- Môi trường kinh tế không ổn định: Từ năm 2008 trở đi tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động theo chiều hướng không ổn định (khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước tăng trưởng thấp, lạm phát cao…) đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn: chi phí đầu vào tăng cao, hàng tồn kho nhiều, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá bán giảm, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu (cà phê, gạo, thủy sản, may mặc, gỗ…) đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ dẫn đến phá sản, khả năng trả nợ cho ngân hàng không đảm bảo làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.
- Môi trường pháp lý chưa thuận lợi:
+ Hiện nay có nhiều luật (Luật các TCTD, Luật Dân sự, Luật tố tụng dân sự… ) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, tuy nhiên
trong quá trình thực hiện còn chậm và nhiều chồng chéo, kém hiệu quả gây khó khăn cho các ngân hàng. Ví dụ theo quy định, ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm nợ vay khi khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng, tuy nhiên trong thực tế khi khách hàng đã vi phạm hợp đồng tín dụng thì phần lớn khách hàng không tự nguyện giao tài sản để ngân hàng xử lý. Khi đó ngân hàng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục khởi kiện, thời gian kể từ ngày nhận đơn đến khi thi hành án theo quy định mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng khoản vay và khả năng thu hồi vốn của ngân hàng. Thực tế có vụ khiếu kiện thông thường mất từ 1 đến 2 năm làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ vay và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
+ Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thanh tra ngân hàng và đảm bảo an toàn hệ thống chưa có sự cải thiện đáng kể về chất lượng. Năng lực cán bộ thanh tra, giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu và theo kịp với tính chất ngày càng phức tạp của các nghiệp vụ kinh doanh và công nghệ ngân hàng. Nội dung và phương pháp thanh tra, giám sát chậm sửa đổi và cải tiến để phù hợp với tình hình mới. Thanh tra tại chỗ vẫn là phương pháp chủ yếu, khả năng giám sát từ xa nhằm phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn xử lý rủi ro còn nhiều hạn chế. Thanh tra ngân hàng còn hoạt động theo hướng xử lý vụ việc đã phát sinh, ít có khả năng cảnh báo, ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro và vi phạm. Do vậy có những sai phạm của các NHTM không được thanh tra NHNN cảnh báo, có biện pháp ngăn chặn từ đầu, để đến khi hậu quả nặng nề đã xảy ra rồi mới can thiệp. Hàng loạt các sai phạm trong hoạt động cho vay, bảo lãnh ở một số NHTM dẫn đến những rủi ro rất lớn, có nguy cơ đe dọa sự an toàn của cả hệ thống lẽ ra có thể đã được ngăn chặn ngay từ đầu nếu bộ máy thanh tra phát hiện và xử lý sớm hơn.
- Môi trường cạnh tranh của hoạt động ngân hàng: Với số lượng ngân hàng khá
nhiều như hiện nay (35 NH cổ phần, 4 NH liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài và 50 chi nhánh NH nước ngoài) đã làm cho sự cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau
ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài ra, trong thời gian qua các ngân hàng đã không ngừng tăng vốn điều lệ với quy mô lớn, ngoài mục đích đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới của NHNN, các ngân hàng này còn muốn tận dụng lợi thế kinh tế về quy mô trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đó cũng là áp lực rất lớn buộc họ phải tìm đầu ra hiệu quả nhằm đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu vẫn giữ được ở mức cao. Chính vì áp lực đó cho nên tín dụng vẫn luôn là giải pháp đầu ra hàng đầu được các ngân hàng nhắm đến và bắt đầu một cuộc cạnh tranh gay gắt, đôi khi dẫn đến không lành mạnh xảy ra giữa các ngân hàng. Bên cạnh đó, các sản phẩm tín dụng các ngân hàng cung cấp cho thị trường vẫn chưa có sự đa dạng và phong phú mà chủ yếu vẫn là các sản phẩm tín dụng truyền thống và hầu như không có sự khác nhau giữa các ngân hàng. Trong điều kiện sản phẩm tín dụng giống nhau, thị trường có hạn và tốc độ tăng ở mức vừa phải, để có thể giữ vững và chiếm lĩnh thị phần buộc các ngân hàng phải giành lấy khách hàng của nhau và muốn làm được như vậy thì phải nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, tăng ưu đãi cho khách hàng (cấp tăng hạn mức tín dụng, thời gian cho vay dài, tăng tỷ lệ cho vay đối với TSBĐ, rút ngắn thời gian thẩm định, giảm tần suất kiểm tra, lãi suất thấp…) đã làm giảm khả năng kiểm soát của ngân hàng, tăng mức độ rủi ro và làm giảm chất lượng tín dụng. Đã có không ít trường hợp ngân hàng phải gánh chịu tổn thất với những khách hàng mang về từ các ngân hàng khác, khi những ưu đãi được nâng lên quá mức, vượt giới hạn an toàn và khi rủi ro phát sinh đã không thu được nợ.
- Hệ thống thông tin quản lý còn bất cập: Thông tin mà các ngân hàng thương mại cập nhật về khách hàng vay vốn hiện nay chủ yếu là từ khách hàng và từ trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng (CIC). Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động (kể từ năm 1999), CIC đã góp phần tích cực bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng; ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Bên cạnh những kết quả đạt được, CIC hiện nay chưa cập nhật được thông tin như mong đợi của các ngân hàng. CIC chỉ thể hiện số dư nợ và nhóm nợ, không cập nhật tình
hình tài chính, tổng hạn mức tín dụng tại các TCTD, các thông tin chi tiết về TSBĐ, về các khoản nợ xấu…vì vậy không giúp cho các ngân hàng có nhiều thông tin để sàn lọc khách hàng và hạn chế rủi ro. Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng thương mại đánh giá xếp hạng khách hàng theo nhiều phương pháp khác nhau, có ngân hàng thực hiện theo điều 6, có ngân hàng thực hiện theo điều 7 của quyết định 493 do đó cùng một khách hàng có nhiều kết quả xếp hạng khác nhau. Điều này CIC không ghi chú rõ ràng, đôi khi gây khó khăn cho ngân hàng và khách hàng trong quá trình quan hệ tín dụng.
Kết luận chương 2
Trong chương 2, luận văn đã đi sâu phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh cũng như thực trạng chất lượng hoạt động tín dụng tại OCB trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích và đánh giá hệ thống số liệu thực tế tình hình tín dụng, cũng như kết quả khảo sát thu được từ các bộ phận trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng tại OCB, đề tài đã xác định được những kết quả đạt được cần tiếp tục duy trì và thực hiện, cũng như những hạn chế, tồn tại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động tín dụng. Qua đó xác định một số nguyên nhân chủ yếu gây ra những tồn tại đó để trong thời gian tới OCB có những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển an toàn, ổn định.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP PHƯƠNG ĐÔNG