Kết cấu xâu chuỗi

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 117)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Kết cấu xâu chuỗi

Thông thường những tác phẩm văn xuôi nhất là truyện dài và tiểu thuyết thường diễn ra nhiều sự kiện biến cố. Để những sự kiện đó diễn ra một cách có hệ thống tác giả thường sử dụng hình thức tổ chức văn bản kết cấu xâu chuỗi để kết nối các vấn đề lại với nhau. Nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt cốt truyện và những diễn biến trong câu chuyện được kể. Trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần đã sử dụng kết cấu xâu chuỗi để các em dễ dàng nắm bắt được nội dung cốt truyện.

Trong từng tác phẩm nhà văn đã phân chia thành các chương nhỏ, mỗi chương là một câu chuyện nhỏ xoay quanh câu chuyện lớn. Đặc biệt nhà văn đã đặt tên cho từng chương với những cái tên rất hấp dẫn. Điều này rất cần thiết trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi vì nó kích thích tính tò mò ham hiểu biết của các em, khiến các em chăm chú hơn khi đọc truyện. Truyện dài

Một thiên nằm mộng được chia thành mười chín chương và đoạn kết. Mười chín chương chuyện là mười chín câu chuyện nhỏ kể về những giấc mơ hàng đêm của cậu bé nhân vật chính. Tính hấp dẫn của câu chuyện đặt ngay ở nhan đề chương thứ nhất với tên gọi “ha ha ha con ma”. Trẻ con với tâm lí chung

thường rất sợ ma, sợ nhưng lại rất thích nghe kể chuyện về nó. Vì thế khi đọc nhan đề chương truyện đầu tiên các em đã rất thích thú. Những câu chuyện ma thường gắn liền với những khu nghĩa địa vào những đêm khuya khi bóng đêm bao phủ khắp mọi nơi và câu chuyện kể được bắt đầu một cách bình thường như thế đó. Tiếp đó là câu chuyện về anh em thằng Tí, về bà cả Sề. Để gặp được anh em thằng Tí em phải đi qua cánh đồng, qua đó em sẽ gặp bà cả Sề và sau khi kể xong câu chuyện về anh em thằng Tí thì chuyện về bà cả Sề tiếp nối ngay mạch chuyện hấp dẫn đó. Dường như bạn đọc không thể rời mắt khỏi những trang sách bởi vì những câu chuyện cứ tiếp nối nhau được kể bằng giọng kể trẻ con rất thú vị. Và vì thế câu chuyện về giấc mơ của cậu bé kết thúc cũng là lúc bạn đọc đọc đến những trang cuối cùng của truyện. Khi câu chuyện kết thúc độc giả không khỏi tiếc nuối bởi ai cũng muốn giấc mơ ấy cứ kéo dài mãi để mọi người cùng được sống trong thế giới cổ tích thơ mộng đó. Sau khi đọc xong câu chuyện dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng người đọc những điều sâu xa ẩn trong câu truyện và tự rút ra cho mình những điều bổ ích để sống cuộc sống tốt đẹp hơn.

Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần có cốt truyện không đặc biệt, chủ yếu viết về những chuyện xảy ra thường ngày trong cuộc sống của trẻ thơ. Nhưng đằng sau những câu chuyện đời thường giản dị ấy là những ý nghĩa sâu xa mà nhà văn muốn gửi tới độc giả. Trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ cậu bé Dũng đã kể mười tám câu chuyện nhỏ tưởng chừng như mỗi chuyện không có gì liên quan tới nhau nhưng nó có một kết cấu vô cùng chặt chẽ bởi tầng ý nghĩa, tính triết lí ẩn sâu trong đó. Câu chuyện mở đầu kể về những âm thanh đẹp nhất trong cuộc sống. Với giọng kể hồn nhiên và đầy sức thuyết phục của nhân vật tôi âm thanh đẹp nhất với tôi đó chính là tên gọi của mỗi người. Bởi mỗi cái tên là một tình thương lớn. Khi bạn gọi tên một người thì âm thanh của cái tên đó khiến bạn cảm thấy vui hơn, nhất là khi bạn

