Thiên nhiên nguyên sơ, thuần khiết

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 74)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.2.Thiên nhiên nguyên sơ, thuần khiết

Ở lứa tuổi trẻ thơ với bản tính tò mò, thích phiêu lưu, mạo hiểm cùng khát vọng khám phá thiên nhiên đã thôi thúc các em tìm đến và hòa nhập cùng với thiên nhiên. Những khu rừng chính là một điều bí ẩn mà đứa trẻ nào cũng thấy thú vị và muốn được khám phá. Khu rừng nguyên sơ trong truyện Vừa nhắm mắtvừa mở cửa sổ có sức hút thật kì lạ. Chỉ qua lời kể ngắn gọn của chú Hùng “Khi ở rừng người ta luôn hú gọi nhau như con vượn, con khỉ” đã khiến

tôi mê mải. Khu rừng ấy như thế nào, nó rộng lớn đến đâu mà con người khi vào khi gọi nhau phải hú lên như thế? Nó chứa đựng những gì trong đó?

Những câu hỏi ấy cứ vang trong đầu tôi, chỉ mới nghe đến những con vượn con khỉ là lòng tôi đã thấy nôn nao muốn đi vào rừng ngay lúc ấy. Tôi quyết định phải đòi chú Hùng cho đi bằng được. Quả thật trong rừng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Trong rừng có nhiều loài động thực vật khác nhau cùng sinh sống. Không chỉ có khỉ, có vượn mà còn có những con kì nhông chạy nhảy tung tăng khắp nơi. Có nhiều cây cổ thụ tán lá xum xuê, thân to phải mấy người ôm không xuể, các cây dây leo quấn nhau chằng chịt như người mắc cửi. Khi tôi

hú gọi thì “rừng cứ âm âm vọng lại những âm thanh ma quái.” [60,222]. Những con đường vào rừng nhỏ xíu càng đi sâu vào con đường càng nhỏ lại những lùm cây càng lúc càng hẹp dần như bao vây để con người không thể thoát ra được. Trong rừng còn có những con suối nước chảy quanh năm mát trong và không bao giờ cạn. Đối với tôi được đi thám hiểm khu rừng để khám phá những điều thú vị mà chỉ ở đó mới có là điều tôi cảm thấy vui sướng vô cùng. Được đi vào rừng thám hiểm đã giúp tôi hiểu biết được nhiều điều, rừng như là người bạn giải đáp cho tôi những điều chưa biết, từ đó khiến tôi càng thêm yêu quý rừng hơn. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải bảo vệ rừng cũng như bảo vệ người bạn thân thiết của mình. Khi đọc truyện người đọc không chỉ được ngắm nhìn một khu rừng nguyên sơ đầy bí ẩn mà còn được hòa mình cùng nhân vật vào dòng sông quê hương thơ mộng. Con sông ấy với dòng nước mát trong, chảy êm đềm hiền hòa như chính con người nơi đây vậy. Con sông ấy đã nuôi dưỡng tuổi thơ, chắp cánh ước mơ cho bao người. Con sông quê hương dạt dào như lòng mẹ ghi dấu những kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ là nơi con người thả hồn bay bổng vợi đi bao nỗi nhọc nhằn và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Thiên nhiên nơi đây có núi có sông hiền hòa thơ mộng nó gợi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ của rất nhiều người. Những hình ảnh thiên nhiên ấy chứa đầy chất thơ và khi những cơn mưa mùa hạ tràn về sẽ là những thanh âm trong trẻo làm cho bài thơ trở nên sống động vô cùng. “Mưa. Mưa khủng khiếp, không biết cơ

