8. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Thực trạng lỗi về việc tổ chức, sắp xếp các thành tố lập luận trong các bài tập
trong các bài tập làm văn
Theo lí thuyết lập luận việc sắp xếp, tổ chức các thành tố lập luận theo trình tự trước sau khác nhau cũng là một cách thức định hướng lập luận quan trọng. Bên cạnh đó, lí thuyết lập luận cũng chỉ ra rằng khi chúng ta miêu tả hoặc kể có nghĩa là chúng ta đã hướng cho người nghe tới một cái gì khác nằm ngoài sự vật, hiện tượng, sự kiện được tả, được kể đến. Có thể khơi gợi một thái độ, một tình cảm hay hướng người nghe tới một sự đánh giá, một nhận định nào đó. Do đó các luận cứ, lý lẽ và kết luận được tổ chức, sắp xếp hợp lí sẽ tạo được nhiều cảm xúc, tạo được tính thẩm mĩ mà chủ ngôn muốn hướng tới.
Trong quá trình làm bài văn, kĩ năng lập luận của HS về việc sắp xếp ý theo trình tự hợp lí (ý nào trước, ý nào sau) nhằm tránh hiện tượng sắp xếp lộn xộn, trùng lặp, rườm rà, tản mạn còn thấp. Khi sắp xếp ý, các em thường chưa xác định được ý chủ đạo và sắp xếp theo trình tự nhất định. Trình tự sắp xếp có thể là trình tự không gian, trình tự thời gian và trình tự tâm lí.
Với 305 bài chiếm 71,26% trong tổng số 428 bài được khảo sát mắc lỗi lập luận này trong các bài làm văn của mình thì cho thấy HS thực sự chưa có kĩ năng thành thạo trong việc sắp xếp ý. Qua thực tế khảo sát bài làm của các em thì chúng tôi nhận thấy: Khi tả cảnh các em không xác định được vị trí quan sát, thời điểm quan sát, trình tự và nội dung quan sát; tả người thì không tả hình dáng bên ngoài và hoạt động trước từ đó bộc lộ được tính nết, phẩm chất bên trong; tả con vật chưa sắp xếp ý để qua hình dáng, các bộ phận trên
cơ thể để nêu lên đặc trưng của con vật đó. Khi kể chuyện, các tình tiết chưa được sắp xếp logic, khi viết thư nội dung còn lộn xộn chưa thể hiện rõ nội dung chính cần thông báo, chưa bộc lộ hết tình cảm của người viết. Trong các văn bản nhật dụng, việc sắp xếp các luận cứ chưa phù hợp nên chưa tạo được đặc trưng của thể loại này.
Ví dụ: Tả cảnh một buổi sáng (hoặc trưa, chiều) trong vườn cây hoặc vườn rau.
“Quê em ở Sơn Ninh, nhà làm nông và bố em có dành một mảnh đất ở ven hồ trồng rau để ăn cho đỡ tốn tiền.
Mảnh vườn nhỏ không vuông vức cũng không có cổng, chỉ có rào chắn cho gà, vịt khỏi vào. Khách đến chơi ai cũng khen mảnh vườn mượt mà, xanh tốt, đầy đủ các loại rau cần cho gia đình. Trong đó em thích ăn nhất là rau khoai lang. Trên khoảng đất mịn màng, tươi xốp, bố em chia ra làm nhiều luống, mỗi luống trồng một loại rau. Mọi người trong gia đình em đã bỏ nhiều công sức chăm bón cho vườn rau này. Những loài rau khác nhau được trồng ở các luống khác nhau. Những củ cải trắng được trồng ở ngoài cùng. Tiếp đến là những luống xà lách mơn mởn một màu xanh non. Những con bướm chập chờn bay lượn khiến khu vườn thêm đẹp. Ở trong cùng là những cây ớt với những quả nhỏ bằng ngón tay màu xanh, màu đỏ chen lẫn nhau. Buổi sáng cây cối trong vườn rất xanh tươi.
Mỗi buổi sáng em thường cùng mẹ ra bắt sâu, tưới nước và hít thở không khí trong lành ở mảnh vườn này”.
Trong bài văn trên, HS đã viết những câu văn rất hay, rõ ràng, cách sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh nhưng việc sắp xếp các câu, các ý chưa hợp lí khiến sự tưởng tưởng của người đọc khi hình dung về mảnh vườn không có sự liền mạch. Dường như ngưòi đọc đang đi đến luống rau này lại phải nghĩ đến một cái khác rồi lại quay lại luống rau khiến cho bài văn mất đi tính hấp dẫn của nó.
