Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQL trường TH

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học huyện mang thít, tỉnh vĩnh long (Trang 84)

3.2.3.1. Ý nghĩa, mục tiêu.

Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL ở các trường TH. Quản lý là một nghề, để trở thành người quản lý giỏi, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các nhiệm vụ quản lý, nhất thiết người quản lý phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm

chắc nghiệp vụ quản lý. Hay nói cách khác phải có trình độ khoa học về quản lý, bên cạnh đó cần phải có nghệ thuật quản lý. Trong tình hình bùng nổ khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục các nước trên thể giới, đặt ra cho giáo dục nước ta một thách thức vô cùng to lớn đó là phải tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ra những con người năng động, sáng tạo và có năng lực hội nhập với thế giới. Điều này đòi hỏi giáo dục cần phải có những quyết sách đúng đắn, đổi mới về nhận thức, đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục từ chính sách, cơ chế, nội dung, phương thức...đến giải pháp, công cụ quản lý. Một trong những nội dung quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là phải thường xuyên bồi dưỡng CBQL giáo dục nói chung, CBQL ở các trường TH nói riêng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng vô cùng quan trọng, để người CBQL nâng cao phẩm chất cũng như năng lực quản lý đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của giáo dục trong thời đại hiện nay.

3.2.3.2.Yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Nội dung của đào tạo, bồi dưỡng được quy định bởi các tiêu chí về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của CBQL trường TH. Đào tạo, bồi dưỡng còn góp phần khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực trong mỗi con người, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần căn cứ vào chuẩn Hiệu trưởng trường TH được ban hành theo Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 08/4/2011 của Bộ GD&ĐT, thể hiện ở 4 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí; Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường TH đạt mức chất lượng tối thiểu, trường TH đạt chuẩn quốc gia (mức độ 1 và mức độ 2).

Như vậy, nội dung bồi dưỡng CBQL bậc TH có quan hệ mật thiết với chuẩn các trường TH theo quy định chung hiện nay, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm cụ thể và yêu cầu phát triển KT-XH của huyện Mang Thít.

Xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chương trình, nội dung, tiến trình đào tạo, bồi dưỡng CBQL trường TH phù hợp với đối tượng đương chức và đối tượng trong quy hoạch. Cần đầu tư thích đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng CBQL; thực hiện tốt chính sách lựa chọn, bố trí, sử dụng và quản lý CBQL trường TH. Tổ chức thi CBQL giỏi theo định kỳ và có hình thức chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng là động lực lớn nhất để thúc đẩy sự phấn đấu vươn lên của từng CBQL.

3.2.3.3. Quy trình và cách thức thực hiện.

- Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ CBQL ở các trường TH của huyện Mang Thít về số lượng, chất lượng, cơ cấu

Đây là công việc mà phòng GD&ĐT cần tiến hành thường xuyên hàng năm hoặc trước yêu cầu đột xuất của công tác cán bộ. Yêu cầu của khảo sát, đánh giá phải chính xác, khách quan, có hồ sơ lưu trữ một cách hệ thống, khoa học. Khảo sát, đánh giá CBQL không thể theo ý kiến một cá nhân mà phải căn cứ vào kết quả công việc, tiêu chuẩn cán bộ và dựa vào ý kiến tập thể. Công tác khảo sát, đánh giá CBQL làm đúng yêu cầu sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý có những thông tin cần thiết để xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL. Vì vậy, cần phải có tiêu chí đánh giá, phòng GD&ĐT căn cứ vào các tiêu chuẩn CBQL, căn cứ vào chất lượng, hiệu quả công việc để xây dựng tiêu chí đánh giá.

- Dự báo quy mô, nhu cầu CBQL ở các trường TH

+ Căn cứ quy mô phát triển trường tiểu học trong huyện. Theo kế hoạch phát triển giáo dục của cấp TH xây dựng đến năm 2020 số trường TH trong huyện là 26 trường.

+ Căn cứ Thông tư liên bộ số: 35/2006/TTLT – BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

+ Căn cứ vào thực trạng độ tuổi CBQL qua khảo sát. Trong 5 năm tới, số lượng CBQL ở các trường TH trên địa bàn huyện đến tuổi nghỉ hưu là 16 người = 25%. Vì vậy số cán bộ kế cận để bổ sung, thay thế CBQL nghỉ hưu cũng phải tương xứng.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL và cán bộ kế cận

Việc khảo sát, đánh giá và dự báo về CBQL đương chức và kế cận là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL.

Kế hoạch cần được xây dựng từ đơn vị trường TH, có cơ sở khoa học, mang tính khả thi.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải trên cơ sở nhu cầu và sự cân đối các nguồn kinh phí (nguồn kinh phí Nhà nước cùng với nguồn ngoài ngân sách Nhà nước), về con người và phương tiện, thiết bị dành cho đào tạo, bồi dưỡng.

