Giọng điệu giễu cợt tinh quái

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 109)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Giọng điệu giễu cợt tinh quái

Những tác phẩm viết cho thiếu nhi thu hút và lôi cuốn được nhiều độc giả không phân biệt tuổi tác trình độ chính là ở chất hóm hỉnh, nghịch ngợm tinh quái đem đến cho người đọc những tiếng cười sảng khoái. Để tạo nên giọng điệu giễu cợt tinh quái hấp dẫn bạn đọc này, Nguyễn Ngọc Thuần đã lựa chọn các chi tiết hài hước, ngôn ngữ tinh nghịch và nhân vật hết sức hóm hỉnh.

Trước hết các chi tiết hài hước, ngôn ngữ tinh nghịch, dí dỏm nhà văn đã khéo léo lựa chọn những chi tiết gây cười, hài hước như: thằng bé sợ đến mức đái ra quần vì bị máy soi đồ phát hiện trong người có đồ vật bị cấm mang lên máy bay và khi lên máy bay nó thích đi vệ sinh liên tục chỉ vì một lí do tiếng dội nước rất to của nhà vệ sinh trong truyện Cha và con và … tàu bay. Hay là

chi tiết các bạn trong lớp nói về con ma trong vườn nhà cậu bé Dũng, chuyện chơi đùa với chú Hùng hàng xóm trong truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Rồi chi tiết anh em thằng Tí dọa dẫm cậu bé Tèo nhân vật chính trong truyện

Một thiên nằm mộng khiến cậu bé sợ hãi tè cả ra quần, chuyện về ông cả bảy… khiến người đọc có những trận cười nghiêng ngả. Những chi tiết hóm hỉnh đó lại được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ tinh nghịch, dí dỏm tạo nên giọng kể tự nhiên, dung dị và chính cái dung dị, hồn nhiên ấy là chất keo kết dính độc giả với tác phẩm. Bằng việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ dí dỏm với lối kể chuyện hóm hỉnh: “chúng rên hừ hừ trên cổ áo, sau đó chúng còn rờ vào cái bụng mềm xèo của em, cười hắc hắc. Rồi nó rờ xuống cái quần của em.

- Anh xem nè, nó đã tè trong quần rồi! Nó tè tỏng tỏng luôn, hí hí…” [59,134].

“- Đó là cái nhà. Tui là cái nhà đây! Chú rờ lên người tôi:

- Vậy cái cửa sổ đâu? Sao tui tìm hoài không thấy cái chốt hè! Ô! Đây có phải là cái chốt không?

Tôi hét lên:

- Không phải, đó là con cu!” [60, 189].

Bên cạnh giọng điệu hài hước hóm hỉnh, trong các sáng tác của mình Nguyễn Ngọc Thuần còn sử dụng giọng điệu giễu cợt tinh quái đậm chất trẻ con. “Nhìn cái mặt nó kìa, ngố ơi là ngố. Hay mình ẵm nó về nhà luôn đi! Mình khiêng nó như khiêng heo ấy.” Anh em thằng Tí đã cười nhạo em vì em quá nhát gan không dám nhìn mặt chúng. Tiếng cười giễu cợt ấy như muốn nói:

“- Ha ha… nó sợ! Nó sợ! - Nó hèn quá! Hèn quá!”

Còn anh Toàn cũng cười chế nhạo em: “- Ta khinh! Ta khinh!

- Đồ hèn nhát!”

Qua một vài câu nói đã thể hiện thật rõ giọng điệu giễu cợt, khinh thường của anh em thằng Tí và anh Toàn dành cho em vì tội em quá nhát gan. Vì không thích trò bắn bi nên em đã nói về trò này bằng giọng giễu cợt tự nhiên: “Mà bắn bi thì có cái gì thú vị đâu, bốn thằng chùm hum năm cái lỗ dưới đất. Bắn qua bắn lại xong rồi lại đi về.” Chỉ bằng hai câu văn ngắn qua giọng nói của nhân vật cho thấy trò bắn bi chẳng có gì thú vị, một trò nhàm chán với một vài thao tác lặp đi lặp lại từ đầu cho đến khi kết thúc trò chơi, khiến mọi người mới nghe đã thấy ngao ngán và không có mấy thiện cảm với trò chơi này nữa.

