Tiểu kết chương
2.4. Quan hệ Xô – Trung
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Chiến tranh Lạnh nổ ra giữa hai khối Đông và Tây, đứng đầu là Mỹ và Liên Xô. Đây là cuộc chiến tranh mang tính toàn cầu vì nó lôi kéo mọi đối tượng tham gia như Mỹ, Liên Xô, các nước đồng minh của hai siêu cường và thế giới thứ ba. Chiến tranh Lạnh làm cho quan hệ quốc tế trong thời gian này trở nên căng thẳng. Do chịu sự chi phối của ý thức hệ nên cả hai cường quốc đều muốn ra sức mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở những khu vực mà có thể xây dựng và duy trì chế độ giống mình.
Tháng 10 năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời khi chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã triển khai trên tất cả mọi phương diện. Lãnh đạo
Trung Quốc xuất phát từ mục tiêu căn bản - lợi ích quốc gia để hoạch định và thực hiện chiến lược đối ngoại với Mỹ và Liên Xô, đặc biệt là Liên Xô - đồng minh của Trung Quốc sau này.
Trong những năm mới giành được chính quyền, Trung Quốc còn nhiều khó khăn, phải dựa vào Liên Xô để thực hiện kế hoạch năm năm đầu tiên và viện Triều chống Mỹ. Vì vậy, họ ra sức tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô để xây dựng đất nước và để đối phó với sự đe dọa của đế quốc Mỹ. Đầu những năm 50 là thời kì quan hệ Xô – Trung diễn ra hết sức tốt đẹp.
Cách mạng Trung Quốc thành công, hệ thống các nước XHCN hình thành một dải nối liền từ Trung Âu sang Viễn Đông. Liên Xô trước nay chống chọi với Mỹ và NATO mà chưa có một hậu phương, một đồng minh lớn mạnh. Các nước dân chủ nhân dân Đông Âu đều là những nước nhỏ và nghèo. Nay Trung Quốc trở thành một nước XHCN, vị thế của Liên Xô được nâng cao và vững vàng hẳn lên. Liên Xô có một nước đồng minh vĩ đại, đông dân, lực lượng quân sự hùng hậu. Để củng cố vị thế này, Liên Xô làm mấy việc lớn:
Một là, chính thức kí kết hiệp ước đồng minh tương trợ với Trung Quốc. Hai nước quan hệ với nhau có nền tảng pháp lý (14/2/1950). Theo hiệp ước, Liên Xô trao lại cho Trung Quốc toàn bộ vùng Đông Bắc (Mãn Châu) và cảng Lữ Thuận. Đồng thời, Liên Xô hứa giúp Trung Quốc về kinh tế, kĩ thuật, tài chính.
Hai là, trên thế mạnh, Liên Xô xúc tiến thành lập khối Vacsava (1955) để đối chọi với khối NATO thành lập từ năm 1949.
Ba là, khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra (tháng 6/1950), Mỹ phải trực tiếp tham chiến ở Viễn Đông, không còn khả năng uy hiếp Liên Xô ở phía Tây. Chiến tranh Triều Tiên uy hiếp Trung Quốc nên Trung Quốc buộc lòng phải đưa quân sang Triều Tiên. Liên Xô lo chi viện vũ khí, hậu cần. Cuộc chiến tranh Triều Tiên làm cho chiến tranh lạnh từ châu Âu lan sang Viễn Đông. Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên, bảo trợ cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, từ nay Trung Quốc trở thành nước có vai trò quan trọng nhất ở châu Á và Viễn Đông.
Bốn là, Liên Xô phối hợp với Trung Quốc giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Từ năm 1945, Liên Xô chưa công nhận, chưa có quan hệ với Việt Minh, với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đảng cộng sản Đông Dương. Từ cuối 1949, tình thế đã khác, Pháp vào NATO, Liên Xô không còn bị ràng buộc với hiệp ước Pháp – Nga kí từ ngày 10/12/1944 [53;tr.104].
Liên Xô đi những nước cờ trên đây với những tính toán rất xa và rộng: tăng thêm tiềm lực của Liên Xô, củng cố mặt trận đồng minh, đề cao vị thế trong phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ được lực lượng trung gian là các nước dân tộc dân chủ nhân dân, các nước không liên kết, làm suy yếu hàng ngũ đế quốc, trước hết là Mỹ.
