8. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Chữa lỗi về lập luận trong giờ trả bài tập làm văn
3.2.1.1. Mục đích, ý nghĩa biện pháp
Giờ trả bài là giờ học giúp cho học sinh rèn được kĩ năng kiểm tra, đánh giá, tự điều chỉnh bài viết của mình và cả của bạn. Trong giờ trả bài việc học sinh cần đạt được là thông qua bài viết của mình với lời nhận xét đánh giá cho điểm của giáo viên học sinh sẽ thấy được mình làm được gì và chưa làm được gì. Qua những lỗi mà mình mắc phải học sinh sẽ biết sửa lỗi trong các bài viết sau hay đơn giản là trong lời nói hàng ngày. Chính vì lẽ đó giờ trả bài cũng là giờ học quan trọng, giáo viên không nên lơ là và học sinh cũng không nên thờ ơ nghĩ rằng bài này đã làm rồi, chấm điểm rồi giờ không cần chú ý nữa. Để tránh tình trạng này giáo viên phải làm cho giờ trả bài không chỉ đơn giản là phát trả lại bài cho học sinh mà cần tổ chức các hoạt động thật hiệu quả giúp học sinh thấy được cái được và cái chưa được, thấy được các lỗi trong bài làm của mình.
3.2.1.2. Cách thức tổ chức thực hiện
Mỗi học sinh có một bài làm riêng thể hiện cái cá nhân cái riêng của các em trong các bài văn của mình. Bên cạnh việc giáo viên sửa cho học sinh các lỗi về chính tả thì việc sửa lỗi về lập luận trong cách dùng từ ngữ, cách lựa chọn các luận cứ, chi tiết hay các phương tiện ngôn ngữ là rất phù hợp và cần thiết. Giáo viên có thể sửa các lỗi cho các em qua lời nhận xét của mình, chỉ ra các lỗi mà các em còn gặp phải. Đồng thời để đỡ tốn thời gian và mang lại hiệu quả cho nhiều học sinh cùng một lúc thì giáo viên có thể chọn lỗi mà nhiều học sinh mắc phải và sửa chung cho cả lớp trước lớp học.
Trong giờ trả bài TLV học sinh được rèn luyện kĩ năng kiểm tra, đánh giá, tự điều chỉnh bài viết. Đây là một kĩ năng quan trọng trong hoạt động
giao tiếp. Kĩ năng kiểm tra mà học sinh phải rèn là kĩ năng đối chiếu văn bản nói viết của bản thân với mục đích giao tiếp và yêu cầu diễn đạt, sửa lỗi về hình thức trình bày và nội dung diễn đạt. Các em phải nhận xét bài văn của bạn và của mình, từ đó rút kinh nghiệm và tự sửa chữa bài văn, đoạn văn đã được GV chấm. Để tiết dạy trả bài được hiệu quả, GV cần thực hiện theo các bước sau:
- Xét xem bài làm đã xác định đúng yêu cầu của đề bài chưa - Xác định mục đích lập luận nhằm hướng đến nội dung gì?
- Kiểm tra việc tổ chức, sắp xếp các luận cứ đã phù hợp với kết luận chưa. - Kiểm tra việc lựa chọn và sử dụng các luận cứ có phù hợp với kết luận không.
- Việc sử dụng các dấu hiệu giá trị học có phù hợp với nội dung kể và tả chưa.
- Các lẽ thường được sử dụng có phù hợp với nội dung bài văn hay không.
Để thực hiện các bước trên GV nên cho HS dựa vào đó để nhận xét bài của mình hoặc bài của bạn bằng các cách sau:
- Tổ chức cho HS thao tác ngay trên bài làm của mình để nhận ra các lỗi lập luận có trong bài.
- HS có thể trao đổi bài với nhau hoặc cùng nhận xét chung bài làm của bạn để nhận ra những cách lập luận hay, những lỗi lập luận thường mắc phải khi sử dụng các yếu tố lập luận trong bài tập làm văn.
- Tổ chức làm việc trên các bài làm của HS và phân loại những dạng bài có lỗi chung thường gặp, những bài làm có cách lập luận hay để làm ngữ liệu hay cho tiết trả bài. Các bài làm của HS có thể được GV chế biến lại để làm ngữ liệu trong bài tập sửa lỗi lập luận để tránh ảnh hưởng đến tâm lí HS là tác giả của bài viết. Vì thế, để tiết học đạt hiệu quả tốt, GV cần phải chấm
kĩ bài làm của HS rồi thống kê các loại lỗi để tìm ra những lỗi phổ biến, những lỗi cần khắc phục, ghi chép tư liệu cẩn thận để phục vụ cho việc nhận xét và hướng dẫn chữa lỗi.
Trong một tiết trả bài TLV ở tiểu học, GV không nên ôm đồm chữa tất cả các lỗi mà nên chữa các lỗi phổ biến, lỗi mà nhiều HS mắc phải trong bài văn đó. Mỗi một tiết trả bài GV nên lựa chọn các lỗi khác nhau, việc sửa lỗi phải mang lại hiệu quả cao, đảm bảo HS rút ra được kinh nghiệm làm bài, hạn chế tối đa việc lặp lại lỗi trong bài làm sau. Sở dĩ như vậy là do lập luận bao hàm nhiều tiểu nội dung, từ cấu trúc lập luận, tác tử, kết tử, quan hệ lập luận. Do đó, GV cần chọn lỗi rồi xây dựng rõ các lệnh cũng như nội dung cần sửa khi dạy.
Ví dụ:
+ Yêu cầu HS tìm một hoặc nhiều câu văn trong đoạn, bài văn có nội dung không phù hợp với chủ đề đoạn, bài.
+ Yêu cầu HS tìm các câu có sự liên kết không chặt chẽ giữa luận cứ với kết luận.
+ Tìm một hay nhiều câu sắp xếp chưa hợp lí giữa luận cứ và kết luận. + Tìm những từ ngữ được sử dụng chưa phù hợp với nội dung trong câu hoặc đoạn văn.
Dạng yêu cầu thường xuyên sử dụng nhất trong tiết trả bài viết là yêu cầu phát hiện và sửa lỗi lập luận trong bài văn của mình. Nên từ những lỗi mà học sinh mắc phải trong bài làm của mình, giáo viên hướng dẫn học sinh chữa những lỗi chung về nội dung như sai các chi tiết, sự việc hay việc dùng từ, đặt câu, sắp xếp ý chưa phù hợp dẫn đến lập luận của mình không đạt hiệu quả cao nhất. Nên tránh sửa lỗi một cách máy móc, phiến diện. Khi chữa bài phải tôn trọng ý của các em, nếu các em chỉ sai lỗi diễn đạt thì khi chữa không làm sai hoặc lạc ý của nội dung mà các em muốn bày tỏ. Bởi vì đây không phải là
tiết học châm biếm hay phê bình lẫn nhau mà là giờ học hỏi, rút kinh nghiệm về lập luận.
Tuỳ thời gian cho phép mà giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thực hiện yêu cầu sửa lại bài hoặc viết lại đoạn văn ngay tại lớp, hay luyện tập thêm ở nhà để nâng cao kĩ năng viết văn. Nên cho học sinh viết lại đoạn văn mà việc lập luận chưa chặt chẽ, các luận cứ, lí lẽ đưa ra chưa phù hợp, chưa có sức thuyết phục. Sau khi các em viết lại, giáo viên cần cho các em so sánh để thấy sự tiến bộ và tự rút kinh nghiệm về cách làm bài văn để đạt kết quả tốt hơn.