Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 88)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.Ngôn ngữ đối thoại

Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích: “Đối thoại là nói chuyện giữa hai hay nhiều người với nhau”. Hay có thể hiểu đối thoại là hình thức đối đáp, trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người. Để hiểu về một con người chúng ta cần phải nói chuyện, trao đổi với nhau thông qua đó để nắm bắt tính

cách, tâm lí của mỗi người. Đối với nhà văn để khám phá và bộc lộ con người nhà văn đã sử dụng cách làm thật hiệu quả đó là cho các nhân vật đối thoại với nhau. Tức là đặt nhân vật trong sự đối diện với nhân vật khác để phát hiện con người bên trong của nhân vật đó.

Trước hết bằng đối thoại nhân vật tự bộc lộ mình. Đó là một nhu cầu tự thân, muốn người khác hiểu và đáp lại với mình nhân vật phải tự diễn đạt, tự nói ra những điều mình muốn. Hình thức đối thoại này diễn ra thường xuyên trong các tác phẩm. Mỗi lời thoại đều bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư tình cảm mà nhân vật hướng đến người nghe. Đối thoại giữa các nhân vật nhằm thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân của từng người về một vấn đề đang bàn luận. Chính trong đối thoại mỗi nhân vật sẽ tự bộc lộ cách nhìn, cách nghĩ của mình về con người và thế giới, về cuộc sống diễn ra xung quanh mình. Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần các nhân vật chính thường là những đứa trẻ vì thế ngôn ngữ đối thoại của các em đối với mọi người thật dí dỏm, đáng yêu mang với tâm hồn ngây thơ trong trắng. Trong truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ nhân vật tôi có cái răng khểnh nhưng bị các bạn cười chê cho rằng đó là cái bừa cào vì không đánh răng nên răng không mòn đều. Vì thế tôi rất buồn và nụ cười không còn tươi như trước nữa. Thấy con buồn người bố đã hỏi:

- Sao dạo này bố không thấy con cười? Tôi nói:

- Tại sao con phải cười hả bố?

- Đơn giản thôi. Khi cười khuôn mặt con sẽ rạng rỡ. Khuôn mặt đẹp nhất là nụ cười.

- Nhưng khi con cười sẽ rất xấu xí.

- Tại sao vậy? Bố ngạc nhiên. Ai nói với con?

- Bố thấy nó đẹp. Bố nói nhỏ con nghe nhé! Nụ cười của con đẹp nhất! - Nhưng làm sao đẹp được khi nó có cái răng khểnh?

- Ái chà! Bố bật cười. Thì ra là vậy. Bố thấy đẹp lắm! Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Đáng lí con phải tự hào về nó. Mỗi đứa trẻ có một điều kì diệu riêng. [60,186].

Đối thoại trên thể hiện suy nghĩ và tâm lí của hai nhân vật. Tôi với tâm lí của một đứa trẻ đã nói lên điều mà tôi cảm thấy xấu hổ với mọi người vì có chiếc răng khểnh. Còn người bố với cách nói từ tốn, thấu hiểu được tâm trạng của con mình ông đã dùng những ngôn từ nhẹ nhàng nhưng hàm súc để động viên, an ủi con. Đặc biệt người bố còn chỉ cho cậu con trai yêu quý của mình biết rằng mỗi con người đều có điểm riêng để tạo nên sự khác biệt với những người khác và chiếc răng khểnh chính là điểm riêng tạo nên nét duyên làm cho khuôn mặt của tôi trở nên rạng ngời mỗi khi tôi cười. Lời nói của người bố thật trầm ấm thể hiện tình yêu thương đối với người con. Buổi nói chuyện giữa hai bố con thật ngắn ngủi chỉ qua mấy câu đối thoại mà người bố đã hiểu được tâm sự của con trai mình. Và cậu con trai cũng hiểu ra được nhiều điều thật ý nghĩa đó là ai cũng có một điều bí mật, một nét riêng chỉ cần để ý một chút chúng ta sẽ phát hiện ra và mọi người hãy giữ lấy điều bí mật đó cho riêng mình hãy tự hào về nó.

Ngôn ngữ đối thoại trong truyện của Nguyễn Ngọc Thuần luôn mang sắc thái nhẹ nhàng, đó là những lời chia sẻ tâm tình mà những người bạn thân thiết đang tâm sự, giãi bày với nhau thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó thân thiết giữa người với người. Đoạn nói chuyện giữa cậu bé Dũng và ông Tư đã thể hiện sự cảm thông của cậu bé đối với một người đã hi sinh thân thể của mình để bảo vệ người khác. “Tôi sang nhà ông Tư. Tôi không dám vào nhà cứ thập thò bên cửa sổ. Ông hỏi:

- Tôi nói:

- Con đây, con là thằng Dũng.