Chính vì vậy, thời kì này, lợi ích của Trung Quốc hợp với lợi ích của Liên Xô, nên giữa hai Đảng và hai nước có sự thông cảm.
Cuối năm 1950, Trung Quốc đã xây dựng thắng lợi cơ sở bước đầu của CNXH với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác và sau chiến tranh Triều Tiên, Mao Trạch Đông đã rút ra kết luận rằng chủ nghĩa đế quốc không có khả năng đe dọa trực tiếp Trung Quốc nữa. Hơn nữa, sau Genève, Trung Quốc trở thành một nước lớn, Trung Quốc muốn tách khỏi sự bảo trợ của Liên Xô, giành vị thế độc lập, bình đẳng, và xa hơn là vươn lên giành lấy vị thế lãnh đạo cách mạng thế giới. Từ đây quan hệ Xô – Trung bắt đầu có mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn về ý thức hệ một phần, phần chủ yếu là mâu thuẫn về lợi ích dân tộc, lợi ích quyền lực nước lớn. Như vậy, sự chia rẽ bắt đầu vào cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, lên đến đỉnh điểm vào năm 1969 và diễn tiến theo nhiều hướng khác nhau cho đến cuối những năm 80.
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cả Liên Xô và Trung Quốc đều giúp đỡ Việt Nam chống lại kẻ thù chung là Mỹ nhưng lại có mâu thuẫn sâu sắc với nhau. Thông qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cả Liên Xô và Trung Quốc đều muốn tranh thủ Việt Nam nhằm khẳng định đường lối và vị trí của mình. Một trong những lí do chính để Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ Việt Nam là muốn chứng tỏ mình là nước XHCN đích thực, mong muốn chứng tỏ vị trí tiên phong và lãnh đạo của mình trong phong trào giải phóng dân tộc của các nước thế giới thứ ba, lôi kéo Việt Nam về phe mình.
Từ năm 1960 trở đi, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc xấu đi một cách nghiêm trọng, mâu thuẫn trở nên công khai, báo chí hai nước lên tiếng tố cáo lẫn nhau. Năm 1960, Trung Quốc công bố văn kiện “Chủ nghĩa Mác - Lênin muôn năm”, Liên Xô cắt viện trợ cho Trung Quốc và rút chuyên gia về nước. Từ năm 1961-1962, mâu thuẫn đã ở mức căng thẳng với xung đột biên giới làm cho 5.000 người Trung Quốc bị thiệt mạng. Năm 1963, tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc đã có 9 bài xã luận đả kích và phê phán đường lối của Liên Xô. Các cuộc thương lượng từ tháng 3 đến tháng 10/1964 giữa hai nước rốt cuộc vẫn không giải quyết được bất đồng. Sau năm
1966, quan hệ Xô - Trung tiếp tục giảm sút nghiêm trọng. Hơn thế nữa, cả hai nước bắt đầu tập trung một lực lượng lớn quân đội tại khu vực biên giới chung. Lãnh đạo hai nước thậm chí chính thức kêu gọi quân và dân sẵn sàng bảo vệ biên giới nước mình. Thêm vào đó, xảy ra những sự kiện như: Sinh viên Trung Quốc ở Moscow biểu tình bị ngăn chặn (15/1/1967); Đại sứ quán Liên Xô ở Trung Quốc bị Hồng vệ binh đập phá, vây hãm (12/1/1967 và 26/1/1967)... Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao hai nước liên tục gửi công hàm tố cáo lẫn nhau. Đỉnh cao của sự bất đồng là xung đột biên giới nổ ra nhiều lần trong năm 1969, quan hệ giữa hai nước đã mang tính chất thù địch rõ rệt. Báo cáo chính trị Đại hội IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (4/1969) gọi Liên Xô là “bọn xét lại” và coi Liên Xô đồng lõa với đế quốc Mỹ, tuyên bố “một thời kỳ mới chống bọn đế quốc Mỹ và bọn xét lại Liên Xô bắt đầu”. Tuy báo cáo của Đại hội vẫn xếp Liên Xô sau Mỹ trong hàng ngũ kẻ thù, nhưng lúc này Trung Quốc đã xem Liên Xô còn nguy hiểm hơn Mỹ, vì cho rằng Liên Xô đang thi hành chính sách bá quyền nước lớn đối với các nước khác.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành “điểm nóng”, liên quan đến lợi ích của các cường quốc đại diện cho quyền lực của thế giới. Chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những tiêu điểm thể hiện đối sách của mỗi nước. Trong tính toán chiến lược của mình, vấn đề Việt Nam được cả Liên Xô và Trung Quốc “cân nhắc” sao cho mỗi bước đi đều phù hợp với lợi ích chiến lược của mỗi bên. Lá bài Việt Nam trở nên nặng ký, mà cả Liên Xô và Trung Quốc đều muốn có trong tay để sử dụng trong các cuộc thương thuyết bí mật với Mỹ, phục vụ lợi ích quốc gia của mình. Vì vậy trong từng giai đoạn, Liên Xô và Trung Quốc toan tính và thái độ khác nhau đối với vấn đề Việt Nam.