gọi tên những người thân yêu của mình bạn sẽ thấy cái tên đó có ý nghĩa rất lớn. Tiếp đó là câu chuyện về chiếc răng khểnh. Mỗi người khi sinh ra đã có một đặc điểm riêng không hòa lẫn với bất cứ ai và đó là chính là điều bí mật của bạn. Khi bạn chia sẻ điều bí mật đó với một người biết giữ bí mật thì người đó sẽ giữ giùm bạn điều đó. Tôi không chỉ phát hiện ra âm thanh đẹp nhất, điều bí mật của chính mình mà tôi còn biết quan tâm chia sẻ với những người không được may mắn như mình vì thân thể của họ không còn lành lặn nữa. Thấu hiểu và biết chia sẻ tình yêu thương đối với người khác tôi đã gửi đến mọi người một thông điệp là hãy biết quý trọng thân thể mình và hãy biết đau cùng nỗi đau của người khác khi đó bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thật thoải mái vì mình đã làm được một điều có ích cho cuộc sống. Câu chuyện tình yêu của tôi không chỉ nói về tình yêu của chú Hùng và cô Hồng tức tình yêu nam nữ mà còn nói về tình yêu thương của tất cả mọi người. “Cháu yêu chú, chú yêu cô Hồng, cô Hồng yêu mẹ cháu, mẹ cháu yêu bố cháu, bố cháu yêu cháu” [60, 199]. Người này yêu người kia tất cả tình cảm yêu thương ấy sẽ gắn kết mọi người lại gần nhau hơn, thắm thiết hơn. Đó chính là tình cảm đáng trân trọng nhất trong cuộc sống này. Một ngày kinh hoàng đã để lại trong tôi kỉ niệm đáng nhớ. Chính trong những lúc nguy nan tình cảm, sự đoàn kết, lòng dũng cảm làm nên sức mạnh để chúng ta vượt qua tất cả. Tôi cảm thấy xấu hổ với thằng Toàn vì lúc nào cũng xem nó là đứa mít ướt nhưng không ngờ nó lại là đứa gan dạ nhất. Chính thằng Toàn là người cứu con Dung thoát chết, chính nó đã trở thành trụ cột cho cả đoàn trong khu rừng. Tôi còn cảm thấy rất hối hận vì chính tôi là người đầu têu để chọc ghẹo cháu ông ăn xin. Đầu tiên khi thấy nó đứng ngoài cửa lớp tôi đã ném giấy vào người nó làm nó phải bỏ đi. Sau đó chính tôi đã dẫn cả lớp đến khu chợ chỉ chỗ nằm và trò chơi của cháu ông lão ăn xin cho mọi người biết khiến nó vô cùng tức giận. Khi phát hiện chính nó là người khách lạ đến thăm khu vườn tôi đã bày trò giật dây

làm nó sợ hãi bỏ chạy người đầy những vết thương vì bị gai cào. Điều khiến

tôi ân hận nhất chính là việc đòi lại con dế trong tay nó để rồi khi nhận ra lỗi lầm của mình muốn đến nói lời xin lỗi thì ông cháu nó đã đi xa. Còn tôi ôm nỗi ân hận day dứt trong lòng trở về mà không dám nói cùng ai. Để rồi những ngày bình thường tôi ngồi một mình nhìn ra khu vườn và suy nghĩ về những điều mình đã làm. Hàng đêm, khi vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa nhìn ra khu vườn vừa tưởng tượng. Tôi biết mình sẽ không quên được tất cả mọi việc đã xảy ra, mọi điều mà tôi đã phát hiện trong cuộc sống và tôi ngẫm nghĩ. Tôi

biết mình vẫn còn nhớ lắm. Câu chuyện kết thúc nhưng người đọc vẫn còn cảm thấy lưu luyến và thấy những kí ức tuổi thơ của mình cũng hiện lên nguyên vẹn như mới hôm qua. Từng sự kiện, câu chuyện được kể trong truyện lần lượt đưa người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Tác giả viết ra từng câu chuyện như những món quà nhỏ không chỉ tặng bạn đọc trẻ thơ mà cũng để dành tặng cho cả người lớn những người yêu thích truyện thiếu nhi.

Kết cấu xâu chuỗi còn được Nguyễn Ngọc Thuần sử dụng trong tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ. Truyện kể về một gia đình rất đặc biệt có ba cô con gái và người cha. Họ sống trong một khu vườn tuyệt đẹp trên đồi cao tách biệt với thế giới bên ngoài. Người cha đã sáng tạo ra khu vườn như một thế giới thu nhỏ để dành tặng các con với một tình thương yêu thật lớn lao. Nhưng thật không may khi ông chưa làm được những điều mà ông muốn dành cho các con thì ông đã ra đi vào một ngày tiền định mà không hề trăn trối một lời nào. Người cha mất đi để lại một khoảng trống vắng không thể nào lấp đầy được trong lòng các con. Sau khi cha mất cô chị cả đã phải gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà, cô vừa là chị vừa là mẹ vừa là cha. Vì thế có nhiều lúc cô hoang mang thấy mình như trở thành người cha vậy. Còn cô ba được sinh ra khi chưa đủ ngày đủ tháng cô được người cha đặt cho cái tên rất

