6. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Những nhân vật tự chủ, đầy cá tính
Mỗi con người khi sinh ra đã có một cá tính, trên thế gian này có bao nhiêu người thì có bao nhiêu cá tính. Điều này không chỉ đúng với người lớn mà đúng với cả trẻ em vì trẻ em cũng là một con người hoàn toàn độc lập, riêng biệt. Trẻ em trong thời kì kháng chiến chống Mĩ xuất hiện trong các tác phẩm văn học cũng đều có tên tuổi. Nhưng vì yêu cầu của thời đại, mọi người kể cả trẻ em đều phải phục vụ cho lợi ích của tập thể. Xã hội chỉ chấp nhận những cá nhân đại diện cho cộng đồng mà không chấp nhận những cá nhân riêng lẻ. Vì thế nhà văn chủ yếu khắc họa nhân vật trẻ em với tiêu chí, chuẩn mực của tập thể trong môi trường lao động, học tập và chiến đấu vì tổ quốc. Hoan trong Đội thiếu niên du kích Đình Bảng là một đội viên gan dạ, gương mẫu và có tính kỉ luật cao. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ nhưng Hoan và các đội viên đội thiếu niên Đình Bảng đã làm được những việc lớn lao. Nằm trong lòng địch, bị địch kiểm soát gắt gao nhưng các em không hề run sợ. Hoan đã cùng em trai của mình vào làm tạp dịch cho nhà một viên quan Tây trong làng. Lợi dụng những lúc hắn đi vắng hai anh em đã lẻn vào phòng lục tìm những giấy tờ quan trọng để thông báo tin tức cho cấp trên. Đồng thời Hoan còn tìm cách đánh lạc hướng bọn lính Tây đưa được hòm vũ khí xuống ao và khi đêm xuống lại cùng đồng đội trườn qua những hàng rào dây thép gai để đưa vũ khí về cất dấu an toàn. Những hành động dũng cảm của Hoan cùng các đội viên đội thiếu niên du kích Đình Bảng được mọi người thán phục. Nhưng vì nhiệm vụ, các em đã phải bỏ qua những sở thích cá nhân, điều này làm mất đi vẻ hồn nhiên thơ ngây của các em. Cá tính riêng của các em bị lu mờ trước cái tôi chung của cộng đồng. Hình ảnh của các em đại diện lớp thế hệ trẻ em có khát vọng, ý chí chiến đấu và quyết thắng của cả dân tộc. Chính sự biểu dương kịp thời các hình tượng nhân vật này đã có tác động rất lớn trong việc động viên kịp thời thế hệ trẻ lúc bấy giờ hăng hái tham gia chiến đấu góp sức cùng cha anh bảo vệ đất nước. Đây cũng là bài học để các thế hệ trẻ sau này học tập noi theo.
Sang thời kì Đổi mới, các tác giả viết cho thiếu nhi đã xây dựng được những nhân vật thực sự năng động với những hành động sáng tạo, thông minh dí dỏm và hài hước. Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng được những nhân vật giàu cá tính, năng động và tự chủ.
Nói đến những nhân vật có cá tính mạnh thì người ta hay nghĩ đến những bé trai vì con trai thường hay nghịch ngợm hơn, con gái thường nhu mì hiền dịu hơn. Nhưng ở tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, nhà văn đã sáng tạo ra một nhân vật có cá tính vô cùng mạnh mẽ, không phải con trai mà là con gái, một đứa con gái sinh thiếu tháng, mảnh khảnh nhưng rất hiếu động đó là con bé ba. Nhà có ba chị em gái nhưng khác hẳn với cô chị cả và em út, con ba là một đứa độc lập cả trong suy nghĩ và hàng động. Nó thích tìm kiếm và khám phá những điều mới lạ, nó vượt thoát ra khỏi khuôn khổ mà người cha đã xác lập. Nó là “một vật thể động đậy vượt thoát.” Ngay từ khi còn nhỏ, con ba đã bộc lộ những cá tính mạnh mẽ làm người cha cảm thấy bất lực. Khi nó vừa tròn sáu tuổi nó đã một mình trốn ra khỏi khu vườn để đi tìm sang phía bên kia đồi xem bên đó có gì. Tâm hồn nó mách bảo và thôi thúc nó cần phải tiến về phía trước. Kết quả là ba nó phải nhặt nó trên một đụn cát nóng bỏng, toàn thân nó phồng rộp. Nó đã một mình lặng lẽ ra đi mà không chờ đợi bất cứ ai nó muốn khám phá những gì mới mẻ của thế giới bên ngoài vì nó đã quá chán ghét khu vườn nhỏ bé chật hẹp. Hành động táo bạo của con bé ba không thể qui kết cho nó là hư không nghe lời dạy bảo của cha mà do: “Nó có lợi thế của lứa tuổi. Với lứa tuổi đó, con người con người ta vô cảm với nỗi sợ. Người ta chưa nhìn thấy nỗi sợ hãi đâu cả. Người ta chỉ sống bằng ước muốn. Và cuối cùng luôn chuốc lấy hệ lụy cho cuộc đào thoát không thành.” [61,47]. Đó là những lời tác giả lí giải cho hành động của nhân vật. Lí do đó thật là chính đáng bởi theo các nhà tâm lí học thì lứa tuổi này thích khám phá tìm hiểu thế giới. Các em chưa biết nhận thức thế nào là nguy hiểm mà các em luôn tìm mọi cách để
tìm hiểu những điều bí ẩn đang thu hút mình. Không chỉ là đứa có cá tính mà con ba còn là đứa có tính tự chủ cao. Nếu như cô chị cả và cô em út luôn sống trong thế giới cổ tích mà ba mình đã truyền cho thì con ba hoàn toàn trái ngược. Trong chuyến đi xa người cha đã cho các con được chọn món quà mà mình yêu thích. Giống như trong cổ tích, cô út chọn một bông hồng, cô cả đành chọn bông hướng dương, riêng con ba chọn con chó nhỏ, vì nó không sống trong thế giới cổ tích, nó sống trong cuộc sống hiện thực. Nó biết chọn cho mình cái mà nó thích và không hề phụ thuộc vào sự hướng dẫn từ trước của người cha. Chọn con chó cũng chính là lựa chọn thế giới sống động, vui tươi nó phù hợp với tính cách năng động tự chủ của trẻ em. Tính cách của con bé ba là tính cách nổi bật đại diện cho trẻ em thời hiện đại.
Tính cách mạnh mẽ của con ba còn được thể hiện ở việc năm mười hai tuổi cô mất ăn mất ngủ vì những con kiến. Buổi trưa, chờ lúc mọi người đã ngủ say cô ba lén chèo qua cửa sổ ra vườn. Nhìn lũ kiến hành quân, cô lấy lá khô làm chướng ngại vật, lấy nước nhỏ vào chúng, có khi lại lấy que bươi tổ chúng ra. Đặc biệt cô còn bứng cả tổ kiến bên này để vào tổ kiến bên kia rồi nhìn chúng cắn nhau với vẻ khoái trá. Cô ba nhận thức được rằng sự phân biệt giống loài sẽ khiến lũ kiến chiến đấu quyết liệt để sinh tồn. Ở lứa tuổi này con người đã có những nhận thức nhất định nhưng vì thỏa mãn niềm vui thú của mình thì họ vẫn làm mặc dù biết rằng đó là việc làm không tốt. Chán với trò chơi này cô ba lại nghĩ ra những trò khác tinh quái hơn. Nó dùng bơm kim tiêm bơm nước vào những cái cây khiến những cái cây trở nên mọng nước và mấy ngày sau trở nên héo úa. Không những thế nó còn tìm bắt những con cánh cam và bơm nước vào người chúng kiến chúng không thể hoạt động được. Nó biến khu vườn trở thành mồ chôn những con cánh cam. Xác những con cánh cam nằm phơi trên những chiếc lá. Hành động này của nó lúc đầu khiến ba nó hãnh diện vì cho rằng con bé có cá tính nhưng sau đó ông cũng
tìm mọi cách để ngăn không cho nó có những hành động như thế nữa. Nhưng làm sao ông có thể ngăn nổi bởi đó là bản năng tiềm tàng trong con người nó. Ở lứa tuổi đó trẻ em luôn muốn trở thành người lớn. Chúng muốn khẳng định bản thân và muốn mọi người phải công nhận rằng chúng đã lớn thật sự. Vì thế tất cả những hành động việc làm của chúng cũng chỉ để chứng tỏ một điều với mọi người chúng đã lớn, đã trở thành một con người trưởng thành thực sự. Khi có cây kiếm trong tay con ba bắt đầu chiến đấu. Lúc đầu nó chiến đấu với con Lan con chó của nó, sau đó nó chuyển hướng tấn công sang khu vườn. Những cây chuối bị đâm nát bấy, những cây dâm bụt bị chém đến xác xơ không còn ra hoa được nữa. Không còn dâm bụt thì có hoa hồng, mào gà, chỉ trong một ngày nó đã phát quang gần như sạch sẽ khu vườn. Từ ngoài vườn nó chuyển vào nhà, những chiếc gối rách nát bông gòn bay tơi tả, con ba vừa bay lên giường rồi lại bay xuống đất nó cười ha hả một cách khoái trá. Thế là ước mơ trở thành hiệp sĩ của nó đã trở thành hiện thực. Nó cảm thấy vô cùng thỏa mãn và sung sướng. Con ba là hiện thân cho những tính cách ngang tàng, nó như một đứa con trai thực thụ chứ không phải là con gái nữa. Nhiều người khi đọc xong câu chuyện cũng phải lắc đầu ngao ngán vì những hành động quyết liệt của con bé ba. Tuy nhiên con bé ba cũng có những lúc mềm yếu thật đáng yêu. Do sinh thiếu tháng nên nó rất yếu ba nó đã ẵm nó ra ngoài để nó hứng những tia nắng mặt trời giúp nó cứng cáp hơn và ba nó gọi nó một cách yêu chiều là người thai nhi. Khi những kỉ niệm về người cha hiện hữu trước mắt nó đã khóc. Nó khóc òa trong nỗi nhớ về hình ảnh người cha. Người đã chăm sóc và dành cho nó một tình yêu thương bao la, nồng ấm. Thể hiện được một cách nổi bật những cá tính mạnh mẽ của trẻ em, nhà văn đã rất thành công. Am hiểu và nắm bắt được tâm lí trẻ trẻ em nên anh đã lí giải thật chính xác và sâu sắc về những hành động tưởng như ngỗ ngược của trẻ em nhưng nó hoàn toàn không phải do bản thân các em mà do tâm lí lứa tuổi. Bất
cứ ai cũng đều phải trải qua những giai đoạn thay đổi tâm lí của lứa tuổi đó vì thế bây giờ các em có những hành động như thế cũng là điều dễ hiểu không có gì đáng chê trách cả. Nguyễn Ngọc Thuần quả là một người am hiểu tâm lí trẻ em, những trang văn anh viết dành cho trẻ am thấm đẫm tình yêu thương, sự quan tâm dành cho con trẻ. Đó là một điều đáng quý bởi trong thời buổi hiện nay nhiều người chạy theo cái lợi trước mắt mà viết ra những câu chuyện dễ dãi, không có ý nghĩa làm tổn hại đến tâm tâm hồn non nớt của trẻ thơ.
Trong truyện Một thiên nằm mộng người đọc tưởng như cậu bé nhân vật chính sẽ không thể nào thoát ra khỏi giấc mơ dài vô tận ấy được. Nhưng chính những suy nghĩ và hành động của cậu bé khiến người lớn chúng ta không khỏi day dứt. Nếu như tất cả mọi người từ già đến trẻ trong ngôi làng
em ở đều nghĩ rằng bà cả Sề là một người điên hết sức đáng sợ thì với em bà là một người mẹ tuyệt vời. Em nhìn thấy được nỗi buồn đau của một người mẹ mất con hiện lên trên khuôn mặt chứa đầy nỗi buồn và đau khổ của bà. Trong những giấc mơ của em luôn hiện lên hình ảnh của bà. Dù bị bà làm cho một phen khiếp vía nhưng em không bao giờ ghét bà, không hề sợ bà. Em
luôn đến động viên an ủi và mang những hoa thơm trái ngọn đến biếu bà. Em
cảm nhận được tấm lòng người mẹ nồng ấm từ ánh mắt và nụ cười của bà.
