Ngôn ngữ người kể chuyện

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 82)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.Ngôn ngữ người kể chuyện

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Người kể chuyện là hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học. Chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của chính tác giả (dĩ nhiên không nên đồng nhất hoàn toàn với tác giả ngoài đời), có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra, có thể là một người biết câu chuyện nào đó.” [17,221]. Trong các sáng tác truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần người kể chuyện được bộc lộ có khi ở ngôi nhất nhưng cũng có khi xuất hiện ở ngôi thứ ba để dẫn dắt câu chuyện. Người kể chuyện có vai trò hết sức quan trọng là người kết nối để câu chuyện trở nên mạch lạc và hấp dẫn hơn.

Để câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động và gần gũi với độc giả nhất là độc giả nhỏ tuổi nhà văn đã để người kể chuyện xuất hiện trực tiếp với vai trò là nhân vật chính kể lại câu chuyện của mình cho tất cả mọi người cùng nghe. Câu chuyện trong tác phẩm Một thiên nằm mộng được kể lại bởi cậu bé nhân vật chính. Tất cả mọi người thân xung quanh, mọi đồ vật, con vật đều được tái hiện trong giấc mơ hằng đêm của cậu bé. Qua lời kể của cậu bé tất cả mọi vật đều trở nên đẹp hơn, gần gũi và sống động như ngoài đời thực. Câu chuyện về ông cả Bảy nằm ngắm sao rồi mất và trở thành tiên đã kích thích tò mò của cậu bé. Cậu quyết định phải thám hiểm để khám phá và giải tỏa những điều mình còn nghi ngờ cần làm sáng tỏ. Qua lời kể của cậu bé người đọc như cùng cảm nhận được cảm giác sợ hãi mà cậu trải qua trong đêm khám phá ngôi mộ ông cả Bảy. “Ngôi mộ đã gần lắm rồi. Tim em muốn vỡ ra vì run rẩy. Khi run rẩy tim em sẽ vỡ ra… Rồi em không hiểu tại sao em cũng đứng phắt dậy. Rồi em thấy mình đang bay trên những bụi cỏ. Chân em gần như không chạm đất. Em đã chạy như trong mê. Đêm ấy hai anh em nằm ôm nhau trong chăn mà vẫn còn sợ run. Đôi tay lạnh ngắt của anh Toàn chạm vào người em như thể một con ma làm bằng nước đá.” [59,65]. Cảm giác sợ hãi được tái hiện lại qua lời kể của nhân vật khiến nhiều người phải rùng mình. Những từ ngữ như run rẩy, tim muốn vỡ ra, sợ run, con ma làm bằng nước đá… diễn tả cảm giác thật sợ hãi thật sống động của con người.

Người kể chuyện là nhân vật tôi sẽ tạo cho câu chuyện được kể trở nên gần gũi, thể hiện được cảm xúc sâu sắc của chính nhân vật, đồng thời câu chuyện mang tính chủ quan của người kể. Cậu bé Dũng trong truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã kể cho mọi người những câu chuyện đời thường, giản dị gắn liền với cuộc sống êm đềm của cậu như một bản trường ca về cuộc sống. Với những câu chuyện nhỏ như chuyện về cái răng khểnh, chuyện về những âm thanh đẹp nhất trong cuộc sống, về đôi dép của cô giáo Hà, về một

ngày kinh hoàng, về người lạ mặt, người bí mật… cho người đọc thấy được một bức tranh về cuộc sống thanh bình êm ả của không gian làng quê tươi đẹp. Được bao bọc che chở và sống trong không gian yên bình đó con người cũng trở nên thánh thiện hơn, mọi người quan tâm yêu thương lẫn nhau bằng những tình cảm thật chân thành và thắm thiết. Qua câu chuyện giản dị mà chân thực của cậu bé nhân vật chính dường như ta thấy thấp thoáng hình ảnh tuổi thơ tươi đẹp của chính tác giả đang hiện về. Đó cũng chính là hình ảnh cậu bé Thuần ngày nào được sống trong tình thương yêu bao bọc của cha mẹ, người thân, bạn bè và tất cả những người hàng xóm thân thiết. Với giọng kể của một cậu bé lên mười cuộc sống được tái hiện thật đẹp biết bao “mùa mưa năm đó kéo dài lê thê. Mẹ tôi nói chưa bao giờ thấy một mùa mưa dài như vậy. Cây ngoài vườn xanh mướt vì liên tục được tắm gội” [60, 272]. Câu chuyện được kể mang đậm dấu ấn của trẻ thơ, với những điều thật hồn nhiên tôi trở thành thần tượng của các bạn vì quen được với các ma xơ trong nhà thờ. Vì thế mà “chúng nhờ tôi cho chúng làm quen với các bà ma xơ. Nhưng ngu gì, tôi nói là ma xơ rất ghét con nít. Đứa nào héo lánh sẽ bị bà lấy cù nèo móc dò”. Ngôn ngữ kể chuyện của cậu bé thật dí dỏm với lí luận cũng rất trẻ con làm người đọc cảm thấy vui vì như thấy được hình ảnh của mình trong đó.