đáng yêu đó là người thai nhi và trong mắt ông cô lúc nào cũng là một đứa trẻ chưa hoàn thiện. Còn cô út sinh ra đã thiếu may mắn khi đôi chân của cô không bao giờ có thể chạm đất với những bước đi vững chắc. Người bố đã làm chiếc xe lăn để dành cho cô, ông còn chế tạo ra chiếc xích đu dành cho ba chị em ngồi ngắm cảnh khu vườn vừa hững những ánh nắng ban mai thuần khiết. Ông đã gọi cô út với cái tên rất dễ thương người phơi nắng. Và khi ba chị em cùng ngồi trên xích đu ánh nắng chiếu dọi qua kẽ lá xuống làm các cô bật khóc. Các cô khóc trong niềm kí ức nhạt nhòa về người cha với những kỉ niệm đã in dấu không thể xóa nhòa. Trong ba chị em, cô chị cả là người cứng rắn, chững chạc thì cô út lại là người mền yếu, dễ xúc động, riêng cô ba là người có tính cách khác thường. Cô ba là người có cá tính mạnh mẽ, cô có những trò chơi khiến người khác phải rùng mình kinh sợ. Đầu tiên là trò bắt những đàn kiến bỏ cùng vào một chỗ và thích chí nhìn chúng cắn nhau vì sự sinh tồn của giống loài. Tiếp đó cô dùng cây kiếm gỗ chặt chém tan tác cây cối phá tan đồ vật trong nhà với bộ mặt rất hả hê. Không chỉ có thế hàng đêm khi mọi người đã ngủ say cô đã lén ngồi dậy nhổ tóc của cô chị cả một cách cay độc. Cô còn dùng bơm tiêm bơm nước vào cây cối và những con cánh cam trong vườn khiến chúng vàng vọt, úng rột và chết. Những hành động mà cô gây ra đối với thiên nhiên đã khiến thiên nhiên nổi giận. Chính vì thế cuộc báo thù từ thiên nhiên đã ập đến nhấn chìm thằng bé con trai cô, thằng bé là niềm hi vọng của mọi người trong gia đình về một tương lai tươi sáng. Thằng bé đã phải gánh chịu một kết cục đau đớn, nó mãi mãi nằm lại với thiên nhiên không bao giờ trở về được nữa. Thằng bé mất đi khiến mọi người trong nhà suy sụp hoàn toàn riêng cô ba vẫn không chịu dừng những trò chơi ma quỷ ấy, kết cục cô đã thiêu rụi tất cả căn nhà, khu vườn và cả cô và cô út cùng chung một kết cục bi thảm đó. Tất cả mọi hành động của cô ba được kể với cấp độ tăng dần đầu tiên là những trò nghịch nghợm trẻ con dần dần đến

những trò điên rồ và cuối cùng kết thúc chuỗi những trò chơi đó là trò rùng rợn khiến chính bản thân mình là người thân phải bỏ mạng ngay trong ngôi nhà thân yêu của mình. Câu chuyện về bầy thiên sứ như ám ảnh người chị mãi không thôi cô kể đi kể lại đến mức người ta không còn tin đó là câu chuyện có thật. Câu chuyện ấy kết thúc cũng làm người đọc ám ảnh mãi không thôi bởi tất cả mọi chuyện xảy ra được kể bằng một giọng buồn da diết. Với những câu chuyện được kể người đọc cũng đã gần như thấy được một kết thúc không may mắn sẽ xảy đến với gia đình đó nhưng không ngờ kết thúc lại bi thảm đến vậy. Mỗi chương truyện được kể là một sự kiện được mở ra sự kiện trước làm nền cho sự kiện sau xuất hiện, các sự kiện móc nối, đan cài vào nhau giúp cho truyện có kết cấu chặt chẽ. Đồng thời kết cấu truyện xâu chuỗi thể hiện được ý đồ nghệ thuật của nhà văn đó là làm nổi bật nội dung chính trong tác phẩm.

Như vậy, bằng việc sử dụng kết cấu xâu chuỗi trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của mình Nguyễn Ngọc Thuần đã đem đến cho người đọc những câu chuyện hấp dẫn. Mỗi chương là một câu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện nhỏ có mối liên hệ mật thiết để cấu thành một câu chuyện lớn. Điều này giúp bạn đọc nhỏ tuổi dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ cốt truyện.

Nhà văn Tô Hoài đã sử dụng rất thành công kết cấu xâu chuỗi trong tác phẩm xuất sắc và có giá trị của văn học thiếu nhi Việt Nam - Dế mèn phiêu lưu kí. Dế mèn phiêu lưu kí gồm mười chương được kể theo trình tự thời gian từ khi dế mèn còn trẻ đến khi dế mèn trưởng thành. Dế mèn vốn tính chăm chỉ ưa lao động và rất nghịch ngợm, luôn thích trêu chọc người khác. Mèn thích phiêu lưu để khám phá thế giới và chính từ qua hai cuộc phiêu lưu mèn đã rút ra cho mình những bài học bổ ích. Mỗi chương chuyện là một sự kiện cũng là một câu chuyện nhỏ làm bạn đọc trẻ thơ dễ theo dõi và dễ nhớ. Chính

vì thế từ khi ra đời đến nay Dế mèn phiêu lưu kí vẫn còn nguyên sự hấp dẫn đối với bạn đọc không chỉ bạn đọc trong nước mà cả bạn đọc ở nước ngoài.

Mỗi tác giả có một cách viết khác nhau để truyền tải được những thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới độc giả. Nhằm giúp bạn đọc nhỏ tuổi dễ nắm bắt được nội dung tác phẩm của mình Nguyễn Ngọc Thuần đã sử dụng kết cấu xâu chuỗi làm cho câu chuyện được kể trở nên hấp dẫn hơn, dễ dàng nắm bắt nội dung truyện một cách hệ thống. Vì vậy khi đọc truyện của anh độc giả cảm thấy có một sức hút kì lạ không ai có thể gấp sách lại khi những chương truyện chưa kết thúc.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w