Tôi từ từ đi vào nhà, ngồi xuống bộ ván.

- Có gì muốn nói với ông phải không? Ông hỏi. Tôi ấp úng:

- Con muốn hỏi… ông có nhớ, nhớ… - Nhớ cái gì? Con cứ nói đi đừng sợ. - Ông có nhớ bàn tay và bàn chân không? - Ông Tư im lặng nhìn tôi. Tôi nói tiếp. - Con biết ông nhứ lắm.

- Ừ. Ông nhớ - Ông chớp chớp đôi mắt - Những ngày nằm ở đây ông luôn nhớ. [60, 192].

Đoạn hội thoại trên nhân vật đã tự bộc lộ tính cách, quan điểm của mình về cuộc sống đó là cách ứng xử khéo léo của cậu bé đối với những người thân xung quanh mình. Điều đó chứng tỏ cậu bé nhân vật chính trong truyện là một nhân vật giàu cảm xúc, có tâm hồn trong sáng thánh thiện, dù còn nhỏ nhưng đã biết quan tâm chia sẻ giúp mọi người vui vẻ, yêu quý bản thân mình. Hành động và lời nói của cậu bé gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc.

Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng là một hình thức giới thiệu mô tả về nhân vật. Đó là sự thể hiện của nhân vật về bản thân mình, qua ngôn ngữ ta biết được nhân vật là người như thế nào, có hình dạng ra sao. Cuộc nói chuyện giữa nhân vật chính và thằng Tí anh đã cho mọi người biết được hình dáng đặc biệt của anh em thằng Tí như thế nào mà lúc nào chúng cũng tự hào mình là một đôi giàu có:

- Có khi nào mày thấy mày có hai tay không, ví dụ như nằm mơ á! - Không bao giờ!

- Nếu tao như mày tao sẽ mơ thấy rất nhiều tay… - Tao chẳng cần.

- Mà nghĩ cũng kì, một cánh tay mà chia cho hai người à?

- Chứ sao. Nhưng mà chỉ có mình thằng Tí em mới điều khiển được cánh tay đó.

- Thế có khi nào mày hỏi cánh tay của mày đi đâu không? - Làm sao tao biết được.

- Chẳng lẽ có người đang giữ cánh tay cuả mày à? Ai mà thèm giữ làm gì chứ! Tao chẳng bao giờ muốn mình có thêm một cánh tay nữa.

- Tao cũng không biết. Nhưng tao cũng quen rồi. - Thằng anh nói. - Tao có thể bắn bi bằng một tay. Vài bữa, chừng nào Tí em hết bệnh tao sẽ búng cho mày xem. [59, 169].

Những lời trò chuyện của Tí anh với em cho chúng ta biết được rằng anh em thằng Tí là một cặp sinh đôi bị dính nhau ở bả vai vì thế chúng có chung một cái tay. Tí anh rất thương Tí em lúc nào cũng cho rằng cánh tay đó là của Tí em và không bao giờ muốn mình có thêm một cánh tay nữa vì với nó một cánh tay đã quá đủ rồi cánh tay đó có thể làm được tất cả mọi việc. Với những lời nói hồn nhiên mà chân thật của Tí anh khiến mọi người thêm cảm phục và yêu thương anh em nó hơn. Ngôn ngữ đối thoại của hai đứa trẻ ở đây không có sự xa cách mà thật gần gũi với những tiếng đệm ừ, à cách xưng hô mày tao thân mật.

Trong khi đối thoại con người bộc lộ những suy nghĩ của mình và nhờ đó họ thêm hiểu nhau hơn, cùng nhau chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Nhưng đôi khi những suy nghĩ đối lập nhau cũng được biểu thị qua ngôn ngữ đối thoại. Điều này được thể hiện rõ trong cuộc đối thoại giữa cô chị cả và cô em út trong tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ.

“- Em biết tất cả những bí mật của chị. - Làm sao em biết?

- Vậy mà em biết đấy. - Nó không dấu giếm vẻ quỷ quyệt. - Em biết chị và chị ba đã nói dối em.

- Khi nào? - Con chị vẫn lơ đãng.” [61,99].

