Quan điểm của Mỹ

Một phần của tài liệu Luận văn: Việt Nam trong quan hệ quốc tế thời kì 1954 – 1975 (Trang 30)

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ là quốc gia tư bản duy nhất có thế lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ. Trong khoảng 15 năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ

hai, trên 2/3 năng lực sản xuất của thế giới tư bản đều tập trung vào Mỹ. Tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ tăng đột biến từ 200 tỉ USD năm 1940 lên 300 tỉ USD năm 1950 và đạt 500 tỉ USD năm 1960. Mỹ nắm tới 50 % tàu bè đi lại trên biển và có lượng vàng dự trữ từ 12,79 tỉ USD (năm 1937) lên 24,56 tỉ USD (1949), chiếm 74,3 % trữ lượng vàng thế giới. Trong những năm 50 ở Mỹ thường được mô tả là thời ưng ý. Kinh tế Mỹ phát triển liên tục [6;tr.241-245].

Với tiềm lực quân sự và kinh tế to lớn, Mỹ đã triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng chi phối và lãnh đạo thế giới. Nhìn vào những hoạt động đối ngoại của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là trong những năm 50, có thể thấy rõ ba bộ phận cấu thành chính sách đối ngoại của Mỹ: chủ nghĩa chống cộng, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự và chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Trong ba bộ phận cấu thành đó, đế quốc Mỹ dựa rất nhiều vào ưu thế tuyệt đối trong thời gian đầu của Mỹ là sức mạnh của vũ khí nguyên tử và các vũ khí chiến lược khác. Mỹ tự giao cho mình trách nhiệm đảm đương vai trò xung kích trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Tháng 3 năm 1947, trong bài đọc diễn văn tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Truman đã công khai nêu lên “sứ mệnh lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản” [6; tr.262-263].

Lúc đầu, mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong chiến lược ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở châu Á là Trung Quốc. Nhưng sau thất bại ở Trung Quốc lục địa và nhất là sau khi phải chấp nhận ngừng bắn ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ càng chú ý đến vị trí xung yếu ở bán đảo Đông Dương trong việc thực hiện ý đồ chiến lược nhằm ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc có khuynh hướng tiến lên CNXH ở khu vực này. Giới chiến lược quân sự Mỹ phát hiện thấy lúc này hướng yếu nhất trong chiến lược của Mỹ ở châu Á là Đông Nam Á, một khu vực rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Nam. Đây là vùng kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong văn kiện NSC51 nhan đề “Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á” do Bộ ngoại giao Mỹ trình lên Hội đồng an ninh quốc gia ngày 1/7/1949, có đánh giá: “ở Đông Dương, chính sách của Pháp là đánh chiếm lại, v.v…nhưng Pháp không thể dùng biện pháp quân sự để tiêu diệt Việt

Minh, tình hình Đông Dương đang xấu đi rất nhiều. Cộng sản chiếm vị trí khống chế trong phong trào dân tộc…” [8;tr.93] Sau đó, Tổng thống Truman đã phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, trong đó nhấn mạnh “cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương” [8;tr.94].

Đông Nam Á trở thành chiến trường quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Chiến lược ngăn chặn ở Đông Nam Á coi như chính thức bắt đầu từ đó và Đông Dương trở thành trọng điểm của chiến lược Đông Nam Á của Mỹ. Theo Mỹ bảo vệ thành công Bắc Kì Việt Nam là chìa khóa để giữ cho lục địa Đông Nam Á ở trong tay các lực lượng không cộng sản. Vì vậy, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

Từ đầu năm 1954, tình hình quân sự của Pháp ở Đông Dương ngày càng xấu đi thì Mỹ tích cực nghiên cứu vấn đề can thiệp vào Đông Dương. Trong bản nghiên cứu của “Ủy ban đặc biệt về mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản” từ 30-1 đến ngày 5-4-1954 ghi:

1. Chính sách của Mỹ là không chấp nhận điều gì khác ngoài một thắng lợi quân sự ở Đông Dương.

2. Lập trường của Mỹ là tranh thủ sự ủng hộ của Pháp đối với lập trường này, nếu không được như vậy, thì Mỹ sẽ kiên quyết phản đối mọi thương lượng tại Genève.

3. Trong trường hợp không thực hiện được hai điều nói trên thì Mỹ đề ra các biện pháp cấp bách với chính phủ các nước liên kết, nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh ở Đông Dương mà không có sự ủng hộ của Pháp nếu cần thiết. Giữa Mỹ và Pháp đã xuất hiện bất đồng, vì người Mỹ cảm thấy chua chát khi tiền và trang thiết bị mà họ cung cấp cho Pháp có nguy cơ mất trắng như đã xảy ra với Tưởng Giới Thạch. Vì vậy giới cầm quyền Mỹ đến dự hội nghị Genève chủ yếu chỉ nhằm phá đám”. [8;tr.162- 163].

Sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ lo sợ chạm trán với Trung Quốc ở Đông Dương, Mỹ vận động thành lập khối quân sự Đông Nam Á nhưng cả Anh và Pháp đều không đồng ý thành lập trước Hội nghị Genève. Đến tháng 2-1954, Mỹ buộc

phải đồng ý triệu tập Hội nghị quốc tế ở Genève để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên và thảo luận vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Mỹ đến Hội nghị với thái độ chống đối việc giải quyết hòa bình về vấn đề Đông Dương. Với Bản chỉ thị ngày 12/5/1954 của Chính phủ Mỹ cho phái đoàn đại biểu của họ tại Hội nghị Genève ghi rõ: “Mỹ không sẵn sàng bày tỏ ý kiến tán thành hoặc ngấm ngầm chấp nhận bất cứ sự đình chiến, sự ngừng bắn hay bất kì một giải pháp nào…”.[44;tr.494 - 495]. Để mở đường cho Mỹ thay chân Pháp, phá hoại hiệp định Genève, ngày 22/7/1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố: Hoa Kỳ không tham dự vào những nghị quyết của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy. Vì vậy, sau thất bại của Pháp ở Đông Dương, Mỹ ráo riết tập hợp lực lượng nhằm thực thi chiến lược ngăn chặn ở Đông Nam Á. Do đó, Mỹ chỉ thay âm mưu đưa quân vào Đông Dương cứu nguy cho thực dân Pháp bằng quyết định gạt Pháp sang một bên, trực tiếp nhảy vào miền Nam Việt Nam, thực thi chính sách xâm lược thực dân kiểu mới, dựng lên ở đây một chính quyền, một quân đội tay sai do tập đoàn Ngô Đình Diệm cầm đầu, hòng biến miền Nam thành căn cứ quân sự để chống lại Liên Xô, Trung Quốc, chống nhân dân Việt Nam, mà Mỹ cho là “sự bành trướng” của chủ nghĩa cộng sản.

Một phần của tài liệu Luận văn: Việt Nam trong quan hệ quốc tế thời kì 1954 – 1975 (Trang 30)