Đặt người kể chuyện vào ngôi thứ nhất ý đồ tác giả muốn để nhân vật bộc lộ tất cả những cảm xúc suy nghĩ của mình về mọi điều xảy ra xung quanh. Câu chuyện Cá sống được nhân vật tôi kể lại với những ngôn từ đầy ám ảnh “Lúc đó là vào buổi chiều. bố tôi ra đồng, còn tôi, cùng với bọn trẻ chơi rượt bắt bên cây rơm. Chúng tôi chạy vòng vòng, mà quên bẵng đi việc phải chú ý đến cậu như lời bố dặn. Con cá to đã làm cậu mắc cổ. Cậu không lường được sức mạnh của nó. Cậu đã đánh giá sai… Cú nguẩy đuôi đã đem đến một diện mạo tồi tệ nhất vào lúc ba giờ chiều, vật vã, cổ họng đầy máu, cậu nằm chết tươi.” [60,154]. Cái chết của người cậu đã ám ảnh tôi, sau khi

sự việc đáng tiếc đã xảy ra lâu lắm rồi nhưng khi tôi kể lại chỉ qua một vài từ thể hiện sự rõ ràng và chính xác như vào lúc ba giờ chiều, vật vã, cổ họng đầy máu, chết tươi làm cho chúng ta thấy câu chuyện như vừa mới xảy ra. Dường như câu chuyện ấy cứ theo đuổi bám riết lấy cậu bé, nó như là một vết hằn sâu trong tâm hồn của một đứa trẻ mãi mãi khó có thể phai mờ. Tâm hồn trẻ thơ như một trang giấy trắng khi có một nét vẽ đã được đặt lên thì sẽ chẳng bao giờ có thể xóa hết đi đấu vết đó được. Cậu bé trong truyện ngắn Nắng mang chân ngựa kể lại cuộc đời phiêu bạt của mình với một nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Bỏ nhà ra đi cuộc sống vất vả nay đây mai đó với đủ các nghề từ nhộn nhịp náo động đến tỉ mỉ, trầm tư nhưng không lúc nào tôi nguôi nhớ về quê hương nơi đó có mẹ già ngày đêm mòn mỏi ngóng trông con, có cây đa, bến nước con đò và dòng sông quê uốn lượn hiền hòa lưu giữ bao nhiêu kỉ niệm của một thời thơ ấu. “Ngày kéo dài nghìn năm nhưng chớp mắt là qua vút. Còn lại cây đa, cây đa nghìn năm, con sông cũng nghìn năm. Thương sông quá tôi ngồi ngắm một mình dưới gốc đa. Con sông giống như một người nhà quê; cây đa cũng giống như một người nhà quê. Hai người nhà quê hai cái tình”. Câu chuyện của tôi cũng chính là nỗi lòng của bao người con xa quê mong được trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đó cũng chính là nỗi lòng của tác giả bởi chính anh đã tâm sự rằng: “Thực ra đến bây giờ là sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật, sống giữa trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt, công việc sau này cũng sẽ gắn bó với môi trường này nhưng thật lòng tôi chỉ muốn về quê. Tôi khoái ở quê hơn. Đời sống ở đây giản dị, chân chất, nó hợp với tôi”.[40].

Trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần người kể chuyện không chỉ ở ngôi thứ nhất mà còn có ngôi thứ ba. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba là người đứng ngoài câu chuyện được kể có vai trò quan trọng trong việc bộc lộ quan điểm cách nhìn nhận của mình về những nhân vật và

có khả năng biết hết tất cả mọi việc có thể xảy ra. Trong tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ người kể chuyện là người đa giọng điệu. Khi thì là người kể chuyện thật gần gũi thân thiết nhưng có lúc lại trở thành một nhà tiên tri thông thái dự báo trước những việc sắp sửa xảy ra. Khi kể về người bố với những từ ngữ nhẹ nhàng hình ảnh người bố hiện lên một cách hiền từ với tình yêu thương con vô bờ bến. Ông gọi cô út là người phơi nắng, gọi cô ba là

người thai nhi và “ngày đầu tiên làm quen với sự sống, người bố đã ẵm cô ra vườn, đúng hơn là ẵm một bào thai ra vườn. Ông ví cánh tay mình là lòng mẹ thứ hai một lòng mẹ nằm tênh hênh trong khoảng trời rực nắng. Một lòng mẹ mười ngón thô nần, lam lũ và chai sạm bởi công việc” [61,22]. Chỉ qua một vài câu kể, người kể chuyện đã khiến người đọc như có cảm giác được nằm trong vòng tay hiền hòa của mẹ. Dù cho những ngón tay của người cha có bị chai sạm bởi công việc vất vả nhưng nó như một cái nôi êm dịu đưa con vào thế giới thần tiên tươi đẹp, một khoảng trời rực nắng. Kể chuyện mà như đọc một bài thơ dài câu từ thật mượt mà, êm ái. Khi người kể chuyện trở thành nhà tiên tri ông đã dự báo và đưa ra những nhận định rất lạnh lùng. Khi người bố tạo ra khu vườn nhà tiên tri đã nói rằng: “Khi chúng ta đi chơi trên đồi, chúng ta sẽ thấy bên dưới ngọn đồi, bên trên lớp cỏ tươi, bên trên những sợi non một bầu trời nho nhỏ. Hãy tạm hiểu một bầu trời bằng cách đó. Bởi một bầu trời chẳng còn nguyên vẹn đâu, chúng được chia đều cho mọi người bằng chính khoảng rộng của mình.” [61,25]. Lời nhà tiên tri thật đúng đắn bởi người bố tạo ra khu vườn với ý định cho các con ông chỉ biết đến khu vườn ấy khoảng trời ấy mà không hề biết đến khoảng trời rộng lớn bên ngoài. Thế giới và bầu trời được thu hẹp lại đó chính là một thiên đàng thu nhỏ. Nhưng trong lời của nhà tiên tri ta như thấy thấp thoáng một điều dự báo về tương lai bất ổn. Bởi con người chúng ta luôn khao khát khám phá những điều mới lạ trong thế giới rộng lớn. Khi bị bó buộc trong một khuôn khổ người ta sẽ cảm

