Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho nước Pháp một hậu quả nặng nề trên tất cả các mặt, đặc biệt là về kinh tế. Tổn thất về kinh tế lên đến 1400 tỉ Phrăng, tương đương với tổng giá trị sản xuất của nước Pháp trong vòng ba năm trước chiến tranh. Diện tích thuộc địa bị thu hẹp đáng kể. Trong 5 năm đầu sau chiến tranh (1945-1950), nước Pháp đứng trước nhiều khó khăn. Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Pháp phải nhận viện trợ của Mỹ qua kế hoạch “phục hưng châu Âu” do
Macsan đề xuất với số tiền là 3,1 tỉ USD. Cùng với đó là âm mưu tái chiếm lại các vùng thuộc địa đã bị mất trong chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có Việt Nam vốn là vùng đất thuộc địa từ lâu của Pháp.
Trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi bị phát xít Đức xâm lược, chiếm đóng miền Bắc nước Pháp và dựng lên chính quyền thân Đức ở phía Nam do Pétain cầm đầu (6/1940), chỉ có một bộ phận nhỏ trong chính phủ Pháp do De Gaule chỉ huy chạy ra nước ngoài tổ chức lực lượng, mua sắm vũ khí, tiếp tục chống phát xít Đức. Trong khi đó, chủ nghĩa quân phiệt Nhật hướng tầm nhìn về khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Khi Nhật mở cuộc tiến công xuống Đông Nam Á thì các nước thực dân da trắng đều bỏ chạy. Cuộc “hành quân phương Nam” của quân đội Nhật hoàng giành thắng lợi chỉ trong vòng 3 tháng. Riêng Đông Dương là một trường hợp ngoại lệ. Vì khi Đức chiếm đóng Pháp thì chính quyền thân Đức Pétain đương nhiên đứng về phe trục phát xít. Viên đô đốc Decoux (chính quyền thân Đức) được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương thay tướng Catroux (người đi theo xu hướng chống phát xít, sau khi tách rời Đông Dương đã sang Anh để cộng tác với De Gaule). Vì vậy, quá trình chiếm đóng Đông Dương của phát xít Nhật diễn ra không thuận lợi như các vùng khác ở Đông Nam Á. Bằng nhiều sức ép chính trị và quân sự, Nhật từng bước buộc chính quyền Decoux phải biến Đông Dương thành căn cứ phục vụ chiến tranh của Nhật. Tính đến trước ngày 9/3/1945, chính quyền Decoux trên danh nghĩa vẫn cai trị Đông Dương nhưng thực ra Pháp đã phải lùi bước và phục vụ các đòi hỏi của Nhật. Đông Dương năm 1940 rơi vào quỹ đạo của Nhật Bản trong khi vẫn nằm dưới sự quản lí hành chính của Pháp.
Như vậy, lợi dụng sự thất bại của Pháp ở châu Âu, phát xít Nhật từng bước nhảy vào xâm lược Đông Dương, chính quyền Pháp từng bước bị hất cẳng ra khỏi Đông Dương. Nhưng De Gaule không chấp nhận sự thực này. Vì vậy, ngoài công cuộc kháng chiến chống Hitler, De Gaule còn muốn xác định vai trò của Pháp như một cường quốc trên thế giới bằng cách thâu hồi các thuộc địa cũ ở châu Á và châu Phi. Để làm được điều đó, De Gaule phải tích cực tham gia chống phát xít, giải
phóng chính quốc và dùng nhiều thủ đoạn, những lời lẽ mị dân “giải phóng Đông Dương” được tuyên truyền để che đậy âm mưu xâm lược của mình.
Ngay sau khi Nhật tấn công Pear Harbour (Trân Trâu Cảng) ngày 7 tháng 12 năm 1941, Pháp cũng ra tuyên cáo khai chiến với Nhật cùng với Hoa Kỳ và Anh quốc, dù không được mời. Đối với De Gaule, việc tham gia vào mặt trận Thái Bình Dương là một cơ hội để tái xác định vị trí cường quốc của Pháp. Tháng 7 năm 1943, De Gaule chủ trương rằng “chiến dịch có ưu tiên cao nhất sau khi giải phóng chính quốc là giải phóng Đông Dương” [85;tr.21-22]. Trong quan niệm của De Gaule và những người cộng sự, việc giải phóng nước Pháp khỏi chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với việc “giải phóng” toàn bộ đế quốc Pháp bao gồm nước Pháp và các thuộc địa của Pháp. Họ cho rằng Pháp là “mẫu quốc” có trách nhiệm đối với “các đứa con” thuộc địa của mình và các thuộc địa cũng có nghĩa vụ đối với “mẫu quốc”. Quan niệm “giải phóng” ở đây không bao hàm nội dung giải phóng thuộc địa khỏi ách thống trị thực dân của Pháp. Theo quan điểm của De Gaule, Đông Dương là một bộ phận của nước Pháp và ông ta trước sau đều khẳng định sẽ tái lập những quyền lợi của nước Pháp ở thuộc địa này.
