Tiểu kết chương
3.2.1. Đối với công cuộc xây dựng CNX Hở miền Bắc
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, Việt Nam chưa hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong hoàn cảnh vừa thoát khỏi chiến tranh, nhân dân miền Bắc phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.
90% dân số miền Bắc vốn sống bằng nghề nông, nhưng nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nghèo nàn, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đời sống người nông dân còn thiếu thốn mọi bề. Nền công nghiệp chỉ vẻn vẹn 20 xí nghiệp vào năm 1954 với thiết bị cũ kĩ, nhiều thứ đã hư hỏng, những bộ phận còn tốt và các tài liệu kĩ thuật
quan trọng đều bị Pháp chuyển vào Nam. Tỉ trọng công nhiệp trong giá trị tổng sản lượng công, nông nghiệp từ 10% năm 1939 tụt xuống còn 1,5% khi miền Bắc được giải phóng. Bên cạnh đó tiểu thủ công nghiệp bị chèn ép, bị sa sút, không có nguyên liệu sản xuất. Nhiều ngành, nghề thủ công truyền thống bị mai một hoặc mất hẳn. Hệ thống giao thông, bưu điện bị hư hỏng xuống cấp [8;tr.19].
Hòa bình lập lại nhưng tình hình an ninh ở miền Bắc vẫn còn phức tạp do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn phản động phá hoại. Trước, trong và sau ngày đình chiến, địch cưỡng ép di cư vào Nam hàng vạn người, phần lớn là đồng bào theo đạo thiên chúa, công chức, nhà buôn, nhà giáo, bác sĩ, nhân viên kĩ thuật. Địch gài lại hàng ngàn gián điệp, hàng trăm nhóm phản động, cùng với các toán biệt kích được tung ra miền Bắc phá hoại các cơ sở kinh tế, các công trình công cộng. Các phần tử tay sai, các đảng phái phản động lén lút kích động quần chúng, gây bạo loạn ở một số địa phương, tung truyền đơn, tài liệu xuyên tạc chính sách của Đảng Lao động, Chính phủ Việt Nam hòng lung lạc quần chúng, gây hoang mang, dao động trong nhân dân. Ở biên giới phía Bắc, hàng ngàn thổ phỉ được các thế lực phản động Pháp, Mỹ, Tưởng tiếp tay, hoạt động phá hoại. Tại nhiều vùng khác, bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ vẫn lén lút hoạt động chống pháp chính quyền cách mạng. Sau chiến tranh, nhiều vấn đề xã hội chưa có điều kiện giải quyết. Vấn đề tôn giáo, dân tộc giai cấp vốn đã phức tạp do chính sách chia rẽ của Pháp, lúc này càng phức tạp hơn, vì kẻ thù kích động.
Khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình, xây dựng lại đất nước là sự nghiệp mới mẻ, đầy gian khổ và khó khăn. Nhiệm vụ cấp thiết lúc này đặt ra cho miền Bắc là khôi phục kinh tế, ổn định xã hội, tiến hành xây dựng và phát triển miền Bắc đi lên CNXH, trở thành hậu phương vững chắc của chiến trường miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược. Từ tình hình thực tế kinh tế - xã hội trên, Đảng và chính phủ chủ trương vừa đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư, vừa đẩy mạnh cuộc vận động cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, nhằm củng cố miền Bắc, tạo điều kiện đưa miền Bắc bước sang giai đoạn mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần III của Đảng lao động Việt Nam đã xác định đường lối chung của
Đảng trong thời kì quá độ lên CNXH ở miền Bắc là “Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước XHCN anh em do Liên Xô đứng đầu để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe XHCN, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”[61; tr.126]. Như vậy, để khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN ở miền Bắc, Việt Nam cần tranh thủ tối đa sự viện trợ về kinh tế, kĩ thuật từ phía Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Cho nên, trong giai đoạn đầu – sau Hiệp định Genève, công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc Việt Nam chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất bởi quan hệ Xô – Trung trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Quan hệ này vừa có tác động tích cực thúc đẩy, đồng thời cũng có những tác động tiêu cực, gây cản trở, khó khăn cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Cụ thể như sau:
* Thuận lợi
Từ năm 1954 đến năm 1964, mặc dù quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc không còn nồng ấm, thậm chí ngày càng mâu thuẫn, nhưng lại có quan điểm gần như tương đồng về vấn đề Việt Nam. Như đã phân tích, thời gian này Chiến tranh Lạnh đang ở mức độ cao. Sự đối đầu Đông – Tây ngày càng gay gắt. Hai phe XHCN và TBCN tìm mọi cách để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ý thức hệ của mình. Nếu như Mỹ tăng cường các gói viện trợ, phục hồi kinh tế Tây Âu nhằm phát triển và khẳng định ưu thế của hệ thống TBCN thì Liên Xô, Trung Quốc cũng vậy. Với vai trò là anh cả, anh hai trong hệ thống XHCN, dù có những mâu thuẫn thì cả Liên Xô và Trung Quốc vẫn thực hiện nghĩa vụ đồng minh, quốc tế của mình là giúp đỡ Bắc Việt Nam hàn gắn, phục hồi, phát triển kinh tế sau chiến tranh với thực dân Pháp. Mục đích chính là xây dựng Bắc Việt Nam trở thành một nước XHCN vững mạnh về cả kinh tế và chính trị, biến miền Bắc trở thành tiền đồn chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, tạo hình ảnh tốt để thu hút miền Nam đi theo. Vì vậy, công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn từ phía
Liên Xô, Trung Quốc, tạo điều kiện cho miền Bắc nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, chính trị, quân sự quốc phòng, văn hóa – giáo dục.
