Sự chuẩn bị vốn sống, vốn văn hóa

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 31)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.2.Sự chuẩn bị vốn sống, vốn văn hóa

Nguyễn Ngọc Thuần xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó. Quê anh là một vùng thuần nông, người dân quanh năm chỉ biết gắn bó với đồng ruộng suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dường như cái nắng cái gió nơi đây đã làm con người anh thêm rắn giỏi, gắn bó như dòng nước mát trong chảy mãi đến muôn đời. Nó là nguồn cảm hứng bất tận để anh cho ra đời nhiều tác phẩm hay và đặc sắc, là món quà vô giá anh dành tặng độc giả. Khi nói về quê hương Nguyễn Ngọc Thuần đã từng tâm sự: “Quê hương tôi là những khoảng trời rộng rãi. Nằm đâu cũng có thể ngủ được, ở đâu cũng có một mùi thơm lúa non, mùi rạ, mùi cây lá được ủ ê trong ngập ngụa không khí…” [40]. Quê hương tươi đẹp là thế nên trong tâm thức anh lúc nào cũng hướng về nguồn cội, nơi chôn rau cắt rốn, nơi gắn bó tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc. Sống ở thành phố nơi phồn hoa đô thị, ồn ào náo nhiệt nhưng thật lòng anh chỉ muốn về quê, nơi mà cuộc sống êm đềm, giản dị. Anh cho rằng nó hợp với tôi hơn. Chính vì vậy, trong các trang truyện của Nguyễn Ngọc Thuần người đọc luôn được thả hồn mình theo không gian mênh mông của cánh đồng quê, con sông quê, và khu vườn đầy ắp hoa thơm trái ngọt.

Sinh ra trong một gia đình khó khăn về mặt kinh tế, nhưng Nguyễn Ngọc Thuần may mắn được sống trong sự thương yêu đùm bọc của bố mẹ, anh chị em và những người ruột thịt thân thiết, những người hàng xóm tốt bụng. Vì thế, trong các tác phẩm của anh luôn tràn ngập tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia của mọi người dành cho nhau thật nồng ấm. Với anh sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ giữa người với người là một tình thương lớn, một điều đáng trân trọng.

Đến với văn chương như là duyên nợ và thật tình cờ Nguyễn Ngọc Thuần đã từng chia sẻ: “Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ. Một hôm, tôi ghé chơi nhà người dì, nhìn thấy một cái máy đánh chữ cũ kỹ bụi bám đầy... Tôi bèn mang ra lau dầu. Lau dầu xong, tiện tay tôi gõ chơi vài chữ rồi ngẫu hứng viết lung tung, không ngờ càng viết lại càng thấy thích... Từ đó, tôi bắt đầu viết và dần

dần hình thành ý thức viết. Đến lúc ấy tôi mới tập trung học ngữ pháp...” [53]. Tình cờ đến với văn chương nhưng những tác phẩm anh viết ra hầu như đều nhận được giải thưởng mà toàn là giải cao. Như vậy, những giải thưởng mà anh đạt được không phải do may mắn mà do sự nỗ lực sáng tạo không biết mệt mỏi và niềm đam mê cháy bỏng đối với văn chương.

