Tiểu kết chương
KẾT LUẬN
Việt Nam với vị trí địa chiến lược quan trọng: trung tâm của khu vực Đông Nam Á, vừa tiếp giáp với Thái Bình Dương, vừa nối liền với đại lục châu Á, Việt Nam án ngữ một phần quan trọng con đường thông thương chiến lược hàng hải từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, từ Tây Thái Bình Dương sang Đông Ấn Độ Dương và đường hàng không trực tiếp giữa Thái Bình Dương và Nam Á. Thêm vào đó đất nước Việt Nam có núi rừng trùng điệp chạy dài từ Bắc tới Nam, có nhiều đồng bằng phì nhiêu và bờ biển dài 3.260 km với vùng thềm lục địa rộng lớn. Dưới lòng đất và thềm lục địa Việt Nam chứa đựng rất nhiều tài nguyên phong phú. Do có vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ lâu Việt Nam trở thành mục tiêu xâm chiếm, thôn tính của các thế lực bên ngoài.
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang diễn ra ở châu Âu và lan rộng sang châu Á. Vị trí địa chiến lược của Việt Nam làm tăng thêm vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam trở thành nơi tranh chấp của hai hệ thống xã hội: CNXH và TBCN và trở thành vấn đề trung tâm trên bàn cờ chính trị quốc tế. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ quốc tế có sự thay đổi một cách nhanh chóng. Việc giải quyết vấn đề Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt giữa các nước lớn. Các nước lớn đều muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo chiều hướng có lợi cho lợi ích dân tộc mình mà bỏ qua lợi ích dân tộc Việt Nam. Vì vậy, kết quả của Hội nghị Genève không xứng tầm với thắng lợi quân sự mà Việt Nam giành được trên chiến trường. Đó là nguyên nhân dẫn đến Việt Nam phải bước vào một cuộc chiến tranh chống xâm lược mới – cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam trở thành vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế thời kì 1954-1975, đặc biệt là giữa các nước lớn. Quan hệ giữa các nước lớn trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam diễn ra phức tạp trải qua nhiều giai đoạn: khi hợp tác, khi lại là kẻ thù, khi xung đột, khi lại hòa hoãn…Quan hệ đó đều xuất phát từ những toan tính chiến lược của mỗi nước. Việc hòa hoãn hay xung đột, đồng minh hay đối thủ đều từ lợi ích quốc gia, dân tộc chủ nghĩa mà ra,
lợi ích nhóm và yếu tố ý thức hệ bị đặt xuống hàng thứ yếu. Chính những quan hệ chồng chéo, phức tạp này đã tác động mạnh mẽ tới diễn biến cách mạng Việt Nam. Nó vừa thúc đẩy, lại vừa kìm hãm tiến trình cách mạng Việt Nam. Song kìm hãm là nhân tố chủ yếu. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Việt Nam, những quan hệ phức tạp giữa các nước lớn đều được Việt Nam giải quyết một cách khéo léo, phù hợp với thực tiễn cách mạng đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị ngoại giao dựa trên nhưng nguyên tắc nhất quán mà Đảng và Nhà nước đề ra: Độc lập, tự chủ, mềm dẻo,…
Qua đó, có thể thấy được bài học đấu tranh ngoại giao của cha ông ta từ xa xưa đã được Đảng Việt Nam vận dụng hết sức khéo léo, linh hoạt, thành công trong thời kì hiện đại. Bài học về ngoại giao không được ảo tưởng vào thái độ của kẻ thù, lợi dụng mâu thuẫn, điểm yếu của địch, bài học về nghệ thuật vừa đánh vừa đàm trong đấu tranh ngoại giao, bài học về giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ của dân tộc….Đây là những bài học sẽ đi liền với Việt Nam trong thời bình. Thời kì mà Việt Nam đang trong thế hội nhập đứng trước nhiều vận hội mới nhưng cũng đầy thử thách. Làm sao để đất nước phát triển, mà luôn giữ được bản sắc văn hóa Việt, giữ được chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đặc biệt vấn đề Biển Đông hiện nay. Trước những hành động khiêu khích, thù địch của kẻ thù, Đảng và nhà nước Việt Nam cần phải có sách lược khôn khéo, tránh để kẻ thù lợi dụng, gây tổn hại tới an ninh, chủ quyền quốc gia dân tộc. Để làm được điều đó, Đảng và nhà nước Việt Nam cần phải nghiên cứu vận dụng các bài học về đấu tranh ngoại giao từ xưa đến nay để đưa ra đối sách đúng đắn nhất, phù hợp nhất. Nhiệm vụ đó đặt ra không chỉ đối với Đảng và Nhà nước mà với tất cả người dân Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.