3.1.2.1 Mục đích của chuẩn mực:
Chuẩn mực quy định nguyên tắc và phương pháp lập báo cáo, các thông tin tài chính theo bộ phận, lĩnh vực kinh doanh và các khu vực địa lý khác nhau của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người sử dụng BCTC:
Hiểu rõ tình hình hoạt động của các năm trước của doanh nghiệp Đánh giá đúng về những rủi ro và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp Đưa ra những giải pháp hợp lý về doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp cung cấp các nhóm sản phẩm và dịch vụ hoặc hoạt động trong các khu vực địa lý khác nhau có tỷ lệ sinh lời, cơ hội tăng trưởng, triển vọng và rủi ro khác nhau. Thông tin về các loại sản phẩm, dịch vụ tại các khu vực địa lý khác nhau được gọi là thông tin bộ phận. Thông tin bộ phận cần thiết cho việc đánh giá rủi ro và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp có cơ sở ở nước ngoài hoặc doanh nghiệp có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thông tin bộ phận cũng cần thiết cho người sử dụng BCTC
3.1.2.2 Phạm vi áp dụng
Chuẩn mực áp dụng cho các doanh nghiệp có chứng khoán trao đổi công khai và doanh nghiệp đang phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán
Khuyến khích các doanh nghiệp không phát hành hoặc không có chứng khoán trao đổi công khai áp dụng chuẩn mực này
3.1.2.3 Bộ phận cần báo cáo
Việc xác định bộ phận báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh hoặc theo khu vực địa lý phụ thuộc vào đánh giá của Ban giám đốc doanh nghiệp
Một bộ phận báo cáo là một bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hoặc một bộ phận theo khu vực địa lý thỏa mãn các điều kiện quy định như sau:
Bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh: Là một bộ phận có thể phân biệt được
của một doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ riêng lẻ, một nhóm các sản phẩm hoặc các dịch vụ có liên quan mà bộ phận kinh doanh này có rủi ro và lợi ích kinh tế khác với các bộ phận kinh doanh khác.
Các nhân tố cần xem xét để xác định sản phẩm và dịch vụ có liên quan hay không gồm:
Tính chất của hàng hóa và dịch vụ Tính chất của quy trình sản xuất
Kiểu hoặc nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ
Phương pháp được sử dụng để phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ Điều kiện của môi trường pháp lý như hoạt động ngân hàng, bảo hiểm hoặc dịch vụ công cộng
Bộ phận theo khu vực địa lý: Là một bộ phận có thể phân biệt được của
doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi một môi trường kinh tế cụ thể mà bộ phận này có rủi ro và lợi ích kinh tế khác với các bộ phận trong các môi trường kinh tế khác.
Các nhân tố cần xem xét để xác định bộ phận theo khu vực địa lý gồm: Tính tương đồng của các điều kiện kinh tế và chính trị
Mối quan hệ của những hoạt động trong các khu vực địa lý khác nhau Tính tương đồng của các hoạt động kinh doanh
Rủi ro đặc biệt có liên quan đến hoạt động trong một khu vực địa lý cụ thể Các quy định về kiểm soát ngoại hối
Các rủi ro về tiền tệ
3.1.2.4 Chính sách kế toán
Chính sách kế toán được sử dụng để lập BCTC của doanh nghiệp cũng là chính sách kế toán cơ bản để lập BCBP. Ngoài ra, chính sách kế toán để lập BCBP còn bao gồm các chính sách liên quan trực tiếp đến việc lập BCBP, như các nhân tố xác định bộ phận phải báo cáo, phương pháp định giá các giao dịch liên bộ phận, cơ sở phân bổ doanh thu và các chi phí vào các bộ phận
3.1.2.5 Xác định bộ phận