Sau hiệp định Genève, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam biến thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, dưới sự cai quản của chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên. Tiến trình thống nhất đất nước bằng bầu cử bị phá hoại, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc giúp củng cố chính quyền ở miền Bắc với mục đích sẽ thực hiện thống nhất đất nước bằng con đường đấu tranh vũ trang. Trung Quốc và Liên Xô đã có
quan điểm khác nhau về vấn đề thống nhất Việt Nam. Liên Xô đề ra nguyên tắc “chung sống hòa bình”, muốn có sự chung sống giữa hai nhà nước Việt Nam và thống nhất bằng con đường hòa bình qua trưng cầu dân ý. Trung Quốc trong những năm đầu sau Hiệp định Genève cũng gần quan điểm với Liên Xô. Năm 1956, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những lãnh đạo Việt Nam: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kì…Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm” [17;tr.37], năm 1957, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài sẽ tốt” [17;tr.37]. Thủ tướng Chu Ân Lai trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-1956 đã bày tỏ quan điểm
“ủng hộ công cuộc kiến thiết kinh tế của nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh giành thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình” [43;tr.179]. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chỉ muốn Việt Nam tập trung vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc để biến miền Bắc thành tấm gương thu hút, gây ảnh hưởng đối với miền Nam, để miền Nam tự nguyện đi theo con đường XHCN. Thực tế là những nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì lâu dài hiện hai miền Nam – Bắc Việt Nam, công nhận Chính phủ VNDCCH và Việt Nam Cộng Hòa song song tồn tại, đồng thời khuyên Việt Nam “trường kì mai phục, tích trữ lương thực, liên hệ quần chúng” [17;38]. Sở dĩ Trung Quốc có quan điểm này là vì họ e ngại nếu Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam thì chiến tranh sẽ lan rộng ra miền Bắc và Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp ở miền Nam. Điều đó sẽ làm thay đổi cục diện thế quân bình mà Trung Quốc đang muốn duy trì ở khu vực châu Á. Thực chất là Trung Quốc không muốn có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và hùng mạnh vì điều đó sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu, chi phối các nước Đông Nam Á. Từ năm 1964, Trung Quốc thay đổi quan điểm, chuyển sang ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang chống Mỹ. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết là những thay đổi theo hướng ngày càng xấu đi trong quan hệ Xô – Trung đã khiến Trung Quốc tìm cách lôi kéo Việt Nam về phía mình để chống lại Liên Xô. Mặt khác, việc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày
5/8/1964) khiến Trung Quốc lo ngại chiến tranh lan rộng ra miền Bắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh Trung Quốc ở khu vực phía Nam.
