Chữa lỗi về lập luận thông qua việc xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập

Một phần của tài liệu Thực trạng lỗi về lập luận trong bài tập làm văn của học sinh lớp 4, 5 và biện pháp khắc phục (Trang 96)

8. Cấu trúc của luận văn

3.2.3. Chữa lỗi về lập luận thông qua việc xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập

thống bài tập

3.2.3.1. Mục đích, ý nghĩa biện pháp

Để HS khắc sâu được những kiến thức cần ghi nhớ, để hình thành các kĩ năng, kĩ xảo thì không có con đường nào tốt hơn bằng con đường luyện tập. Việc luyện tập thường xuyên sẽ hình thành cho các em đường liên hệ thần kinh tạm thời, qua các bài tập các em sẽ tự khắc sâu bài học, tự ghi nhớ và nắm vững kiến thức hơn.

3.2.3.2. Cách tổ chức thực hiện

Sau quá trình HS có được các hiểu biết sơ giản về yếu tố lập luận thì GV cần xây dựng và sử dụng hệ thống các bài tập. Nếu chỉ cung cấp cho các em nội dung lí thuyết thì các em sẽ mau quên và không biết vận dụng trong bài văn của mình. Nhưng nếu GV vừa cung cấp cho các em lý thuyết vừa xây dựng rồi yêu cầu HS thực hành làm bài tập thì có một điều chắc chắn rằng kĩ năng lập luận của các em sẽ được nâng cao.

Việc xây dựng hệ thống bài tập nhằm giúp HS vừa có kĩ năng lập luận vừa giúp các em nhận ra rồi sửa những lỗi trong cách lập luận của mình đòi hỏi phải có sự công phu, chuẩn bị kĩ cả về nội dung bài tập, thời gian thực hiện và cả mục tiêu đạt được sau mỗi bài tập đó. Các bài tập được thiết kế, GV phải chuẩn bị kĩ từ dễ đến khó, từ những bài tập đơn giản đến phức tạp. Để thực hiện biện pháp chữa lỗi này cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xác định lỗi lập luận để đưa ra các bài tập phù hợp Bước 2: Thực hiện các bài tập khắc phục lỗi.

Bước 3: Nêu các kiến thức, kĩ năng lập luận có được sau khi hoàn thành bài tập.

Tuỳ theo từng lỗi cụ thể mà GV có thể hướng dẫn cho HS thực hiện các bài tập khác nhau. Mỗi bài tập cần có một mục tiêu nhất định, khắc phục được lỗi mà HS mắc phải. Ngữ liệu bài tập có thể là những câu, đoạn, bài văn đã được GV chế biến phù hợp rồi yêu cầu HS thực hiện.

Các bài tập cần thiết kế theo hai dạng:

Dạng 1: Bài tập nhận diện (giúp HS có kĩ năng, kiến thức về lập luận) Dạng 2: Bài tập chữa lỗi (giúp HS phát hiện và khắc phục lỗi)

Những bài tập này sẽ bổ trợ, giúp các em HS nhận ra giá trị của lập luận, đồng thời biết nhận ra các lỗi mà tìm cách sửa lỗi. Các dạng bài tập về có thể là:

+ Bài tập về sử dụng tác tử, kết tử lập luận

Bài tập 1: Hãy chọn các từ: “mỗi, chỉ, có” vào chỗ chấm và nêu lên kết luận mà câu đó muốn hướng tới sau khi điền:

Chiếc xe này giá……một triệu đồng

Sau khi HS lựa chọn các từ ngữ trong ngoặc kép thì mỗi câu sẽ cho ta các kết luận khác nhau và điều GV cần làm là cho HS thấy được sự khác nhau đó. Từ bài tập này HS không những có kiến thức mà còn có kĩ năng lập lập luận trong đó sử dụng các tác tử lập luận để đạt được mục đích nói của mình.