thấy tù túng chật hẹp và muốn bứt tung ra để được tự do. Khi người bố mất đi không còn ai có thể ngăn cản nổi bước chân của những đứa trẻ đang ở tuổi thích phiêu lưu, khám phá. Và chúng đã bước qua ranh giới của khu vườn để đến với thế giới bên ngoài tuyệt đẹp kia và chính nơi đó đã gây cho chúng những tai nạn khủng khiếp không ngờ tới được. Nơi đó đã cho chúng sự hi vọng về mầm sống nhưng cũng chính là nơi cướp đi tất cả khiến chúng đau đớn vô cùng. Thế giới tươi đẹp giờ đây đã sụp đổ hoàn toàn đối với những đứa con tội nghiệp. Lời của nhà tiên tri hay cũng là lời của tác giả dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện thật hấp dẫn và đó cũng là điều khiến độc giả phải chú ý, suy nghĩ.

Như vậy, qua ngôn ngữ người kể chuyện trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần cho thấy nếu như người kể chuyện ở ngôi thứ nhất bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của nhân vật một cách chân thực và sống động thì ngôn ngữ của người kể chuyện ở ngôi thứ ba lại mang đến cái nhìn khách quan về con người và cuộc sống mà nhà văn khắc họa trong tác phẩm. Thấp thoáng đằng sau lời của những người kể chuyện chính là tình cảm tốt đẹp mà tác giả dành cho nhân vật của mình và nhiều khi đó cũng chính là bóng dáng của tác giả thời thơ ấu. Ngôn ngữ của người kể chuyện thật tha thiết và gần gũi đó như là những lời tâm tình nhẹ nhàng mà tác giả dành đến cho người đọc bởi anh quan niệm rằng viết cho trẻ em không thể viết bằng tâm hồn của một ông già. Nhà văn là người thấu hiểu tâm lí trẻ và là người bạn thân thiết của trẻ có như vậy các tác phẩm của anh mới nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc nhất là bạn đọc nhỏ tuổi.

Trong truyện cổ tích, người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ ba. Mở đầu câu chuyện để tạo không khí cổ tích và tăng tính hấp dẫn cho truyện người kể chuyện thường sử dụng ngôn từ đậm chất cổ tích như ngày xửa, ngày xưa, cách đây lâu lắm rồi… Và một không gian xác định như ở một làng nọ, ở

vùng Kinh Bắc, ở tận vùng sơn cước… khiến người nghe tin rằng câu chuyện đó là có thật. Người kể chuyện ở đây đóng vai trò là người đứng ngoài câu chuyện kể lại cho người nghe một cách khách quan về những sự việc xảy ra, về hành động của nhân vật. Tuy nhiên người kể chuyện trong truyện cổ tích thường sử dụng những từ ngữ thể hiện thái độ bênh vực người tốt và căm ghét những kẻ xấu. Trong truyện Tấm Cám khi kể đến Tấm thì người kể chuyện thường dùng những lời khen ngợi Tấm là người siêng năng chăm chỉ, hiền lành nết na. Còn khi kể về Cám thì dùng những từ ngữ tỏ thái độ chê bai Cám là người xấu xa, lười nhác: “ngày qua ngày Tấm phải làm lụng luôn canh hết chăn trâu, gánh nước đến thái khoai, vớt bèo, đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà không phải làm việc nặng.” [58,28]. Như vậy người kể chuyện ở đây còn có vai trò hướng người đọc biết nhận ra những điều tốt đẹp và những điều không tốt. Đồng thời thể hiện thái độ bênh vực cho những người tốt và căm ghét những kẻ xấu xa.

Người kể chuyện trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ đứng ở ngôi thứ ba mà còn đứng ở ngôi thứ nhất khác với mô hình về người kể chuyện trong truyện cổ tích. Bởi thông qua những ngôi kể chuyện này nhà văn vừa thể hiện được ý kiến của mình đồng thời thể hiện được những nhận xét mang tính khách quan đối với câu chuyện được kể, tạo nên giọng kể hấp dẫn thu hút người đọc vào những câu chuyện do nhà văn sáng tạo ra.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 82)