Quan điểm của Liên Xô

Một phần của tài liệu Luận văn: Việt Nam trong quan hệ quốc tế thời kì 1954 – 1975 (Trang 39)

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là nước chịu nhiều tổn thất nặng nề về người và của, thiệt hại về vật chất lên tới 2 tỷ 60 triệu rúp (vào khoảng 30% tài sản quốc gia), gần 27 triệu người chết. Trong những năm sau chiến tranh, cuộc sống của nhân dân Liên Xô rất khó khăn: nhà cửa bị tàn phá, lương thực, giày dép, quần áo thiếu thốn. Đảng cộng sản và nhân dân Liên Xô đã vươn lên khắc phục hậu quả chiến tranh.

Nhiệm vụ có tính quan trọng hàng đầu đối với Liên Xô lúc này là khôi phục nền kinh tế quốc dân, khắc phục hậu quả chiến tranh để tiếp tục đi lên CNXH. Xô Viết tối cao Liên Xô thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946-1950), với nội dung là hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục trình độ công nghiệp, nông nghiệp trước chiến tranh và vượt qua mức trước chiến tranh, hoàn thành chuyển đổi kinh tế quốc dân sau chiến tranh…[6;tr.63-65]. Vì vậy, chính sách đối ngoại của Liên Xô lúc này là kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình với các nước có chế độ xã hội khác nhau, nhằm tạo điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội trong nước và giúp các nước dân chủ nhân dân, bảo vệ độc lập cho các dân tộc được giải phóng khỏi ách thực dân. Liên Xô tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thiết lập quan hệ hợp tác với các nước đã độc lập, ủng hộ toàn diện cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa. Chính phủ Liên Xô coi trọng việc cắt giảm chạy đua vũ trang. Tháng 3/1951 Xô Viết tối cao Liên Xô đã thông qua đạo luật “Bảo vệ hòa bình”, coi việc tuyên truyền chiến tranh là một tội ác chống lại loài người.

Mối liên hệ giữa Liên Xô với các nước XHCN ngày càng được mở rộng và củng cố. Liên Xô giúp Trung Quốc khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước Á, Phi, Mỹ La tinh cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô dưới các hình thức: khắc phục hậu quả của chủ nghĩa thực dân; đào tạo cán bộ, viện trợ kinh tế. Liên Xô lên án cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên, Đông Dương. Tuy nhiên giai đoạn đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô vẫn đặt trọng tâm vào việc giải quyết các công việc ở châu Âu và thiếu một chính sách rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề ở khu vực Viễn Đông [6; tr.91-92]

Sau chiến tranh, Liên Xô đang cần có hòa bình để xây dựng lại đất nước và củng cố Đông Âu là nơi sống còn của mình nên Liên Xô kiên quyết đấu tranh cho hòa bình thế giới, chống sự phục hồi của chủ nghĩa phát xít phục thù ở Đức. Để làm được điều này, Liên Xô rất cần sự hợp tác của Pháp. Đối với Đông Nam Á và Đông Dương lúc này Liên Xô còn ít ảnh hưởng. Vì vậy, khi Pháp tái chiếm Đông Dương, Chính phủ VNDCCH gửi nhiều thư đề nghị Liên Xô giúp đỡ nhưng hầu như không

được đáp trả, có chăng chỉ là sự giúp đỡ gián tiếp thông qua báo chí, dư luận xã hội Xô Viết lên án chính sách thực dân ở Đông Dương. Từ sau chiến tranh Triều Tiên, lo ngại sự can thiệp của Mỹ sẽ mở rộng chiến tranh Đông Dương ảnh hưởng đến Liên Xô, vì vậy, Liên Xô muốn chấm dứt chiến tranh Đông Dương càng sớm càng tốt nhằm đẩy lùi âm mưu gây chiến của Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi tranh thủ Pháp trong việc bác bỏ khối Cộng đồng phòng thủ chung châu Âu (CED) [77;tr.182].

Sau khi Stalin mất (1953), Khrushchev lên nắm quyền đã hướng Liên Xô vào con đường hòa hoãn với phương Tây, trước hết là với Mỹ nhằm tranh thủ hòa bình, tránh dính líu vào những cuộc xung đột trên thế giới để củng cố thực lực, tập trung xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân Việt Nam hầu như chỉ nhận được sự giúp đỡ về mặt tinh thần của Liên Xô. Vì vậy, chấm dứt chiến tranh Đông Dương là điều kiện cần thiết để thực hiện đường lối đó của Khrushchev.

Một tuần sau đình chiến ở Triều Tiên, báo “Cờ đỏ” ngày 3/8/1953 viết: đình chiến ở Triều Tiên phải thúc đẩy đi đến chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Đài Moscow phát đi nhiều tin thuận lợi cho giải pháp hòa bình ở Đông Dương. Ngày 27/11/1953, Liên Xô chính thức chấp nhận đề nghị của Mỹ, Anh, Pháp họp hội nghị bốn ngoại trưởng ở Berlin bàn về vấn đề Đức, hòa bình ở Áo, vấn đề Triều Tiên, Đông Dương [44;tr.481]. Tại Hội nghị Berlin từ 25/1 đến 18/2/1954, Molotov đưa ra đề nghị họp năm nước lớn (Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp, Trung Quốc) tại Genève để giải quyết vấn đề hòa bình ở Triều Tiên và chấm dứt chiến tranh Đông Dương.

Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Genève diễn ra gay gắt xoay quanh hai điểm mấu chốt: phân định giới tuyến tạm thời ở Việt Nam và thời hạn tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Phái đoàn Việt Nam đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến tạm thời và thời hạn 6 tháng sau ngày ký Hiệp định để thống nhất đất nước.

Xuất phát từ nguyên tắc thống nhất lãnh thổ và dân tộc, đoàn đại biểu Liên Xô kiên trì bảo vệ ấn định thời gian cụ thể, chính xác tiến hành bầu cử với mục đích thống nhất đất nước Việt Nam. Đoàn đại biểu Liên Xô kiên quyết yêu cầu không cho phép điều động đến Đông Dương các quân đội mới và vũ khí đạn dược sau khi

chấm dứt các hoạt động quân sự. Mục tiêu là làm cho cả Mỹ và Trung Quốc không sử dụng được Đông Dương làm căn cứ quân sự.

Tuy vậy, trong quá trình đàm phán, cả Liên Xô và Trung Quốc đều không tránh khỏi việc đặt lợi ích của quốc gia dân tộc mình gắn liền với việc giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Tuy cùng muốn có giải pháp hòa bình ở Đông Dương nhưng cả Liên Xô và Trung Quốc đều tranh thủ Pháp. Liên Xô có nhu cầu tranh thủ Pháp hòng ngăn Pháp không tham gia Khối phòng thủ châu Âu (CED) do Anh, Mỹ, Pháp chủ trương nhằm bao vây Liên Xô. Trung Quốc lo giữ chân Pháp ở miền Nam Việt Nam để ngăn Mỹ nhảy vào, tránh đụng đầu trực tiếp với Mỹ như ở Triều Tiên. Vì vậy, khi Trung Quốc đề xuất phương án lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến và thời hạn thống nhất hai miền là hai năm, Liên Xô đã tán thành phương án chia cắt Việt Nam của Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Luận văn: Việt Nam trong quan hệ quốc tế thời kì 1954 – 1975 (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(124 trang)
w