Một lĩnh vực kinh doanh hay khu vực địa lý cần được xác định là một bộ phận phải báo cáo khi phần lớn doanh thu phát sinh từ bán hàng ra ngoài đồng thời thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Tổng doanh thu của bộ phận từ việc bán hàng ra ngoài và từ giao dịch với các bộ phận khác phải chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu của tất cả bộ phận, hoặc
Kết quả kinh doanh của bộ phận này bất kể lãi (hay lỗ) chiếm từ 10% trở lên trên tổng lãi (hay lỗ) của tất cả các bộ phận có lãi (hoặc trên tổng lỗ của tất cả các bộ phận lỗ) nếu đại lượng nào có giá trị tuyệt đối lớn hơn, hoặc
Tài sản của bộ phận chiếm từ 10% trở lên trên tổng tài sản của tất cả các bộ phận
Đối với các bộ phận có mức dưới 10% theo quy định thì:
Bộ phận đó có thể báo cáo được mà không tính đến yếu tố quy mô nếu thông tin của bộ phận đó là cần thiết cho người sử dụng báo cáo tài chính
Nếu bộ phận đó có thể được kết hợp với các bộ phận tương đương khác, hoặc nếu các bộ phận còn lại được báo cáo thành một khoản mục riêng
Nếu tổng doanh thu bán hàng ra ngoài của doanh nghiệp được phân bổ cho các bộ phận có thể được báo cáo thấp hơn 75% tổng số doanh thu của các doanh nghiệp hoặc doanh thu của tập đoàn thì phải xác định thêm bộ phận cần báo cáo, kể cả khi bộ phận đó không đáp ứng được tiêu chuẩn 10%, cho tới khi đạt được ít nhất 75% tổng số doanh thu của doanh nghiệp hoặc tập đoàn được tính cho các bộ phận báo cáo được
3.1.2.6 Các thông tin bộ phận cần trình bày
Các thông tin cần trình bày với BCBP chính yếu bao gồm các thông tin như sau:
Doanh thu bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo. Doanh thu bộ phận từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng bên ngoài và từ các giao dịch với các bộ phận khác phải được báo cáo riêng biệt
Kết quả bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo.
Tổng giá trị còn lại của tài sản bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo Nợ phải trả bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo
Tổng chi phí đã phát sinh trong niên độ để mua TSCĐ. Tài sản bộ phận dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn một niên độ (TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình và các tài sản dài hạn khác) đối với mỗi bộ phận cần báo cáo
Tổng chi phí khấu hao TSCĐ và phân bổ chi phí trả trước dài hạn của bộ phận trong niên độ đã được tính trong chi phí để tính kết quả bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo
Các thông tin khuyến khích trình bày bao gồm:
Khuyến khích doanh nghiệp trình bày thêm các chỉ tiêu để đánh giá hoạt động của bộ phận: Lợi nhuận gộp trên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hoặc lợi nhuận trước hoặc sau thuế
Khuyến khích doanh nghiệp trình bày thêm các chỉ tiêu lãi hoặc lỗ thuần của bộ phận đó mà không có sự phân bổ tùy tiện và kèm theo những diễn giải phù hợp
Khuyến khích doanh nghiệp trình bày bản chất và giá trị của các khoản doanh thu và chi phí có quy mô, tính chất và phạm vi ảnh hưởng đáng kể mà phần thuyết minh này là phù hợp để giải thích được hoạt động trong niên độ của mỗi bộ phận cần báo cáo
Doanh nghiệp phải trình bày bảng đối chiếu giữa số liệu của bộ phận và số liệu tổng cộng trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất. Trong bảng đối chiếu này các số liệu không thuộc các bộ phận báo cáo phải được gộp vào một cột. Doanh nghiệp phải đối chiếu doanh thu bộ phận so với tổng doanh thu bán hàng ra bên ngoài. Trong đó nêu rõ số doanh thu bán hàng ra bên ngoài chưa được báo cáo ở bất kỳ bộ phận nào. Kết quả kinh doanh của bộ phận với tổng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp với lợi nhuận thuần của doanh nghiệp. Tài sản bộ phận phải được đối chiếu với tổng tài sản của doanh nghiệp. Nợ phải trả bộ phận phải được đối chiếu với nợ phải trả của doanh nghiệp
Doanh thu bộ phận bán hàng ra bên ngoài Tổng giá trị còn lại của tài sản bộ phận, và
Tổng chi phí phát sinh trong niên độ để mua TSCĐ, tài sản bộ phận dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn một niên độ
3.2 Mục tiêu khảo sát
Khảo sát việc lập và trình bày BCBP của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM. Thông qua đó đánh giá mức độ tuân thủ quy định của VAS 28 về BCBP. Đồng thời xác định các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ trình bày BCBP thông qua các chỉ tiêu về quy mô công ty, chủ thể kiểm toán, số năm hoạt động, tỷ suất sinh lời, đòn bẩy tài chính, mức tăng trưởng doanh thu, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp thông qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện việc trình bày BCBP của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM
3.3 Xây dựng các giả thuyết nghiên cứu
3.3.1 Biến phụ thuộc: Mức độ trình bày báo cáo bộ phận (SDI - Segment
Disclosure Index)
Mishari M. Alfaraih và Faisal S. Alanezi (2011) đã xây dựng chỉ số SDI dùng để đo lường mức độ công bố thông tin dựa trên các yêu cầu bắt buộc của IAS 14 nhằm đánh giá mức độ thực hiện BCBP của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Kuwait.
Dựa trên nghiên cứu đó, tác giả đo lường mức độ trình bày BCBP dựa vào các thông tin được trình bày trong BCBP trên cơ sở các yêu cầu của VAS 28. Thông tin này được trình bày càng nhiều càng tăng tính hữu ích cho nhà đầu tư. Nếu thông tin được trình bày sẽ nhận giá trị là 1, ngược lại nhận giá trị là 0. Mức độ trình bày BCBP dựa vào số điểm đạt được của BCBP, mỗi chỉ tiêu trình bày sẽ được tính một điểm. SDI là tổng số điểm mà BCBP đạt được.
Bảng 3.1 Các chỉ tiêu chính cần trình bày trong báo có bộ phận Trình bày Chỉ tiêu Bắt buộc Doanh thu Kết quả lãi/ lỗ Tài sản Nợ phải trả
Khấu hao TSCĐ và phân bổ chi phí trả trước dài hạn Chi phí mua TSCĐ phát sinh trong niên độ
Khuyến khích Thu nhập/ Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp Lợi nhuận sau thuế
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ VAS 28)
Đo lường mức độ trình bày BCBP bằng chỉ số công bố thông tin được tính cho mỗi công ty như sau:
Ij: Chỉ số công bố thông tin của công ty j, 0≤ Ij ≤1
dij: nhận giá trị là 1 nếu thông tin i được trình bày, nhận giá trị là 0 nếu thông tin i không được trình bày
nj: Số lượng mục thông tin mà công ty j có thể trình bày, n ≤ 8
3.3.2 Các biến độc lập của mô hình
Quy mô công ty (SIZE)
Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy có sự liên quan giữa quy mô công tyvới mức độ trình bày BCBP. Các công ty lớn thường có xu hướng trình bày nhiều thông tin trên báo cáo hơn các công ty nhỏ. Chavent et al (2006) nhận định, có ba nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ thuận chiều giữa quy mô công ty và mức độ trình bày BCBP. Thứ nhất, các công ty lớn bị ảnh hưởng của nhiều quy định
pháp lý và can thiệp của chính phủ hơn các công ty nhỏ. Thứ hai, chi phí thu thập thông tin của các công ty lớn sẽ cao hơn vì các công ty này có hệ thống báo cáo nội bộ chi tiết và đầy đủ hơn. Thứ ba, các công ty nhỏ thường có nhiều khả năng che giấu bớt các thông tin nhạy cảm vì nếu trình bày quá nhiều thông tin có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, các công ty lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán khi có nhu cầu huy động vốn từ thị trường chứng khoán bắt buộc phải trình bày nhiều thông tin hơn để thu hút vốn từ các nhà đầu tư.