man nào là nước. Nước xối xả. Nước chảy tràn. Nước lùa vào chân lạnh ngắt.” [60,225]. Những cơn mưa mùa hè xối xả nhưng cũng thật đẹp biết bao. Đọc câu văn của Nguyễn Ngọc Thuần ta như muốn tan chảy và trôi theo dòng nước mát lạnh ấy.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau những ngày mưa rào sẽ là những ngày nắng đẹp. Vào những ngày nắng, bầu trời cao trong xanh không chút gợn mây. Khi màn đêm buông xuống che phủ khắp không gian một mầu đen huyền bí thì cũng chính là lúc những vì sao bắt đầu tỏa sáng lung linh trên bầu trời. Khi đứng trong khu vườn dưới những tán lá nhìn ngắm bầu trời em thấy những ngôi sao xuất hiện như những con mắt nhỏ. Những vì tinh tú lúc nào cũng là những hình ảnh đẹp nhất tạo nên chất lãng mạn, chất thơ cho tác phẩm. Ánh trăng đã đi vào thơ của nhiều thi sĩ. Ở đây, trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần, ánh trăng thật nên thơ: “Trăng đã lên, sáng vằng vặc. Những đám mây trắng tinh như gấu bông bay nhởn nhơ; lúc thì bay qua, lúc thì bay lại, có lúc dồn ép vào nhau như những núi tuyết”.

Đứng trước một khung cảnh thiên nhiên đẹp con người sẽ có cảm giác lâng lâng khó tả. “Cánh đồng này thật rộng lớn. Nó như một bãi xanh. Từ đây gần như em không còn nhìn thấy những ngôi nhà.” [59,44]. Màu xanh của những cây lúa đang thì con gái được trải ra trong một không gian rộng lớn khiến cánh đồng càng trở nên mênh mông hơn. Đi giữa cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay làm em cảm thấy choáng ngợp em cứ tưởng như mình đang chui vào cánh đồng như những thiên thần chui vào bóng râm. Cậu bé nhân vật chính trong Một thiên nằm mộng khi đứng trước cánh đồng rộng lớn bao la ấy đã không thể giữ im lặng được. “Không có lí do gì em phải im lặng trước một cánh đồng. Và khi nó xanh đến thế thì em lại càng muốn nói”. Đứng trước một cánh đồng rộng lớn, với một mầu xanh ngút ngàn con người ta có thể làm thơ, vẽ tranh, ca hát hoặc trải lòng mình để rồi con người cùng

hòa quện vào thiên nhiên cùng thiên nhiên hát bản tình ca về tình yêu tha thiết đối với cuộc sống tươi đẹp này. Thiên nhiên cũng như con người vậy cũng biết biến đổi để làm mình trở nên đẹp hơn. Khi trời bắt đầu lắc rắc từng hạt mưa nhỏ, rồi sấm chớp thi nhau nổi lên đì đùng “cánh đồng ra chiều ngả nghiêng lắm. Nó cứ xoay tròn trong mầu xanh. Nó cứ xoay tròn trong cái màu vàng. Thật là vĩ đại”. Chứng kiến được sự biến đổi mau lẹ của thiên nhiên quả là một điều tuyệt diệu dành cho con người. Phải là người yêu thiên nhiên am hiểu và gắn bó sâu sắc với thiên nhiên thì nhà văn mới có thể miêu tả tỉ mỉ và dành những trang văn hay về thiên nhiên đến thế.

Nếu như thiên nhiên là một đề tài lớn trong văn học thì mùa thu là chủ đề quen thuộc mà nhiều nhà thơ, nhà văn dành nhiều tâm huyết sáng tác với rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Cảnh sắc thiên nhiên của mùa thu thật đẹp khiến tâm hồn bao người mê say. Hai chị em trong tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của Nguyễn Ngọc Thuần đã tưởng như mình đang mơ khi bắt gặp mùa thu phía bên kia sườn đồi. Đó là một thế giới xa lạ mà cả hai chị em chưa hề biết tới. “Trong màu nắng chúng bỗng giật mình nhận ra một mùa thu sừng sững khắp ngọn đồi. Một thế giới thiên nhiên lạ lùng mà chúng gần như không còn biết đến.” [61,85]. Hai chị em vô cùng ngạc nhiên và không tin làm sao có cả một ngọn đồi màu vàng. Những đám mây thật to bay ngang qua bầu trời. Khi màu vàng ập vào mắt, chúng cứ nghĩ đó chỉ là hình ảnh thần tiên mà chúng đã từng được gặp trong giấc mơ. Chúng ngất ngây trong giấc mơ vừa tìm được. Không ngạc nhiên, ngất ngay sao được khi trước mắt chúng là một khung cảnh thiên nhiên kì thú, ánh nắng mặt trời vàng ruộm đang bao trùm lên khắp không gian, cỏ cây hoa lá đều được nhuộm bởi một màu vàng lung linh huyền ảo. “Lúc ấy ba giờ chiều, giờ phô diễn của những sắc thu lung linh nhất. Một cơn gió thổi tới, những chiếc lá bắt đầu rơi tứ tung, như thể chủ tâm nhuộm vàng tất cả, chúng nhuộm bầu trời, chúng nhuộm những con chim đang bay. Mùa thu đã