Về phía Liên Xô, từ năm 1955 đến 1964, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam số tiền vào khoảng 320 triệu rúp, trong đó, 94,5 triệu rúp cho vay không hoàn lại, số còn lại cho vay với điều kiện ưu đãi (lãi suất thấp). Năm 1965, Chính phủ Liên Xô đồng ý hoãn thời hạn thanh toán lãi gốc số tiền trên cho Việt Nam. Từ năm 1955 đến năm 1957, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam khôi phục và mở rộng 28 nhà máy, xí nghiệp, xây dựng lại 18 cơ sở công nghiệp. Đến cuối năm 1962, Liên Xô đã giúp Việt Nam tất cả là 1.400 triệu rúp, xây dựng 34 nhà máy lớn nhỏ, 19 nông trường và cải tạo 27 nông trường, một số trường đại học, một bệnh viện lớn, giúp xây dựng 21 đài khí tượng thủy văn và 156 trạm thủy văn các cấp. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Liên Xô giúp đỡ xây dựng 25 xí nghiệp thiết bị điện, nhà máy sửa chữa và sản xuất phụ tùng ô tô. Đến cuối năm 1964, với sự giúp đỡ của Liên Xô, trên miền Bắc đã hoàn thành cải tạo và xây dựng 90 xí nghiệp vầ công trình các loại, trong đó có 43 công trình công nghiệp, đáng kể là các nhà máy điện, các công trình khai khoáng như mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ apatit Lao Cai, nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy chè Phú Thọ và một số trường đại học như Đại học Bách khoa, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội…[43;tr.136-137].
Về phía Trung Quốc, theo tác giả Nguyễn Thị Mai Hoa có nhiều nguồn tư liệu thống kê về sự giúp đỡ của Trung Quốc dành cho Việt Nam khác nhau, trong đó nguồn tư liệu thống kê từ Lưu trữ Quốc gia Việt Nam cho biết: từ năm 1954 đến 1964, Chính phủ Trung Quốc giúp Việt Nam vốn khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy, một số nông trường… trị giá 900 triệu nhân dân tệ. Theo Báo cáo của Quân ủy Trung ương năm 1966, trong 5 năm (1955-1961), Trung Quốc giúp Việt Nam khôi phục hệ thống đường sất, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy…trị giá 1.224 tỉ đồng Việt Nam. Còn tính tron 10 năm (1954-1964), viện trợ kinh tế của Trung Quốc cho Việt Nam là 1,1 triệu nhân dân tệ để xây dựng gần 100 công trình lớn nhỏ [43;tr.149].
Cùng với sự giúp đỡ kinh tế, đào tạo cán bộ khoa học, giúp đỡ xây dựng, phát triển văn hóa – giáo dục, quân sự - quốc phòng cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn từ phía Liên Xô và Trung Quốc.
