8. Cấu trúc của luận văn
2.2.6. Thực trạng lỗi về sử dụng lẽ thường trong bài tập làm văn
Để nối kết các lí lẽ và các kết luận với nhau người ta phải dựa vào các lẽ thường. Nếu tác tử, kết tử là những phương tiện ngôn ngữ có tác dụng định hướng và nối kết các thành tố lập luận thì lẽ thường chính là cơ sở của lập
luận. Nhờ có tính khái quát mà lẽ thường trở thành cơ sở để xây dựng những lập luận cụ thể và những lập luận ấy có thể được mọi người trong cộng đồng đó chấp nhận.
Vì đặc điểm chung của lẽ thường là tính khái quát, tức là phải hiểu rõ, phải nắm vững vấn đề thì mới có thể dùng lẽ thường để nối kết các lí lẽ và các kết luận trong lập luận của mình nên người giao tiếp phải hiểu rõ được vấn đề mình đang đề cập tới. Đối với học sinh lớp 4, 5 việc khái quát vấn đề không phải là việc quá khó so với trình độ nhận thức của các em nhưng việc sử dụng các lẽ thường trong các bài làm văn của mình để hình thành lập luận thì không phải là dễ. Chúng tôi cũng bắt gặp một số đoạn văn mà HS đã biết khai thác các lẽ thường để tạo nên những đoạn văn đầy xúc cảm, chẳng hạn: “Để làm ra hạt gạo, mẹ em cũng như bao người nông dân khác đã phải đổ bao mồ hôi, công sức. Bưng bát cơm trên tay mà em thầm cảm ơn họ, chính họ đã cho em được ăn những bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự vất vả, đắng cay của mình”. Khi đọc đoạn văn này, người đọc sẽ cảm nhận được thấp thoáng đằng sau những câu chữ đó là bài ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Chính nội dung của câu ca dao đó đã đưa vào câu văn khiến cho tình cảm của bạn HS thêm dạt dào, công lao của người nông dân như to lớn hơn.
Nhưng số bài viết như trên rất hiếm, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy có tới 79, 9 % số bài làm các em không sử dụng thành thạo các lẽ thường trong bài làm văn của mình. Hầu như các em chưa biết dựa vào đó để xây dựng các lập luận để định hướng tới một kết luận nào đó. Số còn lại đã có sử dụng nhưng thực sự hiệu quả mang lại chưa cao và chưa có sức thuyết phục.
Hầu hết khi nêu lên các lẽ thường các em đều hiểu rõ nội dung của nó nhưng việc vận dụng vào làm văn thì còn gặp nhiều khó khăn. Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam rất phong phú và đây là những lẽ thường định hướng
cho lập luận mà các em muốn hướng tới trong bài văn của mình. Chẳng hạn khi tả về cây cối cho hoa thơm quả ngọt các em có thể sử dụng câu tục ngữ:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”; khi tả về đồ vật thì dùng câu thành ngữ “của tốt dùng bền”; khi tả về người mẹ, người cha có thể dựa vào câu “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”….. Tuy nhiên việc đưa các câu ca dao, tục ngữ đó vào bài văn thì ngay cả những học sinh có năng khiếu về văn học cũng chưa thấy. Việc sử dụng lẽ thường thông qua việc diễn đạt trong các bài văn vẫn còn vụng về, mang tính gượng ép. Như là đoạn văn: “Chiếc đồng hồ này của nhà em đã được tặng từ lâu lắm rồi nhưng nó vẫn rất tốt. Nó vẫn chạy đúng từng phút, từng giây và nó vẫn sáng bóng. Đúng là của tốt dùng bền”.
