Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 27/10/1976 theo Quyết định số 426/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiền thân của Trường là ĐHSP Quốc gia Sài Gòn được thành lập năm 1957. Năm 1995, Trường là thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Năm 1999, Chính phủ quyết định tách Trường khỏi ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xây dựng thành Trường ĐHSP trọng điểm phía Nam. Hiện nay, Trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh là một trong 16 trường ĐH trọng điểm quốc gia và là một trong hai trường ĐHSP lớn cả nước cùng với Trường ĐHSP Hà Nội, đóng vai trò nòng cốt, đầu đàn đối với hệ thống các trường sư phạm ở phía Nam.
Hơn 38 năm qua, trường đã đào tạo hơn 67 nghìn SV, trong đó có hơn 54 nghìn SV chính quy, hơn 16 nghìn SV chuyên tu và tại chức, gần một nghìn học viên sau ĐH, hàng trăm lưu học sinh nước ngoài; đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên cho hơn 33 nghìn giáo viên của các địa phương; hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với hơn 50 trường ĐH trên thế giới…
Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1986), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1996); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2007) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ Ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các địa phương tặng nhiều bằng khen cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phong trào, đoàn thể.
Tổng số cán bộ, viên chức hiện nay: 874 người, trong đó có 591 GV (gồm 26 Giáo sư và Phó Giáo sư, 120 Tiến sỹ và Tiến sỹ khoa học, 310 Thạc sỹ).
Mục tiêu trong tương lai của trường là trở thành trường ĐHSP trọng điểm quốc gia đào tạo ĐH, Sau ĐH, tổ chức nghiên cứu về giáo dục và các ngành khoa học khác để phục vụ cho nhu cầu đào tạo giáo viên chất lượng cao, nhu cầu nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành phía Nam và cả nước. Xây dựng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm đào tạo ĐH và Sau ĐH chuẩn mực và có chất lượng cao, trước hết là đào tạo những giáo viên và những nhà giáo dục nắm vững tri thức chuyên môn, có khả năng hoạt động giáo dục, giảng dạy và học tập suốt đời, có nhân cách và những phẩm chất của người thầy, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy ở các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó còn có mục tiêu xây dựng trường trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến, bao gồm cả khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên, chú ý cả đến việc nghiên cứu khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng, đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu các vấn đề khoa học giáo dục và sư phạm.