Để tạo nên được giọng hóm hỉnh tinh nghịch nhà văn đã gắn chất hài cùng với các nhân vật. Khi hai anh em thách đố nhau xem ai thắng khi cả đêm lạnh mà không đắp chăn nếu ai đắp chăn trước người đó sẽ thua. Sau một tiếng em bắt đầu run lên. Anh Toàn được thể làm bộ như mình là người chiến thắng: “- Anh Toàn ngúc ngoắc cái mông. Nhìn đây anh mày thấy mát rượi. Thấy nóng nữa kia, nóng quá! Nóng quá không chịu nổi. Chắc phải cởi áo ra thôi!” [59,36]. Từ điệu bộ đến lời nói, giọng nói đều thể hiện niềm vui sướng của anh Toàn vì anh thấy dấu hiệu thua hiện lên trên sắc mặt của em. Điệu bộ của nhân vật Toàn làm toát lên được thói quen tinh nghịch thường ngày. Điều này thể hiện nhân vật là người rất nghịch ngợm và có tâm hồn khỏe khoắn, tươi vui.

Còn nhân vật tôi trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thích thú ra mặt khi được những người trong đoàn Sơn Đông mãi võ cho đánh trống. “Thế là tôi và thằng Tí nhảy tót vào, mỗi thằng một cái dùi, đánh, đấm, chặt, ỏm tỏi.” Nhưng khi bị họa hăm he dọa sẽ làm biến mất “con chim” thì tôi và cả bọn ù té chạy về “vừa chạy, vừa thò tay xuống quần bụm chặt. Về đến nhà mới hay là còn. Khiếp!”. Như vậy nhân vật tôi không chỉ là một cậu bé giàu cảm xúc

mà còn là một cậu bé có cá tính và rất nghịch ngợm đúng như bản chất tâm lí của lứa tuổi.

Chất tinh quái, nghịch ngợm của các em ở lứa tuổi mới lớn này cũng được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện rất thành công trong tập truyện Kính vạn hoa. Đó cũng chính là tính hấp dẫn tạo nên thành công vang dội của tập truyện này. Những chi tiết hài hước cùng ngôn ngữ dí dỏm trong Kính vạn hoa đã mang đến những tiếng cười sảng khoái dành cho độc giả. Chẳng hạn khi phát hiện ra những điều mới lạ ngồ ngộ là lúc những tiếng cười xuất hiện như: “Thùy Vân có biệt hiệu “tí tách” vì hồi nhỏ thường hay đái dầm”, hay khi nhân vật Qúy ròm ba hoa về những trận đánh đấm thật hùng hồn, trận nào cũng có “xương cổ gẫy răng rắc, xương sườn gãy rào rào…” nhưng thật ra thân hình cậu ta chỉ là còm nhỏm còm nhom.

Tính chất hóm hỉnh, tinh nghịch chính là đặc điểm đặc thù của những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Trong các sáng tác của mình Nguyễn Ngọc Thuần luôn đưa vào những chi tiết, nhân vật hóm hỉnh cùng ngôn ngữ tinh nghịch, dí dỏm vừa phù hợp với cách tiếp nhận và tâm lí lứa tuổi các em hồn nhiên vui tươi. Đồng thời nó cũng tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm bởi những tiếng cười sảng khoái giúp các em thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng, mệt mỏi. Mặt khác tác phẩm tạo được sức hút đối với độc giả trẻ tuổi sẽ góp phần đẩy lùi những loại văn hóa phẩm đồ trụy, những trò chơi không lành mạnh đối với lứa tuổi các em. Nó có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp và làm giàu hơn tâm hồn, vốn hiểu biết cho trẻ thơ hôm nay.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w