Đối với văn kể chuyện, mỗi câu chuyện được kể ra đều mang đến một ý nghĩa, một bài học, một kinh nghiệm sống, một quy luật nào đó. Sau khi kể xong, các em thường rút ra vấn đề đó ở cuối bài, khái quát câu chuyện dựa vào những lẽ thường tương hợp. Các lẽ thường đó được HS sử dụng phù hợp với câu chuyện nhưng cách diễn đạt còn ép buộc, như là một khuôn mẫu định sẵn khi làm văn kể chuyện. Chẳng hạn sau khi kể câu chuyện về Nguyễn Khoa Đăng là một nhân tài của đất nước trong lịch sử, một HS đã viết phần kết bài: “Qua câu chuyện trên, em rút ra bài học là không được giả dối làm kẻ cắp, mà phải tự mình làm ra, phải tự lực cánh sinh”.
Bên cạnh đó, có những lẽ thường HS rút ra không sát với nội dung câu chuyện. Ví dụ như bài văn kể chuyện “Chú Sóc vui tính” sau của HS:
Ở khu rừng nọ, có rất nhiều muông thú sống quây quần bên nhau. Trong đó, có một chú Sóc rất vui tính, suốt ngày chạy nhảy, leo trèo khắp rừng. Một hôm, chú chuyền từ cành này sang cành khác, chẳng may rơi đúng vào lưng Hổ. Hổ định vồ lấy ăn thịt thì Sóc van nài: Xin ông tha cho tôi! Xin ông tha cho tôi!
Hổ lưỡng lự rồi nói: Được! Ta sẽ tha cho chú mày nhưng người hãy nói cho ta biết vì sao loài sóc nhà ngươi lúc nào cũng vui vẻ như thế mà ta thì luôn buồn chán nằm nhìn chúng mày nhảy nhót đùa vui?
Sóc bình tĩnh đáp lại: Tôi sợ ông lắm, ông hãy cho tôi leo lên cây rồi tôi sẽ nói cho ông nghe.
Lão Hổ chấp nhận lời đề nghị đó. Được thả ra, Sóc leo tót lên cây, cúi đầu xuống đáp: Vì ông độc ác nên lúc nào cũng buồn, sự độc ác sẽ vò xé trái tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi tốt bụng không làm điều gì hại tới người khác cả.
Hổ tức giận chẳng làm được gì đành ngậm ngùi đi chỗ khác. Sóc lại nhảy nhót trên những cành cây. Sau câu chuyện trên, em rút ra một bài học là cần phải chăm chỉ làm việc, nên yêu quý, chăm sóc các loài vật vì chúng là những con vật rất dễ thương.
Kết luận HS đưa ra trên là bài học, là ý nghĩa của câu chuyện dựa vào lẽ thường trong cuộc sống nhưng trong câu chuyện trên câu kết đó không phù hợp với nội dung câu chuyện, không nói lên được ý nghĩa sâu xa đằng sau đó.
Việc đưa các lẽ thường vào bài văn của mình nó sẽ tạo cơ sở của lập luận được chắc chắn. Các lý lẽ, luận cứ đưa ra trong bài sẽ có tính tất yếu hơn, lập luận của mình có cơ sở vững chắc hơn, do được dựa vào những lẽ thường đã được xã hội công nhận. Nhưng qua khảo sát thì HS chưa biết khai thác các lẽ thường để hoàn thành các bài văn, rất hiếm bắt gặp các phát ngôn dựa vào những lẽ thường để xây dựng lập luận. Lí giải điều này là do kinh nghiệm của các em chưa dày dặn, những kinh nghiệm sống trong đời thường chưa đạt đến mức để đúc rút ra được những lập luận như vậy. Đồng thời các em chỉ biết diễn đạt những ý đơn giản, còn những cái khái quát, mang tính triết lí, tính nguyên lí, chân lí đã vượt quá năng lực của các em khi các em chưa được trang bị những kiến thức để hình thành kĩ năng lập luận này. Một phần nữa là
do năng lực hiểu biết, nắm rõ nghĩa của các câu ca dao, tục ngữ, các lẽ thường trong cuộc sống của HS chưa được sâu sắc. Từ đó các em không đủ khả năng tạo lập lập luận của mình dựa vào những lẽ thường đó.