Miền Bắc bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, liên tiếp các chương trình 3 năm, 5 năm được Đảng đề ra nhằm khôi phục và phát triển kinh tế. Phù hợp với chính sách đó, pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp cũng có những thay đổi nhằm giải quyết nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tháng 5/1955, Quốc hội ban hành 8 chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp tạo chuyển biến
vượt bậc về kết quả sản xuất và đời sống nhân dân, 85% diện tích ruộng đất bỏ hoang đã được phục hóa;
Hiến pháp 1959 được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959 ra đời đã ghi nhận đa quyền sở hữu về đất đai, quy định khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ sự phát triển của kinh tế HTX. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu ruộng đất, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trong những năm 1961-1965, Đảng chủ trương tiếp tục thu hút nông dân cá thể vào HTX bậc thấp đến bậc cao, mở rộng hơn nữa quy mô HTX nhằm tập trung cao độ xây dựng cơ sở vật chất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và đáp ứng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên việc lấy ngày công làm thước đo lao động cùng nhiều chính sách bất hợp lý đã làm cho phát sinh nhiều tiêu cực trong thực tiễn triển khai. Nông dân không quan tâm đến ruộng đất, đất đai bạc màu, tập thể làm chủ ruộng đất dẫn đến ruộng đất vô chủ, tính chất bình quân đóng góp vào tập thể tạo định kiến không quý trọng đất đai, ruộng đất không giá. Trong thời kỳ này, sự chuyển biến từ tư hữu hoá sang công hữu hoá ruộng đất nhưng cách làm chủ quan, nóng vội, đồng loạt đã mang lại tổn thất nặng nề, sản xuất bị đình trệ và làm cho nền kinh tế xã hội có sự khủng hoảng nhất định.
Quyết định số 68-KT/QĐ của Bộ kinh tế ngày 18/11/1963 đã đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng trên với việc quy định chặt chẽ về quản lý và sử dụng đất, cụ thể là các quy định về điều tra đất, sử dụng đất vào mục đích trồng trọt thâm canh, tiết kiệm, bảo vệ cũng như các biện pháp bồi bổ đất đai.
Cuối năm 1974, đầu năm 1975 chủ trương xây dựng cấp huyện và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp được được triển khai mạnh mẽ. Phong trào đã tạo ra “các công trường thủ công” làm thủy lợi, khai hoang, lập vùng kinh tế mới. Mô hình tập thể hóa nông nghiệp đã đạt đến đỉnh cao, hoàn chỉnh, phân
công lao động trong HTX nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa. Sự tập trung kinh tế trong nông nghiệp tạo cơ sở vật chất đáp ứng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.