Hay với đề bài: Em hãy tả lại ngôi trường đã gắn bó với em trong những năm qua.
“Hôm nay là ngày đẹp trời, em đến trường sớm hơn mọi khi để làm trực nhật. Ngôi trường thân yêu thấp thoáng sau rặng cây um tùm, hàng chữ trường Tiểu học Sơn Ninh hiện ra.
Làn gió mát buổi sớm thổi qua làm em khoan khoái, dễ chịu. Trong lớp các dãy bàn được sắp xếp ngăn nắp, trật tự. Những lớp kề nhau trang trí trong phòng rất giống nhau, cùng một kiểu bàn, cùng một kiểu ghế. Em rất yêu trường em vì nơi này em học suốt 5 năm tiểu học. Ngoài sân lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng. Cây phượng vĩ đang đầm chồi nảy lộc. Trong lớp, chiếc bàn giáo viên được trải chiếc khăn hoa rất đẹp với lọ hoa hồng đang chúm chím nở. Ảnh Bác được treo ngay ngắn trên bảng lớp. Trường có ba bãi cỏ và một sân bóng. Đường đi vào được lát gạch màu đỏ, trường cũng có vườn thuốc nam, có các bồn hoa, bồn hoa dài và bồn hoa tròn. Các thầy cô trong trường đối với chúng em như người mẹ thứ hai. Em không bao giờ quên được những tình cảm mà các thầy cô đã dành cho chúng em.
Em rất yêu trường em và muốn học mãi ở ngôi trường này.”
Dễ nhận thấy rằng trong bài văn trên việc sắp xếp ý của HS này chưa hợp lý khi em tả về ngôi trường không theo một trình tự không gian nhất định, em tả trong lớp học rồi tả ngoài sân, rồi lại quay lại tả trong lớp. Các ý được sắp xếp lộn xộn mang tính liệt kê, biết về trường như thế nào thì viết như thế ấy, không dẫn dắt được người đọc bước chân được vào ngôi trường của mình qua lời văn.
Người đọc dễ dàng bắt gặp rất nhiều bài văn của các em hầu như chưa có sắp xếp hợp lí các thành tố lập luận trong bài. Ví dụ: Tả một con vật nuôi trong nhà.
“Nhà em làm nghề nông ở vùng nông thôn nghèo nên nuôi rất nhiều con vật khác nhau. Trong đó, con chó là con vật em rất thích.
Con chó là con vật em thích nhất. Em đặt tên cho nó là Milu. Milu rất tinh nhạy khi phát hiện khách lạ đến. Buổi tối nó hay nằm trên nền nhà ngủ. Milu nhà em có đôi tai dài chong lên như hai cái nấm tai bèo. Nó nặng khoảng 8kg. Nó thường sủa gâu gâu khi có khách lạ đến. Bộ lông của nó màu vàng xen lẫn những đám khoang màu trắng. Đôi mắt mở tròn xoe như hai viên bi. Người quen đến là nó thường ve vẩy đuôi. Hàm răng của nó trắng với những chiếc răng nhỏ, hai bên hai chiếc răng nanh dài. Nó thường chạy rất nhanh. Đôi chân của nó nhỏ dài. Khi nằm ngủ nó thỉnh thoảng vểnh tai lên nghe ngóng tình hình.
Em rất yêu Milu vì nó đã giữ nhà cho em.”
Hay: Tả về một cây mà em thích
“Cây xoài được trồng ở ngõ nhà em khoảng 4 năm rồi khi em còn học mẫu giáo. Cây cao khoảng 3 mét với những cành cây khẳng khiu. Lá của nó dài và nhọn. Khi mới trồng nó chỉ là một cây con nhỏ bằng ngón tay, lơ thơ ít lá. Em thường tưới nước cho nó vào mỗi buổi sáng. Em mong đến mùa hè để được ăn những quả xoài ngon, bổ dưỡng. Cây nay đã to vượt cả mái nhà. Những quả xoài cứ lúc lỉu trên cảnh. Tán lá xoè rộng cả một khoảng ngõ.”
Theo lí thuyết lập luận, trong một lập luận thì luận cứ và kết luận thường ở những vị trí như sau:
Luận cứ - kết luận Kết luận - Luận cứ
Luận cứ - kết luận - luận cứ
TLV ở lớp 4 đã giới thiệu cho HS cấu tạo của một bài văn gồm ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Với cấu trúc 3 phần đó, tuỳ vào cách viết của HS mà có thể xem phần mở bài, thân bài là luận cứ, kết bài là kết luận,
hoặc có thể xem mở bài là kết luận, còn thân bài, kết bài là luận cứ. Đảm bảo mô hình này thì lập luận sẽ có hiệu lực cao, nhưng trong các bài văn của HS tiểu học vẫn bắt gặp những bài văn có sự sắp xếp lộn xộn và lặp lại giữa luận cứ và kết luận. Chẳng hạn: “Cây hoa hồng thật đẹp. Cây có những chiếc lá xanh mượt mà với những đường gân nổi lên. Hoa của nó màu đỏ thắm như máu. Cây hoa có một sức quyến rũ kì lạ. Thân cây cao khoảng một mét với nhiều gai nhọn tua tủa. Nó nở hoa quanh năm. Đàn ông đàn bướm thường vây quanh hoa để hút mật mà hít hương thơm. Hoa hồng là một loài hoa đẹp là nữ hoàng của các loài hoa. Em thường vun trồng xới cho hoa luôn tươi tốt. Em thường cắt các cành hoa cắm vào lọ. Em rất yêu hoa hồng.”. Chúng ta đều nhận thấy trong đoạn văn này có nhiều kết luận được đưa ra (là những dòng in đậm) và các luận cứ chưa thuyết phục cho các kết luận đó, đồng thời các luận cứ đưa ra còn lộn xộn, không phù hợp cho các kết luận.
Trong một đoạn văn khi kể về Sự tích hồ Ba Bể, HS đã kể như sau:
Ngày xưa, ở xã Nam Mẫu, tỉnh Bắc Kạn mở một ngày hội cúng Phật. Mọi người ai cũng nô nức xem, ai cũng làm việc tốt để cầu phúc đức.
Trong ngày hội đó, bỗng xuất hiện một bà lão ăn mày trông rất gớm ghiếc. Hầu như chẳng ai quan tâm tới bà, đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Nhưng hai mẹ con nông dân kia thật nhân hậu. Bà lão đi đến đâu cũng thều thào mấy tiếng: “Đói lắm các ông, các bà ơi!”. Khi gặp bà cụ, hai mẹ con nhà kia đã mời bà về nhà ăn cơm. Đó là một bà lão trông đã cao tuổi, gầy gò, người lở loét, trông rất bẩn thỉu……
Đoạn văn kể chuyện này nói về sự già cả, nghèo nàn của bà cụ và tấm lòng nhân hậu của hai mẹ con nông dân. Nhưng HS lại không biết cách sắp xếp ý để các câu văn súc tích hơn để từ đó đề cao được tấm lòng nhân hậu của hai mẹ con. Lỗi ở đây là các em chưa biết cách khai thác mô hình sắp
xếp vị trí các luận cứ, kết luận để viết đoạn văn dẫn đến sự lộn xộn cho bài viết của mình.
Lỗi tổ chức, sắp xếp các thành tố lập luận còn tồn tại trong các văn bản nhật dụng khác. Ví dụ như một bức thư của một HS viết cho cô giáo của mình như sau:
Hương Sơn, ngày 20 tháng 2 năm 2013 Cô Hương Giang thân mến!
Vậy là 3 năm rồi chúng em không được gặp cô, kể từ ngày cô chuyển công tác vào Nam. Thời gian trôi nhanh quá cô nhỉ? Mới ngày nào chúng em bỡ ngỡ bước vào lớp 1, cô đã dìu dắt chúng em năm đầu tiên đi học đó. Thế mà bây giờ chúng em đã bước sang lớp 4. Bạn nào cũng chững chạc, cao lớn hơn nhiều cô ạ!
Cô thân mến!
Bây giờ trường mình đã có nhiều thay đổi lắm. Ngôi trường cấp bốn trước đây được thay bằng một ngôi nhà hai tầng khang trang, sạch đẹp. Được học ngôi trường mới chúng em vui lắm. Lớp mình cũng có nhiều thay đổi hơn. Bạn Hoa đã chuyển sang trường khác học. Bạn Vinh nghỉ học do nhà nghèo quá. Trường mình cũng có thầy hiệu trưởng mới nữa cô ạ. Trường cũng vừa đạt trường chuẩn quốc gia giai đoạn hai nên thay đổi nhiều lắm. Được học trường mới chúng em rất vui.
Với đoạn thư này có hai kết luận được đưa ra: “Bây giờ trường mình đã có nhiều thay đổi lắm” và “Lớp mình cũng có nhiều thay đổi hơn”. Em HS này cũng đã đưa ra một số luận cứ để dẫn dắt hai kết luận trên, tuy nhiên việc sắp xếp các luận cứ, kết luận chưa logic, trật tự không hợp lí tạo nên một bức thư lủng củng, không toát lên được nội dung người viết muốn diễn tả. Hay nói cách khác, kĩ năng lập luận của đoạn thư chưa được đánh giá cao.
