Đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro cho ngân hàng nếu cán bộ tín dụng và các bộ phận có liên quan thực hiện nó một cách nghiêm túc với chất lượng cao. Nhưng thực tế hiện nay việc kiểm tra, giám sát khách hàng là khâu yếu nhất trong toàn bộ quy trình cho vay của ngân hàng vì sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của cán bộ nghiệp vụ.
Quá trình kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt ở những thời điểm nhạy cảm như: ngay sau khi giải ngân; khi thị trường có sự biến
động về sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng đang kinh doanh; kết thúc năm tài chính; thanh lý hợp đồng vay; khi tiền bán hàng về; khi khách hàng có hiện tượng chậm trả gốc, lãi; khi khách hàng tăng, giảm vốn điều lệ hay có những thông tin bất thường liên quan đến khách hàng; … Việc kiểm tra, giám sát khách hàng kịp thời, nhanh chóng sẽ giúp cho ngân hàng kiểm soát được tình hình và nhanh chóng đưa ra những giải pháp hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khách hàng cũng sẽ hạn chế được ý đồ không trung thực, lừa gạt của khách hàng đối với ngân hàng trong suốt quá trình vay vốn.
Việc kiểm tra, giám sát khách hàng phải được lập thành văn bản và có đầy đủ chữ ký của khách hàng và cán bộ thực hiện kiểm tra. Các nội dung kiểm tra phải được thực hiện đầy đủ, trung thực phản ánh chính xác tình hình thực tế của khách hàng tại thời điểm kiểm tra, những thuận lợi, khó khăn và rủi ro tiểm ẩn là những nội dung cần được quan tâm, đặc biệt cán bộ kiểm tra phải có kết luận hay ý kiến đề xuất với lãnh đạo ngân hàng đối với khách hàng này sau khi đã tiến hành kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính trung thực của biên bản kiểm tra cũng như kết luận hay ý kiến đề xuất của mình.