về mặt nhân cách, một người đàn ông” [37]. Vậy nên trong các tác phẩm của anh, nhân vật người lớn luôn là người bạn thân thiết của trẻ thơ, người quan tâm, thấu hiểu tâm tư tình cảm, luôn trân trọng và dành cho trẻ những tình cảm tốt đẹp nhất. Họ luôn mong muốn mang lại cho trẻ em một cuộc sống hạnh phúc, luôn hướng các em đến một tương lai tươi sáng, truyền cho các em ngọn lửa niềm tin về cuộc sống tốt đẹp, để các em biết ước mơ và thực hiện mơ ước của chính mình. Với độc giả nhỏ tuổi, Nguyễn Ngọc Thuần mãi là người bạn của trẻ thơ bởi anh luôn đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu nỗi lòng con trẻ. Điều đặc biệt, những gì anh viết ra không chỉ dành cho độc giả mà “tôi viết để sau này con tôi đọc”. Vì vậy, anh gửi trọn vẹn tình cảm yêu thương của mình vào trong trang sách để sau này con anh đọc và cảm nhận được những điều nhắn nhủ, tình cảm thiết tha mà anh đã dành cho con.

Với quan niệm viết cho thiếu nhi phải đẹp và nhân văn Nguyễn Ngọc Thuần đã thổi hồn vào trong tác phẩm của mình để những câu chuyện trở nên đẹp hơn, lung linh hơn. Người đọc như được đắm chìm vào một thế giới mầu nhiệm mà ở đó con người luôn dành cho nhau tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia thật nồng ấm. Thiên nhiên thật đẹp và nên thơ với những khu vườn đầy hoa trái, những cánh đồng trải rộng mênh mông… Thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau làm nên một bản đàn huyền diệu. Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần khơi gợi ở người đọc nhiều cảm xúc.

Chương 2

CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN TRONG

TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN

Lí luận văn học do Phương Lựu (chủ biên) đã định nghĩa: “Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thúy Kiều, Kim Trọng, chị Dậu, Chí Phèo… đó là những nhân vật không tên như thằng bán tơ, lính hầu, con sen, những kẻ đưa tin trong Truyện Kiều… đó là những con vật bao gồm cả quái vật, thần linh, ma quỷ, những con vật mang nội dung ý nghĩa của người” [29]. Nhân vật là linh hồn của tác phẩm, được xây dựng và phản ánh từ chính đời sống hiện thực và qua bàn tay nhào nặn của nhà văn. Một tác phẩm văn học không thể thiếu vắng nhân vật cũng như một vở kịch không thể không có diễn viên. Thông qua nhân vật nhà văn tái hiện được hiện thực cuộc sống một cách khách quan và cũng thông qua nhân vật nhà văn thể hiện tư tưởng, quan niệm của mình về cuộc sống. Nhân vật chính là yếu tố then chốt của tác phẩm văn học.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 34)