Với đề bài: Xã em có một dòng sông hiền hoà chảy ngang qua. Nhưng mấy ngày nay, nhiều người nơi khác đến thường xuyên đánh bắt cá, vứt rác
bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Em hãy giúp bác xóm trưởng làm đơn gửi ông trưởng công an xã đề nghị ngăn chặn tình trạng trên.
HS làm như sau:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN KIẾN NGHỊ Kính gửi: Trưởng công an xã Sơn Châu
Tên tôi là: Lê Ngọc Minh - Xóm trưởng xóm 3, xã Sơn Châu.
Tôi viết đơn này xin ông công an xã cử người xuống ngăn chặn việc đánh bắt cá trên sông, khiến cá chết nhiều. Tôi xin trình bày như sau: Trên đoạn sông chảy qua xóm chúng tôi, có một nhóm người từ xã khác tới thường xuyên đến dùng rà điện đánh bắt cá rồi vứt rác bừa bãi xuống sông khiến nguồn nước sông bị đục, bẩn.
Vậy, tôi mong ông Trưởng công an xã cử người xuống ngăn chặn tình trạng trên để dòng sông được trong sạch, cá không còn chết nhiều.
Người làm đơn (kí tên) Lê Ngọc Minh
Với văn bản đơn này có 2 kết luận được đưa ra nhưng cùng chung một luận cứ, và 2 kết luận này đều có nội dung giống nhau về mục đích. Lỗi này khiến cho lá đơn có nội dung rườm rà, không mang tính hành chính, do đó cần phải chỉnh sửa, sắp xếp lại các luận cứ, kết luận cho phù hợp, thể hiện đúng đặc trưng của lá đơn.
Khi viết văn, sắp xếp ý là khâu rất quan trọng, nhờ có nó mà bài làm của các em không lộn xộn, ý văn mạch lạc, tránh tình trạng HS liệt kê một cách tràn lan không có trọng tâm của bài và không hướng đến một kết luận cụ thể
nào cả. Nguyên nhân của thực trạng này là do các em thường đọc đề bài xong là đặt bút viết bài ngay mà không có thói quen lập dàn ý cho bài văn. Bên cạnh đó có thể do các em không nắm vững được cấu trúc của bài văn về miêu tả con vật, cây cối, cảnh vật, con người được miêu tả theo trình tự như thế nào, văn kể chuyện khác với kể chuyện như thế nào, cách trình bày các đoạn văn trong văn bản nhật dụng ra sao. Chính vì những điều này dẫn đến các em chưa biết xác định được ý chủ đạo và sắp xếp theo một trình tự nhất định, các em nghĩ cái gì là viết cái đó, nhớ cái gì là viết ngay luôn, viết theo cảm tính của mình nên khiến bài văn không đạt được kết quả như mong muốn.
2.2.3. Thực trạng lỗi về việc lựa chọn và sử dụng các luận cứ, luận chứng phù hợp với mục đích lập luận trong các bài tập làm văn
Lí thuyết lập luận đã chỉ ra rằng khi chúng ta kể lại một sự kiện, miêu tả một hiện thực thì chúng ta cũng đã thực hiện một lập luận. Để lập luận thành công thì việc lựa chọn và sử dụng các từ ngữ rất quan trọng, nó giúp người viết, người nói thể hiện được tư tưởng, tình cảm của mình.
Có thể xem việc tìm ý, sắp xếp ý cho đoạn văn chính là việc đi tìm những luận cứ để phù hợp với kết luận mà HS đã xác định được trong giai đoạn phân tích đề. Với ý tưởng khác nhau HS sẽ có sự lựa chọn những chi tiết khác nhau để làm nổi bật ý tưởng đã chọn. Thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn, sử dụng các luận cứ, chi tiết khi lập lập luận chúng tôi đã tiến hành khảo sát bài văn của HS để hiểu rõ hơn kĩ năng này của các em và thu được kết quả như sau:
Bảng 2.2. Kết quả khảo sát thực trạng lỗi lớp 4
Trường Lớp Số bài khảo sát Số bài mắc lỗi Tỉ lệ
Sơn Ninh 4A 55 36 65,4%
Sơn Châu 4A 47 31 65,9%
Sơn Bằng 4B 55 38 69 % Nhìn vào bảng, chúng tôi thấy số lượng bài làm mắc lỗi của các em khá nhiều, các lớp có tỉ lệ mắc lỗi quá bán tức là hơn 50% tổng số bài. Điều này