chín úa kéo lê cái đuôi dài.” [61,106]. Màu vàng tươi đẹp ấy chưa bao giờ chúng bắt gặp trong khu vườn chật hẹp vì người bố giấu biệt mùa thu từ khi chúng còn quá nhỏ. Chúng thật sự thấy được vẻ rực rỡ của thiên nhiên điều mà có cố gắng thế nào đi nữa con người cũng không thể nào tạo ra được. Làm sao con người có thể tái hiện thiên nhiên một cách chân thực như thế? Đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Dường như đó cũng là mùa thu cuối cùng còn tồn tại nguyên sơ, chưa bị vấy bẩn bởi bàn tay tàn phá của con người. Như một câu chuyện bi tráng đó là mùa thu đẹp nhất, một mùa thu mang màu sắc huyền thoại. Vẻ đẹp của thiên nhiên là một điều kì diệu dành tặng cho con người. Vẻ đẹp của khung cảnh mùa thu trong tác phẩm được hai chị em phát hiện ra, đó cũng chính là sự phát hiện mới lạ mà nhà văn muốn dành tặng độc giả. Nguyễn Ngọc Thuần quả là người có con mắt tinh đời và một tâm hồn nhạy cảm mới có thể chụp được khoảnh khắc thiên nhiên vô cùng sống động ấy. Không chỉ hai chị em nhân vật ngỡ ngàng mà chính người đọc cũng ngỡ như mình đang mơ và lạc vào một khung cảnh thần tiên mơ mộng.

Vẻ đẹp của thiên nhiên nói chung và vẻ đẹp của mùa thu nói riêng có sức hút mê hồn với những ai đã từng một lần vinh hạnh được chiêm ngưỡng. Vì không cưỡng lại được sự mê hoặc của khung cảnh mùa thu thần tiên ấy con ba ngày nào cũng lén bỏ trốn khỏi khu vườn và tìm đến chỗ mùa thu. Nơi ấy nó tha hồ vui đùa cùng những bông hoa, những con ong con bướm và thả hồn mình vào trong những giấc mơ. Nó nằm vắt vẻo trên bãi đất bằng đầy cỏ và hoa dại ngẩn ngơ ngắm những đám mây đang trôi nhè nhẹ trên bầu trời cùng sắc vàng của những chiếc áo được dệt từ lá cây bay bay trong gió chiều phảng phất. Ở đây ta như thấy được bóng dáng của nhà văn đang nằm mải mê trên triền đồi, thả hồn theo những cơn gió và ngập chìm trong sắc vàng lung linh của miền quê Bình Thuận.

Thế giới thiên nhiên trong truyện cổ tích Andersen thường được miêu tả với một vẻ đẹp thật hoang sơ, hùng vĩ. Trong truyện Nữ thần băng giá tác giả đã mô tả cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ: “Mây luôn luôn tụ lại trên các ngọn núi thành một màn hơi bao la, còn mặt trời thì chiếu xuống thung lũng làm cho cỏ cây rực rỡ như một bức tranh lụa đặt trước đèn. Phía dưới nước cuốn ầm ầm như gào thét. Khi còn ở trên cao nước thì thầm, khẽ róc rách và trườn theo các tảng đá, trải ra thành những giải bạc.” [1,25]. Chính thiên nhiên tươi đẹp, thuần khiết kết hợp với những câu chuyện kể li kì hấp dẫn đã tạo nên sức sống lâu bền của truyện cổ Andersen trong lòng độc giả trên toàn thế giới.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 74)