1.3.1.1 Kinh nghiệm các ngân hàng tại Mỹ
Cuối những năm 90 các ngân hàng Mỹ chịu áp lực từ sự gia tăng rủi ro tín dụng. Với sự cạnh tranh khốc liệt để có được những khoản cho vay trong suốt thời kỳ kinh tế
tăng trưởng, các ngân hàng đã phải chấp nhận các khoản tín dụng có chất lượng thấp hơn, chiến lược đó đã làm cho khối lượng các khoản vay không được thanh toán đúng hạn đã tăng 7,5 tỷ USD từ quý 4 năm 1997 lên mức 17,7 tỷ USD vào quý 3 năm 2000. Từ quý 3 năm 1999 đến quý 3 năm 2000, các khoản vay không có dự phòng đã tăng 25,9%, các khoản vay quá hạn đã tăng 16,5% và các khoản vay quá hạn trong ngành thương mại và công nghiệp đã tăng 43,7%. Những có số này đã chỉ ra rằng việc hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay và bảo lãnh là do các ngân hàng chỉ tập trung vào doanh thu.
Sự lo ngại làm cho các ngân hàng trở nên cẩn trọng hơn với các khoản tín dụng mới và cũng yêu cầu cao hơn đối với các khách hàng hiện tại. Họ vẫn muốn cho vay tiền, nhưng với các điều kiện chặt chẽ hơn. Thậm chí cho dù Cục dự trữ liên bang đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, thì lãi suất mà hầu hết các công ty đi vay phải chịu cũng sẽ hạ không đáng kể. Thêm vào đó, việc cho vay cũng sẽ bị kiểm soát.
Các ngân hàng Mỹ coi sự trao đổi thường xuyên giữa khách hàng và ngân hàng về tình hình kinh doanh, các cơ hội cũng như khó khăn sẽ giúp ngân hàng hiểu rõ khách hàng hơn. Số lần các cuộc gặp nên diễn ra đều đặn hơn để ngân hàng có thể hiểu hơn về khách hàng. Các ngân hàng Mỹ cũng đánh giá rất cao vai trò của kế hoạch kinh doanh của khách hàng. Họ cho rằng kế hoạch kinh doanh hay chiến lược là một công cụ hữu hiệu để giúp ngân hàng hiểu thấu đáo và có cái nhìn toàn diện về công việc mà khách hàng đang tiến hành. Để đưa ra những quyết định cho vay kịp thời và hiệu quả, các ngân hàng rất cần các thông tin tài chính chính xác. Nguồn trả nợ quan trọng nhất của bất cứ khoản vay nào cũng là dòng tiền của doanh nghiệp. Việc cung cấp kịp thời các báo cáo tài chính đầy đủ và hoàn thiện, dự đoán trước các luồng tiền và các khoản hoàn thuế là rất quan trọng để đánh giá khả năng trả nợ của người đi vay. Các báo cáo tài chính không kịp thời hoặc không hoàn thiện sẽ làm cho các ngân hàng nghi ngờ.
Các ngân hàng Mỹ cho rằng tài sản thế chấp (thiết bị, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định…) là cần thiết. Giá trị các khoản vay sẽ tương ứng với giá trị đã khấu hao của tài sản thế chấp. Để thường xuyên nắm vững và cập nhật về giá trị tài
sản bảo đảm, ngân hàng yêu cầu cung cấp danh sách hàng tồn kho hàng tháng hoặc hàng quý và/hoặc thời gian của các khoản phải thu. Trong phần lớn các trường hợp, chủ doanh nghiệp sẽ được yêu cầu cung cấp đảm bảo của cá nhân đối với các khoản nợ của doanh nghiệp và ngân hàng có quyền bảo lưu nắm giữ các tài sản này để thế chấp hóa việc đảm bảo.
Bằng việc cung cấp cho ngân hàng các thông tin tài chính kịp thời, các tài sản thế chấp đầy đủ và các điều kiện để theo dõi giá trị tài sản thế chấp, hạn mức cho vay của ngân hàng sẽ rộng rãi hơn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năm 2008 khủng hoảng tài chính bắt đầu bùng phát, hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã chịu những ảnh hưởng nặng nề và hàng loạt các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn bị sụp đổ và phải sáp nhập như: Lehman Brothers, Merrill Lynch, Bear Stearns…mà nguyên nhân khởi nguồn là do cho vay dưới chuẩn, quá tập trung vào ngành bất động sản và thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ.