2.4.1.1. Đối với cán bộ quản lý đào tạo
+ Việc quản lý hoạt động bồi dưỡng NVSP ĐH của Trường Đại học Giáo dục do cán bộ, chuyên viên Phòng ĐT& CTSV và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng thuộc Trường phối hợp quản lý và điều phối chương trình. Hiện nay Trung tâm có 01 cán bộ chuyên trách phụ trách các lớp đào tạo cấp chứng chỉ NVSP ĐH phối hợp 01 cán bộ của phòng Đào tạo và CTSV với công việc cụ thể như: thông báo tuyển sinh, phát hồ sơ, nhận hồ sơ, lập danh sách, trình ký quyết định mở lớp, gửi thông báo đến các cơ sở liên kết đào tạo và học viên, theo dõi quá trình đào tạo bồi dưỡng, thi cử, vào điểm, tổng hợp các kết quả để đi đến những công đoạn cuối cùng là in, cấp phát và lưu trữ chứng chỉ...
+ Nâng cao nhận thức, bồi dưỡng nghiệp vụ, phát huy tính tự chủ và sáng tạo trong công việc của đội ngũ cán bộ quản lý được ban lãnh đạo Trường, Trung tâm và Phòng ĐT&CTSV rất quan tâm chú ý. Việc đánh giá đúng năng lực “đúng người đúng việc” là ưu điểm trong công tác quản lý của các nhà lãnh đạo Trường. Việc sắp xếp, phân công công việc hợp lý giúp Trường và Trung tâm có thể khai thác hết thế mạnh của đội ngũ cán bộ quản lý. Chính việc phân công rõ ràng từng công đoạn trong công tác quản lý lớp tạo cơ hội và khả năng làm việc độc lập, phát huy được tính sáng tạo trong công việc của mỗi cán bộ. Mặc dù được phân công nhiệm vụ rõ ràng nhưng các cán bộ quản lý vẫn phải phối hợp nhịp nhàng với các cán bộ khác trong công việc và triển khai trong các hoạt động khác của Trường.
+ Việc kiểm tra đánh giá mức độ thực thi công việc được thực hiện thường xuyên nhằm xem xét cụ thể tình hình tiến độ công việc cũng như hiệu quả và mức độ thực hiện qua đó có thể điều chỉnh kịp thời những mặt
còn yếu kém cũng như phát huy được những mặt tích cực, kịp thời động viên, khuyến khích tinh thần làm việc của các cán bộ quản lý.
+ Trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tham gia vào các khoá học nâng cao trình độ về tin học, ngoại ngữ, về quản lý hành chính nhà nước,… + Ưu điểm: Công tác quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ luôn được Trường quan tâm và đặt lên hàng đầu, đã có kế hoạch cho công tác quản lý, phân công nhiệm vụ, phát triển đội ngũ, tạo tinh thần làm việc gắn kết, phát huy tối đa yếu tố sáng tạo của từng cá nhân cũng như tinh thần đoàn kết tập thể, uốn nắn và động viên kịp thời, tạo điều kiện làm việc ở mức thuận lợi tối đa, đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của từng cán bộ.
+ Hạn chế: Tình trạng thiếu nhân lực đã làm làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đủ nhân sự để tham gia vào công tác quảng bá nhằm tăng quy mô về đào tạo các lớp bồi dưỡng, đôi khi làm chậm tiến độ công việc.
2.4.1.2. Đối với đội ngũ giảng viên
+ Công tác quản lý đội ngũ giảng viên:
- Phân công điều phối giảng viên: Cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ điều phối chương trình chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng môn học và gửi giấy báo giảng cho các tổ bộ môn, Khoa. Các Khoa sẽ chịu trách nhiệm điều động giảng viên phù hợp với từng môn học và sẽ báo lại cho cán bộ chuyên trách. Đa số giảng viên tham gia giảng dạy là giảng viên trong Trường. Với các trường hợp khác không điều động được giảng viên trong Trường thì Khoa sẽ mời các giảng viên ngoài Trường và Trung tâm chịu trách nhiệm soạn hợp đồng mời giảng.
- Quản lý việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Các giảng viên luôn được tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng và tập huấn ngắn hạn và dài hạn, trong nước và ở nước ngoài như các khoá bồi
dưỡng về quản trị mạng, về ngoại ngữ, về chuyên ngành giảng dạy v.v. ,việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn được quan tâm đầu tư thỏa đáng.
+ Ưu điểm: Do có sự phối hợp nhịp nhàng với các khoa nên việc điều phối giảng viên phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo, đáp ứng kịp thời với kế hoạch triển khai các môn học trong chương trình đào tạo.
+ Hạn chế: Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường không nhiều lại
phải tham gia giảng dạy nhiều lớp khác nhau và thực hiện công tác kiêm nhiệm khác. Điều này làm hạn chế hiệu quả phối hợp giữa Trung tâm, các khoa và các phòng chức năng.