Việt Nam chủ trương đưa nhiều lưu học sinh sang học tập ở Liên Xô và Trung Quốc và các nước anh em khác nhằm đào tạo cán nhằm đào tạo cán bộ giảng dạy đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học kĩ thuật, cán bộ lý luận cơ bản có trình độ cao. Đáp ứng yêu cầu đó, Liên Xô giúp Việt Nam đào tạo, nâng cao tay nghề cho số lượng lớn cán bộ, sinh viên Việt Nam, lo chu cấp học phí và ăn ở. Từ năm 1951 đến 1958, Trung Quốc nhận đào tạo cho Việt Nam 1.200 lưu học sinh. Trong 4 năm, từ 1955 đến 1958, Trung Quốc nhận 3.300 cán bộ Việt Nam sang thực tập. Tính chung 5 năm (1954-1964), Trung Quốc tiếp nhận của Việt Nam 4.755 cán bộ, công nhân sang Trung Quốc thực tập, khảo sát kinh nghiệm và kĩ thuật của hầu hết các ngành kinh tế và văn hóa Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ [43;tr.153]. Bên cạnh đó, cả Liên Xô và Trunng Quốc còn gửi chuyên gia sang giúp Việt Nam khôi phục, cải tạo, xây dựng hàng loạt xí nghiệp và các cơ sở kinh tế. Tính chung từ 1954 đến 1964, Liên Xô cử 2.500 chuyên gia kinh tế sang Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục, cải tạo và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất ở miền Bắc Việt Nam [43;tr.154]; Trung Quốc cử tổng cộng 5.837 chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam [43;tr.155]. Ngoài chi viện về vật chất, Liên Xô cử chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng các công trình công nghiệp quốc phòng, trao đổi, bồi dưỡng các vấn đề quân sự. Cán bộ quân sự Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng quân, binh chủng, giúp tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng các công trình phòng ngự quốc gia…Từ năm 1964, những chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên của Liên Xô gồm vũ khí, khí tài hiện đại, có vai trò quan trọng nâng cao khả năng phòng thủ của miền Bắc Việt Nam đã đến Việt Nam. Phía Trung Quốc, tích cực gửi các chuyên gia quân sự sang bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện cho các cán bộ Việt Nam trong các trường quân sự. Trung Quốc còn viện trợ cho Việt Nam xây dựng các cơ sở cho ngành công nghiệp quốc phòng ở nhiều lĩnh vực: bộ binh, pháo binh, hải quân, không quân, các xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí, vật tư hậu cần…
Nhờ sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam, Việt Nam không chỉ nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiềm lực quốc phòng được tăng cường cả về cơ cấu, chất lượng và số lượng mà vị thế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Miền Bắc tiến nhanh và thu được nhiều thành quả to lớn, toàn diện trong thực hiện các kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế (1958-1960), 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa… đều có bước phát triển mới. Miền Bắc trở thành hậu phương ngày càng vững mạnh của tiền tuyến miền Nam. Sau này, khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nó là cơ sở vững mạnh bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không.
* Khó khăn
Do mục tiêu chiến lược của Liên Xô và Trung Quốc không tương đồng với đường lối của Đảng Lao động Việt Nam nên trong quá trình giúp đỡ, viện trợ Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc chỉ tập trung giúp Việt Nam hàn gắn, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa – giáo dục còn quân sự chỉ ở mức hạn chế. Vì vậy, sự phát triển của công nghiệp quốc phòng và lực lượng quân sự ở miền Bắc bị hạn chế. Đối với Trung Quốc, về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc có một số điểm bất đồng trên các vấn đề như phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam, tính chất trường kì của cuộc kháng chiến, quan hệ giữa cách mạng miền Bắc với cách mạng miền Nam…Do e ngại chiến tranh ở Đông Dương có thể mở rộng, dẫn đến sự can thiệp sâu của đế quốc Mỹ vào Đông Dương, Bắc Việt Nam, đe dọa an ninh biên giới phía Nam, đặc biệt gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu, chi phối các nước Đông Nam Á, Trung Quốc không muốn miền Bắc Việt Nam chi viện giúp đỡ cho miền Nam, không muốn ngành công nghiệp quốc phòng, lực lượng quân sự ở Bắc Việt Nam phát triển. Quan điểm của Trung Quốc lúc này chỉ ủng hộ xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh trường kì, ảnh hưởng và thu hút miền Nam Việt Nam. Đối với Liên Xô, do thực hiện chính sách “ba hòa” nên vấn đề thống nhất Việt Nam, Liên Xô ủng
hộ giữ nguyên hiện trạng, giải quyết bằng thương lượng. Liên Xô e ngại, tình hình căng thẳng ở Nam Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến chính sách hòa hoãn của mình, sợ rằng nếu giúp miền Bắc Việt Nam phát triển mạnh ngành công nghiệp quốc phòng sẽ chi viện cho miền Nam, gây ra tình hình căng thẳng ở Nam Việt Nam nên Liên Xô hạn chế giúp đỡ Việt Nam về quốc phòng, quân sự.
Nếu như Liên Xô và Trung Quốc muốn biến Bắc Việt Nam thành tiền đồn của hệ thống XHCN ở Đông Nam Á, chống lại chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ thì tất yếu, Mỹ muốn đập tan tiền đồn này. Trong quá trình can thiệp rồi tiến đến đưa quân xâm lược Nam Việt Nam, Mỹ đồng thời chủ trương thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc nhằm phá hoại thành quả của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc do Liên Xô và Trung Quốc gây dựng và ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của Mỹ lần 1 (1965-1968), lần 2 (1969-1972) đã gây khó khăn lớn trong công cuộc xây dựng CNXH của Bắc Việt Nam. Đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã gây khó khăn và tổn thất nghiêm trọng cho miền Bắc. Bắc Việt Nam vừa phải thực hiện công cuộc xây dựng CNXH vừa phải đấu tranh chống Mỹ, gây bất lợi cho Việt Nam trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cả hệ thống XHCN.