Với nội dung này GV cũng có thể đưa thêm các bài tập như là:

Bài tập 2: Các cặp câu sau khác nhau thế nào? Những từ nào trong câu tạo nên sự khác nhau đó?

a) Chiếc xe này chỉ 2 triệu đồng. b) Chiếc xe này những 2 triệu đồng.

c) Anh ta có mỗi 2 ngôi nhà. d) Anh ta có 2 ngôi nhà lận.

Bài tập 3: Việc dùng các cặp từ quan hệ sau có gì bất thường không?

a) Nhờ đi giữa mưa mà bạn Linh bị ốm.

b) Tại học hành chăm chỉ, cuối năm Hoa đạt học sinh tiên tiến.

c) Tuy không năm nào không đạt học sinh giỏi nhưng lúc nào bố mẹ cũng tự hào về tôi.

Bài tập 4: Nêu sự khác nhau về ý nghĩa của các cặp phát ngôn sau:

- Nếu trời mưa thì tôi nghỉ học - Hễ trời mưa thì tôi nghỉ học - Lỡ trời mưa thì tôi nghỉ học

- Giá (hôm qua) trời mưa thì tôi đã nghỉ học.

Bài tập 5: Em có nhận xét gì về cách sử dụng các từ, cặp từ in đậm sau:

a) Nhà em có những một cô em gái lên ba tuổi đang đến tuổi tập đi, tập nói”

b) Nhờ nhà nghèo nên bạn Nhân không được đi thi học sinh giỏi

c) Tôi thay mặt một số bà con thôn Yên Mỹ trình bày một sự việc như sau: Hiện nay có nhiều hộ gia đình xung quanh chúng tôi thường xuyên đổ rác thái bên vệ đường khiến mùi hôi thối bay lên nồng nặc làm không khí bị ô nhiễm. Tôi đã khuyên nhủ nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Dù sao cũng mong ông thôn trưởng xuống kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn hành động trên để môi trường trong sạch, giữ được vẻ đẹp của đường làng.

+ Bài tập về lựa chọn và sử dụng các từ ngữ phù hợp

Bài tập 1: Viết tiếp vào chỗ trống để hoàn thành đoạn văn tả mùa hè:

Thế là mùa hè đã đến! Mùa hè đến bằng ………..của những………., bằng những…….trên những tán lá xanh, bằng những cơn

………….. Cánh đồng lúa ven làng cũng đã ngả màu……….., những bông lúa ………báo hiệu một ………… Với em, mùa hè………

Bài tập 2: Chọn từ ngữ thích hợp sau đây điền vào chỗ trống để được đoạn văn tả một người bạn của mình: nụ cười, những hạt ngô, khoẻ mạnh, to, cân đối, trắng bóng, trái xoan, thông minh, to.

Hà có dáng người……….., ……….. Bạn có gương mặt ………., đôi mắt………, ……..lộ rõ vẻ………. Mỗi lúc đùa vui hay nói chuyện, Hà luôn nở ……… để lộ hàm răng………, đều như………..

Bài tập 3: Viết tiếp từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để được đoạn văn tả cảnh biển lúc bình minh:

Vào những buổi bình minh, cảnh biển ……… Mặt trời ……….từ từ……….Trên biển, từng đoàn thuyền đánh cá giương buồm……..Những con sóng lớn nhỏ……..xô bờ. Xa xa, từng đàn hải âu……….Phía chân trời, những đám mây ……….như bông………trôi.

+ Bài tập về tổ chức, sắp xếp các chi tiết, luận cứ phù hợp

Bài tập 1: Khi nhận xét về phong cảnh làng quê ở quê em, có hai bạn đã nhận xét như sau:

Bạn A: Quê bạn đẹp nhưng buồn.

Bạn B: Quê bạn buồn nhưng đẹp.

Em thích nhận xét nào hơn? Vì sao?

Bài tập 2: Bạn thân của em rất lười học, em hãy tìm lí lẽ và sắp xếp chúng hợp lí để thuyết phục bạn ấy học tốt hơn.

Bài tập 3: Hà Nội là thủ đô của nước ta, có nhiều đặc điểm khác nhau:

a) Có nhiều di tích lịch sử b) Nhiều món ăn ngon c) Nhiều cảnh đẹp d) Ồn ào và bụi bặm.