Năm 1960 cũng là thời điểm đánh dấu sự tan vỡ của quan hệ Xô – Trung. Trước năm 1960, Liên Xô giúp Việt Nam ở mức độ hạn chế vì Liên Xô chưa quan tâm nhiều đến vấn đề Đông Nam Á. Khi đó, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn hơn đối với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á. Từ năm 1961, Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn, gửi thêm cố vấn quân sự đến Việt Nam. Trung Quốc đã phản ứng, tiếp tục ủng hộ Việt Nam kháng chiến và tỏ ý Trung Quốc sẽ không đem quân vượt biên giới để Mỹ yên tâm với cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc có chính sách hai mặt, vừa gắng giúp Việt Nam chống Mỹ đồng thời lại bật đèn xanh để Mỹ mở rộng xâm lược Việt Nam. Đây là ý đồ thâm độc của chính quyền Bắc Kinh. Phía Liên Xô tiếp tục tìm cách tránh xung đột trực tiếp với Mỹ.
Năm 1964, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh. Tháng 2 năm 1965, Mỹ đã gia tăng các cuộc không kích đối với miền Bắc, đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam càng trở nên khó khăn. Trung Quốc tăng cường ủng hộ Việt Nam nhằm tranh thủ Việt Nam, cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong cuộc tranh cãi và cạnh tranh, Trung Quốc đã chứng minh và dẫn chứng thuyết phục nhất chính là sự ủng hộ dành cho Việt Nam. Trong khi đó, kể cả khi Khrushchev bị hạ bệ, người đứng đầu của Liên Xô là Brezhnev vẫn tuyên bố chính sách hòa bình của người tiền nhiệm. Trước năm 1964, Liên Xô chủ yếu vẫn là một quan sát viên trước những diễn biến ở Việt Nam: luôn tuyên bố ủng hộ, luôn bày tỏ sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thắng, luôn nhắc nhở sự chấm dứt can thiệp của Mỹ ở Việt Nam là cần thiết cho hòa bình ở Đông Nam Á, nhưng cố tránh những cuộc tiếp xúc trực tiếp ở cấp độ nhà nước với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam [58;tr.36].
Từ năm 1965, Liên Xô khôi phục chính sách châu Á, thái độ đối với Việt Nam đã thay đổi, nhằm mở rộng ảnh hưởng trong cuộc chạy đua Trung – Xô. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, khiến Liên Xô phải có thái độ rõ ràng hơn giữa hai vấn đề: chung sống hòa bình và uy tín trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Liên Xô
không muốn Trung Quốc nắm độc quyền vấn đề Việt Nam phục vụ cho những mục đích chống lại Liên Xô, muốn ủng hộ Việt Nam để tập hợp lực lượng đấu tranh với tập đoàn Mao và tiếp tục tranh thủ thời cơ mở rộng ảnh hưởng trên thế giới. Liên Xô cũng nhận thấy phải tất yếu giúp đỡ Việt Nam vì đó là nghĩa vụ quốc tế, cũng là hành động cần thiết để chống Trung Quốc.
Đầu năm 1965, Thủ tướng mới của Liên Xô là Kossygin lần lượt đến thăm: Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng. Hoạt động ngoại giao con thoi này nhằm hai mục đích: hàn gắn quan hệ Xô – Trung và ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Ngày 10-2-1965, hiệp ước hỗ trợ kinh tế - quân sự Xô – Việt được kí kết. Liên Xô từ bỏ cố gắng tìm giải pháp chính trị, đã tích cực hơn trong việc giúp Việt Nam xây dựng và trang bị lực lượng quân sự mạnh để có thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, giảm bớt vai trò của Trung Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên để chuyển viện trợ hàng từ Liên Xô sang Việt Nam thì con đường gần nhất là qua Trung Quốc. Trung Quốc phản đối nhằm hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô đối với Việt Nam. Sau quá trình thương lượng, dưới tác động của đề nghị từ phía Việt Nam, Trung Quốc chấp nhận đề nghị cho viện trợ của Liên Xô quá cảnh sang Trung Quốc. Viện trợ này từ đây tăng lên hàng năm.
Sự thay đổi thái độ của Liên Xô và Trung Quốc trong một số vấn đề liên quan đến Việt Nam là nhằm đấu tranh với nhau, lôi kéo và giành ảnh hưởng ở Việt Nam. Liên Xô với những lỗ lực viện trợ, giành được những vị thế ở Việt Nam. Nhưng những ảnh hưởng của Trung Quốc và sự khác biệt trong quan điểm về các nước tư