ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG

Một phần của tài liệu Thực trạng lỗi về lập luận trong bài tập làm văn của học sinh lớp 4, 5 và biện pháp khắc phục (Trang 76)

8. Cấu trúc của luận văn

2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG

Qua quá trình khảo sát bài làm văn của học sinh lớp 4, 5 của các trường nói trên, chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại nhiều lỗi lập luận trong bài làm của các em. Lớp 4, 5 đòi hỏi các em phải viết thành một bài văn hoàn chỉnh với đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Bài văn đó không chỉ đủ ba phần mà các từ ngữ, chi tiết, luận cứ trong bài phải phù hợp, phong phú với mục đích yêu cầu của đề bài và phải được sắp xếp một cách khoa học, hợp lí. Nhưng hầu hết các bài làm văn còn cho thấy kĩ năng lập luận của HS còn hạn chế, HS thường không xác định rõ mục đích miêu tả, lập luận không chặt chẽ, các yếu tố định hướng lập luận ít được HS biết đến và sử dụng chúng trong quá trình lập luận. HS miêu tả chủ yếu là kể tả, cách tổ chức lập luận trong miêu tả còn hạn chế. Chính vì lẽ đó đã dẫn đến hiệu lực lập luận chưa cao, bài làm của các em còn ở mức đơn giản, mang tính liệt kê, còn lan man, sáo rỗng, lủng củng, không gây ấn tượng và không tạo dấu ấn riêng trong bài làm của mình, không toát lên được tư tưởng, cảm xúc của người viết. Vì vậy, xét về sự mạch lạc, chặt chẽ và tính xúc cảm, tính thuyết phục của các bài văn dạng này đều không đạt.

Thực trạng của những lỗi đó xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, kĩ năng lập luận cần có sự luyện tập bài bản, thường xuyên và lâu dài. Nhưng trong quá trình học tập ở các lớp dưới, kĩ năng lập luận trong việc rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn không được chú trọng, không được rèn luyện thường xuyên và có biện pháp cụ thể nên các em có tiền đề không tốt, từ đó dẫn đến việc các em viết bài văn cũng mắc lại những lỗi như khi luyện viết đoạn văn ở lớp 2, 3.

Thứ hai, trong lúc chấm bài, chữa bài cho HS, một số GV có khi chỉ chấm điểm kèm theo một lời nhận xét chung chung mà không chỉ ra cho HS thấy rõ lỗi lập luận trong từng bài văn của mình và chưa hướng dẫn chữa lỗi đó như thế nào. Vì thế các em thường mắc lại các lỗi cũ trong bài viết sau như một thói quen.

Thứ ba, lí thuyết lập luận không được đề cập trong chương trình dạy học TLV ở tiểu học cũng như bất kì một tài liệu tham khảo nào để hướng dẫn GV. Chính vì thế nhiều GV không chú trọng rèn luyện kĩ năng này cho HS, nếu có luyện thì còn luyện ở mức cảm tính của riêng mình nên dẫn đến chất lượng lập luận trong các bài TLV còn ở mức đơn giản.

Thứ tư, do TLV là một phân môn khó, yêu cầu HS phải vận dụng rất nhiều kĩ năng để tạo lập văn bản nói và viết. Trong khi đó khả năng tư duy cũng như cũng như ngôn ngữ của các em còn ở mức hạn chế, đồng thời khả năng ghi nhớ, óc quan sát, trí tưởng tượng còn phát triển ở mức độ thấp, cộng với chưa chịu khó rèn luyện nên từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, luận cứ, luận điểm đưa vào bài văn còn nghèo nàn, chưa có sức thuyết phục người nghe, người đọc dẫn đến hiệu quả bài làm chưa cao.

Tiểu kết chương 2

Qua việc phân tích các bài làm văn của học sinh để rút ra các lỗi lập luận mà các em mắc phải thì chúng tôi nhận thấy rằng đã có nhiều bài văn học sinh thể hiện được năng lực sử dụng ngôn ngữ của mình khi biết vận dụng các từ ngữ có hình ảnh, biết sắp xếp các ý, các chi tiết luận cứ phù hợp để bài văn súc tích, có kết cấu chặt chẽ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều bài mắc khá nhiều lỗi về lập luận. Thậm chí có những em xác định sai mục đích lập luận cần phải hướng tới khiến bài làm của các em sai hướng.

Việc lập luận trong các bài văn của HS thiếu đi sự chặt chẽ, mục tiêu giao tiếp chưa thể hiện rõ. HS chưa biết khai thác các yếu tố tham gia quá trình lập luận, các phương tiện định hướng lập luận, các dấu hiệu giá trị học chưa được HS chú ý sử dụng. Đa số các em chưa bộc lộ được cảm xúc, tình cảm của mình trong bài văn.

Để phát hiện ra lỗi lập luận trong các bài văn của mình, đối với học sinh là một việc rất khó, có những câu văn các em nghĩ rằng mình viết rất hay, rất hợp lí nhưng đối với người đọc sẽ suy nghĩ hướng kết luận theo một hướng khác với điều mà các em muốn sử dụng ngôn ngữ của mình để diễn đạt một vấn đề nào đó. Chính vì lẽ đó nếu giáo viên không đọc kĩ bài làm và không sửa kĩ, không uốn nắn câu từ cho các em thì việc mắc lỗi sẽ diễn ra trong các bài văn tiếp theo và cả trong cuộc sống hàng ngày.

Qua thực tế giảng dạy và thăm lớp, dự giờ cũng như khảo sát GV, chúng tôi nhận thấy GV đã dùng một số biện pháp nhằm khắc phục các lỗi trong bài văn của HS. Nhưng những biện pháp đó chưa thực sự giúp HS sản sinh ra được những văn bản có sức thuyết phục người nghe, người đọc vì các em thiếu sự lập luận trong bài làm của mình. Với mong muốn khắc phục những hạn chế về kĩ năng lập luận, chúng tôi đã đề xuất các biện pháp khắc phục lỗi ở chương sau nhằm giúp HS nâng cao kĩ năng lập luận trong bài làm văn của mình.

Chương 3

Một phần của tài liệu Thực trạng lỗi về lập luận trong bài tập làm văn của học sinh lớp 4, 5 và biện pháp khắc phục (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w