Hãy lựa chọn và sắp xếp chúng lại thành một lập luận để thuyết phục người nghe theo hai hướng:

- Nên đi du lịch tới Hà Nội vào mùa hè này.

- Không nên đi du lịch tới Hà Nội vào mùa hè này.

Bài tập 4: Cách sắp xếp các chi tiết trong đoạn văn sau có hợp lí không? Nếu không em hãy viết lại cho đúng.

Ngày xưa, ở xã Nam Mẫu, tỉnh Bắc Kạn mở một ngày hội cúng Phật. Mọi người ai cũng nô nức xem, ai cũng làm việc tốt để cầu phúc đức.

Trong ngày hội đó, bỗng xuất hiện một bà lão ăn mày trông rất gớm ghiếc. Hầu như chẳng ai quan tâm tới bà, đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Nhưng hai mẹ con nông dân kia thật nhân hậu. Bà lão đi đến đâu cũng thều thào mấy tiếng: “Đói lắm các ông, các bà ơi!”. Khi gặp bà cụ, hai mẹ con nhà kia đã mời bà về nhà ăn cơm. Đó là một bà lão trông đã cao tuổi, gầy gò, người lở loét, trông rất bẩn thỉu……

+ Bài tập về sử dụng dấu hiệu giá trị học

Bài tập 1: Tìm những chi tiết để miêu tả cảnh vườn rau vào buổi sáng sớm. (ví dụ: về cảnh vật, không khí, bầu trời như thế nào….)

Bài tập 2: Cho đoạn văn sau:

“Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà duyên dáng. Nét duyên dáng của Hạ Long chính là cái tươi mát của sóng nước, cái rạng tỡ của đất trời. Sóng nước của Hạ Long quanh năm trong xanh. Đất trời Hạ Long bốn mùa say nắng. Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.”

Em hãy tìm những chi tiết miêu tả về cảnh vật ở Hạ Long. Qua những chi tiết ấy, em có nhận xét gì về cảnh vật nơi đây?

+ Bài tập về sử dụng lẽ thường trong bài văn

Bài tập 1: Hãy nêu nội dung của các câu tục ngữ, thành ngữ sau:

a) Có công mài sắt, có ngày nên kim b) Chơi dao có ngày đứt tay

c) Bán anh em xa mua láng giềng gần

Bài tập 2: Các phát ngôn sau được tạo nên dựa vào những câu tục ngữ, thành ngữ nào?

a) Do không vâng lời cha mẹ nên Tuấn ngày càng hư hỏng.

b) Trang tuy đẹp nhưng lười biếng và xấu tính. Đừng chơi với cô ấy. c) Bởi chơi với Linh nên Nam ngày càng tiến bộ trong học tập. Bài tập 3: Đặt câu với các câu tục ngữ sau:

a) Lửa thử vàng, gian nan thử sức. b) Dám nghĩ, dám làm

c) Uống nước nhớ nguồn

Bài tập 4: Viết đoạn văn có sử dụng một trong các câu tục ngữ trên. Mỗi một bài tập sẽ rèn cho HS những kĩ năng lập luận khác nhau, các em sẽ biết cách rút ra cho mình những hiểu biết nhất định, sẽ dần dần thấm nhuần những kĩ năng lập luận, qua đó các em sẽ biết so sánh với những lập luận của mình đã xây dựng từ trước mà biết nhận ra lỗi sai của mình, đồng thời tự điều chỉnh được cách sắp xếp các chi tiết, luận cứ, biết lựa chọn các từ ngữ để xây dựng các lập luận đúng.

Các bài tập được lồng ghép trong các giờ học trên lớp hoặc được tổ chức trong các giờ học ngoại khoá, trong các tiết ôn tập. Tuỳ theo từng điều kiện cụ thể mà GV giúp HS chữa lỗi thông qua hệ thống bài tập.

Một phần của tài liệu Thực trạng lỗi về lập luận trong bài tập làm văn của học sinh lớp 4, 5 và biện pháp khắc phục (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w