1.4.1. Bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lƣơng thực quốc gia
Trong nhiều năm qua, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng đất đai có hiệu quả nên sản lượng lương thực liên tục tăng trưởng. Sản xuất lúa gạo đã đảm bảo nhu cầu trong nước và đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Tuy vậy, bảo vệ đất nông nghiệp trong tình hình hiện nay ở nước ta được đặt ra hơn bao giờ hết. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang lấn chiếm diện tích đất nông nghiệp của nước ta. Việt Nam là nước có bình quân đầu người về đất nông nghiệp thuộc loại thấp trên thế giới, khoảng 1000 m2/người trong khi diện tích bình quân trên thế giới là 4000 m2 /người [33, tr 26]. Trong khi đó, ở nước ta tốc độ tăng dân số vào loại cao trên thế giới. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/4/2009 dân số Việt Nam là 86,02 triệu người, là nước đông dân đứng thứ 15 trên thế giới, nước ta cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số còn tập trung ở khu vực nông thôn, đất đai là điều kiện sống còn của một bộ phận lớn dân cư. Hàng năm, chúng ta đã phải chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp cho nhu cầu xây dựng và công nghiệp cũng như các mục đích khác nhau trong đời sống xã hội. Do vậy bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp là hết sức cần thiết không những đối với vấn đề an ninh quốc gia mà còn đối với các vấn đề ổn định an toàn xã hội như việc làm và đời sống của người nông dân.
Bảo vệ đất nông nghiệp đối với vấn đề an ninh lương thực trong nhiều năm qua đã được Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo cả trước
mắt và lâu dài mang tính chất chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Mặc dù đã xác định an ninh lương thực là tối quan trọng nhưng với một đất nước đông dân, thiên tai luôn đe doạ thì nguy cơ khủng hoảng lương thực vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Do đó chúng ta cần tiếp tục nhận thức và hành động tương xứng với vị trí và vai trò của việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nhất là diện tích đất trồng lúa và an ninh lương thực. Luật đất đai năm 2003 đã ghi nhận nguyên tắc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa với vai trò an ninh lương thực quốc gia. Điều này có thể thấy vai trò của an ninh lương thực trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta đã được thể chế hoá bằng pháp luật coi đây như một trong những nguyên tắc của luật đất đai. Luật có tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Bằng việc quy định nguyên tắc ưu tiên và bảo vệ đất lúa của Luật đất đai năm 2003. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước, hạn chế chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất chuyên trồng lúa nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao. Người sử dụng đất chuyên trồng lúa nước có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, Nhà nước nghiêm cấm việc mở rộng tuỳ tiện khu dân cư không theo quy hoạch và không cần thiết đối với nhu cầu của xã hội trong tình hình hiện nay.