5. Kết cấu đề tài
2.2.5.1. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
Do đặc điểm của hợp đồng franchising là hợp đồng song vụ, vì vậy quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ này sẽ tương ứng với nhau việc phân tích nghĩa vụ của mỗi bên từ đó chúng ta có thể suy ra được quyền của chủ thể bên kia.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền Quyền của bên nhượng quyền
- Bên nhượng quyền có quyền được thanh toán đầy đủ theo quy định của hợp đồng
và hưởng quyền, lợi ích khác theo thỏa thuận trong hợp đồng. Khi quyền thương mại đối với đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển nhượng cho bên nhận quyền, thì bên nhượng quyền có quyền yêu cầu bên nhận quyền được thanh toán đầy đủ các khoản chi phí theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận, để đảm bảo cho quá trình hoạt động của bên nhượng quyền được tiếp tục tiến hành.
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp được nhượng quyền. Đây là quyền năng đặc trưng của mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Hệ thống hoạt động hiệu quả và thống nhất hay không phần lớn là nhờ quyền năng được kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu đối tượng được nhượng quyền đối với các bên nhận quyền. Bên nhượng quyền còn lập hẳn một đội kiểm tra có thể tiến hành kiểm tra các hoạt động nhận quyền một cách thường xuyên theo định kỳ hoặc bất ngờ. Vì quy định này giúp cho bên nhượng quyền nắm được tình hình của các bên nhận quyền, đảm bảo tính thống nhất để giữ vững và nâng cao uy tín của đối tượng của mình. Mặt khác, sẽ kịp thời phát hiện những khó khăn của bên nhận quyền để nhanh chóng có biện pháp giúp đỡ hỗ trợ kịp thời cũng như có những hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, quyền được kiểm tra còn hạn chế được những rủi ro do bên nhận quyền gây ra như: không tuân thủ các quy định, sử dụng sai các đối tượng nhượng quyền… để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Bên nhượng quyền còn có quyền yêu cầu bên nhận quyền áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhận quyền không thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Khi phát hiện được những khó khăn hoặc vi phạm của bên nhận quyền thì bên nhượng quyền có quyền yêu cầu phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, cũng như phải bồi thường thiệt hại. Qua đó, đảm bảo được chất lượng của đối tượng sở hữu công nghiệp vẫn được duy trì tốt và không làm ảnh hưởng đến uy tín của bên nhượng quyền.
Nghĩa vụ của bên nhượng quyền
- Nghĩa vụ nhượng quyền thương mại: Bên nhượng quyền có nghĩa vụ chuyển giao quyền thương mại đối với đối tượng sở hữu công nghiệp cho bên nhận quyền theo đúng thời hạn. Thời hạn nhượng quyền do các bên thỏa thuận, có thể nhượng quyền trước hoặc sau khi nhận tiền. Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thì bên nhượng quyền có quyền chuyển giao quyền thương mại bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên nhận quyền trước một thời gian hợp lý.
- Bên nhượng quyền có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được nhượng quyền là hợp pháp và không bị quyền của bên thứ ba hạn chế. Nếu có tranh chấp về quyền sở hữu đối với người thứ ba thì bên nhượng quyền phải chịu trách nhiệm giải quyết; hoặc phải bồi thường cho bên nhận quyền.
- Bên nhượng quyền có nghĩa vụ cung cấp cho bên nhận quyền những thông tin cần thiết về đối tượng được nhượng quyền và hướng dẫn cách sử dụng đối tượng đó. Đồng thời, bên nhượng quyền phải thông báo cho bên nhận quyền và áp dụng các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật làm cho quá trình chuyển nhượng không đạt yêu cầu quy định trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên nhận quyền, bên thứ ba do không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền
Quyền của bên nhận quyền
- Bên nhận quyền có quyền yêu cầu bên nhượng quyền cung cấp những vấn đề liên
quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp được nhượng quyền. Đây là yêu cầu chính đáng mà bên nhận quyền được hưởng khi tham gia vào mối quan hệ này. Vì thế, quyền yêu cầu bên nhượng quyền cung cấp thông tin và trợ giúp kỹ thuật về đối tượng nhượng quyền là nghĩa vụ của bên nhượng quyền; nhằm đảm bảo cho quá trình hoạt động diễn ra một cách đồng bộ và không gây khó khăn, trở ngại khi sử dụng đối tượng này.
- Bên nhận quyền còn có quyền yêu cầu bên nhượng quyền áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhượng quyền không thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Khi bên nhượng quyền không thực hiện đúng nghĩa vụ thì cần phải tiến hành các biện pháp khắc phục nhanh chóng, để đảm bảo sự phát triển của cả hệ thống.
Nghĩa vụ của bên nhận quyền
- Bên nhận quyền có nghĩa vụ thanh toán tiền đúng thời hạn theo theo thỏa thuận của hai bên. Đây được xem là nghĩa vụ quan trọng, vì bên nhận quyền muốn tiến hành kinh doanh cùng với việc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được nhượng quyền thì bắt buộc phải trả phí cho bên nhượng quyền. Nếu chậm thanh toán thì phải chịu trách nhiệm trả lãi theo lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có.
- Bên nhận quyền phải giữ bí mật thông tin về đối tượng sở hữu công nghiệp được nhượng quyền và các thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại theo yêu cầu của bên nhượng quyền. Theo đó, bên nhận quyền phải luôn giữ bí mật thông tin về đối tượng được nhượng quyền trong quá trình hoạt động và cả sau khi hợp đồng kết thúc hoặc chấm dứt. Điều này nhằm hạn chế hành vi vi phạm của bên nhận quyền trong trường hợp bên nhận quyền muốn chiếm đoạt bí quyết của bên nhượng quyền.
- Bên nhận quyền có nghĩa vụ chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của bên nhượng quyền, tuân thủ các yêu cầu mà bên nhượng quyền đưa ra. Để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong quá trình thực hiện thì bên nhận quyền phải có nghĩa vụ tuân thủ trung thành với mô hình, phương thức hoạt động của bên nhượng quyền; đồng thời, phải duy trì tiêu chuẩn về hình ảnh và chất lượng hàng hóa, dịch vụ của đối tượng được chuyển giao. Trong hợp đồng bên nhận quyền cần thỏa thuận về việc giám sát và kiểm tra của bên nhượng quyền phải phù hợp với tình hình thực tế để tránh sự lạm dụng quá mức quyền năng này của bên nhượng quyền.