Tiểu kết chương
2.2. Quan hệ Mỹ Xô
Liên Xô và Mỹ là hai siêu cường đứng đầu hai phe đối địch suốt thời kì chiến tranh lạnh. Mục tiêu và chính sách đối ngoại của hai nước khác nhau về cơ bản, nhưng có cái chung là mục tiêu và chiến lược toàn cầu đều nhằm củng cố vị thế siêu cường, giành vị thế chi phối các vấn đề quốc tế. Tính chất quan hệ hai nước là quan hệ đối địch, vừa có đấu tranh vừa tranh thủ hòa hoãn, hợp tác.
Trọng tâm chiến lược của Liên Xô là xây dựng môi trường hòa bình để xây dựng đất nước hòng đuổi kịp Mỹ về thế chiến lược, khoa học công nghệ và tổng sản phẩm…, củng cố quan hệ với các nước XHCN, mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ra ngoài phạm vi phe XHCN…
Trọng tâm chiến lược của Mỹ là giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, nắm chắc khối các nước tư bản, trước hết là khối Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở các khu vực Trung Đông, Đông Á, châu Phi, đặc biệt là khu vực Mỹ La tinh, sân sau của Mỹ. Và một mục tiêu chiến lược khác xuyên suốt các đời Tổng thống Mỹ đó là “ngăn chặn” rồi đi đến “đẩy lùi” chủ nghĩa cộng sản. Cuộc xung đột ở Việt Nam tượng trưng cho cuộc đấu tranh có tính nguyên tắc chống lại chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới và là một bộ phận trong chương trình của Chính phủ Mỹ là “đánh đổ chủ nghĩa cộng sản” nếu nó vượt ra khỏi ranh giới hiện nay.
Do trọng tâm chiến lược khác nhau căn bản nên đã chi phối đến quan hệ Mỹ - Xô trong vấn đề Việt Nam những năm 1954 – 1975.
Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc phát triển mạnh mẽ, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa cũ của CNTD. Nhiều nước Á, Phi, Mỹ Latinh đã giành được độc lập, nhất là thắng lợi của cách mạng Cu Ba năm 1959 đã chọc thủng khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của CNTD mới của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh, đồng thời xuất hiện xu hướng hòa bình, độc lập, trung lập và không liên kết. Năm 1955, Hội nghị đoàn kết Á – Phi gồm 29 nước ở Băng Đung và sau đó vào tháng 9/1964, Hội nghị 25 nước ở Beograd thành lập “Phong trào không liên kết” nhằm tập hợp lực lượng các nước thế giới thứ ba đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, cho một thế giới mới công bằng, tránh sự lôi kéo của hai cực Xô – Mỹ.
Hơn nữa trong thời gian này bắt đầu có sự phân hóa trong hai phe và trong các liên minh quân sự trên thế giới.
Các đồng minh của Mỹ ngày càng có xu hướng độc lập và không muốn phụ thuộc vào Mỹ. Tháng 3/1957, các đồng minh Mỹ - Tây Âu kí hiệp ước Roma và thành lập khối Thị trường chung châu Âu. Cuối những năm 50, Tổng thống De Gaulle không chấp nhận khối NATO đặt tên lửa trên đất Pháp và đòi căn cứ quân sự của NATO rút khỏi nước Pháp. Trong hệ thống XHCN, PTCS và CNQT đã bộc lộ những rạn nứt, những mâu thuẫn. Ở một số nước Đông Âu như Huggari, Balan,
năm 1956, các lực lượng phản động quốc tế đã tổ chức cuộc phiến loạn nhằm tách các nước này ra khỏi hệ thống XHCN hòng biến các nước đó thành căn cứ quân sự để tấn công Liên Xô và các nước XHCN khác. Cuối những năm 1950, Quan hệ Xô – Trung rạn nứt và đến năm 1964, hoàn toàn bị tan vỡ. Trung Quốc muốn tách ra để lãnh đạo thế giới thứ ba làm đối trọng với Mỹ và Liên Xô nhưng Trung Quốc chưa đủ khả năng để làm được điều này.
Trong bối cảnh đó, vì lợi ích riêng của Liên Xô và Mỹ với việc duy trì hiện trạng chính trị thế giới sau chiến tranh, tránh đối đầu quân sự, bên cạnh chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang, giành giật ảnh hưởng ở từng nước, từng khu vực, Liên Xô và Mỹ đi vào hòa hoãn, nhân nhượng nhau để giải quyết các vấn đề quốc tế đặc biệt trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Vì vậy trong giai đoạn 1954-1964, quan hệ Xô – Mỹ về chiến tranh Việt Nam chưa xảy ra mâu thuẫn.
Mục đích chính sách đối ngoại của Liên Xô thời gian này là đẩy nhanh hòa hoãn với Mỹ bằng mọi giá kể cả có những nhân nhượng khi giải quyết với Mỹ các vấn đề quốc tế để đánh đổi lấy việc Mỹ và đồng minh công nhận nguyên trạng châu Âu sau chiến tranh. Mục đích này chi phối quan điểm của Liên Xô với Việt Nam. Vì sợ chiến tranh Việt Nam gây đối đầu Xô – Mỹ, ảnh hưởng xấu đến tiến trình hòa hoãn, Liên Xô đã không tán thành Việt Nam đấu tranh vũ trang ở miền Nam mà muốn Việt Nam chỉ tập trung xây dựng CNXH ở miền Bắc thành kiểu mẫu của CNXH để từ đó tác động vào diễn biến tình hình cách mạng ở miền Nam. Cho nên thời gian này Liên Xô chủ yếu giúp Việt Nam về kinh tế và quốc phòng ở miền Bắc và tránh đụng đầu với Mỹ. Nhưng cùng với thời gian, cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng lên cao. Vấn đề Việt Nam trong quan hệ Xô – Mỹ đã trở nên quan trọng và gay cấn bắt đầu từ mùa thu năm 1964 khi Mỹ chuẩn bị leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và có sự thay đổi trong ban lãnh đạo Liên Xô.
Đầu tháng 8/1964 xảy ra “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, VNDCCH mở cuộc tuyên truyền sâu rộng để tố cáo Mỹ và tập hợp lực lượng quốc tế. Việt Nam chờ đợi phản ứng mạnh mẽ từ phía Liên Xô. Nhưng ngày 5/8/1964, chỉ có tuyên bố của Thông tấn xã Liên Xô với lời lẽ thận trọng: Các giới có thẩm quyền ở Liên Xô kiên quyết
lên án những hành động xâm lược của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ làm cho tình hình vốn đã căng thẳng ở Đông Nam Á trở nên cực kì nguy hiểm…[53;tr.62]. Rõ ràng là Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả như vậy. Ngày mùng 5/8, Khrushchev cũng gửi công hàm cho Tổng thống Mỹ đề nghị chấm dứt những hành động khiêu khích của các lực lượng vũ trang Mỹ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, Johnson trả lời: “ Mỹ chỉ áp dụng những hành động tự vệ tối thiểu mà thôi. Hoa Kỳ không thể biết được rằng việc đó do Bắc Kinh khiêu khích, hay do Bắc Việt Nam tiến hành để lôi kéo Bắc Kinh vào cuộc…” [53;tr.63]. Rõ ràng vấn đề Việt Nam đã dần dần nổi lên trong quan hệ Xô – Mỹ. Tuy nhiên, cả hai đều cố kiềm chế.
Tháng 10/1964, Liên Xô thay đổi ban lãnh đạo, Khrushchev bị hạ bệ. Lên thay là một hình thức bộ ba gồm Brezhnev, Potgoócnưi, Kossygin. Về cơ bản đường lối đối ngoại của Liên Xô không mấy thay đổi. Hòa hoãn với Mỹ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được thông báo về sự thay đổi ban lãnh đạo ở Liên Xô là Tổng thống Mỹ.
Ngày mùng 6/2/1965, đoàn cấp cao Liên Xô do thủ tướng Kossygin dẫn đầu sang thăm Việt Nam và được sự đón tiếp trang trọng, hữu nghị từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, đoàn Liên Xô vừa đặt chân đến Việt Nam thì hôm sau, ngày 7/2/1965, Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên Bắc Việt Nam, điều này khiến đoàn lãnh đạo Xô Viết rất khó chịu. Ban lãnh đạo Liên Xô ở Moscow cũng rất bất bình trước việc Mỹ mở rộng chiến tranh. Vì vậy trong hội đàm, phía Liên Xô tỏ ý mạnh mẽ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ. Khác với “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lần này phía Liên Xô có tuyên bố chính phủ, nội dung, lời lẽ mạnh mẽ: “Trước những hành động của Mỹ, Liên Xô buộc sẽ phải có những biện pháp mới, cùng với các lực lượng đồng minh và bạn bè của mình nhằm bảo vệ an ninh và tăng cường phòng thủ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Không ai nên nghi ngờ rằng Liên Xô sẽ không làm việc đó, rằng nhân dân Liên Xô sẽ không làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình đối với nước XHCN anh em đó…”[19;tr.201] Sau đó, Chính phủ Liên Xô có gửi cho Johnson một công hàm mật lên án gay gắt những hành động của Mỹ ở Việt Nam.