Kế hoạch sau khi đã phê duyệt, được công khai để CBQL đương nhiệm và CBQL kế cận biết, chủ động sắp xếp công việc, thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng.

Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch: Đến cuối năm 2015 có 100% cán bộ kế cận trong danh sách năm 2013 được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Số CBQL hiện có đã học cách đây 5 năm cần được cử đi học vòng 2 để cập nhật kiến thức mới.

- Xác định nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBQL và cán bộ kế cận, dự nguồn

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ CBQL ở các trường TH của huyện Mang Thít, căn cứ vào yêu cầu đổi mới giáo dục TH, nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBQL cần chú ý tập trung là:

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý: Bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý giáo dục, quản lý Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực khác nhau như: Thanh tra, kiểm tra nội bộ trường học; Quản lý thu chi tài chính; Quản lý dạy thêm, học thêm; Quản lý tài sản, thiết bị dạy học; Công tác xã hội hoá giáo dục...

+ Bồi dưỡng kỹ năng quản lý: Để người CBQL thực hiện tốt các chức năng quản lý cần bồi dưỡng họ những kỹ năng sau:

Thứ nhất: Kỹ năng, kỹ thuật quản lý cần thiết nhất cần chú trọng bồi dưỡng đầu tiên đó là: Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng tổ chức công việc; Kỹ năng phân công chuyên môn, lập thời khoá biểu; Kỹ năng về quản lý tài chính; Kỹ năng về quản lý dạy học và giáo dục; Kỹ năng quản lý học sinh.

Thứ hai: Là kỹ năng nhân sự. Đó là những kỹ năng hoà nhập với mọi người trong lao động chung, kỹ năng động viên từng người trong tập thể. Kỹ năng nhân sự là rất cần thiết với CBQL giáo dục nói chung, CBQL trường tiểu học nói riêng, đó là tổng hợp nhiều kỹ năng riêng như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phát biểu, kỹ năng điều khiển cuộc họp, kỹ năng khích lệ và thuyết phục, kỹ năng phát - nhận và xử lý thông tin...

Thứ ba: Là kỹ năng nhận thức. Đó là khả năng tư duy về công việc, khả năng định hướng công việc, nắm bắt mối liên quan giữa các công việc, gồm: Nhận thức về mục tiêu đào tạo; Nhận thức về đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục phổ thông; Nhận thức về xã hội hoá giáo dục; Nhận thức về dân chủ hoá trường học...

+ Bồi dưỡng kiến thức chính trị xã hội: Bồi dưỡng lý luận chính trị cho CBQL và đội ngũ kế cận, theo chương trình trung cấp, cao cấp do trường Chính trị Phạm Hùng tổ chức. Bồi dưỡng, cập nhật thêm về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

+ Bồi dưỡng kiến thức tin học và ngoại ngữ: Đối với CBQL, kiến thức tin học có ý nghĩa nhiều mặt. Nó tạo điều kiện khai thác thông tin từ trên mạng góp phần thực hiện các chức năng quản lý, đem lại sự tự tin, hoà nhập và thích ứng với sự phát triển xã hội. Để bồi dưỡng tin học cho CBQL cần có những hình thức và biện pháp sau: CBQL cần phải học những chương trình bồi dưỡng thiết thực do phòng GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, giảng dạy. CBQL phải bắt buộc biết tin học văn phòng, biết sử dụng và khai thác mạng Internet, ngoài ra còn biết ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý. Kiến thức về ngoại ngữ, CBQL cũng cần được học tập, bồi dưỡng. Riêng đối với giáo viên trẻ cận, phòng GD&ĐT đưa ra tiêu chuẩn cần có kiến thức về ngoại ngữ, tin học.

+ Bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn: Trong nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBQL, kiến thức chuyên môn là nền tảng tư duy và phương pháp luận khoa học cho công tác quản lý. Những CBQL, hoặc những người kế cận có trình độ trung học sư phạm thì cần được học lên Đại học, những người có trình độ Đại học thì cần học lên Thạc sỹ. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT cần chú ý bồi dưỡng các chuyên đề như: Chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học; Sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học; Chỉ đạo đổi mới giáo dục; Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Phụ đạo học sinh yếu...

+ Bồi dưỡng kiến thức khác: Đó là những kiến thức về truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, về bản sắc văn hoá dân tộc, kiến thức cơ bản về an ninh quốc phòng, về tôn giáo, giao thông, phòng cháy chữa cháy...

Tóm lại: Tri thức từ lâu đã được ví như chiếc chìa khoá vạn năng. Các nội dung đào tạo trên đây không tách rời mà gắn bó, bổ trợ cho nhau, giúp người cán bộ quản lý thực hiện có hiệu quả các chức năng quản lý của mình. Đào tạo, bồi dưỡng muốn đạt kết quả cần lựa chọn những hình thức sao cho thích hợp.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học huyện mang thít, tỉnh vĩnh long (Trang 84)