Tiểu kết chương
3.2.3. Đối với tiến trình cách mạng Việt Nam sau năm
Ngay trong giai đoạn 1973-1975, khi Việt Nam hoàn thành công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Trung Quốc đã chủ động gây ra những cuộc đụng độ quân sự trên biển và biên giới Việt Trung để khiêu khích Việt Nam và “đo thử” xem thái độ phản ứng của Liên Xô đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc chủ động tìm hướng giải quyết cho giải pháp chính trị mới ở Campuchia, nhằm giành ảnh hưởng và tạo “đối trọng” với mối quan hệ đang ngày một nồng ấm giữa Liên Xô và Việt Nam. Lo sợ ảnh hưởng của cuộ kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam lan sang Campuchia, đồng thời e ngại Liên Xô giành thế ở đất này, trong cuộc hội đàm với Kissinger tháng 1/1973, Chu Ân Lai đã bày tỏ mối lo ngại Liên Xô và đề nghị Mỹ thỏa thuận với Shihanouk. Tuy nhiên, đề nghị này bị Mỹ từ chối với lý do
Mỹ không đàm phán trực tiếp với Shihanouk trong khi vẫn đang công nhận chính quyền Lon Nol. Chính quyền Trung Quốc quay sang ủng hộ và giúp đỡ Khmer Đỏ giành chính quyền và đứng sau “giật dây” cho những hoạt động chống phá tại biên giới Việt Nam, nhằm gây chia rẽ mối quan hệ Việt – Xô.
Sau chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam, thay vì đưa ra những lời chúc mừng, chính quyền và truyền thông Trung Quốc liên tục đưa ra các bài báo chỉ trích Việt Nam và Liên Xô trong đó đáng chú ý là bài viết trên Nhân dân Nhật Báo khi cho rằng: Việt Nam đấu tranh chống Mỹ phía trước nhưng đằng sau lại đang dẫn sói Liên Xô vào.
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chính phủ Việt Nam cố gắng duy trì mối quan hệ thăng bằng giữa Liên Xô với Trung Quốc nhưng điều đó rất khó khăn. Quan hệ Xô – Trung ngày càng xấu đi khiến cho quan hệ Việt – Trung cũng trở nên căng thẳng. Trung Quốc không ngừng tố cáo Liên Xô thay Mỹ trở thành mối đe dọa chính cho hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á, tố cáo Liên Xô đang tìm kiếm một cách tham lam vô độ các căn cứ quân sự mới ở châu Á. Trung Quốc vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Việt Nam phải cắt quan hệ với Liên Xô.
Thất bại trong ý đồ muốn nắm Việt Nam, điều khiển Việt Nam theo quỹ đạo mà Trung Quốc muốn, Trung Quốc đã chuyển sang thực hiện ý đồ nắm lấy lực lượng Khmer Đỏ ở Campuchia và sử dụng lực lượng này để thực hiện âm mưu chống Việt Nam. Dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, ngay ngày 3/5/1975, tập đoàn Pol Pot cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc. Đến ngày 10/5/1975, lực lượng Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Thổ Chu, rồi những ngày tiếp theo, Khmer Đỏ xâm phạm nhiều vũng lãnh thổ nước ta dọc biên giới, từ Hà Tiên đến Tây Ninh.
Sau đó Trung Quốc bắt đầu công bố về các yêu sách lãnh thổ của họ trên biển Đông, chủ yếu nhằm vào lãnh thổ của Việt Nam, đó là quần đảo Hoàng Sa. Yêu sách về lãnh thổ trên biển Đông không chỉ vì những lợi ích kinh tế mà còn về lợi ích chính trị. Bởi vì Biển Đông là con đường chiến lược, chiếm được Hoàng Sa của Việt Nam sẽ tăng thêm quyền lực toàn cầu của Trung Quốc, đóng một vai trò sống
còn trong cuộc tranh chấp Trung – Xô vì hải quan Liên Xô phải đi qua đường chiến lược đó để đến và rời căn cứ Vlađiôxtốc. Trung Quốc còn dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia, vận động Liên Hợp Quốc và các nước trên thế giới cũng làm như vậy, nhằm gây khó khăn cho Việt Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đã xúi giục, hậu thuẫn cho lực lượng Khmer Đỏ của Campuchia gây chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam năm 1977- 1978, đồng thời Trung Quốc tiến hành tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979 làm cho cách mạng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Việt Nam đưa quân sang giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bọn Pol Pot – Khmer Đỏ. Trung Quốc tố cáo Việt Nam xâm lược Campuchia khiến dư luận thế giới hiểu lầm về hành động của Việt Nam. Tạo điều kiện để Mỹ, Trung Quốc lôi kéo các nước trên thế giới chống đối lại Việt Nam. Điều này làm quan hệ Việt Nam với ASEAN và hệ thống các nước TBCN thời kì này căng thẳng, không được cải thiện. Quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới dường như bị chặn lại trong thời gian này.
Thêm vào đó, sau khi giải phóng miền Nam, Việt Nam thống nhất đất nước, người Mỹ thua trận phải rút về nước khiến quan hệ hai nước căng thẳng, tạo ra sự chia rẽ trong xã hội và chính trị của cả hai nước. Từ 1975 đến 1995, Hoa Kỳ đã cấm vận Việt Nam và dùng quyền lực của mình ngăn cản các nỗ lực giúp đỡ Việt Nam từ quốc tế, ngăn cản các nước khác cho Việt Nam vay tiền trả nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế.
Chính những điều trên đã tác động đến tiến trình đi lên xây dựng và phát triển, hội nhập đất nước của nhân dân Việt Nam bị chậm lại, gặp muôn vàn khó khăn. Cho đến tận sau khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia (1989), vấn đề này mới từng bước được tháo gỡ, quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới mới từng bước được cải thiện. Đặc biệt, từ sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì vấn đề Việt Nam mới cơ bản được giải quyết trong quan hệ quốc tế.
Tiểu kết chương 3
Tóm lại, quan hệ giữa các nước lớn trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam thời kì 1954 – 1975 vừa mang những đặc điểm chung của quan hệ quốc tế nói chung trong giai đoạn này đồng thời mang những đặc điểm riêng biệt của nó. Đó là sự phức tạp, chồng chéo các quan hệ. Vừa mâu thuẫn, xung đột, nhưng lại vừa hòa hoãn. Tính chất của những quan hệ này được quyết định bởi lợi ích quốc gia dân tộc chứ không phải lợi ích của cả một nhóm theo một ý thức hệ như trước nữa. Điều này tác động mạnh mẽ tới cách mạng Việt Nam nói chung. Nó vừa kìm hãm, vừa thúc đẩy cách mạng Việt Nam, tùy từng giai đoạn và đường lối, sách lược của Đảng và nhà nước ta. Và ở một mức độ nào đó, những quan hệ này cũng chịu sự chi phối ngược trở lại của tình hình, diễn biến cách mạng Việt Nam, làm thay đổi quan điểm, lập trường, chính sách đối ngoại của các nước lớn với nhau. Qua đó thấy được ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.