Kết thúc hội đàm ở Hà Nội, tuyên bố chung Việt – Xô có những lời lẽ mạnh mẽ: Hai chính phủ đã đi tới một sự thỏa thuận thích đáng về những biện pháp sẽ được tiến hành nhằm củng cố khả năng quốc phòng của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đã thỏa thuận cùng nhau thường xuyên trao đổi ý kiến về những vấn đề nói trên…[53;tr.65]
Những sự kiện trên đánh dấu một bước mới trong quan hệ Mỹ - Xô trên vấn đề Việt Nam. Mỹ đứng trước mâu thuẫn: Làm sao để chiến thắng ở Việt Nam mà không gây căng thẳng, không để xảy ra quan hệ xấu với Liên Xô.
Những năm 1965-1966, Mỹ ồ ạt leo thang chiến tranh và liên tiếp mở các chiến dịch hòa bình nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Thời kì này, Mỹ bắt đầu tích cực tranh thủ và vận động Liên Xô cùng tìm “giải pháp” cho cuộc khủng hoảng ở Việt Nam. Để thực hiện ý đồ này, Mỹ qua Liên Xô vận động cuộc gặp giữa Đại sứ Mỹ với Đại sứ Việt Nam ở Moscow. Mỹ cho ngừng ném bom ở miền Bắc thời gian ngắn. Đây là chiến dịch ngoại giao “Hoa tháng Năm”. Tuy nhiên cuộc gặp gỡ giữa Đại sứ Mỹ và đại diện lâm thời Việt Nam Lê Trang không kết quả gì. Thời kì này, ngoại giao Liên Xô ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ, ủng hộ lập trường 4 điểm của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tuy muốn làm trung gian, sẵn sàng chuyển ý kiến của Mỹ cho VNDCCH nhưng không chủ động ra sáng kiến. Gromyko nói với các nhà ngoại giao Liên Xô: “Bắc Việt Nam phản đối mọi sự trung gian trong quan hệ với Mỹ và muốn làm thẳng. Nếu Mỹ có đề nghị nào cụ thể thì ta có thể chuyển cho Hà Nội…”[53;tr.66]. Trái lại, phía Mỹ muốn Liên Xô có vai trò lớn hơn. Tiếp Gromyko, Johnson nói: “Mỹ sẵn sàng đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa và kêu gọi Liên Xô sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để tác động với Việt Nam để làm việc đó”[53;tr.66].
Đầu tháng 2/1967, Kossygin đi thăm chính thức nước Anh, hy vọng trao đổi với chính phủ Anh để tìm giải pháp cho xung đột và thông qua người Anh để gây thêm sức ép với Mỹ. Trước lúc thủ tưởng Liên Xô lên đường, Mỹ qua Liên Xô gửi cho Hồ Chí Minh một công hàm nêu đề nghị: Mỹ sẽ đình chỉ cuộc ném bom và không tăng quân Mỹ ở miền Nam, đổi lại Việt Nam dân chủ cộng hòa hứa sẽ không tăng thêm quân vào miền Nam.
Tại London, Kossygin đã gửi đi Hà Nội ý kiến của Mỹ về khả năng chấm dứt ném bom có bổ sung ý kiến của Willson nhưng chưa có hồi âm thì Mỹ đã ném bom lại miền Bắc. Vai trò trung gian của Liên Xô không thành. Ít lâu sau, cuộc gặp gỡ Johnson – Kossygin ở Glasboro (Mỹ) diễn ra vào ngày 23 và 25/6/1967 nhân dịp Kossygin sang dự Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hai bên bàn nhiều vấn đề trong đó có vấn đề Việt Nam. Mỹ kiên quyết không thể chấm dứt ném bom mà không được đối phương cam kết gì cả. Sau đó, Mỹ hé ra một đề nghị mới: “Mỹ có thể chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ cộng hòa với điều kiện là ngay khi chấm dứt ném bom, phải bắt đầu ngay các cuộc đàm phán, nhưng nếu Hà Nội chơi trò kéo dài đàm phán thì Mỹ giành quyền tự do hành động”[ 53;tr.67 ] Phía Liên Xô khẳng định lại lập trường cơ bản: yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam.
