* Những kết quả đạt được :
Nhìn chung, từ năm 2005 công tác quản lý và điều hành thu ngân sách trên địa phương có chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện ở :
- Thu ngân sách hàng năm đều tăng, tốc độ tăng thu nhìn chung cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ huy động vào ngân sách từ nền kinh tế địa phương đạt 13,89% GDP năm 2005 -2010, cao hơn mức huy động chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 12% GDP), là một cố gắng lớn đối với một địa phương mặc dù nguồn thu từ quyền sử dụng đất nông nghiệp gần như không còn .
- Nhờ sự bổ sung kịp thời của Trung ương, thu luôn luôn cao hơn chi. Tốc độ tăng chi đầu tư phát triển cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên, tỷ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản có xu hướng tăng, chi thường
xuyên có xu hướng giảm trong tổng chi ngân sách địa phương.
- Thời gian qua, Tỉnh mạnh dạn phân cấp giao cho thị xã, huyện, xã, phường thực hiện quản lý và thu thuế nhiều đối tượng chịu thuế trên địa bàn, ban hành kịp thời qui chế đấu thầu, khung quy định về thu phí, lệ phí, tạo điều kiện và khuyến khích cấp cơ sở khai thác tốt các nguồn thu.
* Những tồn tại :
Hiện nay về thu ngân sách của tỉnh, tình trạng nợ đọng thuế và chiếm dụng tiền thuế còn tương đối lớn. Thuế còn bị thất thu trên khâu lưu thông, nhất là đối với thuế buôn chuyến hàng nội địa và hàng hóa buôn bán qua biên giới. Khu vực quốc doanh còn lúng túng trong việc lập dự toán thu nộp ngân sách. Khu vực ngoài quốc doanh còn thất thu về hộ nhất là đối với các hộ thầu xây dựng cơ bản, hộ kinh doanh vận tải đường sông, đường bộ; phổ biến là tình trạng thất thu về doanh số.
* Nguyên nhân :
- Công tác quản lý thuế còn có những hạn chế như: chậm phát hiện những sai sót hay xử lý chưa kiên quyết, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ về thuế.
- Phí, lệ phí ngày càng trở thành nguồn thu tương đối quan trọng, nhất là đối với ngân sách huyện, xã, nhưng chưa được coi trọng đúng mức từ công tác chỉ đạo đến công tác quản lý thu; một số huyện, xã còn bỏ ngoài ngân sách nguồn thu này.