Đặc điểm ngôn ngữ và tư duy

Một phần của tài liệu Thực trạng lỗi về lập luận trong bài tập làm văn của học sinh lớp 4, 5 và biện pháp khắc phục (Trang 37)

8. Cấu trúc của luận văn

1.4.2.Đặc điểm ngôn ngữ và tư duy

Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lí tính của trẻ, nhờ có ngôn ngữ mà cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng của trẻ phát triển thuận lợi và được biểu hiện thông qua ngôn ngữ nói và viết của trẻ. Mặt khác, thông qua khả năng ngôn ngữ của trẻ, ta có thể đánh giá được sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Hầu hết học sinh tiểu học có ngôn ngữ nói thành thạo trước khi tới trường. Khi trẻ vào lớp 1 bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ viết. Đến lớp 4 thì ngôn

ngữ viết đã thành thạo và bắt đầu hoàn thiện về mặt ngữ pháp, chính tả và ngữ âm. Yếu tố này sẽ làm tiền đề để tiếp tục rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức độ cao hơn. Nhờ có ngôn ngữ viết mà trẻ có khả năng tự đọc, tự học, tự nhận thức thế giới xung quanh từ đó tự viết, tự nói những cảm xúc, cảm nhận của mình và tự khám phá bản thân. Đồng thời, ngay khi bước chân vào nhà trường tiểu học, học sinh đã được bắt đầu trang bị cho mình nhiều vốn từ mới và vốn từ đó ngày càng giàu thêm, phong phú thêm ở những lớp sau. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em sử dụng từ đúng lúc, đúng hoàn cảnh, đúng trường hợp.

TLV là kiểu bài yêu cầu học sinh sử dụng hoàn toàn các kiến thức kĩ năng sản sinh văn bản nói, viết của mình để tạo ra một sản phẩm là bài văn hoàn chỉnh. Đối với các em lớp 4, 5 đã được tiếp xúc rất nhiều với các dạng lời nói khác nhau nên các em có khả năng cao trong việc diễn đạt lời nói của mình thành câu, thành đoạn và thành một bài văn trọn vẹn. Đồng thời, ở lứa tuổi này, khả năng vận dụng những kiến thức, kĩ năng, sử dụng ngôn ngữ từ nhà trường vào cuộc sống của HS cũng cao hơn, có hiệu quả hơn. Lượng từ ngữ các em tích luỹ được khá phong phú và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ khá linh hoạt, đa dạng trong từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể do các em được luyện tập từ các lớp học trước cũng như tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày. Đây là những tiền đề giúp HS có thể rèn luyện tốt kĩ năng lập luận trong bài TLV của mình.

Tuy nhiên, tư duy ngôn ngữ của các em chưa thực sự phát triển nên việc sản sinh lời nói của các em còn gặp nhiều khó khăn. Học sinh có thể biết được ý, biết được hướng mà mình cần diễn đạt nhưng không thể dùng câu từ để diễn đạt cho rõ ý được, câu sai ngữ pháp, cấu trúc câu không chặt chẽ về ý, chưa đạt được hiệu quả cao nhất về lời nói vẫn đang tồn tại nhiều trong bài văn của các em. Có nhiều câu văn, đoạn văn các em viết còn mơ hồ, sắp xếp

lộn xộn, các chi tiết, luận cứ đưa ra chưa phù hợp để lập luận những vấn đề mà bài làm văn yêu cầu. Điều này dẫn đến việc hiệu quả của các bài TLV chưa cao, chưa làm nổi rõ nội dung của đề bài.

Trong quá trình làm bài, lời văn của các em đang còn trùng lặp nhiều, lời văn không mạch lạc và còn mang tính liệt kê. Các em thường nghĩ cái gì là viết cái đó, không trau chuốt câu văn của mình. Do đó khi đọc bài văn của các em thường nhận thấy sự tẻ nhạt, không sinh động, không hấp dẫn người đọc. Điều này là do vốn ngôn ngữ của các em còn hạn chế, và kĩ năng lập luận chưa được hình thành tốt. Chính vì thế, để giáo viên có thể vận dụng lí thuyết lập luận vào rèn luyện kĩ năng viết văn cho HS được thuận tiện hơn thì chúng ta có thể rèn luyện kĩ năng diễn đạt cho các em trên cơ sở rèn luyện tư duy, rèn luyện khả năng lập luận, sắp xếp, lựa chọn ý.

Tóm lại, một số đặc điểm tâm - sinh lý học trên đây là cơ sở khoa học để tìm ra thực trạng lỗi lập luận trong các bài văn của các em từ đó đề xuất các biện pháp phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Tiểu kết chương 1

- Chương trình Tiếng Việt ở tiểu học nói chung, chương trình phân môn TLV ở lớp 4, 5 đã có sự nâng cao hơn so với các lớp dưới. Nhưng đều có một mục tiêu chung là dạy các em cách thức sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về dạy học Tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp trong nhà trường, nhưng chưa có nhiều tài liệu đề cập đến vấn đề vận dụng lý thuyết lập luận vào dạy học Tiếng Việt cũng như dạy học TLV ở tiểu học. Trong khi đó, lập luận là khái niệm vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả giao tiếp của con người, đưa giao tiếp đạt đến mục đích cao nhất.

- Lập luận được nghiên cứu trong ngữ dụng học chính là lập luận đời thường gắn với hoạt động giao tiếp của con người. Lập luận bao giờ cũng có đầy đủ hai yếu tố: luận cứ và kết luận. Có nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả của lập luận: các chỉ dẫn lập luận, các dấu hiệu giá trị học và sự sắp xếp các luận cứ trong một lập luận. Những thành tựu nghiên cứu của lí thuyết lập luận là cơ sở lí luận quan trọng để tìm hiểu thực trạng lỗi lập luận trong bài làm của HS. Từ đó, đề xuất các biện pháp khắc phục lỗi nhằm rèn kĩ năng viết văn cho các em.

- Nhờ quá trình học tập và rèn luyện ở các lớp 1, 2, 3 mà tư duy cũng như ngôn ngữ của HS lớp 4, 5 đã phát triển ở mức cao hơn. Các em bước đầu có khả năng phân tích - tổng hợp, liên tưởng, so sánh. Về ngôn ngữ, HS có một lượng từ ngữ khá phong phú và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ khá linh hoạt, đa dạng trong từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể do các em đã được luyện tập từ các lớp học trước cũng như được tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày. Những điều này chính là tiền đề giúp HS rèn kĩ năng lập luận khi làm văn.

Chương 2

THỰC TRẠNG LỖI VỀ LẬP LUẬN TRONG BÀI TẬP LÀM VĂN CỦA HỌC SINH LỚP 4, 5

Một phần của tài liệu Thực trạng lỗi về lập luận trong bài tập làm văn của học sinh lớp 4, 5 và biện pháp khắc phục (Trang 37)