Trong khi tiếp tục ủng hộ Việt Nam, không cải thiện được quan hệ với Mỹ, bản thân Liên Xô cũng có những khó khăn. Ngày 13/1/1967, Ban lãnh đạo Liên Xô thông qua chính sách ngoại giao trong quan hệ với Mỹ. Về vấn đề Việt Nam, phía Liên Xô tuyên bố: “Về cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam: một mặt không để bị lôi cuốn vào việc tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh đó, mặt khác vẫn phải tiếp tục dành cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa sự giúp đỡ về mọi mặt để củng cố khả năng quốc phòng của họ…Cuộc xung đột Việt Nam nếu được kết thúc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng thuận lợi đến quan hệ Xô-Mỹ và tạo ra những điều kiện mới để giải quyết một số vấn đề quốc tế, chúng ta không nên từ chối việc thỏa thuận với Mỹ về các vấn đề mà chúng ta cũng mong muốn được giải quyết, nếu các thỏa thuận đó không trái với lập trường, nguyên tắc của chúng ta trong vấn đề Việt Nam”[53;tr.68]. Như vậy xuyên suốt chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời gian này vẫn là duy trì đường lối hòa bình, hòa hoãn, tránh đối đầu với Mỹ trong mọi tình huống.
Cuộc chiến tranh Việt Nam chia rẽ nước Mỹ. Uy tín của Jonhson sa sút nghiêm trọng. Ông ta đứng giữa ngã ba đường. Đòn Tết Mậu Thân có tính chất bước ngoặt. Jonhson đi vào chiều hướng xuống thang, tìm giải pháp chính trị hòa bình, giảm bớt xương máu.
Năm 1968, Việt Nam có tuyên bố nhận lời “tiếp xúc” với Mỹ ở Hội nghị Paris, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố chính thức đánh giá cao thắng lợi và thiện chí của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đó, Đại sứ của Liên Xô ở Paris trở thành đại diện chính thức của Liên Xô theo dõi đàm phán và hợp tác với đoàn Việt Nam. Khi Hội nghị Pari dậm chân, Kossygin gửi cho Johnson công hàm: nếu Mỹ chấm dứt ném bom hẳn và các hoạt động quân sự khác chống Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì có thể xoay chuyển tình hình và mở ra triển vọng có thể có giải pháp hòa bình, kể cả tại cuộc đàm phán Paris mà hiện nay chưa có tiến bộ [53;tr.69].
Mùa thu năm 1968, ở Mỹ diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống. Mặc dù phía Liên Xô và Việt Nam đồng quan điểm ủng hộ Humphrey của Đảng dân chủ lên làm Tổng thống nhưng Nixon của Đảng Cộng hòa đã giành thắng lợi, kế nhiệm chức Tống thống trong nhiệm kì tiếp theo.
Như vậy trong suốt nhiệm kì Johnson, thời kì Mỹ leo thang chiến tranh Việt Nam, quan hệ Mỹ - Xô có phần phẳng lặng. Tuy suốt mấy năm, giữa hai nước không xảy ra xung đột hay khủng hoảng, không có đối đầu nặng nề quanh vấn đề Berlin, không có những cuộc phô trương lực lượng nhưng do vấn đề Việt Nam mà hai bên không có bước tiến nào trong quan hệ: không có thượng đỉnh, không có hiệp nghị quốc tế nào quan trọng…Day dứt về vấn đề Việt Nam, Mỹ muốn kéo Liên Xô vào để gây sức ép với Việt Nam Dân chủ cộng hòa để Việt Nam chấp nhận điều kiện của Mỹ. Liên Xô muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam, muốn làm trung gian. Song, Liên Xô trong thời gian này – thời kì Mỹ leo thang chiến tranh chưa làm gì không có lợi hay có hại cho Việt Nam.
Nixon bước vào Nhà Trắng trong khi tình hình nước Mỹ có nhiều khó khăn. Các vấn đề kinh tế - xã hội gay gắt, sa lầy ở Việt Nam chưa có lối thoát. Tuy Nixon không bị gắn với chiến tranh Việt Nam như Johnson, nhưng có nhiệm vụ kết thúc chiến tranh. Bởi vậy, xu hướng của Nixon về đối ngoại là cố gắng giải quyết một số vấn đề cơ bản nhằm củng cố thế của Mỹ trong chiến lược toàn cầu. Trong đó quan trọng nhất là tiếp tục hòa hoãn với Liên Xô, giảm nguy cơ chiến tranh, tìm lối thoát ra khỏi chiến tranh Việt Nam với điều kiện ít đau đớn và có thể chấp nhận được.
Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Nixon đã tổ chức ngay kênh quan hệ