H1: Quy mô công ty có mối quan hệ thuận chiều với mức độ trình bày BCBP
Chất lượng công ty kiểm toán (AUDIT)
DeAngelo (1981) cho rằng, các công ty kiểm toán lớn thường có nhiều kinh nghiệm và họ cần bảo vệ danh tiếng của mình do đó ít có khả năng mắc sai lầm trong việc thực hiện kiểm toán. Ngoài ra, Malone et al (1993) lập luận rằng, các công ty kiểm toán nhỏ rất nhạy cảm và dễ tính hơn với nhu cầu từ phía khách hàng vì họ lo sợ mất khách hàng gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của công ty. Wallace et al (1994) cho rằng, các công ty nổi tiếng thuộc nhóm Big 4 sẽ trình bày nhiều thông tin chi tiết hơn các công ty kiểm toán trong nước. Các công ty kiểm toán quốc tế có nhiều kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao hơn các công ty nội địa. Tác giả sử dụng biến giả, nếu báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Big 4 thì nhận giá trị là 1, ngược lại nhận giá trị là 0
H2: Các công ty kiểm toán thuộc Big 4 có mối quan hệ thuận chiều với mức độ trình bày BCBP
Thời gian hoạt động (AGE)
Thời gian hoạt động của công ty được tính bằng số năm kể từ năm thành lập đến năm 2013. Thời gian hoạt động có ảnh hưởng tích cực đến mức độ trình bày BCBP. Glaum và Street (2003) so sánh giữa các công ty có thời gian hoạt động lâu năm và các công ty có thời gian hoạt động ít hơn đã cho thấy, các công ty mới thành lập thường có xu hướng tập trung nguồn lực vào việc phát triển thị trường hơn là việc chú trọng phát triển hệ thống kế toán. Bên cạnh đó, các nhà quản lý của các
công ty này ít kinh nghiệm hơn trong việc điều hành công ty niêm yết với rất nhiều quy định cần phải tuân thủ. Đối với các công ty có thâm niên hoạt động lâu năm đã tồn tại hệ thống kế toán được xây dựng và phát triển rất tốt. Ngoài ra thì các nhà quản lý và các nhân viên đều là những người có kinh nghiệm để mang lại chất lượng báo cáo tốt hơn. Xét về tính chất cạnh tranh Owusu Ansah (1998) cho rằng, các công ty trẻ hơn nếu trình bày nhiều thông tin sẽ gặp bất lợi cạnh tranh nhiều hơn do các đối thủ nhiều thâm niên hơn sẽ sử dụng các thông tin này gây bất lợi trong cạnh tranh của các công ty mới thành lập. Ngược lại các công ty lâu năm sẽ trình bày nhiều thông tin hơn vì sẽ ít bị ảnh hưởng cạnh tranh khi trình bày những thông tin này.
H3: Thời gian hoạt động của công ty có mối quan hệ thuận chiều với mức độ trình bày BCBP
Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)
Alsaeed (2006) lập luận rằng, các nhà quản lý có khả năng trình bày các thông tin chi tiết hơn khi khả năng sinh lời cao hơn. Nó như là dấu hiệu cho thấy họ có khả năng tối đa hóa giá trị cổ đông và tăng sự an toàn cho vị thế của họ. Khi đạt được lợi nhuận cao, nhà quản lý thể hiện được sự thành công của họ thông qua việc trình bày các thông tin tài chính đến công chúng nhằm mục đích tăng ấn tượng tích cực của bản thân họ với cộng đồng. Ngược lại, khi doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời thấp, nhà quản lý có khuynh hướng giấu bớt các thông tin và các lý do làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Những tín hiệu tốt thông thường được đưa ra để cổ đông và thị trường đánh giá cao giá trị doanh nghiệp, ngược lại khi tình hình kinh doanh xấu đi họ sẽ giấu bớt các thông tin để tránh việc thị trường đánh giá thấp giá trị của doanh nghiệp. Do đó có thể nhận định rằng, các doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời cao thì sẽ kỳ vọng trình bày nhiều thông tin hơn là các công ty có tỷ suất sinh lời thấp