Từ giữa năm 1944, cùng với đà phản công của các lực lượng Đồng minh trên đất Châu Âu, De Gaule đưa quân đổ bộ về nước Pháp. Tháng 8 năm 1944, Paris được giải phóng, chính phủ lâm thời nước Pháp do De Gaule làm chủ tịch được thành lập. Nhưng tình hình Đông Dương và Việt Nam không thuận lợi như De Gaule tính toán. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Pháp bị hạ bệ, hất cẳng ra khỏi Đông Dương. Chính phủ lâm thời Pháp thấy không thể không công bố chính sách về Đông Dương và ra bản “Tuyên bố ngày 24/3/1945 về Đông Dương”. Đây là bản tuyên bố cực kì quan trọng, cho thấy lập trường của họ về vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Nội dung của bản Tuyên bố như sau: “Liên bang Đông Dương hợp với nước Pháp và các bộ phận khác của cộng đồng thành một Liên hiệp Pháp mà quyền lợi bên ngoài sẽ do Pháp đại diện. Trong Liên hiệp đó Đông Dương sẽ được hưởng nền tự do riêng. Người dân Đông Dương sẽ là công dân Đông Dương và công dân Pháp…”[85;tr.53-54]. Như vậy, Liên bang Đông Dương là “cái nút” thắt
chặt vận mệnh Đông Dương vào quyền lực của nước Pháp. Liên bang đó bao gồm người của 5 xứ Đông Dương và cả những người Pháp cư trú ở Đông Dương; chính phủ do một toàn quyền người Pháp đứng đầu có vai trò “trọng tài” của tất cả các lợi ích; một quốc hội chỉ có quyền biểu quyết về thuế khóa và những dự luật mà không bàn đến các vấn đề chính trị trọng đại của đất nước. Các nước Đông Dương sẽ cùng nước Pháp và các thuộc địa Pháp lập nên khối Liên hiệp Pháp, ở đó Pháp là đại diện quan hệ với bên ngoài. Có nghĩa là các nước thuộc Liên bang Đông Dương không có quyền đối ngoại, không có tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Chính phủ lâm thời Pháp đã dùng những lời lẽ của triết lý thực dân hòng lý giải ý đồ “trở lại xâm lược Đông Dương” mà trọng tâm then chốt là Việt Nam, ngụy biện cho âm mưu xâm lược của mình.
Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, để bình thường hóa quan hệ giữa các nước thắng trận, một trong những vấn đề quan trọng là cần phải kí kết các hòa ước giữa các nước với nhau. Từ ngày 17/7 đến ngày 2/8/1945, những người đứng đầu ba nước Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Anh lại nhóm họp ở Potsdam. Theo tuyên bố Potsdam về Đông Dương, quân đội Trung Quốc giải giáp quân đội Nhật Bản ở khu vực Bắc vĩ tuyến 16 và quân đội Anh giải giáp quân đội Nhật ở khu vực Nam vĩ tuyến 16. Về mặt pháp lý, Pháp không còn quyền lực gì ở khu vực Đông Dương nhưng Pháp đã phản đối vấn đề này và được Anh ủng hộ. Từ lâu Anh vẫn luôn ủng hộ Pháp trong vấn đề tái chiếm Đông Dương do Anh và Pháp có nhiều điểm tương đồng trong vấn đề thuộc địa và do sợ phong trào đòi độc lập ở đây lan sang các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á và Nam Á. Ngày 24/8/1945, Pháp và Anh đạt được một thỏa thuận, theo đó Anh công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Một tháng rưỡi sau, Anh lại kí với Pháp thỏa ước khác, đồng ý nhường quyền theo hiệp ước Potsdam ở miền Nam Đông Dương từ vĩ tuyến 16 cho Pháp. Từ đây Pháp ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tái chiếm Đông Dương trong đó Việt Nam là trung tâm.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam liên tiếp giành được thắng lợi lớn
trong các chiến dịch: Việt Bắc (1947), Biên giới thu đông (1950), chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công. Trái lại, thực dân Pháp ngày càng bị động đối phó, lún sâu vào thế phòng ngự, bị động. Đặc biệt, các chiến dịch tiến công liên tiếp của quân đội Việt Nam những năm 1951-1953 đã làm cho Pháp liên tiếp thất bại, tình thế chiến tranh ngày càng bế tắc, khiến chính phủ Pháp phải tính đến việc tìm cách kết thúc, thoát ra khỏi cuộc chiến ở Đông Dương sao cho đỡ “mất mặt” nhất.
Để cứu vãn tình thế trên, với sự hậu thuẫn của Mỹ, chính phủ Pháp đã quyết định cử tướng Navarre sang chỉ huy quân viễn chinh Pháp, với hi vọng cứu vãn tình hình, tạo ra cục diện quân sự có lợi cho Pháp khi xúc tiến một giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh. Kế hoạch Navarre được đưa ra trên cơ sở của sự cố gắng và nỗ lực lớn nhất của Pháp và sự viện trợ tối đa của Mỹ. Nhưng những nỗ lực của Pháp cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ vẫn không thể cứu vãn được thế nguy cho thực dân Pháp. Các chiến dịch tấn công mạnh mẽ và liên tục của quân và dân Việt Nam trong Đông – Xuân 1953-1954 đã làm kế hoạch Navarre bước đầu bị phá sản. Từ cuối năm 1953, Navarre tăng cường lực lượng lên Tây Bắc, tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không đạt được kết quả. Ngày 13/3/1954 quân dân Việt Nam bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, để rồi kết thúc 56 ngày đêm với chiến thắng chấn động địa cầu, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Navarre, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn VNDCCH tại Hội nghị Genève.
Bước vào Hội nghị Genève, Pháp hi vọng rằng trong khuôn khổ một cuộc hội nghị quốc tế nhiều bên, Mỹ và Anh sẽ đứng về phía Pháp, tránh được đàm phán trực tiếp song phương với Chính phủ Hồ Chí Minh [19;tr.39-40]. Mục tiêu của Pháp là muốn đạt được một giải pháp đình chiến ít có hại nhất, làm sao không lập Chính phủ liên hợp, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn càng tốt, trong khi hạn chế đến mức tối đa thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Bên cạnh đó Pháp còn có hai mục tiêu quan trọng là bảo toàn quân đội viễn chinh để tiếp tục giữ các thuộc địa còn lại, trấn an dư luận trong nước.
Sau sự kiện thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp dường như vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhưng với thái độ của một kẻ hiếu chiến, Pháp đã mở đầu trình bày lập trường của mình tại Hội nghị Genève. Quan điểm của Pháp tại Hội nghị Genève là chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự mà không giải quyết vấn đề chính trị, tách vấn đề Lào – Campuchia khỏi vấn đề Việt Nam. Để cứu được quân đội viễn chinh, bảo đảm sự tồn tại ở Đông Dương các lực lượng chính trị có thể ngăn chặn cộng sản phát triển, Pháp tập trung vào ba vấn đề lớn và mong muốn:
+ Định giới tuyến ở Việt Nam càng xa về phía Bắc càng tốt; + Trì hoãn tối đa thời hạn tuyển cử;
+ Kéo dài thời hạn rút quân Pháp khỏi miền Bắc Việt Nam [44;tr.517]
Tại Hội nghị, Pháp tranh thủ sự ủng hộ của Anh để tạo thế mạnh cho Pháp và lợi dụng cả sự đe dọa của Mỹ để gây áp lực với Việt Nam; tận dụng ý muốn hòa bình của Liên Xô và Trung Quốc để đạt thỏa thuận. Vì vậy, mặc dù thất bại trên chiến trường nhưng Pháp vẫn đạt được những thỏa thuận tương đối có lợi cho Pháp tại Hội nghị. Việt Nam phải chấp nhận vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức sau một năm và Việt Nam lúc này chỉ giải phóng được một nửa đất nước, Lào chỉ còn lại hai tỉnh (Sầm Nưa, Phong Xalì) được giải phóng, Campuchia không còn vùng giải phóng…Tuy nhiên, Pháp cũng phải rút quân đội ra khỏi lãnh thổ Cao Miên, Lào và Việt Nam theo yêu cầu của các Chính phủ liên quan và trong một thời hạn do các bên thỏa thuận. Như vậy, Hiệp định Genève đã không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường và cũng không phản ánh đúng khả năng cách mạng ba nước Đông Dương sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Song đây cũng là thắng lợi ngoại giao của Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có Mỹ giúp sức kéo dài gần 9 năm. Thắng lợi và hạn chế của giải pháp Genève đối với Việt Nam phản ánh tương quan lực lượng giữa các nước lớn, phản ánh tính phức tạp về ý đồ chiến lược của các nước đồng minh với Việt Nam trong quá trình đàm phán.