Em cảm thấy buồn khi bà bị nhốt trong căn nhà lạnh lẽo và càng thấy đau đớn hơn khi biết người ta sẽ đưa bà đi và ý nghĩ sẽ không bao giờ em gặp lại bà nữa làm lòng em quặn thắt. Dường như có một sức mạnh vô hình cứ thôi thúc
em, ý nghĩ phải tìm cách giải thoát cho bà cứ hiện hữu trong đầu em khiến em
quyết định hành động một cách táo bạo. Em biết tính toán vào một thời gian hợp lí đó là buổi chiều tối khi mọi người đang bận rộn với công việc nhà cửa sẽ không ai có thời gian để ý đến bà khi ấy em đã từ từ mở chốt cửa và đẩy bà cả Sề ra khỏi căn nhà tối tăm ấy. Em tin rằng bà sẽ tìm lại được đứa con của mình, khi ấy bà sẽ khỏi bệnh và dắt đứa con của bà về làng giới thiệu nó là
đứa con mà tôi tìm kiếm lâu nay với nụ cười rạng rỡ trên môi. Một cậu bé tưởng như rất nhút nhát lại có một hành động dứt khoát và kiên quyết đến vậy. Bởi đó là sự thôi thúc của tâm hồn, một tấm lòng của đứa con dành cho người mẹ đau khổ. Em sẽ mãi mãi dấu kín chuyện này cho riêng mình, không ai có thể biết được. Dường như tình yêu thương là sức mạnh giúp con người ta vượt qua tất cả mọi nỗi sợ hãi. Người với người hãy sống để yêu thương như vậy trái đất này sẽ chan hòa tình yêu và tiếng cười mọi người mãi sống trong hòa bình và hạnh phúc. Nhân vật em trong truyện vừa tự chủ, cá tính nhưng cũng giàu cảm xúc.
Văn học thiếu nhi thế giới có nhiều nhân vật tự chủ và giàu cá tính. Rêmi trong tiểu thuyết Không gia đình là một nhân vật tiêu biểu. Cuộc sống nay đây mai đó đã rèn luyện cho em trở thành một con người bản lĩnh. Khi gặp hoạn nạn em biết cách chèo chống để gánh xiếc vượt qua khó khăn. Rêmi đã lao động để kiếm sống và biết tiết kiệm tiền để mua con bò tặng má Bacbơranh xem như đó là một sự trả ơn đối với người mẹ đã nuôi dưỡng và chăm sóc em thuở ấu thơ. Từ đây mô típ về cuộc đời lưu lạc trở nên khá phổ biến đối với văn học thiếu nhi thế giới nói chung và văn học thiếu nhi Việt Nam nói riêng. Nhân vật trẻ em giàu cá tính cũng xuất hiện nhiều trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh. Nhân vật chính trong truyện
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một cậu bé năng động và giàu cá tính. Cậu
chán ghét cuộc sống nhàm chán ở nhà với một vòng tuần hoàn sáng - trưa - chiều - tối ngày nào cũng như ngày nào. Quanh đi quẩn lại chỉ có ngủ dậy, vệ sinh thân thể, ăn sáng, học bài, ăn trưa, ngủ trưa, học bài, ăn tối, học bài và cuối cùng lại đi ngủ. Nhưng cậu rất thích trò chơi vợ chồng để được quát nạt những đứa con, được làm quan tòa để hỏi tội cha mẹ. Sau khi kết thúc trò chơi đứa nào cũng thích thú ra mặt vì đã giải tỏa được nỗi ấm ức của mình vì ở nhà toàn bị bố mẹ quát mắng. Cậu còn nghĩ ra nhiều trò rất thú vị, khác người như
ăn cơm vào chậu, uống nước bằng chai, đặt tên cho thế giới và thích nhất là trò đi tìm kho báu. Mặc dù kết quả của những trò ấy là những trận đòn nhớ đời nhưng với cậu bé này nó đã trở thành những kỉ niệm không bao giờ quên được về tuổi thơ đầy thơ mộng ấy. Khi đọc truyện người đọc sẽ thấy được hình ảnh tuổi thơ của mình ở đó. Ai mà chẳng bị đòn roi bởi vì những trò nghịch ngợm tinh quái. Ai mà chẳng ấm ức khi bị đánh đòn vì đã làm trái ý cha mẹ.
Nhân vật tự chủ, giàu cá tính chính là mẫu nhân vật chính thường gặp trong truyện viết cho thiếu nhi. Bởi đó chính là những nét tính cách nổi bật của trẻ em, nhất là trẻ em thời hiện đại.