Chuyên ngành mỹ thuật là niềm đam mê Nguyễn Ngọc Thuần theo đuổi thời đại học. Dường như mối duyên giữa mỹ thuật và văn chương thật gắn bó và gần gũi trong anh. Những nhân vật được anh vẽ nên trong những bức tranh cũng giống như những nhân vật được anh khắc họa trong các tác phẩm văn học. Đó là kết quả sáng tạo nghệ thuật của một họa sĩ viết văn. Độc giả yêu mến anh, những nhà phê bình văn học đánh giá cao anh bởi văn xuôi của anh là sự hòa hợp giữa hội họa và văn học. Tất cả các tác phẩm Nguyễn Ngọc Thuần viết ra đều được anh tự minh họa bằng những hình ảnh sinh động, đó cũng chính là một kênh liên kết giúp độc giả hiểu sâu sắc ý nghĩa của truyện. Viết cho thiếu nhi đã khó, viết để đạt giải nhiều như Nguyễn Ngọc thuần càng khó hơn. Anh cho rằng, khi viết văn thì điều đầu tiên phải hiểu rõ là mình viết cho đối tượng nào để có những điều chỉnh phù hợp. Khi viết cho thiếu nhi anh đã đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ để xem chúng có hiểu không, có thích thú không. Có được thành công lớn như vậy là bởi anh viết bằng cả tấm lòng yêu thương con trẻ, bằng cả ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Đọc truyện của anh ta thấy thấp thoáng hình ảnh của một nhà tâm lí học, một người bạn của trẻ thơ đồng thời toát lên vẻ đẹp của đường nét, màu sắc trong hội họa tất cả hội tụ lại làm nên tính nhân văn sâu sắc trong các tác phẩm của anh.

Để viết nên những tác phẩm, các nhà văn cần phải có vốn hiểu biết phong phú. Nguyễn Ngọc Thuần rất ít đọc sách, nhưng cuốn nào thích thì đọc cả chục lần cho đến khi không còn thích nữa. Với anh đọc một cuốn sách thì

phải “chôm” lấy một điều gì đó, không được nhiều thì cũng phải được ít. Có như vậy dần dần mới tích lũy được nhiều điều về vốn sống, vốn văn hóa, nó là kiến thức bổ ích cho quá trình sáng tác của anh. Không chỉ tìm hiểu kiến thức qua sách vở mà Nguyễn Ngọc Thuần còn tìm hiểu từ chính cuộc sống thực tế. Anh tâm sự: “Trước đây, tôi nhận nuôi "dùm" gia đình cả gần chục đứa cháu! Gần gũi với trẻ con, người ta phát hiện ra nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Trong thế giới trẻ thơ, mọi việc thật nhẹ nhàng, không lo toan. Cứ thử tưởng tượng, trong một gia đình, khi có biến cố xảy ra thì những đau buồn ấy được trẻ con cảm nhận một cách nhẹ nhàng hơn, ít bi lụy hơn. Người lớn nên học nhìn đời bằng đôi mắt của trẻ thơ để thấy cuộc sống thanh thản, đáng sống hơn [34]”. Những điều giản dị mà anh cảm nhận được từ những đứa trẻ ấy chính là điều được anh phản ánh trong tác phẩm của mình. Những nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần đều bắt nguồn từ anh nhưng không phải là anh. Anh chỉ mượn cảnh làng quê, cuộc sống thời thơ ấu làm nền cho câu chuyện mà anh kể cho độc giả. Những tình cảm thân yêu của bố, mẹ, anh chị, bạn bè trong các tác phẩm là những cảm nhận của chính anh đã trải qua thời thơ ấu. Vì “từ nhỏ, tôi đã là một đứa trẻ giàu có về tinh thần... Trong gia đình, tôi là con út, lại là con trai duy nhất trong nhà nên rất được mọi người chiều chuộng, hầu như muốn gì được nấy. Đó là tài sản lớn nhất và quý giá nhất mà tôi sở hữu [34].” Tình cảm của gia đình, bạn bè chính là vốn sống quý giá giúp nhà văn thêm trưởng thành và đêm đến cho độc giả những tác phẩm văn học có giá trị.

Như vậy, vốn sống, vốn văn hóa của Nguyễn Ngọc Thuần được tích lũy từ chính cuộc đời. Bắt đầu từ khi anh còn là một cậu bé học trường làng đến khi trưởng thành, học tập tại trường Đại học Mỹ thuật và công tác tại báo

Mực Tím, báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Với những trải nghiệm thú vị và những bài học rút ra từ cuộc sống, Nguyễn Ngọc Thuần, bằng tài năng và

sự sáng tạo tuyệt vời đã cho ra đời một loạt các tác phẩm hay được nhiều độc giả yêu mến. Hi vọng rằng trong thời gian không xa anh sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị để không phụ sự kì vọng của bạn đọc.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 31)