Cô em nghĩ một điều chắc chắn rằng mình biết bí mật của cô chị cả. Nhưng cô chị cả lại nghĩ rằng cô út chẳng thể nào biết được chuyện gì cả và lơ đãng không chú ý xem điều cô út muốn nói đến là gì. Cô cảm thấy bực bội vì cô út cứ mãi nói về một chuyện vơ vẩn như thế. Mỗi người có một suy nghĩ riêng không ai giống ai và vì thế mỗi người có một quan điểm riêng và khi những quan điểm, suy nghĩ ấy được phát ra thành lời thì nó có thể tương đồng hoặc cũng có thể khác biệt nhau hoàn toàn. Trong thế giới trẻ thơ mỗi em có một tính cách độc lập khi tính cách ấy được bộc lộ qua ngôn ngữ ta thấy thường là những tính cách đối lập chính sự đối lập ấy tạo nên những nét tính cách đáng yêu ở trẻ em.

Đặc biệt trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần có nhiều đoạn đối thoại thể hiện được tình cảm, nỗi lòng của nhân vật dành cho quê hương và cho mọi người.

Tôi về. Ông cả Bảy vẫn còn đón tôi, dằn dỗi: - Áo lành rồi về quê làm gì nữa?

Tôi òa lên nức nở:

- Con lạy ông, xin cho con về! Áo lành áo rách gì con cũng về! Và tôi xin lạy sông, cho tôi xin nắm cát khi sông đã cạn lòng. [60,95].

Tình cảm của tôi dành cho quê hương thật sâu nặng. Dù đi xa nhưng tiếng gọi quê hương vẫn cứ tha thiết trong tim và cho con sông quê có chảy cạn lòng thì tình yêu quê hương vẫn không hề phai nhạt trong lòng tôi.

Ngôn ngữ đối thoại trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc thuần là ngôn ngữ mang đậm chất trẻ thơ vừa dí dỏm, tinh nghịch nhưng cũng vừa sâu lắng nhẹ nhàng. Không hề có những lời lẽ xung đột kịch tính, gay gắt

mà chủ yếu là những lời chia sẻ tâm tình. Những đoạn hội thoại giữa người lớn và trẻ nhỏ rất thân tình, là những lời an ủi, động viên, khích lệ và có chút nhắc nhở nhẹ nhàng không có những lời trịch thượng, áp đặt hoặc mang tính giáo huấn nặng nề đối với các em. Các từ ngữ được sử dụng trong giao tiếp, trong cách xưng hô giữa người lớn với trẻ nhỏ và giữa trẻ nhỏ với trẻ nhỏ rất gần gũi thân mật. Đó chính là phong cách mà nhà văn tạo ra trong tác phẩm của mình. Sự ứng xử có văn hóa của các nhân vật thông qua lời nói và hành động đẹp đẽ đã đưa tác phẩm của anh lên tầm cao của cái đẹp và hướng đến những giá trị nhân văn sâu sắc.

Tô Hoài là nhà văn quen thuộc với các em thiếu nhi bằng tác phẩm nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu kí cùng hàng loạt các truyện đồng thoại khác. Trong các tác phẩm của mình nhà văn đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ đối thoại thật linh hoạt. Các nhân vật đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống hằng ngày. Trong Những chuyện xa lạ, Dê bé và Sơn dương đã nói chuyện với nhau rất thân mật:

“Dê bé phấn khởi rồi thong thả giơ từng chiếc móng: - Bộ móng tôi thế nào?

- Sơn dương nói:

- Chịu khó cọ rửa. Còn hơi bắt bụi một tí. - Em mới đánh bóng hôm qua.

- Nên có thói quen sạch sẽ, ngày nào cũng lau thì tốt.” [31,78].

Đọc những lời đối thoại này các em sẽ thấy gần gũi, quen thuộc và những điều diễn ra trong cuộc sống thực cứ hiện lên trước mắt, làm cho các em dễ nhập thân vào các nhân vật trong tác phẩm. Lời của nhân vật hay cũng là lời mà tác giả nhắn nhủ thật ý nghĩa đến với tất cả các em.

Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác dành tặng độc giả nhỏ tuổi của Nguyễn Ngọc Thuần vừa gần gũi thân thiết đối với các em thiếu nhi vừa thể hiện tâm hồn trong sáng, sự quan tâm của các em đến tất cả mọi người. Đó là

điều đáng quý mà mỗi trẻ em cần phải giữ gìn và phát huy để đời sống văn hóa xã hỗi ngày càng phát triển lành mạnh và trong sáng.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (Trang 88)